Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ: Tất cả những gì bạn cần biết!
Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ thuộc nhóm tội phạm ít nghiêm trọng do khung hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù tới 3 năm. Với bề dầy kinh nghiệm trong lĩnh vực tố tụng hình sự, chúng tôi sẽ trình bầy những vấn đề cơ bản nhất về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ: thế nào là tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, các cấu thành tội phạm, các khung hình phạt, các căn cứ để toà án quyết định hình phạt cụ thể với từng vụ án, các hướng luật sư có thể bào chữa cho bị cáo tội phạm này…
1. Cơ sở pháp lý quy định tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là gì ?
Cơ sở pháp lý quy định trách nhiệm hình sự đối với tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
2. Thế nào là tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ ?
Một người bị coi là phạm tội tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ khi có các dấu hiệu sau đây. Các dấu hiệu này là các cấu thành tội phạm mà khi có đủ các cấu thành tội phạm này thì mới có thể kết luận người đó phạm tội.
a. Chủ thể của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
Chủ thể của tội giết con mới đẻ là người mẹ mới sinh con, cụ thể là mới sinh con trong vòng 7 ngày. Người mẹ có tâm lý, sinh lý chưa bình thường do ảnh hưởng của việc sinh con.
Người mẹ này từ đủ 16 tuổi trở lên, điều này có nghĩa là nếu người mẹ chưa tròn 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
b. Hành vi khi phạm tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
Hành vi khách quan:
Hành vi khách quan của tội giết con mới đẻ có nội dung tương tự như hành vi khách quan của tội giết người. Đó là hành động hoặc không hành động của người mẹ có khả năng chấm dứt sự sống của đứa con trong vòng 07 ngày tuổi:
- Hành động: vứt con, giết con (làm con nghẹt thở, gây thương tích chết người cho con…)
- Không hành động: không cho con bú…
Hậu quả:
Hậu quả của tội phạm được quy định ở tội giết con mới đẻ là hậu quả chết người như ở tội giết người. Hậu quả chết người ở đây không nhất thiết phải là nạn nhân tử vong mà là hậu quả có thể gây chết người.
Để truy cứu trách nhiệm hình sự người mẹ thì phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của người mẹ và cái chết của người con: hành vi của người mẹ là nguyên nhân trực tiếp gây ra việc con mới đẻ tử vong.
c. Lỗi của chủ thể tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
Yếu tố lỗi của tội này là lỗi cố ý: người mẹ chủ tâm sát hại con mới đẻ của mình. Lý do của việc phạm tội là tư tưởng lạc hậu, do hoàn cảnh khách quan, do tâm sinh lý bất ổn của người mẹ. Nếu người mẹ giết con mình vì mục đích khác như trả thù thì sẽ bị truy cứu về tội khác (tội giết người)
3. Các khung hình phạt đối với tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là gì ?
Điều 124 Bộ luật hình sự 2015 quy định 2 khung hình phạt đối với tội này. Khung hình phạt thấp nhất phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, cao nhất là phạt tù 3 năm:
a. Hình phạt theo khoản 1 điều 124 đối với tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà GIẾT con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
b. Hình phạt theo khoản 2 điều 124 đối với tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà VỨT BỎ CON do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
4. Căn cứ quyết định mức hình phạt đối với người phạm tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là gì?
Tòa án căn cứ vào quy định tại Điều 124, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
a. Các tình tiết tăng nặng đối với tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
Các tình tiết tăng nặng đối với tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ có thể là:
- Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội;
- Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
và các tình tiết tăng nặng khác được quy định tại Điều 52 Bộ Luật hình sự 2015
b. Các tình tiết giảm nhẹ đối với tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
Các tình tiết giảm nhẹ được quy định Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015. Đối với tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, các tình tiết giảm nhẹ có thể là:
- Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
- Người phạm tội tự thú;
- Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
- Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
- Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
- Người phạm tội đầu thú
Những lưu ý quan trọng:
Khi quyết định mức hình phạt đối với bị cáo tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, Toà án có thể dựa vào Điều 54 Bộ luật hình sự 2015 để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, đó là:
- Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015.
- Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
c. Phạm tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ nhưng chưa đạt thì hình phạt thế nào?
Căn cứ Điều 15 Bộ luật hình sự 2015, đối với trường hợp phạm tội tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ nhưng chưa đạt (con không tử vong), thì nếu bị tuyên phạt tù thì mức phạt tù không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định, cụ thể là:
- không quá 24 tháng nếu giết con mới đẻ
- không quá 18 tháng nếu vứt bỏ con mới đẻ
d. Tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ thì hình phạt thế nào?
Nếu tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (thí dụ: làm con ngạt thở rồi dừng lại khi con tím tái, bỏ đói con rồi cuối cùng lại cho con bú…) được miễn trách nhiệm hình sự về tội tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, căn cứ Điều 16 Bộ luật hình sự 2015.
e. Khi nào được loại trừ trách nhiệm hình sự đối với tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ?
Người phạm tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu phạm tội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, căn cứ Điều 21 Bộ luật hình sự 2015.
f. Có thể thay thế phạt tù bằng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với tội giết con mới đẻ không ?
Toà án xem xét, cân nhắc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội này, nếu người đó có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng, căn cứ Điều 36 Bộ luật hình sự 2015.
g. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là bao lâu?
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 5 năm.
Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ. Nếu bạn cần được tư vấn chi tiết và được giải đáp các thắc mắc trong từng trường hợp cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Thái An – luật sư sẽ giải thích cặn kẽ những gì chưa thể hiện được hết trong bài viết này.
5. Hướng bào chữa tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ như thế nào?
Khi có căn cứ vững chắc, luật sư có thể bào chữa cho bị cáo tội tội giết con mới đẻ theo một trong các phương án sau đây:
a. Bào chữa cho bị cáo tội giết con mới đẻ theo hướng không phạm tội
Khi bào chữa theo hướng này thì luật sư sẽ khai thác các tình tiết vụ án, lời khai của các đương sự và người làm chứng mà có lợi cho thân chủ mình, một cách triệt để:
- Mối quan hệ giữa bị cáo và nạn nhân có phải mẹ con hay không ? Hay đứa trẻ là con của người khác.
- Người mẹ có chủ tâm hại con mình hay không ? Nếu do người mẹ sơ suất hoặc quá mệt mỏi không chăm sóc con đầy đủ thì chưa đủ cấu thành tội phạm.
- Người mẹ đủ 16 tuổi hay chưa ? Nếu khi phạm tội người mẹ 15 tuổi 11 tháng thì chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
- Nếu có căn cứ, luật sư có thể khai thác các tình tiết để đề nghị Hội đồng xét xử miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo trong các trường hợp đã trình bầy ở phần trên (các trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự).
Thí dụ: Người mẹ bị trầm cảm nặng trong thời gian dài, mất khả năng điều khiển hành vi của mình, có hồ sơ bệnh án của Bệnh viện tâm thần. Trong trường hợp này thì người mẹ được loại trừ trách nhiệm hình sự.
b. Bào chữa cho bị cáo nhóm tội giết con mới đẻ theo hướng giảm nhẹ
Khi có căn cứ, luật sư có thể bào chữa cho bị cáo theo hướng giảm nhẹ về khung hình phạt đối với tội giết con mới đẻ.
- Về nhân thân của người phạm tội: Luật sư phân tích để cho thấy bị cáo phạm tội một phần do trình độ học vấn thấp, điều kiện kinh tế khó khăn, trong cuộc sống có nhiều bất hạnh hoặc không may mắn.
- Luật sư phân tích các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức, thí dụ như bị chồng và gia đình chồng thúc ép, người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải… và các tình tiết giảm nhẹ khác đã nêu ở phần trên.
c. Bào chữa cho bị cáo nhóm tội giết con mới đẻ theo hướng điều tra bổ sung
Căn cứ Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật sư có thể đề xuất Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp sau:
- Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề mà không thể bổ sung tại phiên tòa được: thí dụ đứa trẻ mới sinh chết vì hành vi của người mẹ hay vì một lý do nào khác (không được điều trị khi bị bệnh…)
- Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can: thí dụ người vợ và người chồng cùng nhau bàn bạc, thống nhất không cho con bú hoặc uống sữa…, mẹ chồng giúp sức chùm chăn làm cháu bé ngạt thở
- …
Để có thể yêu cầu Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung, luật sư sẽ thu thập các chứng cứ để chứng mình các vấn đề cơ bản sau:
- Có hành vi phạm tội xảy ra hay không?
- Ai là người thực hiện hành vi phạm tội?
- Mục đích, động cơ phạm tội là gì ?
6. Dịch vụ thuê luật sư hình sự của Luật Thái An
Sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn và tham gia tố tụng là sự lựa chọn rất khôn ngoan. Bởi bạn sẽ hiểu rõ hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của mình, quyền và lợi ích hợp pháp của bạn sẽ được bảo đảm.
Các luật sư Công ty Luật Thái An sẽ tham gia tố tụng với tư cách luật sư bào chữa cho bị cáo hoặc luật sư bảo vệ bị hại trong các vụ án hình sự. Chúng tôi sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng tối đa, chúng tôi làm việc với sự tận tâm, uy tín, thù lao hợp lý:
HÃY LIÊN HỆ NGAY VỚI LUẬT SƯ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN LUẬT VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ!
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024