Khái quát về pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam
Luật sở hữu trí tuệ là một đạo luật quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ đầy đủ với các quy định tương đối chặt chẽ, đồng bộ từ các quy định trong Hiến pháp đến các luật chuyên ngành như Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật Hải quan, v.v… và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Bài viết dưới đây Công ty Luật Thái An sẽ khái quát về pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam để bạn đọc có thể nắm được.
1. Hệ thống pháp Luật sở hữu trí tuệ qua các thời kỳ
Trước khi có Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 các quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã nằm rải rác trên 40 văn bản pháp luật khác nhau và không phải lúc nào cũng phù hợp với nhau.
Ngày 29/11/2005, Quốc Hội ban hành Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 , có hiệu lực kể từ ngày 1/7/ 2006.
Ngày 19/6/2009, Quốc Hội ban hành Luật số 36/2009/QH12 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2010.
Ngày 14/06/2019, Quốc Hội ban hành Luật số 42/2019/QH14 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2019.
Ngày 16/6/2022, Quốc Hội ban hành Luật số 07/2022/QH15 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ, có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, trong đó, các quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm đối với hóa chất nông nghiệp sẽ có hiệu lực từ ngày 14/01/2024.
Ngoài các Luật sở hữu trí tuệ trên, còn có các nghị định, thông tư, thông tư liên tịch, quyết định và quy chế đã được ban hành với các quy định và hướng dẫn chi tiết để thi hành các Luật Sở hữu trí tuệ.
2. Vai trò của Luật sở hữu trí tuệ
Luật sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò quan trọng sau khi được ban hành, có thể kể đến một số vai trò của Luật sở hữu trí tuệ như sau:
- Tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ;
- Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất – kinh doanh;
- Góp phần khuyến khích hoạt động lao động sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của nhiều cá nhân vào hoạt động cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học;
- Góp phần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ; thu hút đầu tư nước ngoài;
- Thúc đẩy hoạt động cạnh tranh lành mạnh;
- Thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
3. Phạm vi, đối tượng và phương pháp điều chỉnh của Luật sở hữu trí tuệ
Luật sở hữu trí tuệ điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành giữa các chủ thể trong việc tạo ra, sử dụng và chuyển giao các sản phẩm sáng tạo trí tuệ.
Theo đó Luật sở hữu trí tuệ quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó.
Tại Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, Khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 quy định:
- Quyền sở hữu trí tuệ: là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng
- Quyền tác giả: là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
- Quyền liên quan đến quyền tác giả: là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
- Quyền sở hữu công nghiệp: là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.
- Quyền đối với giống cây trồng: là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu. Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.
Luật sở hữu trí tuệ có phương pháp điều chỉnh mang đặc điểm của phương pháp điều chỉnh luật dân sự, đó là:
- Bảo đảm sự bình đẳng về địa vị pháp lý của các chủ thể
- Bảo đảm quyền tự định đoạt của các chủ thể
- Bảo đảm sự cân bằng lợi ích trong xã hội
4. Căn cứ phát sinh các quyền sở hữu trí tuệ theo Luật sở hữu trí tuệ là gì?
Theo quy định tại Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ 2005, khoản 1 Điều 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019 thì căn cứ phát sinh các quyền sở hữu trí tuệ là:
4.1 Căn cứ phát sinh quyền tác giả
Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
4.2 Căn cứ phát sinh quyền liên quan đến quyền tác giả
Quyền liên quan đến quyền tác giả phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa, được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.
4.3 Căn cứ phát sinh quyền sở hữu công nghiệp
Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành
viên.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;
Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó.
Lưu ý: Đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.
4.4 Căn cứ phát sinh quyền đối với giống cây trồng
Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ.
Lưu ý: Đối với các đối tượng được xác lập quyền trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người muốn có quyền phải làm đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ. Cục Sở hữu trí tuệ hoặc Văn phòng bảo hộ giống cây trồng sẽ xem xét sự phù hợp của đơn đăng ký và đối tượng đăng ký với các quy định pháp luật tương ứng để từ chối hoặc cấp văn bằng bảo hộ.
5. Chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ là ai?
Thứ nhất: Chủ thể quyền tác giả
Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật. Cụ thể, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác;
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam tham gia.
Thứ hai: Chủ thể quyền liên quan đến quyền tác giả
Những chủ thể sau được bảo hộ quyền liên quan đến quyền tác giả:
- Diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật (được gọi chung là người biểu diễn);
- Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu cuộc biểu diễn (quy định tại Điều 44 Luật SHTT);
- Tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác (gọi nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình);
- Tổ chức khởi xướng và thực hiện việc phát sóng (gọi là tổ chức phát sóng).
Thứ ba: Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp
- Chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí: là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp tương ứng.
- Chủ sở hữu nhãn hiệu: là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu đã đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc có nhãn hiệu nổi tiếng.
- Chủ sở hữu tên thương mại: là tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên thương mại đó trong hoạt động kinh doanh.
- Chủ sở hữu bí mật kinh doanh: là tổ chức, cá nhân có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Bí mật kinh doanh mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
- Chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam: là Nhà nước. Nhà nước trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường. Nhà nước trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.
Thứ tư: Chủ thể đối với giống cây trồng mới
Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng là tổ chức, cá nhân tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc đầu tư cho công tác chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc được chuyển giao quyền đối với giống cây trồng.
6. Các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo Luật sở hữu trí tuệ
Pháp luật sở hữu trí tuệ có nhiều công cụ pháp lý khác nhau để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, ví dụ như:
- Các sản phẩm và quy trình sáng tạo có thể được bảo hộ theo sáng chế và giải pháp hữu ích;
- Các kiểu dáng sáng tạo, gồm cả kiểu dáng dệt may, được bảo hộ theo kiểu dáng công nghiệp;
- Thương hiệu được bảo hộ theo nhãn hiệu;
- Mạch bán dẫn được bảo hộ theo thiết kế bố trí hoặc mạch tích hợp bán dẫn;
- Chỉ dẫn hàng hóa có chất lượng hay danh tiếng nhất định gắn với xuất xứ địa lý được bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý;
- Bí mật thương mại bảo hộ thông tin bí mật có giá trị thương mại;
- Tác phẩm văn hóa, nghệ thuật và văn học, kể cả phần mềm máy tính và sưu tập dữ liệu, được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan.
7. Thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là bao lâu?
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, thời hạn bảo hộ áp dụng cho các đối tượng cụ thể như sau:
- Quyền nhân thân của tác giả (trừ quyền công bố) được bảo hộ vô thời hạn;
- Quyền công bố tác phẩm và quyền tài sản (đối với quyền tác giả) có thời hạn bảo hộ như sau:
- Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên;
- Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn 25 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là 100 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định dưới đây;
- Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm trên, thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;
- Quyền của người biểu diễn được bảo hộ 50 năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình;
- Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ 50 năm tính từ năm tiếp theo năm công bố hoặc 50 năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu bản ghi âm, ghi hình chưa được công bố;
- Quyền của tổ chức phát sóng được bảo hộ 50 năm tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện.
Lưu ý: Thời hạn bảo hộ nêu trên chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31/12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ đối với quyền tác giả hoặc quyền liên quan.
- Quyền đối với sáng chế được cấp Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp Bằng và kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn;
- Quyền đối với sáng chế được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp Bằng và kéo dài đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn;
- Quyền đối với kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và kéo dài đến hết 5 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần 5 năm;
- Quyền đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau: (i) Kết thúc 10 năm kể từ ngày nộp đơn; (ii) Kết thúc 10 năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tại bất kỳ nơi nào trên thế giới; (iii) Kết thúc 15 năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.
- Quyền đối với nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và kéo dài đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm;
- Quyền đối với chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý;
- Quyền đối với giống cây trồng mới: Có hiệu lực từ ngày cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng đến hết 25 năm đối với giống cây thân gỗ và cây nho; đến hết 20 năm đối với các giống cây khác.
8. Khi quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ ở trong nước thì có tự động được bảo hộ ở nước ngoài không?
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền có tính lãnh thổ, nghĩa là chúng thường chỉ được bảo hộ trong lãnh thổ một nước hoặc trong lãnh thổ một khu vực nơi đăng ký và nhận được sự bảo hộ. Vì vậy, sáng chế, nhãn hiệu hay kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ ở trong nước, thông thường sẽ không được bảo hộ ở cả nước ngoài, trừ khi sáng chế, nhãn hiệu hay kiểu dáng công nghiệp này được cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia đó (hoặc khu vực đó) cấp quyền bảo hộ.
9. Dịch vụ tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam
Quyền sở hữu trí tuệ là một tài sản có giá trị to lớn đối với các chủ sở hữu, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là điều vô cùng cần thiết để bảo đảm quyền sở hữu và khai thác các đối tượng sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu nhằm tạo ra giá trị, lợi thế cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ và khẳng định thương hiệu.
Hiểu được điều đó, Công ty Luật Thái An đã và đang cung cấp cho khách hàng các gói dịch vụ tư vấn pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ bao gồm:
- Tư vấn về quyền sở hữu trí tuệ, điều kiện để được bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam
- Tra cứu thông tin liên quan đến quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý…)
- Tư vấn và/hoặc đại diện cho khách hàng xác lập và duy trì quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý … tại Việt Nam và nước ngoài,
- Tư vấn khiếu nại các quyết định liên quan đến việc cấp văn bằng bảo hộ, sửa đổi, gia hạn, đình chỉ, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ…
- Tư vấn chuyển nhượng – chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.
- Tư vấn và/hoặc đại diện cho khách hàng giải quyết các vi phạm sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự (buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại, tiêu huỷ hàng hoá…).
- Tư vấn và/hoặc đại diện cho khách hàng giải quyết các vi phạm sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính hoặc hình sự.
- Tham gia tranh tụng tại các phiên toà để bảo vệ quyền lợi của khách hàng liên quan đến sở hữu trí tuệ
Với đội ngũ luật sư có chuyên môn giỏi, kinh nghiệm hành nghề nhiều năm, tận tâm, tận tuỵ với công việc Luật Thái An chắc chắn sẽ đem đến cho Quý khách hàng các dịch vụ tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ hoàn hảo nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất.
HÃY LIÊN HỆ NGAY VỚI CÔNG TY LUẬT THÁI AN CHÚNG TÔI ĐỂ SỬ DỤNG DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024