Tất tật về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do khung hình phạt cao nhất của tội này là tù chung thân.

Với bề dầy kinh nghiệm trong lĩnh vực tố tụng hình sự, chúng tôi sẽ trình bầy những vấn đề cơ bản nhất về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản: các cấu thành tội phạm, các khung hình phạt, các căn cứ để toà án quyết định hình phạt cụ thể với từng người phạm tội, các hướng luật sư có thể bào chữa cho bị cáo tội phạm này…

1. Cơ sở pháp lý quy định tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản là gì ?

Cơ sở pháp lý quy định trách nhiệm hình sự đối với tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản là Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

2. Thế nào là lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản ?

Một người bị coi là phạm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản khi có các dấu hiệu sau đây. Các dấu hiệu này là các cấu thành tội phạm mà khi có đủ các cấu thành tội phạm này thì mới có thể kết luận người đó phạm tội.

a. Chủ thể của tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên, là người có chức vụ và quyền hạn. Có thể nói, chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt.

b. Hành vi khi phạm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Hành vi khách quan:

Hành vi khách quan được quy định là chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Có nghĩa là người phạm tội lợi dụng việc mình nắm giữ chức vụ và sử dụng quyền hạn do nắm giữ chức vụ đó để thực hiện những việc sai trái, không được pháp luật cho phép. Mục đích cuối cùng là chiếm đoạt tàn sản của người khác.

Việc lạm dụng quyền hạn và chức vụ này có thể được thể hiện thông qua:

  • uy hiếp tinh thần của người bị hại: Người bị hại vì sợ quyền uy, chức vụ của người phạm tội mà giao tài sản.
  • lợi dùng lòng tin vào khả năng của người phạm tội do có quyền hạn và chức vụ, mà chiếm đoạt tài sản của người bị hại

Về hành vi thì tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản tương tự như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chỉ khác về chủ thể phải là người có chức vụ và quyền hạn.

Hậu quả:

Tài sản chiếm đoạt phải từ 2 triệu đồng trở lên thì mới là cấu thành tội phạm đối với tội nay. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau thì dù tài sản chiếm đoạt là dưới 2 triệu đồng thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự:

  • Người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
  • Người phạm tộ đã bị kết án về một trong các tội sau, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm: tội tham ô tài sản (Điều 353), tội nhận hối lộ (Điều 354), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356), tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358), tội giả mạo trong công tác (Điều  359).

c. Lỗi của chủ thể tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Người phạm tội cố ý chiếm đoạt tài sản của nạn nhân, thông qua hàng loạt hành vi có chủ đích và có tính toán.

3. Các khung hình phạt đối với tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản là gì ?

Điều 355 Bộ luật hình sự 2015 quy định 4 khung hình phạt chính và 1 hình phạt bổ sung: thấp nhất là 1 năm tù, cao nhất là  tù chung thân.

a. Hình phạt theo khoản 1 điều 355 đối với tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Các tội quy định tại Mục 1 Chương các tội phạm về chức vụ là tội tham ô tài sản (Điều 353), tội nhận hối lộ (Điều 354), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356), tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358), tội giả mạo trong công tác (Điều  359).

b. Hình phạt theo khoản 2 điều 355 đối với tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

c. Hình phạt theo khoản 3 điều 355 đối với tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;

b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

d. Hình phạt theo khoản 4 điều 355 đối với tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên;

b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

đ. Hình phạt bổ sung đối với tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản
Các khung hình phạt tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản – ảnh minh hoạ: Luật Thái An

4. Toà án quyết định mức hình phạt đối với người phạm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản như thế nào?

Tòa án căn cứ vào quy định tại Điều 355 nêu trên, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

a. Các tình tiết tăng nặng đối với tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Các tình tiết tăng nặng đối với tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản có thể là:

  • Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
  • Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
  • Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên;
  • Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
  • Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
  • Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;
  • Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.

và các tình tiết tăng nặng khác được quy định tại Điều 52 Bộ Luật hình sự 2015

b. Các tình tiết giảm nhẹ đối với tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản

Các tình tiết giảm nhẹ được quy định Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015. Đối với tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, các tình tiết giảm nhẹ có thể là:

  • Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
  • Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
  • Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
  • Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
  • Người phạm tội là phụ nữ có thai;
  • Người phạm tội tự thú;
  • Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
  • Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
  • Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
  • Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
  • Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

Những lưu ý quan trọng:

Khi quyết định mức hình phạt đối với bị cáo tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Toà án có thể dựa vào Điều 54 Bộ luật hình sự 2015 để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, đó là:

  • Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015.
  • Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

b. Phạm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản cùng với những người khác thì hình phạt thế nào?

Nếu đồng phạm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự đối với phần đóng góp của mình trong vụ án. Dù tham gia ít hay nhiều vào việc phạm tội thì vẫn được coi là phạm tội. Căn cứ Điều 16 Bộ luật hình sự 2015 thì có các dạng đồng phạm sau:

  • Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
  • Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
  • Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
  • Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

c. Biết mà che giấu tội phạm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản thì có bị xử phạt không?

Nếu một người biết mà che giấu người phạm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản cùng dấu vết, tang vật của vụ án hoặc cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm, căn cứ Điều 18 Bộ luật hình sự 2015. Cụ thể, mức hình phạt che giấu tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.

Tuy nhiên, nếu người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp người phạm tội theo khoản 2, 3, 4 của Điều 355.

d. Nếu phạm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản nhưng người bị hại có đơn xin không truy tố thì có bị xử phạt không ?

Đối với tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cho dù người bị hại có đơn xin không truy tố thì người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

đ. Nếu phạm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và các tội khác đồng thời thì hình phạt sẽ thế nào?

Nếu phạm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và các tội khác đồng thời thì Toà án sẽ tổng hợp các hình phạt như sau, căn cứ Điều 55 Bộ luật hình sự 2015:

  • Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
  • Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung;
  • Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;
  • Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;
  • Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;

Lưu ý quan trọng: Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù: cứ 1 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù.

5. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản là bao lâu?

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm kể từ khi hành vi phạm tội xẩy ra.

6. Có nên mời luật sư tham gia vụ án tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản ?

Hiến pháp và Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành đều quy định về quyền được thuê luật sư bào chữa trong các vụ án hình sự: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư bào chữa hoặc người khác bào chữa”.

Khi tham gia vụ án nói chung và vụ án lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản nói riêng, luật sư sẽ:

  • Tư vấn pháp luật để giúp cho bị cáo và thân nhân của bị cáo hiểu rõ hơn về quyền và lợi ích hợp pháp, từ đó có những hành động khôn ngoan và đúng đắn
  • Đảm bảo cho thân chủ (có thể là bị cáo hoặc bị hại) thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình:
    • Nếu thân chủ là bị cáo: giúp khỏi bị oan sai, không chịu hình phạt quá nặng so với hành vi phạm tội, được hưởng khoan hồng của pháp luật
    • Nếu thân chủ là bị hại: giúp bảo vệ được những quyền và lợi ích hợp pháp
  • Góp phần xác định sự thật của vụ án, bảo đảm các chứng cứ của vụ án được thu thập, kiểm tra, đánh giá một cách khách quan, chính xác
  • Góp phần hạn chế những sai sót và/hoặc vi phạm của những người tham gia tố tụng (cơ quan điều tra, kiểm sát, toà án…)

Vai trò của luật sư thể hiện trong tất cả các giai đoạn của vụ án gồm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… Chúng tôi phân tích cụ thể sau đây.

tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản
Các giai đoạn vụ án tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản – ảnh minh hoạ: Luật Thái An

7. Khi nào nên mời luật sư tham gia vụ án về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản?

Theo quy định, luật sư được tham gia trong các giai đoạn sau đây của vụ án lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản: từ khi bị người tình nghi, người bị tạm giữ, tạm giam và trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Nhưng hiệu quả nhất là luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo ngay từ giai đoạn điều tra, tức là luật sư tham gia vụ án hình sự càng sớm càng tốt nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, tránh nhục hình, tránh ép cung, dụ cung hoặc khai báo bất lợi cho bị can, bị cáo, tránh làm oan sai người vô tội.

Theo quy định, luật sư được tham gia trong các giai đoạn sau đây của vụ án:

a. Luật sư tham gia giai đoạn KHỞI TỐ VỤ ÁN về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản:

Đây là giai đoạn thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra. Trong giai đoạn khởi này, luật sư sẽ:

  • xác định xem đã đủ điều kiện để khởi tố đối với tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản hay chưa? Trên thực tế có những vụ án mà cơ quan tố tụng vội vàng khởi tố vụ án, khởi tố bị can khi mới chỉ có lời tố cáo của bị hại, thiếu những bằng chứng vật chứng về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (chưa có vật chứng, chưa có kết quả giám định, chưa có lời khai của người làm chứng…)
  • kiểm tra căn cứ, thẩm quyền và trình tự khởi tố vụ án xem đã tuân thủ quy định của pháp luật chưa

b. Luật sư tham gia giai đoạn ĐIỀU TRA VỤ ÁN về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản:

Điều tra hình sự là giai đoạn thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra. Thời hạn điều tra vụ án về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản là 4 tháng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. Trường hợp cần gia hạn điều tra thì có thể gia hạn ba lần, mỗi lần không quá 4 tháng. Nếu thời hạn gia hạn điều tra đã hết nhưng do tính chất rất phức tạp của vụ án mà chưa thể kết thúc việc điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.

Trong giai đoạn điều tra, bị can có thể bị tam giam để phục vụ công tác điều tra. Thời gian tạm giam bị can tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản là 4 tháng. Thời hạn tạm giam có thể được gia hạn 2 lần mỗi lần không quá 1 tháng.

Trong giai đoạn điều tra, luật sư sẽ:

  • thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ những chi tiết có lợi cho thân chủ trong vụ án
  • tham gia hỏi cung bị can, nếu có căn cứ cho rằng bị can bị ép cung, bị mớm cung thì luật sư sẽ can thiệp kịp thời
  • kiến nghị với cơ quan điều tra để thay đổi biện pháp ngăn chặn (chuyển từ tạm giam sang tại bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh…), triệu tập người làm chứng để lấy lời khai, thu thập chứng cứ, khắc phục hậu quả (thí dụ như tạo điều kiện để bị cáo bán tài sản để trả cho người bi hại)

c. Luật sư tham gia giai đoạn TRUY TỐ VỤ ÁN về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản:

Đây là giai đoạn thuộc thẩm quyền của viện kiểm sát. Lúc này cơ quan điều tra đã hoàn thành việc điều tra và chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát. Đối với tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Viện kiểm sát sẽ có quyết định truy tố trước Toà án, hoặc trả hồ để điều tra bổ sung, hoặc đình chỉ/tạm đình chỉ vụ án, bị can, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra. Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 30 ngày.

Trong giai đoạn truy tố, luật sư sẽ nghiên cứu hồ sơ vụ án và đưa ra đề xuất, kiến nghị với viện kiểm sát nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình. Các kiến nghị có thể là:

  • kiến nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: chuyển sang tội danh nhẹ hơn hoặc sang khung hình phạt nhẹ hơn, áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
  • kiến nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung
  • kiến nghị để đình chỉ vụ án

d. Luật sư tham gia giai đoạn XÉT XỬ VỤ ÁN về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản:

Đây là khi viện kiểm sát ra quyết định truy tố vụ án, truy tố bị can và chuyển hồ sơ sang toà án để xét xử. Đối với vụ án về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Toà án sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ / đình chỉ vụ án 3 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 30 ngày.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án sẽ mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.

Trong giai đoạn này, luật sư sẽ:

  • Nghiên cứu hồ sơ, trong quá trình này luật sư sẽ định hình hướng bảo chữa/bảo vệ cho thân chủ
  • Trao đổi với thân chủ để thống nhất hướng bào chữa, bảo vệ
  • Trao đổi với cơ quan tiến hành tố tụng về các vấn đề như yêu cầu thu thập thêm bằng chứng, xác định tội danh lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, đảm bảo sự có mặt của các nhân chứng tại phiên toà …
  • Chuẩn bị kế hoạch hỏi, luận cứ để tranh luận tại phiên toà

Phiên toà xét xử sơ thẩm là nơi luật sư thể hiện thành quả lao động của mình thể hiện qua phần hỏi để làm sáng tỏ tình tiết vụ án và phần tranh luận đưa ra quan điểm bào chữa hoặc bảo vệ cho thân chủ. Nội dung các phần này sẽ bám chặt vào định hướng bào chữa mà luật sư đã thống nhất với thân chủ, cụ thể sẽ trình bầy trong phần tiếp theo.

8. Hướng bào chữa tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản như thế nào?

Khi có căn cứ, luật sư có thể bào chữa cho bị cáo tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo một trong ba hướng sau đây:

a. Bào chữa cho bị cáo tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo hướng KHÔNG PHẠM TỘI

Khi bào chữa theo hướng này thì luật sư sẽ khai thác các tình tiết vụ án, lời khai của các đương sự và người làm chứng mà có lợi cho thân chủ mình, một cách triệt để:

Không đủ yếu tố cấu thành tội phạm

Luật sư có thể chứng minh chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm như:

  • Chủ thể:
    • Bị cáo chưa từng bị kỷ luật hay xử phạt về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn và tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng
  • Hành vi:
    • Bị cáo không có mục đích chiếm đoạt tài sản…
    • Bị cáo không có hành vi yêu cầu bị hại chuyển giao tài sản
    • Lời khai của người làm chứng, bị hại, của các bị cáo khác, hồ sơ vụ án không đủ để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo.
  • Hậu quả:
    • Hậu quả chưa đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự: định giá tài sản dưới 2 triệu đồng

Có thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự hay không ?

Nếu có căn cứ, luật sư có thể khai thác các tình tiết để đề nghị Hội đồng xét xử miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo trong các trường hợp đã trình bầy ở phần trên (các trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự).

tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản
Bào chữa tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản – ảnh minh hoạ: Luật Thái An

b. Bào chữa cho bị cáo tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo hướng GIẢM NHẸ

Khi có căn cứ, luật sư có thể bào chữa cho bị cáo theo hướng giảm nhẹ về tội danh hoặc giảm nhẹ về khung hình phạt đối với tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cụ thể như sau:

Bào chữa theo hướng chuyển sang tội danh nhẹ hơn

Luật sư sẽ bám sát dấu hiệu cấu thành tội phạm và các vấn đề pháp lý phải thỏa mãn khi xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Nếu có đủ cơ sở đế bào chữa sang tội danh khác nhẹ hơn thì Luật sư phân tích để chỉ ra những sai lầm trong việc xác định tội danh của bản cáo trạng, đồng thời nêu rõ hành vi của khách hàng chỉ cấu thành một tội phạm khác nhẹ hơn, thí dụ tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Bào chữa theo hướng chuyển sang khung hình phạt nhẹ hơn

Luật sư có thể bào chữa theo hướng chuyển sang khung hình phạt nhẹ hơn theo các cách sau (tất nhiên là nếu có đủ căn cứ):

  • Về tình tiết định khung trong điều 355: Luật sư khai thác, phân tích các tình tiết để chứng minh bị cáo không phạm tội với những tình tiết định khung (phạm tội có tổ chức, dùng thủ đoạn xảo quyệt, phạm tội 2 lần trở lên, không phải là nguyên nhân dấn đến doanh nghiệp phá sản…), để đề nghị chuyển sang khung hình phạt nhẹ hơn.
  • Về hậu quả: Định giá tài sản không khách quan, chưa được thực hiện theo trình tự thủ tục và bởi hội đồng thẩm định có đủ năng lực chuyên môn.
  • Về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội: Luật sư phân tích hành vi không gây ra hậu quả nghiêm trọng, không ảnh hưởng tới nhiều người.
  • Về nhân thân của người phạm tội: Luật sư phân tích để cho thấy bị cáo chưa có tiền án tiền sự, phạm tội một phần do gia đình gặp khó khăn, bức bách
  • Luật sư phân tích các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
    • Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả: người phạm tội tự nguyện xin lỗi bị hại, đã trả lại tài sản chiếm đoạt cũng như bồi thường thiệt hại
    • Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
    • Người phạm tội là phụ nữ có thai;
    • Người phạm tội tự thú;
    • Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
    • Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
    • Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
    • Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
    • Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
    • Người phạm tội đầu thú

c. Bào chữa cho bị cáo tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo hướng ĐIỀU TRA BỔ SUNG

Căn cứ Điều 245 và Điều 280 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật sư có thể đề xuất Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp sau:

Trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà không thể bổ sung tại phiên tòa được:

  • Chứng cứ để chứng minh có hành vi phạm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra hay không, là chứng cứ để xác định hành vi đã xảy ra có đủ yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự hay thuộc các trường hợp không phải là hành vi phạm tội (quan hệ dân sự, kinh tế…)
  • Chứng cứ để chứng minh thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội
  • Chứng cứ để chứng minh ai là người thực hiện hành vi phạm tội
  • Chứng cứ để chứng minh tình tiết tăng nặng theo cáo trạng của Viện kiểm sát là gì?

Trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can;

Trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng:

  • Lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, nhưng không có phê chuẩn của Viện kiểm sát hoặc việc ký lệnh, quyết định tố tụng không đúng thẩm quyền;
  • Xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ;
  • Nhập vụ án hoặc tách vụ án không đúng quy định tại Điều 170 hoặc Điều 242 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
  • Không cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết hoặc thông báo văn bản tố tụng gồm lệnh, quyết định, yêu cầu, kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án cho người bị buộc tội và những người tham gia tố tụng khác theo đúng quy định của pháp luật xâm hại nghiêm trọng đến quyền bào chữa, quyền, lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội và những người tham gia tố tụng khác;
  • Không có người phiên dịch, người dịch thuật cho người tham gia tố tụng trong trường hợp họ không sử dụng được tiếng Việt hoặc tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt; họ là người câm, người điếc, người mù theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
  • Việc điều tra, thu thập chứng cứ để chứng minh đối với vụ án không đúng trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nên không có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự;
  • Chứng cứ để chứng minh đối với vụ án đã được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố nhưng không đưa vào hồ sơ vụ án hoặc bị sửa chữa, thêm bớt dẫn đến sai lệch hồ sơ vụ án;
  • Việc điều tra, truy tố không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
  • Có căn cứ để xác định có việc bức cung, nhục hình trong quá trình tiến hành tố tụng làm cho lời khai của bị can không đúng sự thật;
  • Khiếu nại, tố cáo của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ;

Lưu ý: Viện kiểm sát, Tòa án không trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, nhưng không xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.

Trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi có căn cứ cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng đã cản trở, đưa ra những yêu vô lý từ chối đăng ký bào chữa, không tạo điều kiện cho thân nhân và người bào chữa được gặp người bị buộc tội khi người bị buộc tội từ chối người bào chữa.

 Lưu ý: Cần lưu ý rằng việc bào chữa theo hướng này sẽ kéo dài thời giai xét xử vụ án.

9. Dịch vụ thuê luật sư bào chữa tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Luật Thái An

Sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn và tham gia tố tụng (luật sư bào chữa) là sự lựa chọn rất khôn ngoan.

Với bề dầy kinh nghiệm tham gia các vụ án hình sự cùng sự tận tâm, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, các luật sư Công ty Luật Thái An sẽ tham gia tố tụng với tư cách luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc luật sư bảo vệ người bị hại trong các vụ án hình sự. Chúng tôi sẽ luôn nỗ lực tối để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ (khách hàng) với mức thù lao hợp lý.

>>> Xem thêm: Dịch vụ thuê luật sư bào chữa

Nguyễn Văn Thanh