Tội đe dọa giết người: Tất cả những gì bạn cần biết
Tội đe dọa giết người thuộc nhóm tội phạm nghiêm trọng do khung hình phạt cao nhất của tội này là 7 năm tù. Với bề dầy kinh nghiệm trong lĩnh vực tố tụng hình sự, chúng tôi sẽ trình bầy những vấn đề cơ bản nhất về tội đe dọa giết người: thế nào là tội đe dọa giết người, các cấu thành tội phạm, các khung hình phạt, các căn cứ để toà án quyết định hình phạt cụ thể với từng vụ án, các hướng luật sư có thể bào chữa cho bị cáo tội phạm này…
1. Cơ sở pháp lý quy định tội đe dọa giết người là gì ?
Cơ sở pháp lý quy định trách nhiệm hình sự đối với tội đe dọa giết người là Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
2. Thế nào là tội đe dọa giết người ?
Một người bị coi là phạm tội tội đe dọa giết người khi có các dấu hiệu sau đây. Các dấu hiệu này là các cấu thành tội phạm mà khi có đủ các cấu thành tội phạm này thì mới có thể kết luận người đó phạm tội.
Chủ thể của tội đe dọa giết người
Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Hành vi khi phạm tội đe dọa giết người
Hành vi khách quan:
Hành vi khách quan của tội phạm là đe dọa giết người. Việc đe doạ này có thể thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như bằng lời nói (nói trực tiếp, tin nhắn, thư điện tử, thư tín…) hoặc bằng hành động (cử chỉ động tác hăm doạ, chuẩn bị phương tiện…).
Điều 133 quy định là hành vi đe doạ giết người sẽ là tội phạm nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. Như vậy, có thể hiểu là những lời nói hay hành động đe doạ giết người nhưng mang tính răn đe, hăm doạ mà không có cơ sở cho rằng người phạm tội sẽ thực hiện việc giết người, thì không coi là hành vi phạm tội. Hoặc nếu người bị đe doạ cũng chỉ coi đó là đe doạ mà thôi mà không thực sự lo sợ rằng mình sẽ bị tước đoạt tính mạng, thì cũng không phải là hành vi phạm tội hình sự.
Căn cứ làm cho nạn nhân lo sợ rằng việc giết người sẽ xẩy ra thiể hiện thông qua:
- Nội dung và hình thức đe dọa;
- Thời gian, địa điểm cũng như hoàn cảnh cụ thể khi hành vi đe dọa xảy ra;
- Tương quan giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa;
- Thái độ và những xử sự cụ thể của người bị đe dọa sau khi bị đe dọa…
Hậu quả:
Đối với tội đe doạ giết người thì hậu quả không phải là một cấu thành tội phạm. Chỉ cần có hành vi như nêu trên là đủ, chưa cần tính đến hậu quả.
Lỗi của chủ thể tội đe dọa giết người
Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý.
Lưu ý: Hành vi đe dọa giết người không cấu thành tội đe dọa giết người khi hành vi này được coi là cấu thành tội phạm của tội khác thực hiện cùng các hành vi khác như cướp tài sản.
3. Các khung hình phạt đối với tội đe dọa giết người là gì ?
Điều 133 Bộ luật hình sự 2015 quy định 2 khung hình phạt. Hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm và hình phạt cao nhất là phạt tù 7 năm.
a. Hình phạt theo khoản 1 điều 133 đối với tội đe dọa giết người
Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
b. Hình phạt theo khoản 2 điều 133 đối với tội đe dọa giết người
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.
4. Căn cứ quyết định mức hình phạt đối với người phạm tội đe dọa giết người là gì?
Tòa án căn cứ vào quy định tại Điều 133, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
a. Các tình tiết tăng nặng đối với tội đe dọa giết người
Các tình tiết tăng nặng đối với tội đe dọa giết người có thể là:
- Phạm tội có tổ chức;
- Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
- Phạm tội có tính chất côn đồ;
- Phạm tội vì động cơ đê hèn;
- Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
- Phạm tội đối với phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên;
- Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
và các tình tiết tăng nặng khác được quy định tại Điều 52 Bộ Luật hình sự 2015
b. Các tình tiết giảm nhẹ đối với tội đe dọa giết người
Các tình tiết giảm nhẹ được quy định Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015. Đối với tội đe dọa giết người, các tình tiết giảm nhẹ có thể là:
- Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
- Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
- Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
- Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
- Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
- Phạm tội do lạc hậu;
- Người phạm tội là phụ nữ có thai;
- Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
- Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
- Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
- Người phạm tội tự thú;
- Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
- Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
- Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
- Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
- Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
- Người phạm tội đầu thú
Những lưu ý quan trọng:
Khi quyết định mức hình phạt đối với bị cáo tội tội đe dọa giết người, Toà án có thể dựa vào Điều 54 Bộ luật hình sự 2015 để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, đó là:
- Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015.
- Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
c. Phạm tội đe dọa giết người cùng với những người khác thì hình phạt thế nào?
Nếu đồng phạm tội đe dọa giết người thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự đối với phần đóng góp của mình trong vụ án. Dù tham gia ít hay nhiều vào việc phạm tội thì vẫn được coi là phạm tội. Căn cứ Điều 16 Bộ luật hình sự 2015 thì có các dạng đồng phạm sau:
- Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
- Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
- Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
- Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
d. Khi nào được loại trừ trách nhiệm hình sự đối với tội đe dọa giết người?
Người phạm tội đe dọa giết người không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu người đó phạm tội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, căn cứ Điều 21 Bộ luật hình sự 2015.
đ. Có thể thay thế phạt tù bằng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với tội đe dọa giết người không ?
Toà án xem xét, cân nhắc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội này, nếu người đó có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng, căn cứ Điều 36 Bộ luật hình sự 2015.
e. Nếu phạm tội đe dọa giết người nhưng người bị hại có đơn xin không truy tố thì có bị xử phạt không ?
Đối với tội đe dọa giết người, cho dù người bị hại có đơn xin không truy tố thì người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
f. Nếu phạm tội đe dọa giết người và các tội khác đồng thời thì hình phạt sẽ thế nào?
Nếu phạm tội đe dọa giết người và các tội khác đồng thời thì Toà án sẽ tổng hợp các hình phạt như sau, căn cứ Điều 55 Bộ luật hình sự 2015:
Đối với hình phạt chính:
- Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
- Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
- Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;
- Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;
Đối với hình phạt bổ sung:
Nếu phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung.
Lưu ý: Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù: cứ 1 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù.
5. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội đe dọa giết người là bao lâu?
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với tội đe dọa giết người, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm.
Các hướng bào chữa tội đe doạ giết người. – ảnh: Luật Thái An
6. Hướng bào chữa tội đe dọa giết người như thế nào?
Khi có căn cứ, luật sư có thể bào chữa cho bị cáo tội tội đe dọa giết người theo một trong các hướng sau đây:
a. Bào chữa cho bị cáo tội đe dọa giết người theo hướng không phạm tội
Khi bào chữa theo hướng này thì luật sư sẽ khai thác các tình tiết vụ án, lời khai của các đương sự và người làm chứng mà có lợi cho thân chủ mình một cách triệt để:
Chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm
Luật sư có thể chứng minh chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm như:
- Chủ thể: Chủ thể chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (dưới 16 tuổi)
- Hành vi: Bị cáo mới chỉ đe doạ nhằm làm cho nạn nhân sợ mà chưa có ý định hay kế hoạch giết người, người bị đe doạ cũng không tin rằng bên kia sẽ giết mình
- Lỗi: Trong cơn nóng giận, bị cáo đe doạ nhưng thực tâm thì không cố ý
Có thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự hay không ?
Nếu có căn cứ, luật sư có thể khai thác các tình tiết để đề nghị Hội đồng xét xử miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo trong các trường hợp đã trình bầy ở phần trên (các trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự).
Thí dụ: Bị cáo bị tâm thần phân liệt nên có nhiều khi không làm chủ hành vi của mình (có kết luận của Bệnh viện).
b. Bào chữa cho bị cáo tội đe dọa giết người tội đe dọa giết người theo hướng giảm nhẹ
Khi có căn cứ, luật sư có thể bào chữa cho bị cáo theo hướng giảm nhẹ về khung hình phạt đối với tội đe dọa giết người, cụ thể như sau:
- Chưa đủ căn cứ áp dụng tình tiết tăng nặng định khung hình phạt như không đe doạ giết 2 người mà chỉ đe doạ 1 người, người kia lo sợ là do ảnh hưởng từ nạn nhân
- Về mặt chủ quan của người phạm tội, luật sư làm rõ động cơ, mục đích phạm tội. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp phạm tội do mâu thuẫn nghiêm trọng giữa hai bên, bị hại cũng có một phần lỗi hoặc do bị hại xúc phạm bị cáo.
- Về nhân thân của người phạm tội: Luật sư phân tích để cho thấy bị cáo chưa có tiền án tiền sự
- Luật sư phân tích các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
- Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại cho nạn nhân
- Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
- Người phạm tội đã khắc phục hậu quả như xin lỗi nạn nhân, hỏi thăm và động viên nạn nhân, bồi thường các chi phí khắc phục nếu có
- …
c. Bào chữa cho bị cáo nhóm tội đe dọa giết người theo hướng điều tra bổ sung
Căn cứ Điều 245 và Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật sư có thể đề xuất Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp sau:
- Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề cơ bản mà không thể bổ sung tại phiên tòa được:
- Chứng cứ để chứng minh “có hành vi phạm tội xảy ra hay không” là chứng cứ để xác định hành vi đã xảy ra có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay thuộc các trường hợp không phải là hành vi phạm tội (quan hệ dân sự, kinh tế, vi phạm hành chính …
- Chứng cứ để chứng minh thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội là chứng cứ xác định nếu có hành vi phạm tội xảy ra thì xảy ra vào thời gian nào, ở đâu; phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm như thế nào
- Chứng cứ để chứng minh ai là người thực hiện hành vi phạm tội là chứng cứ xác định một chủ thể cụ thể đã thực hiện hành vi phạm tội đó
- Chứng cứ để chứng minh có lỗi hay không có lỗi là chứng cứ xác định chủ thể có lỗi hoặc không có lỗi khi thực hiện hành vi; nếu có lỗi thì là lỗi cố ý trực tiếp hay lỗi cố ý gián tiếp hoặc lỗi vô ý
- Chứng cứ để chứng minh có năng lực trách nhiệm hình sự không là chứng cứ xác định khi thực hiện hành vi, người thực hiện hành vi đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự chưa; có mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình hay không; nếu có thì mắc bệnh đó vào thời gian nào, trong giai đoạn tố tụng nào;
- Chứng cứ để chứng minh tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo;
- Chứng cứ để chứng minh tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra là chứng cứ để đánh giá tính chất, mức độ thiệt hại, hậu quả về vật chất, phi vật chất do hành vi phạm tội gây ra;
- Chứng cứ để chứng minh nguyên nhân và điều kiện phạm tội là chứng cứ xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, điều kiện cụ thể dẫn đến việc chủ thể thực hiện hành vi phạm tội;
- Chứng cứ khác để chứng minh để xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 16 tuổi; chứng cứ để chứng minh vị trí, vai trò của từng bị can, bị cáo trong trường hợp đồng phạm
- Khi có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can;
- Khi có căn cứ cho rằng việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng như:
- Lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, nhưng không có phê chuẩn của Viện kiểm sát hoặc việc ký lệnh, quyết định tố tụng không đúng thẩm quyền;
- Xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ;
- Không cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết hoặc thông báo văn bản tố tụng gồm lệnh, quyết định, yêu cầu, kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án cho người bị buộc tội và những người tham gia tố tụng khác theo đúng quy định của pháp luật xâm hại nghiêm trọng đến quyền bào chữa, quyền, lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội và những người tham gia tố tụng khác;
- Chưa điều tra, lập lý lịch của bị can; chưa xác định được những đặc điểm quan trọng về nhân thân của bị can, bị cáo (tuổi, tiền án, tiền sự), lý lịch hoạt động của pháp nhân thương mại phạm tội (tên, địa chỉ, những vấn đề khác liên quan đến hồ sơ pháp lý của pháp nhân thương mại);
- Không có người phiên dịch, người dịch thuật cho người tham gia tố tụng trong trường hợp họ không sử dụng được tiếng Việt hoặc tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt; họ là người câm, người điếc, người mù theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
- Việc điều tra, thu thập chứng cứ để chứng minh đối với vụ án không đúng trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nên không có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự;
- Chứng cứ để chứng minh đối với vụ án đã được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố nhưng không đưa vào hồ sơ vụ án hoặc bị sửa chữa, thêm bớt dẫn đến sai lệch hồ sơ vụ án;
- Việc điều tra, truy tố không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Có căn cứ để xác định có việc bức cung, nhục hình trong quá trình tiến hành tố tụng làm cho lời khai của bị can không đúng sự thật;
- …
Lưu ý:
Viện kiểm sát, Tòa án không trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong trường hợp c vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, nhưng không xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.
- Có căn cứ cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng đã cản trở, đưa ra những yêu vô lý từ chối đăng ký bào chữa, không tạo điều kiện cho thân nhân và người bào chữa được gặp người bị buộc tội khi người bị buộc tội từ chối người bào chữa
Trên đây là phần phân tích về vai trò quan trọng của luật sư trong các vụ án về tội đe dọa giết người. Nếu bạn có những thắc mắc cụ thể, chi tiết hoặc mong muốn được làm rõ những điều còn chưa hiểu, hãy nhấc điện thoại để gọi tới Tổng đài tư vấn pháp luật hình sự của Công ty Luật Thái An.
6. Dịch vụ thuê luật sư bào chữa tội đe doạ giết người của Luật Thái An
Hiến pháp nước ta và Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành đều quy định về quyền được thuê luật sư bào chữa trong các vụ án hình sự: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư bào chữa hoặc người khác bào chữa”. Sử dụng dịch vụ luật sư bào chữa, người phạm tội sẽ được bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.
Sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn và tham gia tố tụng là sự lựa chọn rất khôn ngoan. Bởi bạn sẽ hiểu rõ hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của mình, quyền và lợi ích hợp pháp của bạn sẽ được bảo đảm.
Các luật sư Công ty Luật Thái An sẽ tham gia tố tụng với tư cách luật sư bào chữa cho bị cáo hoặc luật sư bảo vệ bị hại trong các vụ án hình sự. Chúng tôi sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng tối đa, chúng tôi làm việc với sự tận tâm, uy tín, thù lao hợp lý:
HÃY LIÊN HỆ NGAY VỚI LUẬT SƯ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN LUẬT VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ PHÁP LÝ!
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024