Lý lịch tư pháp và thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp

Lý lịch tư pháp là loại giấy tờ không thể thiếu trong thủ tục hành chính ở Việt Nam khi làm hồ sơ xin việc, hồ sơ du học, nhập quốc tịch hay xin giấy phép lao động cho người nước ngoài… Vậy lý lịch tư pháp là gì, nội dung trên phiếu lý lịch tư pháp gồm những gì, do cơ quan nào xác nhận và cấp, thủ tục làm lý lịch tư pháp như thế nào, Luật Thái An sẽ giúp bạn nắm được những quy định trên qua bài viết sau đây.

1. Lý lịch tư pháp là gì?

Khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định: Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

Được xóa án tích thì lý lịch tư pháp viết như nào
Hình ảnh Phiếu lý lịch tư pháp số 1 – Ảnh minh họa: Internet.

2. Ai có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp?

Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định về quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp như sau:

  • Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.
  • Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
  • Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

3. Có mấy loại phiếu lý lịch tư pháp?

Căn cứ Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 , phiếu lý lịch tư pháp gồm có 2 loại sau:

  • Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho: Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình; Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
  • Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

4. Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp gồm những gì?

a. Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 1:

Phiếu lý lịch tư pháp số 1 có những nội dúng sau:

  • Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
  • Tình trạng án tích:
    • Đối với người không bị kết án thì ghi “không có án tích”. Trường hợp người bị kết án chưa đủ điều kiện được xóa án tích thì ghi “có án tích”, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung;
    • Đối với người được xoá án tích và thông tin về việc xoá án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”;
    • Đối với người được đại xá và thông tin về việc đại xá đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”.
  • Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:
    • Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã“;
    • Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không có yêu cầu thì nội dung quy định tại khoản này không ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp.

b. Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 2:

Phiếu lý lịch tư pháp số 2 có những nội dúng sau:

  • Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, họ, tên cha, mẹ, vợ, chồng của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
  • Tình trạng án tích:
    • Đối với người không bị kết án thì ghi là “không có án tích”;
    • Đối với người đã bị kết án thì ghi đầy đủ án tích đã được xoá, thời điểm được xoá án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Toà án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án.
    • Trường hợp người bị kết án bằng các bản án khác nhau thì thông tin về án tích của người đó được ghi theo thứ tự thời gian.
  • Thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:
    • Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;
    • Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

5. Thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Điều 44 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định về thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp như sau:

  • Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây: Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam.
  • Sở Tư pháp thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây: Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước; Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài; Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.

6. Thủ tục xin cấp cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Bước 1: Nộp hồ sơ

Yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1:

Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và kèm theo các giấy tờ sau đây: Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Công dân Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh. Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

Lưu ý: Cá nhân có thể uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật; trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.

Yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2:

Cơ quan tiến hành tố tụng gửi văn bản yêu cầu đến Sở Tư pháp nơi người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thường trú hoặc tạm trú; trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp hoặc người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì gửi văn bản yêu cầu đến Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia. Văn bản yêu cầu phải ghi rõ thông tin về cá nhân đó theo quy định.

Cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì thực hiện thủ tục tương tự như đối với phiếu lý lịch tư pháp số 1. Tuy nhiên, người đó không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như trên thì bạn đến cơ quan cấp lý lịch tư pháp để nộp. Bạn cần lưu ý xem mình là trường hợp nào để nộp hồ sơ đến đúng cơ quan đó, tránh việc bị từ chối cấp lý lịch tư pháp.

Khi nộp hồ sơ, bạn cần đóng phí đầy đủ và nhận được phiếu hẹn kết quả.

Bước 3: Nhận kết quả

Theo như phiếu hẹn, đến ngày hẹn bạn đến cơ quan cấp lý lịch tư pháp để nhận kết quả và kiểm tra lại toàn bộ thông tin tránh sai sót.

Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì thời hạn không quá 15 ngày.

Trường hợp khẩn cấp quy định thì thời hạn không quá 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu.

7. Lệ phí làm lý lịch tư pháp

Lệ phí làm lý lịch tư pháp là 200.000 đồng/phiếu. Lệ phí làm lý lịch tư pháp làm lý lịch tư pháp cho sinh viên, lệ phí làm lý lịch tư pháp cho người có công với cách mạng, lệ phí làm lý lịch tư pháp cho thân nhân liệt sỹ (gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sỹ): 100.000 đồng/người.

Ngoài ra,  người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 02 Phiếu lý lịch tư pháp trong một lần yêu cầu, thì lệ phí làm lý lịch tư pháp kể từ Phiếu thứ 3 trở đi tổ chức thu phí được thu thêm 5.000 đồng/Phiếu để bù đắp chi phí cần thiết cho việc in mẫu Phiếu lý lịch tư pháp.

Pháp luật quy định một số trường hợp được miễn lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp (Điều 5 Thông tư số 244/2016/TT-BTC), đó là:

  • Trẻ em theo quy định tại Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
  • Người catuổi theo quy định tại Luật người cao tuổi.
  • Người khuyết tật theo quy định tại Luật người khuyết tật.
  • Người thuộc hộ nghèo theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020.
  • Người cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của pháp luật

Trên đây là tư vấn của Luật Thái An về lý lịch tư pháp. Nếu bạn cần được tư vấn chi tiết và được giải đáp các thắc mắc trong từng trường hợp cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật  của Công ty Luật Thái An – luật sư sẽ giải thích cặn kẽ những gì chưa thể hiện được hết trong bài viết này.

Nguyễn Văn Thanh