Khởi tố vụ án hình sự như thế nào ?

Việc giải quyết một vụ án hình sự sẽ trải qua nhiều giai đoạn tố tụng khác nhau, trong đó giai đoạn khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng hình sự. Trong giai đoạn này, các cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định sự việc xảy ra có dấu hiệu tội phạm hay không để ra quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

1. Căn cứ để khởi tố vụ án hình sự

Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

  • Tố giác của cá nhân;
  • Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
  • Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
  • Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;
  • Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;
  • Người phạm tội tự thú.

2. Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự

Tại Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự như sau:

  • Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết theo quy định dưới đây.
  • Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân)
  • Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp:
    • Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
    • Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
    • Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.
  • Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.
khởi tố
4 nhóm cơ quan có quyền khởi tố vụ án.

3. Quy trình khởi tố vụ án hình sự 

3.1 Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vụ án hình sự

  • Trường hợp tiếp nhận trực tiếp thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận; có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.
  • Trường hợp nhận qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận.
  • Trường hợp phát hiện tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
  • Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
  • Trường hợp Viện kiểm sát có yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải chuyển hồ sơ có liên quan cho Viện kiểm sát để xem xét, giải quyết.
  • Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Thông báo kết quả tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận phải thông báo bằng văn bản về kết quả tiếp nhận cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố biết.

3.2 Giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vụ án hình sự và ra quyết định

Theo Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Điều 9 và Điều 11 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC thì thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:

  • Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:
    • Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
    • Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
    • Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
  • Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.
  • Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh nêu trên Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.
  • Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động:
    • Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;
    • Khám nghiệm hiện trường;
    • Khám nghiệm tử thi;
    • Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.

Trình tự, thủ tục, thời hạn Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

3.3 Thông báo kết quả giải quyết

Tại Điều 14 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định việc thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:

  • Thông báo cho Viện kiểm sát: Khi kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải gửi kết quả giải quyết cho Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết
  • Thông báo cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố: Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố biết kết quả giải quyết vụ việc.

4. Quyết định khởi tố vụ án hình sự phải có những nội dung gì?

Quyết định khởi tố vụ án hình sự phải ghi rõ căn cứ khởi tố, điều, khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng và các nội dung sau:

  • Số, ngày, tháng, năm, địa điểm ban hành văn bản tố tụng;
  • Căn cứ ban hành văn bản tố tụng;
  • Nội dung của văn bản tố tụng;
  • Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành văn bản tố tụng và đóng dấu.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thì:

  • Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra.
  • Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát việc khởi tố.
  • Tòa án phải gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát cùng cấp.

(Căn cứ Điều 154 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

5. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:

Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về các tôi sau đây khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết:

Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tùy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

6. Thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự

Tại Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định:

  • Thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự: khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra;
  • Bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự:  khi có căn cứ xác định còn tội phạm khác chưa bị khởi tố.

Thủ tục thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự được hướng dẫn thực hiện tại Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP như sau: Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải xem xét, xử lý như sau:

  •  Nếu thấy chưa rõ căn cứ thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để làm rõ;
  • Nếu thấy quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định hủy bỏ quyết định đó; trường hợp Cơ quan điều tra không nhất trí thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Khi có căn cứ thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu; chậm nhất 03 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự; nếu đã yêu cầu mà Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Không thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự nếu qua điều tra xác định được hành vi của bị can phạm vào khoản khác của tội danh đã khởi tố.

7. Khi nào không được khởi tố vụ án hình sự?

Theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) thì không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:

  • Không có sự việc phạm tội;
  • Hành vi không cấu thành tội phạm;
  • Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
  • Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
  • Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Tội phạm đã được đại xá;
  • Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
  • Tội phạm quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

8. Hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp nào?

Căn cứ Điều 158 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì khi có một trong các căn cứ quy định tại mục 6 của bài viết này thì người có quyền khởi tố vụ án ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; nếu đã khởi tố thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố biết rõ lý do; nếu xét thấy cần xử lý bằng biện pháp khác thì chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác hoặc báo tin về tội phạm có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

9. Dịch vụ Luật sư trong tố tụng hình sự

Công ty Luật Thái An có đội ngũ Luật sư giỏi chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự, có bản lĩnh, tâm huyết với nghề đảm bảo cung cấp Dịch vụ Luật sư trong tố tụng hình sự uy tín, chất lượng. Cụ thể chúng tôi cung cấp các dịch vụ:

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự

Các Luật sư của Luật Thái An sẽ tư vấn tất cả các vấn đề pháp lý liên quan đến tố tụng hình sự từ giai đoạn có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vụ án hình sự đến giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, tư vấn quyền lợi nghĩa vụ của những người có liên quan trong vụ án, các thủ tục tố tụng, các vấn đề khác như định giá tài sản chiếm đoạt, cách tính bồi thường thiệt hại khi thiệt hại về tính mạng, sức khỏe,…

Luật sư bào chữa, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

Các Luật sư của Công ty Luật Thái An sẽ tham gia tố tụng hình sự ở tất cả giai đoạn của vụ án hình sự tại các cơ quan tiến hành tố tụng để bảo vệ quyền lợi một cách tối đa cho bị can, bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người bị hại…

Đến với các dịch vụ của Luật Thái An, quý khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về cả chất lượng cũng như phí dịch vụ, bởi với một mức chi phí phải chăng, khách hàng sẽ được trải nghiệm những dịch vụ pháp lý tốt nhất.

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để biết thông tin chi tiết!

Xem thêm: Tư vấn luật hình sự

Đàm Thị Lộc