2 cách thức công ty mua lại cổ phần đã bán

Trong quá trình hoạt động của một công ty cổ phần, việc mua lại cổ phần từ cổ đông thường xảy ra nhằm mục đích tái cấu trúc cổ đông, tăng cường tài chính, hoặc đáp ứng các nhu cầu chiến lược khác của công ty. Việc này được quy định cụ thể trong luật doanh nghiệp về công ty cổ phần.

Khi công ty đã chào bán cổ phần và cổ phần đã được mua thì những người sở hữu cổ phần là cổ đông. Tuy nhiên, công ty vẫn có thể mua lại các cổ phần đó trong một số trường hợp sau: Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông; Mua lại cổ phần theo quyết định của công ty. Chúng tôi sẽ trình bầy cụ thể trong bài viết sau:

1. Khái niệm về vốn công ty cổ phần và cổ phần

Vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Giá trị mỗi cổ phần gọi là mệnh giá cổ phần và được phản ánh trong cổ phiếu của công ty cổ phần. Một cổ phiếu có thể phản ánh mệnh giá của một hoặc, nhiều cổ phần trong công ty cổ phần.

Các loại cổ phần được quy định tại Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020, bao gồm:

  • Cổ phần phổ thông;
  • Cổ phần ưu đãi: gồm có Cổ phần ưu đãi cổ tức; Cổ phần ưu đãi hoàn lại; Cổ phần ưu đãi biểu quyết; Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.

Xem thêm:

Cổ phần, đặc điểm của cổ phần là gì?

2. Mua lại cổ phần là gì?

Mua lại cổ phần là mua lại cổ phần đã được phát hành (đã được mua), cụ thể là sau khi người mua đã thanh toán tiền, nhận được cổ phiếu và trở thành cổ đông của công ty.

Khi công ty có những thay đổi lớn (về tình hình kinh doanh, cách thức vận hành công ty…) thì cổ đông có thể không muốn tiếp tục góp vốn, muốn rút vốn; Công ty cũng muốn giảm tỷ lệ sở hữu công ty của cổ đông và muốn mua lại cổ phần.

Xem thêm:

Cổ đông trong Công ty cổ phần: Những điều cần biết!

3. Quyền mua lại cổ phần

Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của cổ đông như sau:

Cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định tại khoản này.

Điều 133 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quyền công ty mua lại cổ phần theo quyết đinh của mình, như sau:

Công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán theo quy định sau đây:

….

Xem thêm:

Các quy định pháp luật về điều lệ công ty

4. Cách thức và thủ tục mua lại cổ phần đã phát hành

Pháp luật quy đinh cụ thể điều kiện, cách thức công ty mua lại cổ phần.

Trước tiên, cần lưu ý là Công ty chỉ được quyền thanh toán cổ phần được mua lại cho cổ đông nếu sau khi thanh toán công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

a. Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông

Đây là trường hợp công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông sở hữu nếu giữa cổ đông và công ty có những bất đồng về quyền lợi, nghĩa vụ.

Điều kiện mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông: Nếu cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định tại Điều lệ công ty thì có thể yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình.

Nội dung yêu cầu mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông:Yêu cầu công ty mua lại cổ phần phải bằng văn bản, trong đó có các nội dung chính sau:

  • Tên, địa chỉ của cổ đông;
  • Số lượng cổ phần từng loại;
  • Giá dự định bán;
  • Lý do yêu cầu công ty mua lại.

Cổ đông phải gửi yêu cầu đến công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề cổ đông phản đối.

Giá mua lại cổ phần: Công ty sẽ mua lại cổ phần của cổ đông có yêu cầu theo giá thị trường hoặc hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty. Nếu hai bên không thỏa thuận được về giá thì có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá cổ phần. Công ty có trách nhiệm giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp để cổ đông lựa chọn tổ chức xác định giá cổ phần.

Thời hạn mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông: 90 ngày, kể từ ngày công ty nhận được yêu cầu.

mua-lai-co-phan-cua-co-dong
Cổ phần có thể mua đi, bán lại dễ dàng – Nguồn ảnh minh hoạ: Internet

b. Mua lại cổ phần theo quyết định của công ty

Đây là trường hợp công ty có thể tự mình quyết định việc mua lại cổ phần đã bán cho cổ đông nhằm phục vụ mục đích, kế hoạch kinh doanh của mình.

Các loại cổ phần của cổ đông mà công ty có thể mua lại:

  • Cổ phần phổ thông: công ty có thể mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán
  • Cổ phần ưu đãi cổ tức: công ty có thể mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán

Giá mua lại cổ phần theo quyết định của công ty

Giá mua lại cổ phần sẽ do Hội đồng quản trị của công ty quyết định các theo nguyên tắc:

  • Đối với cổ phần phổ thông, giá mua lại không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua lại.
  • Đối với loại cổ phần khác, nếu Điều lệ công ty không quy định hoặc công ty và cổ đông có liên quan không có thỏa thuận khác thì giá mua lại không được thấp hơn giá thị trường.

Cách thức Công ty mua lại cổ phần của từng cổ đông

Công ty có thể mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty. Trong trường hợp này, công ty phải thông báo bằng phương thức bảo đảm đến được tất cả cổ đông quyết định mua lại cổ phần trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định đó được thông qua. Thông báo gửi đến các cổ đông phải có các nội dung chính sau:

  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty.
  • Tổng số cổ phần và loại cổ phần được mua lại, giá mua lại hoặc nguyên tắc định giá mua lại.
  • Thủ tục và thời hạn thanh toán.
  • Thủ tục và thời hạn để cổ đông chào bán cổ phần của họ cho công ty.

Cổ đông có thể đồng ý hoặc từ chối bán lại cổ phần cho công ty. Nếu đồng ý, cổ đông phải thực hiện gửi chào bán cổ phần của mình bằng phương thức bảo đảm đến được công ty trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định mua lại cổ phần. Chào bán cổ phần của các cổ đông phải có các nội dung chính sau:

  • Thông tin của cổ đông gồm: Họ, tên, địa chỉ thường trú, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cổ đông là cá nhân; Tên, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập, địa chỉ trụ sở chính của cổ đông là tổ chức.
  • Số cổ phần sở hữu và số cổ phần chào bán.
  • Phương thức thanh toán.
  • Chữ ký của cổ đông hoặc người đại diện theo pháp luật của cổ đông.

5. Những việc cần làm sau khi công ty mua lại cổ phần

Sau khi công ty mua lại cổ phần thì cần thực hiện tiếp các việc sau:

  • Số cổ phần được công ty mua lại sẽ được coi là cổ phần chưa bán. Công ty phải làm thủ tục điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phần được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phần
  • Cổ phiếu xác nhận quyền sở hữu cổ phần đã được mua lại phải được tiêu hủy ngay sau khi cổ phần tương ứng đã được thanh toán đủ
  • Sau khi thanh toán hết số cổ phần mua lại, nếu tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của công ty giảm hơn 10% thì công ty phải thông báo cho tất cả các chủ nợ biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thanh toán hết số cổ phần mua lại.

Xem thêm:

Thủ tục giảm vốn điều lệ công ty cổ phần

6. Chuyển nhượng cổ phần và mua lại cổ phần

Nhiều người nhầm lẫn chuyển nhượng cổ phần và mua lại cổ phần, tuy nhiên hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Về cơ bản:

  • Khi chuyển nhượng cổ phần thì cổ phần không mất đi mà chuyển từ người này sang người khác
  • Khi công ty mua lại cổ phần thì cổ phần bị thu hồi và coi như chưa được bán

Phân tích chi tiết sẽ có trong bảng so sánh sau:

Tiêu chí phân biệt mua lại cổ phần và chuyển nhượng cổ phần Chuyển nhượng cổ phần Mua lại cổ phần
1. Bản chất Là việc buôn bán, tặng cho, chuyển quyền sở hữu cổ phần của cổ đông trong công ty cổ phần cho các tổ chức, cá nhân khác theo thủ tục và trình tự do Luật Doanh nghiệp quy định. Là việc công ty mua lại cổ phần đã bán cho các cổ đông theo yêu cầu của cổ đông hoặc theo quyết định của công ty.

 

 

2. Chủ thể tham gia

Bao gồm:

– Bên bán là các cổ đông.

– Bên mua là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có nhu cầu.

Bao gồm:

– Bên bán là cổ đông.

– Bên mua là công ty cổ phần.

3. Điều kiện xảy ra giao dịch Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ 02 trường hợp bị pháp luật hạn chế:

– Cổ đông sáng lập trong 3 năm đầu từ khi thành lập công ty chỉ được chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác.

Các trường hợp chuyển nhượng cổ phần cho đối tượng khác phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

– Cổ đông sở hữu loại cổ phần hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ công ty (VD: cổ phần ưu đãi biểu quyết) không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.

Giao dịch mua lại cổ phần xảy ra trong ba trường hợp sau:

– Cổ đông phản đối quyết định về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có thể yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình.

– Công ty ra quyết định mua lại tối đa 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán cho cổ đông.

– Công ty quyết định mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty.

4. Trình tự, thủ tục thực hiện giao dịch – Việc chuyển nhượng cổ phần được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán.

+ Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký.

+ Trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán, trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

– Nếu cổ đông thực hiện chuyển nhượng một số cổ phần thì cổ phiếu cũ sẽ bị hủy bỏ và công ty phát hành cổ phiếu mới ghi nhận số cổ phần đã chuyển nhượng và số cổ phần còn lại của cổ đông

Mỗi trường hợp mua lại cổ phần có trình tự, thủ tục khác nhau:

1. Trường hợp cổ đông yêu cầu

–  Cổ đông phải gửi yêu cầu đến công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề cổ đông phản đối

– Công ty sẽ mua lại cổ phần của cổ đông có yêu cầu theo giá thị trường, giá theo thỏa thuận hoặc giá do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá cổ phần trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công ty nhận được yêu cầu.

2. Trường hợp mua lại cổ phần theo quyết định của công ty

– Tùy thuộc vào tỷ lệ cổ phần mua lại, Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông sẽ ra quyết định mua lại cổ phần của cổ đông

– Hội đồng quản trị quyết định giá mua lại cổ phần tuân thủ theo những nguyên tắc xác định giá của Luật Doanh nghiệp

3. Trường hợp công ty quyết định mua lại cổ phần của từng cổ đông

– Công ty thông báo quyết định mua lại bằng phương thức bảo đảm đến được tất cả cổ đông trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định đó được thông qua.

– Nếu cổ đông đồng ý bán lại cổ phần thì phải gửi chào bán cổ phần của mình bằng phương thức bảo đảm đến công ty trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận thông báo.

Công ty chỉ mua lại cổ phần được chào bán trong thời hạn nói trên.

Để tìm hiểu rõ hơn các trình tự, thủ tục hoạt động mua lại cổ phần mời bạn tham khảo bài viết Mua lại cổ phần

5. Hậu quả pháp lý của giao dịch – Người nhận chuyển nhượng cổ phần sẽ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông.

– Vốn điều lệ của công ty không đổi, số cổ phần nắm giữ, tỷ lệ sở hữu cổ phẩn của các cổ đông không đổi.

 

 

– Cổ phần được công ty mua lại được coi là cổ phần chưa bán. Cổ phiếu xác nhận quyền sở hữu cổ phần đã được mua lại sẽ được tiêu hủy.

– Vốn điều lệ của công ty sẽ bị giảm sau khi thực hiện giao dịch mua lại cổ phần.

Công ty phải làm thủ tục điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương ứng trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phần, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác.

– Nếu tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của công ty giảm hơn 10% thì công ty phải thông báo cho tất cả các chủ nợ biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thanh toán hết số cổ phần mua lại.

Xem thêm:

A-Z về chuyển nhượng cổ phần

 

KẾT LUẬN:

Khi công ty tiến hành giao dịch mua lại cổ phần, việc tư vấn pháp lý từ một luật sư chuyên nghiệp là vô cùng quan trọng để đảm bảo rằng mọi bước đi của công ty tuân thủ đúng pháp luật và tránh rủi ro pháp lý tiềm ẩn.

Một luật sư tư vấn trong lĩnh vực này sẽ giúp doanh nghiệp xác định rõ ràng quy trình mua lại, từ việc xác định giá trị thị trường của cổ phần, lựa chọn phương thức thanh toán, đến việc tuân thủ quy định về thông báo cho cổ đông và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Bên cạnh đó, luật sư còn giúp công ty đánh giá các hậu quả pháp lý của việc mua lại cổ phần, như ảnh hưởng đến cấu trúc sở hữu, quyền lợi của cổ đông còn lại và các vấn đề liên quan đến thuế.

Ngoài ra, trong trường hợp có tranh chấp giữa công ty và cổ đông về giá trị cổ phần hoặc các điều khoản khác trong hợp đồng mua bán, một luật sư có kinh nghiệm sẽ giúp đưa ra giải pháp đàm phán, thương lượng, hoặc thậm chí là đưa vụ việc ra trước toà án nếu cần thiết. Tóm lại, sự hỗ trợ của một luật sư trong việc mua lại cổ phần không chỉ đảm bảo sự tuân thủ pháp luật, mà còn giúp công ty điều hành quá trình này một cách hiệu quả và minh bạch.

Xem thêm:

Dịch vụ tư vấn luật doanh nghiệp uy tín, chất lượng

Nguyễn Văn Thanh