Doanh nghiệp tư nhân: Những quy định quan trọng nhất!

Doanh nghiệp tư nhân là một loại hình doanh nghiệp khá phổ biến ở Việt Nam. Pháp luật đã có những quy định về doanh nghiệp tư nhân trên mọi phương diện từ cơ cấu tổ chức, trình tự thành lập, các quyền, nghĩa vụ cơ bản của doanh nghiệp tư nhân cũng như chủ sở hữu doanh nghiệp đó. Cụ thể các quy định này như thế nào, hãy cùng Công ty Luật Thái An khám phá trong bài viết dưới đây.

1. Khái niệm, đặc điểm của Doanh nghiệp tư nhân

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật doanh nghiệp 2020 thì:

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân có các đặc điểm sau:

  • Do một cá nhân làm chủ doanh nghiệp và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình;
  • Không có tư cách pháp nhân;
  • Không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
  • Không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Lưu ý:  Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

2. Ưu nhược điểm của Doanh nghiệp tư nhân

2.1 Ưu điểm

Loại hình doanh nghiệp tư nhân có những ưu điểm sau:

  • Do là chủ sở hữu duy nhất nên chủ doanh nghiệp tư nhân được hoàn toàn chủ động trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân tạo sự tin tưởng cho đối tác, khách hàng và giúp cho doanh nghiệp ít chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật như các loại hình doanh nghiệp khác.  Do đó doanh nghiệp có thể huy động vốn trực tiếp từ các đối tác và các nhà đầu tư, vì doanh nghiệp không chỉ chịu trách nhiệm trả nợ bằng tài sản của doanh nghiệp mà còn bằng cả tài sản của chủ doanh nghiệp.
  • Chủ doanh nghiệp được hưởng mọi lợi nhuận phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tức là chủ doanh nghiệp tự mình bỏ vốn ra kinh doanh và cũng tự mình thu về mọi lợi nhuận mà không phải chia sẻ cho bất kì ai khác.
  • Doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, có tính năng động, linh hoạt, tự do sáng tạo trong kinh doanh, nhanh chóng và dễ dàng đổi mới trang thiết bị công nghệ hiện đại;
  • Doanh nghiệp tư nhân chỉ cần vốn đầu tư ít, hiệu quả thu hồi vốn nhanh; hệ thống tổ chức gọn nhẹ, công tác điều hành mang tính trực tiếp, ít chịu sự ràng buộc của pháp luật.

2.2 Nhược điểm

Loại hình doanh nghiệp tư nhân có những nhược điểm sau:

  • Chế độ trách nhiệm tài sản vô hạn có thể làm cho chủ doanh nghiệp tư nhân mất đi toàn bộ tài sản nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ dẫn đến phải giải thể, phá sản doanh nghiệp. Bởi chủ doanh nghiệp sẽ phải dùng toàn bộ tài sản cá nhân ra để trả nợ cho doanh nghiệp.
  • Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về hoạt động kinh doanh. Nhưng việc xác định được những tài sản nào là của chủ doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi mà các chủ doanh nghiệp thường là những người đang có vợ hoặc đang có chồng và không phải tài sản nào cũng được xác định là tài sản riêng của chủ doanh nghiệp.
  • Việc vay vốn không phải là dễ dàng, mặc dù chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ của doanh nghiệp, nhưng việc cung cấp các bảo đảm cho các chủ nợ đối với các khoản nợ của doanh nghiệp cũng chỉ giới hạn ở tổng số tài sản cá nhân của chủ doanh nghiệp.

3. Vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân

Vốn của doanh nghiệp tư nhân cũng chính là vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 189 Luật doanh nghiệp 2020 thì:

  • Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư. Tài sản và vốn của doanh nghiệp tư nhân vẫn là tài sản của chủ doanh nghiệp đó.
  • Vốn đầu tư có thể bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác; tài sản khác. Cần phải ghi cụ thể các loại vốn này, số lượng là bao nhiêu, giá trị như thế nào.
  • Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
  • Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.
thành lập nhiều doanh nghiệp tư nhân
Thành lập nhiều doanh nghiệp tư nhân là ý định của nhiều người nhưng có được phép hay không ?

4. Chủ doanh nghiệp tư nhân

Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đầu tư duy nhất cho doanh nghiệp, do đó có quyền tuyệt đối trong doanh nghiệp. Căn cứ quy định tại Điều 190 Luật doanh nghiệp 2020 thì

  • Chủ doanh nghiệp có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
  • Chủ doanh nghiệp có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Lưu ý: Trong trường hợp này, chủ doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
  • Chủ doanh nghiệp là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

5. Thành lập doanh nghiệp tư nhân

Khi thành lập doanh nghiệp tư nhân thì cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Theo quy định tại Điều 21, nghị định 01/2021/NĐ-CP thì hồ sơ thành lập Doanh nghiệp tư nhân gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Hồ sơ được nộp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.

Bước 3: Xử lý hồ sơ

Sau khi nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh xem xét, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.

Bước 4: Trả kết quả

Nếu hồ sơ hợp lệ Phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra Thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ

Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

6. Cho thuê doanh nghiệp tư nhân

Chủ doanh nghiệp có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp tư nhân của mình nhưng phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao hợp đồng cho thuê có công chứng đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng cho thuê có hiệu lực.

Trong thời hạn cho thuê, chủ doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp (căn cứ Điều 191 Luật doanh nghiệp 2020).

Trình tự thực hiện thủ tục cho thuê doanh nghiệp tư nhân gồm các bước sau

Bước 1: Ký kết hợp đồng cho thuê có công chứng

Bước 2: Gửi thông báo cho thuê doanh nghiệp tư nhân kèm theo bản sao hợp đồng cho thuê có công chứng đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày Hợp đồng cho thuê có hiệu lực.

Bước 3: Cơ quan đăng ký kinh doanh xử lý hồ sơ cho thuê doanh nghiệp tư nhân. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, cập nhật thông tin của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Khi quyết định thuê và cho thuê doanh nghiệp tư nhân, các bên phải nhận thức được hậu quả pháp lý của sự việc, các quyền và nghĩa vụ của mình khi thuê và cho thuê:

  • Người thuê doanh nghiệp tư nhân được sử dụng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê.
  • Doanh nghiệp tư nhân không chấm dứt tư cách pháp lý.
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bên thứ ba đối với hợp đồng của doanh nghiệp tư nhân trong thời gian cho thuê.
  • Quyền và trách nhiệm của chủ doanh nghiệp tư nhân và người thuê được xác định theo hợp đồng thuê. Bên thuê doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể làm đại diện nếu được chủ doanh nghiệp tư nhân ủy quyền bằng Hợp đồng ủy quyền nhằm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đó.

7. Bán doanh nghiệp tư nhân

Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác. Trình tự thực hiện thủ tục bán doanh nghiệp tư nhân gồm các bước sau:

Bước 1: Thực hiện việc đàm phán, ký kết, thanh toán Hợp đồng mua bán với người mua

Các bên phải thống nhất và lập thành Hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Pháp luật hiện nay không quy định về mẫu Hợp đồng mua bán doanh nghiệp tư nhân nhưng cần tuân thủ các quy định của hợp đồng mua bán như hợp đồng mua bán tài sản thông thường gồm các điều khoản như: Bên mua, Bên bán, Đối tượng của hợp đồng mua bán, giá cả, thuế, lệ phí, phương thức thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên, …

Về người mua doanh nghiệp thì phải là người có quyền thành lập, góp vốn thành lập, mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp theo quy định Luật Doanh nghiệp và không thuộc trường hợp không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định pháp luật.

Các bên ký kết Hợp đồng và tiến hành thanh toán theo quy định.

Bước 2: Thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân

Về thời hạn thực hiện thủ tục: Căn cứ Điều 30 Luật doanh nghiệp 2020 thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân phải thực hiện thủ tục thông báo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh

Về Hồ sơ: Hồ sơ đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân được hướng dẫn tại Điều 54 Nghị định 01/2021/NĐ-CP Về đăng ký doanh nghiệp bao gồm:

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của người bán và người mua doanh nghiệp tư nhân;
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người mua doanh nghiệp tư nhân;
  • Hợp đồng mua bán hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc mua bán;

Sau khi nhận hồ sơ đăng ký thay đổi của doanh nghiệp tư nhân, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp tư nhân

Bước 3: Hoàn tất nghĩa vụ tài chính khác (nếu có)

Lưu ý:  

  • Sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận khác.
  • Chủ doanh nghiệp, người mua doanh nghiệp tư nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về lao động liên quan tới chế độ cho những người lao đông trong doanh nghiệp.
  • Người mua doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân.

 

Trên đây là những quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp tư nhân. Nếu bạn cần được tư vấn chi tiết hoặc cần được giải đáp các thắc mắc trong từng trường hợp cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn luật doanh nghiệp và luật đầu tư  – các Luật sư, chuyên gia pháp lý của Công ty Luật Thái An sẽ giải thích cặn kẽ những gì chưa thể hiện được hết trong bài viết này.

Nguyễn Văn Thanh