Xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự như thế nào ?

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự có thể xảy ra những vi phạm pháp luật nghiêm trọng dẫn đến việc kết luận trong bản án hoặc quyết định không đúng với thực tế khách quan của vụ án, dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc ra phán quyết giải quyết vụ án. Chính vì vậy, pháp luật hình sự đã có quy định về thủ tục xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự vụ án hình sự nhằm khắc phục hậu quả trong trường hợp này.

1. Giám đốc thẩm vụ án hình sự vụ án hình sự là gì?

Điều 370 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định giám đốc thẩm vụ án hình sự là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Có thể thấy thủ tục giám đốc thẩm vụ án hình sự có ý nghĩa rất quan trọng trong tố tụng hình sự, nhằm bảo đảm việc xử lý vụ án đúng người, đúng tội, đúng theo quy định của pháp luật.

2. Kháng nghị giám đốc thẩm vụ án hình sự

a. Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm vụ án hình sự là gì ?

Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm vụ án hình sự là bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 371 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, như sau:

  • Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
  • Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;
  • Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Để đảm bảo mọi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án được pháp hiện và xử lý kịp thời thì Điều 372 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo bằng văn bản hoặc trình bày trực tiếp với người có thẩm quyền kháng nghị hoặc với Tòa án, Viện kiểm sát nơi gần nhất kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có).

b. Ai là người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án hình sự?

Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án hình sự được quy định tại Điều 373 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bao gồm:

  • Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án hình sự bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
  • Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án hình sự bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.
  • Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án hình sự bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

c. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án hình sự là bao lâu?

Việc kháng nghị có thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đối với kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án.

Trường hợp kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

Ngoài ra, việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

d. Tiếp nhận yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm vụ án hình sự

Sau khi Tòa án, Viện kiểm sát đã nhận thông báo, lập biên bản về việc bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án hình sự phải gửi ngay thông báo, biên bản kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có) cho người có thẩm quyền kháng nghị và thông báo bằng văn bản cho người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị, đề nghị biết.

Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án phải chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án, Viện kiểm sát đã yêu cầu.

Trường hợp Tòa án và Viện kiểm sát cùng có văn bản yêu cầu thì Tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án chuyển hồ sơ cho cơ quan yêu cầu trước và thông báo cho cơ quan yêu cầu sau biết.

Nếu không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án hình sự thì người có quyền kháng nghị phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị biết rõ lý do của việc không kháng nghị.

3. Xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự 

a. Thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự 

Tại Điều 382 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự như sau:

  • Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao: giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh, TAND huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị.
  • Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao: giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh, TAND huyện nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Ủy ban Thẩm phán TAND cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán nhưng không thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.
  • Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương: giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực bị kháng nghị.
  • Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao: giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao, Tòa án quân sự trung ương bị kháng nghị.
  • Hội đồng toàn thể Thẩm phán TAND tối cao: giám đốc thẩm đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao, Toà án quân sự trung ương bị kháng nghị nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán nhưng không thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.

Lưu ý: Trường hợp Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm của các cấp khác nhau thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao giám đốc thẩm toàn bộ vụ án

b. Chuẩn bị xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự 

Thành phần tham gia phiên toà xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự

Theo quy định tại Điều 383 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì phiên toà xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự phải có sự tham gia của những người sau đây:

  • Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.
  • Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm; nếu họ vắng mặt thì phiên tòa giám đốc thẩm vẫn được tiến hành.

Chuẩn bị phiên toà xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự

Việc chuẩn bị phiên tòa xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự được thực hiện theo Điều 384 Bộ luật tố tụng hình sự 2015: Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán là thành viên Hội đồng giám đốc thẩm làm bản thuyết trình về vụ án. Bản thuyết trình tóm tắt nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp Tòa án, nội dung của kháng nghị.

Bản thuyết trình và các tài liệu có liên quan phải gửi cho các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm chậm nhất là 07 ngày trước ngày mở phiên tòa giám đốc thẩm.

c. Thủ tục phiên tòa xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự

Hội đồng xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự sẽ xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị. Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa.

Theo đó tại Điều 386 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã quy định về thủ tục phiên toà xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự như sau:

  • Một thành viên Hội đồng giám đốc thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án. Các thành viên khác của Hội đồng giám đốc thẩm hỏi thêm Thẩm phán thuyết trình về những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì Kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị.
  • Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu.
  • Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.
  • Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án Các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm phát biểu ý kiến của mình và thảo luận. Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố quyết định về việc giải quyết vụ án.
  • Các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm phát biểu ý kiến của mình và thảo luận. Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố quyết định về việc giải quyết vụ án.
giám đốc thẩm vụ án hình sự
Thủ tục xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự.

d. Kết quả của phiên toà xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự

Sau khi xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự thì Hội đồng giám đốc thẩm có thể ra những quyết định sau đây:

  • Một là: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị: Hội đồng giám đốc thẩm không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị khi xét thấy bản án, quyết định đó có căn cứ và đúng pháp luật
  • Hai là: Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật. Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm nhưng bị hủy, sửa không đúng pháp luật.
  • Ba là: Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại. Hội đồng giám đốc thẩm hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại nếu có một trong các căn cứ quy định tại Điều 371 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Nếu hủy để xét xử lại thì tùy trường hợp, Hội đồng giám đốc thẩm có thể quyết định xét xử lại từ cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm.
  • Bốn là: Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án. Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án nếu có một trong các căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự quy định tại Điều 157 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
  • Năm là: Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi có đủ các điều kiện:
    • Các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã rõ ràng, đầy đủ;
    • Việc sửa bản án, quyết định không làm thay đổi bản chất của vụ án, không làm xấu đi tình trạng của người bị kết án, không gây bất lợi cho bị hại, đương sự.
  • Sáu là: Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm

4. Hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm và việc gửi quyết định giám đốc thẩm

Theo quy định tại Điều 395 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì Quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng giám đốc thẩm phải gửi quyết định giám đốc thẩm cho những người sau đây:

  • Người bị kết án, người đã kháng nghị;
  • Viện kiểm sát cùng cấp;
  • Viện kiểm sát, Tòa án nơi đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm;
  • Cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người đại diện của họ;

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng giám đốc thẩm phải thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc, học tập.

 

Trên đây là phần tư vấn về giám đốc thẩm vụ án hình sự. Công ty Luật Thái An với đội ngũ Luật sư giỏi, dày dặn kinh nghiệm trong các lĩnh vực, đảm bảo cung cấp dịch vụ uy tín và chất lượng trong lĩnh vực hình sự. Chúng tôi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo và người bị hại. Quý Khách hàng có nhu cầu liên hệ ngay với chúng tôi để được trải nghiệm những dịch vụ pháp lý tốt nhất.

Dịch vụ luật sư bào chữa uy tín!

Dịch vụ luật sư bảo vệ uy tín

 

Nguyễn Văn Thanh