Xét xử tái thẩm vụ án hình sự

Xét xử tái thẩm vụ án hình sự là một thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự nhằm khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong việc xử lý vụ án của các Tòa án. Theo đó bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật được xem xét lại trên cơ sở kháng nghị của người có thẩm quyền. Vậy cần biết quy định gì về xét xử tái thẩm vụ án hình sự, hãy cùng Luật Thái An chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Tính chất của xét xử tái thẩm vụ án hình sự

Theo quy định tại Điều 397 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì xét xử tái thẩm vụ án hình sự là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.

2. Căn cứ kháng nghị để xét xử tái thẩm vụ án hình sự là gì?

Căn cứ theo Điều 398 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử tái thẩm vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

  • Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật
  • Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án
  • Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;
  • Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.

3. Khi phát hiện tình tiết mới của vụ án hình sự cần phải làm gì để kháng nghị tái thẩm?

Bước 1: Khi phát hiện những tình tiết mới của vụ án thì người bị kết án, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác thông báo kèm theo tài liệu liên quan cho Viện kiểm sát hoặc Tòa án.

Bước 2: Tòa án nhận được thông báo hoặc tự mình phát hiện thông báo ngay bằng văn bản kèm theo tài liệu cho Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm.

Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm ra quyết định xác minh những tình tiết đó.

Bước 3: Viện kiểm sát phải xác minh những tình tiết mới; khi xét thấy cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm yêu cầu Cơ quan điều tra có thẩm quyền xác minh tình tiết mới của vụ án và chuyển kết quả xác minh cho Viện kiểm sát

Khi tiến hành xác minh tình tiết mới của vụ án, Viện kiểm sát , Cơ quan điều tra có quyền áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng.

4. Người có quyền kháng nghị để xét xử tái thẩm vụ án hình sự

Theo quy định tại Điều 400 Bộ luật tố tụng hình sự thì những người có quyền kháng nghị để xét xử tái thẩm vụ án hình sự là:

  • Viện trưởng VKSND tối cao: có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.
  • Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương: có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.
  • Viện trưởng VKSND cấp cao: có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

5. Thời hạn kháng nghị để xét xử tái thẩm vụ án hình sự

Thời hạn kháng nghị để xét xử tái thẩm vụ án hình sự được quy định tại Điều 401 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cụ thể là:

  •  Tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án: chỉ được thực hiện trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hạn kháng nghị không được quá 01 năm kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.
  • Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án:  không hạn chế về thời gian và được thực hiện cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

Lưu ý:  Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

6. Thủ tục tiến hành phiên toà xét xử tái thẩm vụ án hình sự được thực hiện như thế nào?

Tại Điều 403 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau những thủ tục khác về tái thẩm sẽ được thực hiện theo như thủ tục giám đốc thẩm. Do đó, thủ tục phiên tòa xét xử tái thẩm vụ án hình sự sẽ được thực hiện theo như quy định tại Điều 386 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể như sau:

  •  Sau khi khai mạc phiên tòa, một thành viên Hội đồng xét xử tái thẩm vụ án hình sự trình bày bản thuyết trình về vụ án. Các thành viên khác hỏi thêm Thẩm phán thuyết trình về những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì Kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị.
  • Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng xét xử tái thẩm vụ án hình sự yêu cầu.
  • Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.
  • Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa xét xử tái thẩm vụ án hình sự tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án.
  • Các thành viên Hội đồng xét xử tái thẩm vụ án hình sự phát biểu ý kiến của mình và thảo luận. Hội đồng xét xử tái thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án
  • Hội đồng xét xử tái thẩm vụ án hình sự công bố quyết định về việc giải quyết vụ án.

7. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử tái thẩm vụ án hình sự

Theo quy định tại Điều 402 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015, Hội đồng xét xử tái thẩm vụ án hình sự có những quyền sau:

  • Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
  • Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
  • Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.
  • Đình chỉ việc xét xử tái thẩm.

8. Phân biệt xét xử giám đốc thẩm và xét xử tái thẩm vụ án hình sự

8.1 Điểm giống nhau

Xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm vụ án hình sự có những điểm giống nhau cơ bản như:

  • Là thủ tục đặc biệt mà không phải cấp xét xử
  • Mục đích là nhằm xét lại những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án
  • Thời hạn mở phiên tòa là 04 tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án.
  • Quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.
  • Người tham gia: bắt buộc có Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Ngoài ra có thể có thêm người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

8.2 Điểm khác nhau

Thứ nhất: Về tính chất

– Xét xử tái thẩm vụ án hình sự: Là thủ tục tố tụng đặc biệt, nhằm xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.

– Xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự: Là thủ tục tố tụng đặc biệt, nhằm xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Thứ hai: Về căn cứ kháng nghị

– Xét xử tái thẩm vụ án hình sự: Theo các căn cứ nêu tại mục 2 của bài viết này

– Xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự: Các căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đó là:

  •  Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.
  • Có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
  • Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật

Thứ ba: Về thời hạn kháng nghị

Xét xử tái thẩm vụ án hình sự: Theo quy định tại mục 5 của bài viết này.

Xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự:

  •  Nếu kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
  • Nếu kháng nghị theohướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án chết mà cần minh oan cho họ.

Thứ tư: Về loại bản án, quyết định cần xem xét lại

Xét xử tái thẩm vụ án hình sự: Bản án, quyết định có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định đó.

Xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự: Bản án, quyết định có sai sót nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng.

9. Dịch vụ Luật sư chuyên tố tụng hình sự

Công ty Luật Thái An là một trong những Công ty Luật hàng đầu Việt Nam chuyên cung cấp các dịch vụ Luật sư tham gia tố tụng hình sự. Bằng sự chuyên nghiệp, kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực hình sự, chúng tôi luôn đem đến những phương án bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng, hỗ trợ khách hàng xử lý và giải quyết các thủ tục, quy trình tố tụng một cách nhanh chóng nhất, giúp tiết kiệm được chi phí, thời gian và sức khỏe cho nhiều khách hàng.

Với phương châm tận tâm – hiệu quả – uy tín- chất lượng, Công ty Luật Thái An cam kết:

  • Đảm bảo thực hiện công việc theo đúng tiến độ đã thỏa thuận, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, đúng với quy tắc đạo đức và ứng xử của luật sư Việt Nam.
  • Đặt quyền lợi khách hàng lên hàng đầu, nỗ lực hết mình để mang đến cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt nhất.
  • Tư vấn đầy đủ và toàn diện về vụ án, có đường lối giải quyết vụ án tốt nhất cho khách hàng;
  • Luật sư sẵn sàng tham gia vào các giai đoạn của vụ án hình sự từ điều tra, truy tố, xét xử và tham gia tranh tụng, bảo vệ khách hàng tại các cấp Tòa án.
  • Phí dịch vụ luôn hợp lý nhất thị trường, đảm bảo khách hàng sẽ cảm thấy hài lòng
  • Bảo mật thông tin mà khách hàng cung cấp, các thông tin liên quan đến khách hàng một cách tuyệt đối

HÃY LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC SỬ DỤNG DỊCH VỤ CHẤT LƯỢNG NHẤT!

>> Xem thêm: Dịch vụ Luật sư bào chữa

Đàm Thị Lộc