Tạm hoãn hợp đồng lao động cần lưu ý điều gì?
Trong quan hệ lao động không phải lúc nào Hợp đồng lao động cũng được thực hiện sẽ có lúc các bên phải tạm hoãn hợp đồng lao động. Việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động sẽ ảnh hưởng đến quan hệ lao động của hai bên, đặc biệt là quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nên Bộ luật lao động quy định rất chi tiết các trường hợp được tạm hoãn hợp đồng lao động và hậu quả pháp lý khi thực hiện việc tạm hoãn hợp đồng.
1. Cơ sở pháp lý quy định tạm hoãn hợp đồng lao động?
Cơ sở pháp lý quy định các vấn đề liên quan đến tạm hoãn hợp đồng lao động là các văn bản pháp lý sau:
- Bộ luật lao động năm 2019
- Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
- Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
- Bộ luật dân sự năm 2015
2. Khái niệm tạm hoãn hợp đồng lao động
Pháp luật lao động hiện hành chưa có khái niệm cụ thể về tạm hoãn hợp đồng lao động, tuy nhiên có thể hiểu tạm hoãn hợp đồng lao động là việc tạm dừng thực hiện hợp đồng lao động trong một thời gian nhất định vì các căn cứ do pháp luật quy định hoặc do người sử dụng lao động và người lao động tự thỏa thuận với nhau.
Tạm hoãn hợp đồng lao động do vậy khác với tạm đình chỉ hợp đồng (áp dụng khi người lao động tạm ngừng làm việc để cơ quan chức năng điều tra vụ việc có liên quan tới người lao động):
>>> Xem thêm: Tạm đình chỉ công việc của người lao động
Lưu ý: Việc tạm hoãn hợp đồng lao động sẽ không làm mất hiệu lực của hợp đồng lao động đã ký kết giữa người sử dụng lao động và người lao động.
3. Các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động
Điều 30 Bộ luật lao động năm 2019 quy định tám trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:
- Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;
- Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;
- Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc;
- Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi;
- Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đó là những người giữ các vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng Thành viên, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng.
- Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
- Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;
- Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận
4. Hậu quả của tạm hoãn hợp đồng lao động?
Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác (căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019).
5. Trách nhiệm, nghĩa vụ sau khi tạm hoãn hợp đồng là gì?
Theo Điều 31 Bộ luật Lao động 2019, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên như sau:
- Người lao động: phải có mặt tại nơi làm việc
- Người sử dụng lao động: phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
6. Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động bị xử lý thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 6 và điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp có hành vi không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nếu hợp đồng lao động còn thời hạn (trừ trường hợp doanh nghiệp và người lao động có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác) thì có thể bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 14 triệu đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp có hành vi vi phạm nêu trên còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sau:
- Buộc nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động;
- Buộc trả lương cho người lao động trong những ngày không nhận người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
(Căn cứ điểm b khoản 5 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
7. Giải đáp một số câu hỏi thường gặp về tạm hoãn hợp đồng lao động
7.1 Khi tạm hoãn hợp đồng lao động có cần phải báo trước không?
Hiện nay, pháp luật lao động không quy định về việc phải báo trước khi tạm hoãn hợp đồng lao động mà chỉ nêu các trường hợp phát sinh việc tạm hoãn. Do đó, khi phát sinh các trường hợp tạm hoãn thì hợp đồng lao động đương nhiên bị tạm hoãn, không phải báo trước.
Riêng đối với trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động theo thoả thuận của hai bên thì thời điểm tạm hoãn có thể được nêu ra trong văn bản thỏa thuận và xác định một ngày tạm hoãn cụ thể sau đó.
Lưu ý: Đối với người lao động nữ mang thai (Căn cứ Điều 138 Bộ luật lao động 2019) thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
7.2. Tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động có được đóng bảo hiểm xã hội không?
Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/04/2017 thì: Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng Bảo hiểm xã hội.
Do đó, nếu thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên trong một tháng thì người lao động không được đóng bảo hiểm xã hội tháng tháng đó. Ngược lại, nếu thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động dưới 14 ngày làm việc trong một tháng thì người lao động vẫn được đóng bảo hiểm xã hội tháng đó.
Đồng thời, khoản 7 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/04/2017 quy định trường hợp người lao động mà bị tạm giam, tạm giữ để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đóng bảo hiểm cho người lao động như sau:
- Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp;
- Đóng bảo hiểm y tế hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật;
- Sau thời gian tạm giam, tạm giữ nếu người lao động được cơ quan có thẩm quyền xác định bị oan, sai, không vi phạm pháp luật thì doanh nghiệp phải:
- Đóng bù bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp trên tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc;
- Bị truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh, không tính lãi đối với số tiền truy đóng;
- Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động là có tội thì không thực hiện việc đóng bù Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và không phải truy đóng bảo hiểm y tế cho thời gian bị tạm giam.
8. Phân biệt tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ việc không lương
Nhiều người không phân biệt được tạm hoãn hợp đồng và nghỉ việc không lương. Hai khái niệm này khá giống nhau, tuy nhiên có những điểm khác biệt. Chúng tôi sẽ phân tích những điểm giống và khác nhau sau đây:
8.1 Điểm giống nhau
Điểm giống nhau của hai trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ không hưởng lương là trong thời gian tạm hoãn hợp đồng hay nghỉ việc không lương thì người sử dụng lao động đều không phải trả lương cho người lao động.
Sau thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động hay nghỉ việc không lương, người lao động sẽ quay trở lại làm việc, trừ trường hợp người lao động và người sử dụng lao động có thoả thuận khác
8.2 Điểm khác nhau
- Về lý do, điều kiện: Các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động: gồm 08 trường hợp quy định tại Điều 30 Bộ luật lao động năm 2019. Các trường hợp nghỉ không lương là theo Khoản 2 và Khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 thì Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn. Ngoài ra người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
- Về thời gian thực hiện hợp đồng: Trường hợp người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động: Thời gian tạm hoãn không tính vào thời gian thực hiện hợp đồng lao động. Trường hợp người lao động nghỉ không hưởng lương thì thời gian nghỉ không hưởng lương vẫn tính vào thời gian thực hiện hợp đồng lao động.
Lưu ý: Thời gian nghỉ không hưởng lương hết trước hoặc trùng với thời điểm hết thời hạn hợp đồng lao động xác định thời hạn thì hai bên chấm dứt hợp đồng hoặc thỏa thuận giao kết hợp đồng mới.
9. Dịch vụ luật sư tư vấn pháp luật lao động và giải quyết tranh chấp lao động của Luật Thái An
Trong quá trình lao động thường sẽ phát sinh những vấn đề, những mâu thuẫn mà đòi hỏi cần có sự hiểu pháp luật để giải quyết vấn đề một cách hợp lý nhất, khi ấy, dịch vụ tư vấn luật lao động là vô cùng cần thiết.
Nhằm đáp ứng những nhu cầu trên, Công ty Luật Thái An cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật lao động và giải quyết tranh chấp lao động với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý cao cấp, chúng tôi sẽ đưa ra các biện pháp giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng đồng thời vẫn tuân thủ quy định của pháp luật.
Đến với dịch vụ tư vấn pháp luật lao động và giải quyết tranh chấp lao động của Luật Thái An, bạn sẽ được đảm bảo tối đa về quyền và lợi ích mà không cần phải lo lắng về vấn đề thời gian và chi phí. Bởi Luật Thái An luôn giải quyết các rắc rối pháp lý nhanh chóng mà vẫn đảm bảo tính hiệu quả cao với một mức chi phí vô cùng hợp lý.
Liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An để được tư vấn chi tiết.
>>> Xem thêm: Tư vấn luật lao động
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024