Những quy định pháp luật mới nhất về sửa đổi hợp đồng

Hợp đồng là văn bản chứa đựng các điều khoản về quyền và nghĩa vụ mà hai hoặc nhiều bên đã đồng ý tuân thủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thay đổi liên tục như hiện nay thì việc sửa đổi hợp đồng là điều không thể tránh khỏi.

Sửa đổi hợp đồng trở thành một công cụ quan trọng để đảm bảo rằng các thỏa thuận vẫn phù hợp với mong muốn của các bên và có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Vậy sửa đổi hợp đồng là gì? Những quy định pháp luật mới nhất về sửa đổi hợp đồng sẽ được chúng tôi trình bày trong bài viết dưới đây.

1. Thế nào sửa đổi hợp đồng ?

Việc sửa đổi hợp đồng là việc thay đổi một số nội dung của hợp đồng. Việc sửa đổi hợp đồng chỉ làm thay đổi một hoặc một sộ điều khoản của hợp đồng đã có hiệu lực. Trường hợp này có thể được thể hiện dưới hình thức phụ lục sửa đổi hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng. Các phụ lục này đều có giá trị như hợp đồng, buộc các bên phải thực hiện.

Khi hợp đồng được sửa đổi thì phần bị sửa đổi sẽ không còn giá trị pháp lý. Phần sửa đổi sẽ có giá trị kể từ thời điểm việc sửa đổi có giá trị pháp lý.

Thông thường thì việc sửa đổi hợp đồng sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm các bên ký Phụ lục sửa đổi hợp đồng trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật liên quan có quy định khác.

Việc sửa đổi bổ sung hợp đồng phải tuân thủ các quy định của Bộ luật dân sự 2015 cũng như Nghị định 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính Phủ quy định thi hành Bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

2. Trường hợp nào được sửa đổi hợp đồng?

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 tại Điều 401 về hiệu lực của Hợp đồng và Điều 421 về sửa đổi hợp đồng thì Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.

2.1 Sửa đổi hợp đồng theo thoả thuận của các bên

Do Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự nên pháp luật cũng cho phép các bên được quyền tự quyết định sửa đổi hợp đồng theo ý chí và thoả thuận của mình.

2.2 Sửa đổi hợp đồng theo quy định của pháp luật

Việc sửa đổi hợp đồng theo quy định của pháp luật được diễn ra khi có hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Được xác định là hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi và chỉ khi có đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 420 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể là:

  • Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
  • Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
  • Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
  • Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;
  • Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

Tuy nhiên, khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản nhưng một bên yêu cầu sửa đổ hợp đồng, bên kia không đồng ý thì xử lý như thế nào ? Khi đó, bên yêu cầu sửa đổi hợp đồng có thể yêu cầu Toà án chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định; hoặc sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi. Căn cứ pháp lý là điều 420 Bộ luật dân sự 2015.

Lưu ý: Trong quá trình đàm phán để sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Có thể thấy việc sửa đổi hợp đồng theo quy định pháp luật phải đáp ứng rất nhiều các điều kiện chặt chẽ. Quy định như vậy nhằm để giảm thiểu trường hợp các bên trong hợp đồng lợi dụng vào sự thay đổi của hoàn cảnh để yêu cầu sửa đổi hợp đồng cũng như đảm bảo sự công bằng khi thực hiện hợp đồng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam thường xuyên có những biến động lớn.

sửa đổi hợp đồng
2 trường hợp được sửa đổi hợp đồng – ảnh minh hoạ: Luật Thái An

3. Điều kiện để sửa đổi Hợp đồng là gì?

Mặc dù việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng là quyền của các bên trong hợp đồng nhưng việc này cũng cần phải tuân thủ một số điều kiện nhất định như:

Hợp đồng sửa đổi phải tuân theo hình thức của hợp đồng ban đầu

Điều này có nghĩa là hình thức của hợp đồng ban đầu như thế nào thì hình thức của việc sửa đổi hợp đồng cũng phải giống hợp đồng ban đầu chứ không thể là một hình thức khác.

Ví dụ: Hợp đồng được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực thì Hợp đồng sửa đổi cũng phải được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực:

Không được sửa đổi hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba

Theo quy định tại Điều 417 Bộ luật dân sự năm 2015 thì khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hợp đồng, trừ trường hợp được người thứ ba đồng ý.

Như vậy, muốn sửa đổi hợp đồng thì cần phải xem xét trong hợp đồng có quy định về người thứ 3 hay không? Nếu muốn sửa đổi thì phải xem người thứ 3 có đồng ý hay không, hay là việc sửa đổi có liên quan đến lợi ích của người thứ 3 hay không?

4. Luật sư tư vấn sửa đổi bổ sung hợp đồng

Trong quá trình kinh doanh và giao dịch thương mại, việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng là điều không còn xa lạ. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường biến đổi liên tục, việc điều chỉnh các điều khoản trong hợp đồng nhằm phản ánh đúng tình hình thực tế và bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia là vô cùng quan trọng.

Để đảm bảo quá trình này diễn ra một cách suôn sẻ và hợp pháp, việc tìm kiếm sự tư vấn từ các luật sư chuyên nghiệp là không thể thiếu:

  • Lợi ích của việc tư vấn luật sư trong việc kiểm tra nội dung hợp đồng không chỉ giúp các bên hiểu rõ về quy định pháp luật liên quan, mà còn đảm bảo hợp đồng sau khi được sửa đổi vẫn giữ nguyên tính hợp pháp và không vi phạm quy định nào của pháp luật. Ngoài ra, luật sư còn giúp phân tích rủi ro, tìm ra các điểm yếu trong hợp đồng cũ và đề xuất giải pháp để khắc phục, tối ưu hóa lợi ích cho khách hàng.
  • Trong quá trình tư vấn, luật sư sẽ phân tích kỹ lưỡng nội dung hợp đồng cũ, xác định những điểm cần sửa đổi, bổ sung dựa trên nhu cầu và mong muốn của khách hàng cũng như đảm bảo tính pháp lý. Một số vấn đề thường gặp như việc thay đổi giá trị hợp đồng, điều chỉnh thời hạn thực hiện, thêm bớt các điều khoản liên quan đến trách nhiệm của các bên, hoặc cả việc thay đổi bên thứ ba liên quan. Toàn bộ những thay đổi này cần phải được thực hiện một cách chính xác, khoa học và tuân theo quy định của pháp luật.
  • Một điểm cần lưu ý là việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng cần được sự đồng ý của tất cả các bên liên quan. Do đó, ngoài việc đảm bảo tính hợp pháp, luật sư còn giúp đàm phán, thương lượng giữa các bên để tìm ra một giải pháp tối ưu, đồng thời bảo vệ quyền lợi của khách hàng mình đại diện.

Qua đó, việc tìm kiếm sự tư vấn từ các luật sư chuyên nghiệp không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức mà còn giảm thiểu rủi ro, tránh phát sinh những tranh chấp không đáng có trong tương lai. Hãy cân nhắc dịch vụ tư vấn, rà soát, sửa đổi hợp đồng của Công ty Luật Thái An.

Xem thêm:

DỊCH VỤ SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG

DỊCH VỤ RÀ SOÁT HỢP ĐỒNG

Nguyễn Văn Thanh