Chức năng của viện kiểm sát trong vụ án dân sự là gì?

Trong tố tụng dân sự, việc giải quyết vụ án dân sự của Tòa án sẽ được kiểm sát bởi Viện kiểm sát để nhằm đảm bảo vụ án được giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Vậy chức năng của Viện kiểm sát trong vụ án dân sự là gì, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân

Viện kiểm sát nhân dân là một trong những cơ quan tiến hành tố tụng, cùng với Toà án. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 thì Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân bao gồm:

  • Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
  • Viện kiểm sát nhân dân cấp cao (hiện có 3 Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh).
  • Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
  • Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.

Trong tố tụng dân sự nói riêng thì Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng. Viện kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

(Căn cứ khoản 2 Điều 13 Điều 46 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).

2. Chức năng của Viện kiểm sát trong vụ án dân sự

Chức năng của Viện kiểm sát là kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Đây là hoạt động kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Toà án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tố tụng dân sự xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án dân sự; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; các hoạt động tố tụng dân sự khác theo quy định của pháp luật.

Chức năng của Viện kiểm sát được cụ thể hoá như sau:

Thứ nhất: Chức năng của Viện kiểm sát trong việc yêu cầu Toà án và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác

Chức năng của Viện kiểm sát trong việc thực hiện các quyền yêu cầu trong tố tụng dân sự là:

  • Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc (khoản 3 Điều 58 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
  • Yêu cầu Toà án thực hiện đúng các hoạt động tố tụng theo quy định (Khoản 6 Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015)
  • Yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ án (Điều 4 và Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC).
  • Yêu cầu Hội đồng xét xử công bố các tài liệu, chứng cứ của vụ án tại phiên tòa (điểm c khoản 1 Điều 254 và khoản 3 Điều 257 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
  • Yêu cầu Hội đồng xét xử cho nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh tại phiên tòa sơ thẩm (Điều 255 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
  • Yêu cầu Hội đồng xét xử hỏi những vấn đề còn chưa rõ tại phiên tòa sơ thẩm (Điều 258 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
  • Yêu cầu xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa (khoản 4 Điều 259 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
  • Yêu cầu Tòa án cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật (Điều 515 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
  • Yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.

XEM THÊM:

Toà án dân sự giải quyết việc gì ? Nguyên tắc làm việc thế nào ?

Thứ hai: Chức năng của Viện kiểm sát trong việc thực hiện các quyền kiến nghị

Chức năng của Viện kiểm sát trong việc thực hiện các quyền kiến nghị trong tố tụng dân sự là

  • Kiến nghị đối với các bản án, quyết định, văn bản, hành vi của các chủ thể tham gia hoạt động tố tụng dân sự gồm: Các hành vi tố tụng của Tòa án và hành vi của các chủ thể tham gia tố tụng dân sự; các văn bản của Tòa án. Cụ thể như:
    • Kiến nghị đối với quyết định chuyển vụ việc dân sự cho Tòa án khác
    • Kiến nghị đối với quyết định nhập hoặc tách vụ án
    • Kiến nghị đối với quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời
    • Kiến nghị việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện,đơn yêu cầu
    • Kiến nghị đối với quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm
    • Kiến nghị đối với quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm
    • Kiến nghị đối với quyết định sửa chữa, bổ sung bản án (nếu có)
    • Kiến nghị đối với quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm
    • Kiến nghị đối với quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm
    • Kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự;
    • Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật
  • Kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao khi có những căn cứ sau:
    • Có vi phạm pháp luật nghiêm trọng;
    • Phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung, quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, đương sự đã không thể biết được khi ra quyết định đó;
    • Phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định tuyên bố phá sản mà Toà án nhân dân, người tham gia thủ tục phá sản không thể biết được khi Tòa án nhân dân ra quyết định.
  • chức năng của viện kiểm sát
    Các chức năng của viện kiểm sát là gì ?

Thứ ba: Chức năng của Viện kiểm sát trong việc tham gia phiên toà, phiên họp

Chức năng của Viện kiểm sát trong việc tham gia phiên toà được quy định tại khoản 2 Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Cụ thể Viện kiểm sát tham gia các phiên tòa sơ thẩm đối với:

  • Vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc
  • Vụ án có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc
  • Vụ án chưa có điều luật để áp dụng giải quyết quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Ngoài ra, Viện kiểm sát còn tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

Trường hợp đại diện Viện kiểm sát vắng mặt tại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án dân sự thì căn cứ Điều 232 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 Hội đồng xét xử sẽ vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa.

Trường hợp vắng mặt tại phiên toà phúc thẩm vụ án dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị phúc thẩm.

Trường hợp vắng mặt tại phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 338, Điều 357 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm thì sẽ hoãn.

Có thể thấy chức năng của Viện kiểm sát trong việc tham gia phiên toà có ý nghĩa rất lớn, nó quyết định chất lượng cũng như hiệu quả của công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên nhằm bảo đảm cho việc xét xử, giải quyết vụ án dân sự được nhanh chóng, kịp thời, đồng thời nhằm đề cao trách nhiệm của Kiểm sát viên và của Viện kiểm sát thì trong một số trường hợp nếu đại diện Viện kiểm sát vắng mặt Toà án sẽ không hoãn phiên toà.

Theo quy định tại Điều 262 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải gửi bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án.

Thứ tư: Chức năng của Viện kiểm sát trong việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 58 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Kiểm sát viên có nhiệm vụ, quyền hạn đó là nghiên cứu hồ sơ vụ việc; yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án dân sự theo quy định của Bộ luật này; thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 97 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Viện kiểm sát cũng được quyền tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ để đảm bảo cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định tại Khoản 6 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Ngoài ra trong quá trình giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (trong đó có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao) có quyền yêu cầu người có đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ cần thiết (Căn cứ Khoản 2 Điều 330 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).

Thứ năm: Chức năng của Viện kiểm sát trong việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm

Tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

  • Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao.
  • Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

XEM THÊM:

Kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm

Kháng nghị giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự

Thứ sáu: Chức năng của Viện kiểm sát kiểm sát trong việc thi hành án dân sự

Căn cứ khoản 2 Điều 12 Luật thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 thì chức năng của Viện kiểm sát trong việc thi hành án dân sự là kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án dân sự.

XEM THÊM:

Thi hành án dân sự như thế nào ?

3. Dịch vụ tư vấn pháp luật tố tụng dân sự

Qua bài viết trên có thể thấy chức năng của Viện kiểm sát là vô cùng quan trọng đối với việc đảm bảo giải quyết vụ án dân sự tuân thủ quy định của pháp luật. Tuy nhiên không phải lúc nào chức năng của Viện kiểm sát cũng được thực hiện đúng, vì vậy để các đương sự trong vụ án dân sự bảo vệ được quyền lợi hợp pháp rất cần có sự tham gia của các Luật sư uy tín.

Luật sư sẽ tư vấn tất cả các quy định của pháp luật để giúp các đương sự hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình, đồng thời sẽ đưa ra các phương án giải quyết vụ án hợp tình, hợp lý, tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc cho các đương sự.

Tự hào là đơn vị hàng đầu trong việc tư vấn pháp luật tố tụng dân sự, tham gia tranh tụng, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho hàng trăm đương sự tại các phiên toà xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án dân sự cũng như hỗ trợ mọi vấn đề liên quan đến pháp lý, tư vấn pháp luật, thủ tục giấy tờ, các dịch vụ của Công ty Luật Thái An chắc chắn sẽ làm hài lòng mọi khách hàng.

Hãy đến với Luật Thái An chúng tôi để được trải nghiệm những dịch vụ chất lượng nhất!

Đàm Thị Lộc