Mẫu đơn không hoà giải ly hôn mới nhất
Có nhiều trường hợp (nhất là các trường hợp mà lý do ly hôn là bạo lực gia đình) đương sự không muốn hoà giải vì nhiều lý do khác nhau: không muốn đối mặt, không muốn kéo dài thời gian…Khi đó, họ sẽ làm đơn không hoà giải ly hôn để vụ án ly hôn được nhanh chóng giải quyết. Nội dung và hình thức của đơn không hoà giải ly hôn ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu Mẫu đơn không hoà giải ly hôn mới nhất trong bài viết dưới đây.
1. Hoà giải ly hôn tại Toà án
Hoà giải ly hôn tại toà án là cơ hội để vợ chồng hoà giải trong vụ án ly hôn đơn phương. Chỉ sau khi thực hiện thủ tục hoà giải thì toà án mới tiếp tục thực hiện các thủ tục tố tụng tiếp theo.
Sau khi thụ lý vụ án ly hôn đơn phương, trong quá trình chuẩn bị xét xử Toà án sẽ tiến hành hoà giải ly hôn. Điều 205 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.”
Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được là những vụ án mà người bị yêu cầu ly hôn (bị đơn) được Toà án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt hoặc một trong các đương sự (vợ, chồng) có đơn đề nghị không tiến hành hoà giải hoặc đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự (Điều 206, 207 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
Chi tiết có tại bài viết THỦ TỤC HOÀ GIẢI LY HÔN TẠI TOÀ ÁN.
2. Đơn đề nghị không hoà giải ly hôn
Như vậy, nếu muốn đề nghị toà không tiến hành hoà giải thì đương sự phải làm đơn đề nghị không hoà giải.
Mẫu Đơn không hoà giải ly hôn hay đơn đề nghị không hoà giải ly hôn là đơn do đương sự trong vụ án ly hôn gửi cho Toà án nhằm mục đích không muốn thực hiện việc hoà giải mà muốn vụ án ly hôn được giải quyết một cách nhanh chóng.
Pháp luật không có quy định cụ thể về mẫu đơn không hoà giải ly hôn. Dựa trên các thông tin vụ án, các yêu cầu về trình bầy yêu cầu một cách rõ ràng, chúng tôi đưa ra mẫu đơn dưới đây.
a. Nội dung cơ bản của Đơn đề nghị không hoà giải ly hôn
Thông thường một mẫu đơn không hoà giải ly hôn cần có các nội dung sau:
- Quốc hiệu, tiêu ngữ;
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Tên đơn;
- Nơi gửi;
- Thông tin cá nhân của Người làm đơn;
- Vai trò của Người làm đơn trong vụ án;
- Lý do ly hôn, lý do đề nghị không hoà giải ly hôn;
- Lời cam kết;
- Ký, ghi rõ họ tên.
b. Mẫu đơn không hoà giải ly hôn
Dưới đây là một mẫu đơn đề nghị không hoà giải ly hôn cụ thể:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
………………, ngày……tháng……năm 20……
ĐƠN ĐỀ NGHỊ KHÔNG HOÀ GIẢI LY HÔN
Kính gửi: Tòa án nhân dân …………………………..……….
Tôi là: ……………………………………………………………………………………………………………………………………..
Sinh ngày ………………………………………………………….……………………………………………………………………
Hộ khẩu thường trú tại: …………………………………………………………………………………………………………………
Chỗ ở hiện tại: ………………………………………………………………………………………………………………………….
Tôi là [nguyên đơn hoặc bị đơn] trong vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là….…và bị đơn là …….………………………………………………………
Hiện nay, vụ án đang được Toà án nhân dân…. thụ lý, giải quyết . Tôi viết đơn này để trình bày và kính đề nghị với Quý Toà một việc như sau:
Tôi và [chồng hoặc vợ] có nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân gia đình không thể giải quyết được và buộc phải ly hôn. Tôi cho rằng việc hoà giải giữa chúng tôi sẽ không đem lại kết quả gì, lý do là………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………
Chính vì vậy, để vụ án ly hôn của tôi được giải quyết nhanh chóng, tránh lãng phí thời gian cho các bên, tôi làm đơn này kính đề nghị Quý Tòa xem xét, chấp thuận không tiến hành hòa giải trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn của tôi và sớm đưa vụ án ra xét xử theo quy định của pháp luật.
Tôi xin cam kết những nội dung trình bày nêu trên là đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Quý Toà, trước pháp luật.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người làm đơn
(Ký, ghi rõ họ tên)
Bạn có thể tải mẫu đơn đề nghị không hoà giải ly hôn tại đây:
c. Những lưu ý khi viết đơn đề nghị không hoà giải ly hôn
Sau đây là những lưu ý khi viết đơn đề nghị không hoà giải ly hôn:
- Trong mẫu đơn nói trên, “nguyên đơn” là người yêu cầu ly hôn, “bị đơn” là người bị yêu cầu ly hôn.
- Khi viết đơn không hoà giải ly hôn, bạn cần nêu bật được lý do chính đáng, thuyết phục rằng việc hoà giải là không cần thiết để Toà án không tiến hành hoà giải nữa. Thí dụ: đã hoà giải nhiều lần trong gia đình, tại tổ dân phố nhưng bên kia không tới hoặc rất bất hợp tác (nổi khung, la mắng, đe doạ hành hùng…)
- Nếu có thể, bạn hãy gửi kèm đơn là những tài liệu, chứng cứ chứng minh cho những điều mà bạn trình bày trong đơn.
3. Đơn không hoà giải ly hôn cần được viết tay hay đánh máy?
Đơn đề nghị không hoà giải ly hôn ló thể được viết tay hay đánh máy đều được. Người viết đơn phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn. Điều quan trọng là đơn phải được viết rõ ràng, dễ đọc, trình bầy đầy đủ các nội dung đã nêu ở trên. Tránh trường hợp chữ xấu khó đọc, giấy tờ lem nhem, nhầu nát.
4. Nộp đơn không hoà giải ly hôn
a. Nộp đơn đề nghị không hoà giải ly hôn ở đâu?
Bạn cần nộp đơn đề nghị không hoà giải ly hôn tại Toà án mà đang giải quyết vụ án ly hôn của bạn.
b. Nộp đơn đề nghị không hoà giải ly hôn bằng cách nào ?
Bạn có thể nộp đơn trực tiếp tại Toà án hoặc qua đường bưu điện. Nếu nộp đơn trực tiếp tại Toà án thì cần có được giấy biên nhận, nếu gửi đơn qua bưu điện thì bạn cần lưu lại biên lai chuyển phát.
c. Thời hạn nộp đơn đề nghị không hoà giải ly hôn
Bạn cần nộp đơn đề nghị không hoà giải ly hôn sau khi toà thụ lý vụ án, trong thời gian toà án chuẩn bị xét xử.
d. Nộp đơn đề nghị không hoà giải ly hôn bao lâu thì Toà gọi?
Như đã trình bày ở trên khi đương sự có đơn không hoà giải ly hôn thì vụ án được xác định là vụ án không tiến hành hòa giải được. Tuy nhiên, để đưa một vụ án ly hôn ra xét xử, Toà án cần có một khoảng thời gian chuẩn bị xét xử. Đối với những vụ án ly hôn thì khoản 1 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự đã quy định thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ sẽ rất nhiều các công việc để có thể đưa vụ án ra xét xử, trong đó có việc tổ chức hoà giải cho các bên đương sự. Và trong thời hạn chuẩn bị xét xử này, Thẩm phán sẽ ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử nếu không vụ án không thuộc các trường hợp được hoà giải thành, tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án sẽ mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Do đó, đối chiếu quy định trên có thể thấy nếu bạn có nộp đơn không hoà giải ly hôn thì cũng tuỳ từng trường hợp cụ thể, Thẩm phán căn cứ vào thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn đưa vụ án ra xét xử để đưa vụ án ly hôn ra xét xử theo đúng quy định pháp luật, không để vụ án bị kéo dài vô căn cứ.
5. Kết luận
Nếu bạn không còn hy vọng cứu vãn hôn nhân, muốn toà á giải quyết vụ án ly hôn đơn phương nhanh chóng thì bạn có thể làm đơn đề nghị không hoà giải ly hôn.
Nếu còn bất kỳ điều gì thắc mắc liên quan đến đơn không hoà giải ly hôn, cách viết đơn không hoà giải ly hôn hay các vấn đề xoay quanh cuộc sống hôn nhân gia đình, bạn có thể liên hệ trực tiếp với Công ty Luật Thái An chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn ly hôn tận tình.
- Hợp đồng thuê nhà xưởng - 20/07/2023
- Hợp đồng thuê văn phòng – Những điều cần biết - 15/07/2023
- Hợp đồng thuê mặt bằng – Tất cả những điều cần biết - 28/06/2023