Doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam
Việt Nam hiện tại là một nền kinh tế đa thành phần với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này xuất hiện trải dài trên lãnh thổ Việt Nam và là nguồn cung cấp việc làm dồi dào cho người lao động. Để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển bền vững thì cần phải hiểu doanh nghiệp là gì, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, các cách quản lý rủi ro …
Doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh bởi pháp luật doanh nghiệp gồm Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật đầu tư năm 2020, một số văn bản pháp luật chuyên ngành khác.
1. Doanh nghiệp là gì?
Tại Khoản 10 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 đã nêu định nghĩa về doanh nghiệp như sau:
Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
2. Phân loại doanh nghiệp
a. Phân loại doanh nghiệp theo loại hình
Căn cứ vào loại hình doanh nghiệp thì có các loại hình doanh nghiệp sau:
Công ty TNHH 1 thành viên
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty (căn cứ Khoản 1 Điều 74 Luật doanh nghiệp 2020).
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên là là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ vốn đã đăng ký (căn cứ Điều 46 Luật doanh nghiệp 2020).
Công ty cổ phần
Theo quy định tại Điều 111 Luật doanh nghiệp 2020 thì Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
- Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
- Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
- Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
- Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập trong thời hạn 3 năm kể từ thời điểm thành lập doanh nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật doanh nghiệp 2020
Công ty hợp danh
Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
- Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
- Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
- Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
(Căn cứ Điều 177 Luật doanh nghiệp 2020)
Doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp (căn cứ quy định tại Điều 188 Luật doanh nghiệp 2020).
Ngoài ra, còn có hai loại hình kinh doanh nữa tồn tại được điều chỉnh gián tiếp bởi pháp luật doanh nghiệp, đó là: hộ kinh doanh cá thể và hợp tác xã.
b. Phân loại doanh nghiệp theo nguồn vốn
Nếu dựa vào nguồn vốn thì có thể phân loại doanh nghiệp thành các nhóm sau:
Doanh nghiệp nhà nước:
Đây là các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (tức là doanh nghiệp có vốn nhà nước).Theo đó, Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
Doanh nghiệp nhà nước được chia thành 2 loại:
Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Doanh nghiệp xã hội
Doanh nghiệp được xác định là Doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
- Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp;
- Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;
- Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay còn gọi là doanh nghiệp FDI. Đây là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Theo đó nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam
Đây là nhóm doanh nghiệp không có vốn nước ngoài, không có vốn nhà nước hoặc vốn nhà nước chiếm dưới 50%.
3. Thành lập doanh nghiệp
Để có thể bắt đầu hoạt động kinh doanh thì bạn cần thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh dưới một trong các hình thức doanh nghiệp sau:
- công ty cổ phần
- công ty TNHH 1 thành viên
- công ty TNHH 2 thành viên trở lên
- công ty hợp danh
- hộ kinh doanh cá thể
- hợp tác xã
- …
Ngoài ra, các loại hình doanh nghiệp trên có thể thành lập chi nhánh công ty, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh tại các địa phương khác nhau.
Xem thêm:
4. Doanh nghiệp đi vào hoạt động
Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, lao động, thương mai, thuế … Doanh nghiệp cần hiểu về các quyền, nghĩa vụ cũng như các quy đinh về quản trị doanh nghiệp.
a. Quyền của doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 7 của Luật doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp có những quyền sau
- Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm. Xem thêm: Các ngành nghề đầu tư kinh doanh
- Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điềuchỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
- Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.
- Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.
- Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
- Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
- Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
- Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.
- Từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.
- Khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
- Quyền khác theo quy định của pháp luật.
b. Nghĩa vụ của doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 8 Luật doanh nghiệp thì nghĩa vụ của doanh nghiệp bao gồm:
- Đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.
- Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
- Tổ chức công tác kế toán, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật; không phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không ngược đãi lao động, cưỡng bức lao động hoặc sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
c. Quản trị doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp cũng quy định về quản trị doanh nghiệp đối với các loại hình công ty nêu trên. Đó là cơ sở để các doanh nghiệp xây dựng điều lệ hoạt động cũng như các quy chế doanh nghiệp, quy chuẩn của riêng mình.
d. Doanh nghiệp đầu tư
Khi doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn, liên quan tới việc nhà nước giao đất, cho thuê đất, có những tác động lớn về kinh tế, xã hội thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật đầu tư.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng chịu sự điều chỉnh của pháp luật đầu tư khi hoạt động tại Việt Nam.
Chi tiết có tại:
6. Tổ chức lại doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp 2020 dành chương 9 để quy định chi tiết về việc tổ chức lại doanh nghiệp, giải thể, phá sản doanh nghiệp gồm:
- Chia công ty theo đó công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần chia các tài sản, quyền và nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị chia) để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới.
- Tách công ty theo đó công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (sau đây gọi là công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.
- Hợp nhất công ty theo đó hai hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.
- Sáp nhập công ty: một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
- Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần
- Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
- Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
- Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh
- Tạm ngừng kinh doanh là việc doanh nghiệp dừng hoạt động trong một thời gian nhất định mà chưa giải thể.
- Giải thể doanh nghiệp: Doanh nghiệp vĩnh viễn chấm dứt hoạt động và mất tư cách pháp nhân.
- Doanh nghiệp phá sản: Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và vĩnh viễn chấm dứt hoạt động sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ theo luật định.
7. Dịch vụ tư vấn pháp luật doanh nghiệp
Hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam đều phải chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật Việt Nam. Hệ thống này bao gồm rất nhiều Luật, Bộ luật ví dụ như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật kinh doanh bất động sản, Luật sở hữu trí tuệ, Luật cạnh tranh, Luật phá sản, Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật nhà ở, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật lao động, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự….
Bởi vậy, để đảm bảo an toàn pháp lý trong hoạt động kinh doanh cũng như trong các giao dịch thường ngày, các doanh nghiệp thường cần có sự tư vấn pháp lý từ các chuyên gia pháp lý, các Luật sư giàu kinh nghiệm thực tế và kiến thức pháp lý.
Xem thêm: