Hỏi cung trong vụ án hình sự như thế nào ?

Hỏi cung bị can là một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình điều tra vụ án hình sự. Đây là hoạt động nhằm thu thập thông tin, lời khai của bị can về các hành vi phạm tội, giúp cơ quan điều tra xác định sự thật khách quan và tìm ra sự thật của vụ án. Trong tố tụng hình sự, việc hỏi cung bị can không chỉ yêu cầu tuân thủ quy trình pháp luật mà còn phải đảm bảo các nguyên tắc bảo vệ quyền con người.

Bài viết này sẽ đi sâu vào quy trình, nguyên tắc, và quyền lợi của bị can trong quá trình hỏi cung.

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định về hỏi cung bị can trong vụ án hình sự

Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định về hỏi cung bị can trong vụ án hình sự là các văn bản pháp luật sau đây:

2. Thế nào là hỏi cung bị can?

Hỏi cung bị can có thể hiểu là quá trình thu thập lời khai, thông tin từ bị can trong các vụ án hình sự nhằm làm rõ sự thật của vụ án. Quá trình này do cơ quan điều tra hoặc kiểm sát viên thực hiện theo quy định của pháp luật.

Hỏi cung bị can có vai trò quan trọng trong việc xác định các tình tiết liên quan đến hành vi phạm tội, nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc về quyền con người, không được ép cung, nhục hình hoặc dùng các biện pháp trái pháp luật để lấy lời khai.

3. Bị can là ai?

Theo khoản 1 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định.

Xem thêm: Bị can là ai? Bị can có các quyền và nghĩa vụ gì ?

4. Khi nào tiến hành việc hỏi cung bị can ?

Theo Điều 183, 184 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định việc hỏi cung bị can do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can.

Xem thêm:

Khởi tố vụ án hình sự như thế nào ?

5. Địa điểm hỏi cung bị can

Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó.

Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Nếu hỏi cung bị can tại địa điểm khác thì việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh được thực hiện theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Xem thêm:

Cơ quan điều tra và kinh nghiệm làm việc với Cơ quan điều tra

6. Quy trình hỏi cung bị can như thế nào?

Theo Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc hỏi cung bị can như sau:

a. Trước khi hỏi cung bị can:

Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung. Khi xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung bị can.

Trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu, Điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc này phải ghi vào biên bản.

Trường hợp hỏi cung bị can có người phiên dịch thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch, đồng thời giải thích cho bị can biết quyền yêu cầu thay đổi người phiên dịch; người phiên dịch phải ký vào từng trang của biên bản hỏi cung.

Xem thêm:

Điều tra viên là ai? Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm làm điều tra viên 

Kiểm sát viên là ai? Vai trò của kiểm sát viên trong vụ án hình sự

b. Tiến hành hỏi cung bị can

Trường hợp vụ án có nhiều bị can thì hỏi riêng từng người và không để họ tiếp xúc với nhau. Có thể cho bị can viết bản tự khai của mình.

Biên bản hỏi cung bị can được lập theo quy định, phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi và câu trả lời. Điều tra viên, Cán bộ điều tra không được tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can.

Trường hợp hỏi cung bị can có mặt người bào chữa, người đại diện của bị can thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích cho những người này biết quyền và nghĩa vụ của họ trong khi hỏi cung bị can. Bị can, người bào chữa, người đại diện cùng ký vào biên bản hỏi cung. Trường hợp người bào chữa được hỏi bị can thì biên bản phải ghi đầy đủ câu hỏi của người bào chữa và trả lời của bị can.

Trường hợp Kiểm sát viên hỏi cung bị can thì biên bản được thực hiện theo quy định. Biên bản hỏi cung bị can được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.

c. Sau khi hỏi cung bị can:

Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải đọc biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc. Trường hợp bổ sung, sửa chữa biên bản thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra và bị can cùng ký xác nhận. Nếu biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang biên bản. Trường hợp bị can viết bản tự khai thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra và bị can cùng ký xác nhận vào bản tự khai đó.

Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

hoi cung bi can

Quy trình hỏi cung bị can theo quy định pháp luật – Nguồn: Luật Thái An

Lưu ý:

  • Không hỏi cung bị can vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
  • Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết. Việc Kiểm sát viên hỏi cung bị can được tiến hành theo quy định.
  • Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

7. Quy định về hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi

Người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên, do đó pháp luật hình sự có những quy đinh riêng đối với đối tượng này.

Căn cứ khoản 5 Điều 421 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Thời gian hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp:

  • Phạm tội có tổ chức;
  • Để truy bắt người phạm tội khác đang bỏ trốn;
  • Ngăn chặn người khác phạm tội;
  • Để truy tìm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vật chứng khác của vụ án;
  • Vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

8. Quyền và nghĩa vụ của bị can trong quá trình hỏi cung

Bị can trong vụ án hình sự có những quyền và nghĩa vụ nhất định trong quá trình bị hỏi cung. Hiểu rõ những quyền này sẽ giúp bị can tự bảo vệ mình trước những tình huống có thể gây bất lợi.

Quyền giữ im lặng và không tự buộc tội: Theo quy định của pháp luật, bị can có quyền giữ im lặng trong quá trình hỏi cung và không bắt buộc phải tự buộc tội mình. Đây là một nguyên tắc quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi của bị can và tránh các tình huống bị ép cung.

Quyền có luật sư tham gia: Bị can có quyền yêu cầu luật sư hoặc người bào chữa tham gia vào quá trình hỏi cung để hỗ trợ về mặt pháp lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Luật sư có quyền ghi chú và đưa ra ý kiến nếu phát hiện có vi phạm trong quá trình hỏi cung.

Nghĩa vụ khai báo trung thực: Mặc dù có quyền giữ im lặng, nếu bị can chọn khai báo, họ phải thực hiện việc này một cách trung thực. Khai báo gian dối có thể bị coi là vi phạm pháp luật và gây bất lợi cho bị can trong các giai đoạn tiếp theo của vụ án.

Xem thêm:

Công việc của luật sư bào chữa trong tố tụng hình sự là gì?

9. Những trường hợp vi phạm trong hỏi cung bị can

Hỏi cung bị can là một quá trình đòi hỏi sự minh bạch và tuân thủ đúng pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn có những trường hợp vi phạm diễn ra.

Ép cung, nhục hình để lấy lời khai là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật và quyền con người. Những hành vi này không chỉ làm sai lệch bản chất sự việc mà còn có thể dẫn đến việc bãi bỏ các chứng cứ thu được trong quá trình hỏi cung. Nếu bị phát hiện, những cá nhân thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị kỷ luật nghiêm khắc.

Pháp luật Việt Nam có những quy định rất cụ thể về việc xử lý các hành vi vi phạm trong quá trình hỏi cung. Nếu điều tra viên hoặc những người tham gia hỏi cung vi phạm nguyên tắc, họ sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành, bao gồm cả truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cần thiết.

Kết luận

Hỏi cung bị can là một giai đoạn quan trọng trong quá trình điều tra vụ án hình sự. Để đảm bảo tính khách quan và quyền lợi của các bên liên quan, việc thực hiện hỏi cung phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình và nguyên tắc pháp luật. Điều này không chỉ giúp cơ quan điều tra thu thập chứng cứ một cách chính xác mà còn góp phần bảo vệ quyền lợi của bị can, tránh tình trạng oan sai và sai lệch kết quả điều tra.

Nếu bạn cần được tư vấn pháp luật hình sự Việt Nam, hãy liên hệ với chúng tôi:

Luật sư tư vấn luật hình sự

Đàm Thị Lộc