Công việc của luật sư bào chữa trong tố tụng hình sự là gì?

Luật sư bào chữa là một nghề đặc biệt, được xã hội tôn vinh và ngày càng có vị trí quan trọng. Theo đó, công việc của Luật sư là bào chữa là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người không may rơi vào vòng lao lý, trực tiếp góp phần bảo vệ công bằng, lẽ phải. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Công ty Luật Thái An để biết thêm chi tiết các công việc của Luật sư bào chữa.

1. Cơ sở pháp lý quy định về công việc của Luật sư bào chữa

Cơ sở pháp lý quy định về công việc của Luật sư bào chữa là các văn bản pháp luật sau:

  • Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
  • Văn bản hợp nhất Luật luật sư năm 2015
  • Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng luật sư toàn quốc.

2. Luật sư bào chữa và thủ tục nhờ Luật sư bào chữa là gì?

Theo quy định tại Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự thì Luật sư bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

2.1 Thời điểm Luật sư bào chữa được tham gia tố tụng

Căn cứ quy định tại Điều 74 Bộ luật tố tụng hình sự thì thời điểm Luật sư bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can:

  • Trường hợp bắt, tạm giữ người thì Luật sư bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.
  • Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

Như vậy, kể từ thời điểm Luật sư bào chữa được tham gia tố tụng thì sẽ được thực hiện các công việc của Luật sư bào chữa nếu đăng ký và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận là Luật sư bào chữa.

2.2 Công việc của Luật sư bào chữa khi đăng ký bào chữa

Công việc của Luật sư bào chữa khi đăng ký bào chữa được quy định tại Điều 78 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể khi tiến hành đăng ký bào chữa cho bị cáo trong vụ án hình sự Luật sư phải xuất trình các giấy tờ sau:

  • Giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can, hoặc của người thân người bị tạm giữ, bị can hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can;
  • Giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề luật sư hoặc giấy giới thiệu của Đoàn luật sư (đối với trường hợp hành nghề với tư cách cá nhân);
  • Thẻ luật sư (bản sao có chứng thực);

Trường hợp vụ án đang trong giai đoạn điều tra thì luật sư nộp các giấy tờ nêu trên cho Điều tra viên đang trực tiếp điều tra vụ án.

Trường hợp vụ án đang trong giai đoạn truy tố, luật sư nộp giấy tờ cho kiểm sát viên đang giải quyết vụ án.

Trường hợp vụ án trong giai đoạn xét xử, luật sư nộp giấy tờ cho thẩm phán đang trực tiếp xét xử vụ án tại phiên tòa.

3. Công việc của Luật sư bào chữa trên cơ sở quy định pháp luật

Tại Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định các quyền và nghĩa vụ của Người bào chữa. Dựa vào những quyền và nghĩa vụ này, Luật sư bào chữa có thể thực hiện các công việc của Luật sư bào chữa phù hợp để bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho người bị buộc tội. Theo đó thì công việc của Luật sư bào chữa được thực hiện cả trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Cụ thể như sau

3.1 Công việc của Luật sư bào chữa dựa trên các quyền của người bào chữa:

  • Gặp, hỏi người bị buộc tội;
  • Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can;
  • Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự;
  • Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;
  • Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;
  •  Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
  • Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
  • Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
  • Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản;
  • Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra;
  • Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa;
  • Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
  • Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của Bộ luật này.
luật sư bào chữa
Khi nào nên thuê luật sư bào chữa, luật sư hình sự ? – ảnh: Luật Thái An

3.2 Công việc của Luật sư bào chữa dựa trên các nghĩa vụ của người bào chữa:

  • Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị buộc tội vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo;
  • Giúp người bị buộc tội về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ;
  • Không được từ chối bào chữa cho người bị buộc tội mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan;
  • Tôn trọng sự thật; không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật;
  • Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát;
  • Không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết khi thực hiện bào chữa; không được sử dụng tài liệu đã ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
  •  Không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

4. Công việc của Luật sư bào chữa dựa trên các thao tác nghề nghiệp

Dựa trên các thao tác, kỹ năng nghề nghiệp thì một số công việc của Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự như:

  • Sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án;
  • Nghiên cứu hồ sơ vụ án;
  • Thu thập tài liệu chứng cứ, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa của Luật sư. Trong một số trường hợp, luật sư có thể tham gia điều tra vụ án hình sự (xem thêm: Luật sư tham gia điều tra vụ án như thế nào ?)
  • Chuẩn bị các tài liệu liên quan phục vụ cho việc bào chữa gồm:
    • Chuẩn bị các văn bản pháp luật như: Bộ luật hình sự; bộ luật tố tụng hình sự; các văn bản pháp luật liên quan, đặc biệt là các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán hoặc các công văn hướng dẫn có liên quan đến hoạt động bào chữa
    • Chuẩn bị các tài liệu khác: các tại liệu liên quan đến nhân thân của người bị buộc tội, các tài liệu khác liên quan đến tình tiết của vụ án để phục vụ cho việc chuẩn bị bản luận cứ bào chữa rõ ràng, có căn cứ pháp luật và đi vào lòng người.
  • Làm việc, trao đổi với các cơ quan tiến hành tố tụng về các vấn đề liên quan đến vụ án;
  • Gặp gỡ, trao đổi với thân chủ;
  • Xác định phương hướng viết luận cứ bào chữa để bảo vệ được quyền lợi ích tốt nhất cho thân chủ;
  • Dự kiến kế hoạch hỏi tại phiên toà;
  • Tham gia phiên toà xét hỏi vụ án hình sự;
  • Hỏi, tranh luận tại phiên toà;
  • Các công việc của Luật sư bào chữa trong phần tuyên án, ví dụ như tuân theo sự điều khiến của chủ toạ phiên toà khi tuyên án, chú ý lắng nghe để nắm được toàn bộ nội dung và hình thức của bản án…
  • Chuẩn bị kháng cáo nếu quyết định của bản án bất lợi cho thân chủ..
  • Chuẩn bị các công việc của Luật sư bào chữa trong phiên toà phúc thẩm…

5. Công việc của Luật sư bào chữa có ý nghĩa như thế nào?

Trong vụ án hình sự, công việc của Luật sư bào chữa có ý nghĩa rất quan trọng. Một vài ý nghĩa có thể kể đến như:

  • Bảo đảm tính khách quan của việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, hạn chế được các vi phạm pháp luật có thể xảy ra ví dụ như: ép cung, mớm cung, bức cung, làm sai lệch hồ sơ vụ án, áp dụng sai các quy định của pháp luật…
  • Giúp phát hiện được những tình tiết mới của vụ án hoặc các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội
  • Tham gia bào chữa nhằm chống lại việc buộc tội, xác định sự vô tội của người bị buộc tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của họ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội.
  • Góp phần xác định sự thật của vụ án, đảm bảo vụ án được giải quyết khách quan, toàn diện, đúng quy định pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan sai người vô tội.

6. Dịch vụ thực hiện công việc của luật sư bào chữa

Qua bài viết trên, chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của Luật sư bào chữa và các công việc của Luật sư bào chữa. Nếu bạn đang muốn tìm kiếm một luật sư bào chữa giỏi đáng tin cậy và giàu kinh nghiệm thì hãy đến ngay với Công ty Luật Thái An chúng tôi.

Hiện Công ty Luật Thái An đang sở hữu một đội ngũ luật sư bào chữa chất lượng cao, được đào tạo bài bản, có năng lực chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm thực tiễn dày dặn, đưa đến cho quý khách những giải pháp hoàn hảo nhất.

Với thái độ làm việc chuyên nghiệp, quy trình làm việc chỉn chu, nhanh chóng, giá cả dịch vụ phải chăng, Luật Thái An chắc chắn sẽ không làm bạn phải thất vọng về những gì bạn nhận được khi lựa chọn chúng tôi.

»»»Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa 

Nguyễn Văn Thanh