Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng ủy thác đầu tư mới nhất
Ủy thác đầu tư là một hoạt động được nhiều các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài lựa chọn do hiệu quả mang lại của nó. Công ty Luật Thái An™ tự hào có đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý có hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm phong phú khi tư vấn cho khách hàng về nhiều loại hợp đồng bao gồm hợp đồng uỷ thác đầu tư.
HÃY XEM VIDEO NÀY ĐỂ HIỂU VỀ HỢP ĐỒNG UỶ THÁC ĐẦU TƯ NHANH NHẤT!
I. Hợp đồng ủy thác đầu tư là gì ?
Hợp đồng ủy thác đầu tư được hiểu là thỏa thuận bằng văn bản về việc một bên sẽ ủy thác cho bên khác để thực hiện hoạt động đầu tư nhằm mục đích đem lại lợi nhuận.
Uỷ thác đầu tư (nhận vốn đầu tư) thuộc hoạt động kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.
Theo quy định hiện hành chỉ có các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ là những chủ thể được nhận ủy thác vốn của tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động đầu tư. Đây là điều rất quan trọng cần lưu ý khi soạn thảo hợp đồng ủy thác đầu tư.
II. Căn cứ pháp lý để soạn thảo hợp đồng ủy thác đầu tư là gì?
Các mẫu hợp đồng ủy thác đầu tư thường được soạn thảo dựa trên các căn cứ pháp lý, đó là:
- Bộ luật Dân sự năm 2015
- Luật Thương mại năm 2005
- Luật các Tổ chức tín dụng 2010
- Luật chứng khoán 2019
- Thông tư 30/2014/TT-NHNN
- Thông tư 14/2016/TT-NHNN
III. Rủi ro từ hợp đồng ủy thác đầu tư là gì ?
Rủi ro từ hợp đồng ủy thác đầu tư là khả năng xảy ra biến cố bất thường có hậu quả thiệt hại hoặc mang lại kết quả không mong đợi cho các chủ thể của hợp đồng ủy thác trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư.
Việc giao kết và thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có khung pháp lý cụ thể về quan hệ uỷ thác nói chung, uỷ thác đầu tư nói riêng. Sự lỏng lẻo về tính pháp lý trong hoạt động nhận uỷ thác đầu tư giữa các cá nhân/nhóm cá nhân/doanh nghiệp diễn ra nhiều năm nay khiến rủi ro của các nhà đầu tư uỷ thác rất cao.
Thông thường các bên ký kết các điều khoản trong hợp đồng do bên nhận uỷ thác soạn sẵn, có lợi cho bên này. Khi xảy ra tranh chấp hợp đồng thì sẽ căn cứ các quy định của hợp đồng và áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết. Bởi thế, bên ủy thác sẽ bất lợi và thiệt thòi vì pháp luật không có các quy định bảo vệ họ trong các quan hệ này.
Ngoài ra khách hàng có nguy cơ bị “trắng tay” trở thành chủ nợ trong trường hợp bên nhận ủy thác phá sản, hoặc các trường hợp bên nhận ủy thác có các hành vi chiếm dụng vốn, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm…
Vậy nên, rủi ro đối với bên ủy thác khi giao kết hợp đồng ủy thác đầu tư rất lớn. Do đó, các chủ thể của hợp đồng ủy thác đầu tư cần hiểu rõ pháp luật về hoạt động ủy thác đầu tư và tìm hiểu các biện pháp phòng ngừa rủi ro dưới đây:
>>> Xem ngay: Phòng ngừa tranh chấp hợp đồng ủy thác đầu tư
IV. Soạn thảo hợp đồng ủy thác đầu tư như thế nào ?
Các điều khoản của hợp đồng uỷ thác đầu tư gồm:
- Thông tin các bên trong hợp đồng
- Nội dung ủy thác
- Vốn ủy thác, thời gian giao vốn ủy thác, rút vốn ủy thác trước thời hạn
- Chi phí ủy thác đầu tư
- Quyền của bên ủy thác
- Nghĩa vụ của bên ủy thác
- Quyền của bên nhận ủy thác
- Nghĩa vụ của bên nhận ủy thác
- Chuyển giao nghĩa vụ trong hợp đồng
Dưới đây là những nội dung mẫu hợp đồng ủy thác đầu tư ngắn gọn, đơn giản nhưng khá đầy đủ:
1. Thông tin các bên trong hợp đồng
Thông tin các bên trong hợp đồng ủy thác đầu tư gồm tên công ty, địa chỉ, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, người đại diện.
Chủ thể trong hợp đồng ủy thác đầu tư bên nhận ủy thác thường là các pháp nhân có chuyên môn, kinh nghiệm thực hiện thay hoạt động đầu tư cho bên ủy thác. Đây có thể được cho là hình thức dễ dàng đem lại lợi nhuận, có sự rủi do hạn chế hơn.
Bên nhận ủy thác trong hợp đồng chủ yếu là các ngân hàng, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính, các quỹ đầu tư…
2. Nội dung ủy thác trong mẫu hợp đồng ủy thác đầu tư
Điều khoản này sẽ quy định về nội dung của hoạt động ủy thác đầu tư trong hợp đồng này, bao gồm các thông tin về đối tượng được thụ hưởng nguồn vốn ủy thác (dự án sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng nhận vốn góp, phát hành trái phiếu, cổ phiếu….) và mục đích ủy thác (để hợp tác đầu tư kinh doanh hàng hóa, sản phẩm dịch vụ do bên nhận ủy thác đầu tư hoặc hợp tác đầu tư….)
3. Vốn ủy thác, thời gian giao vốn ủy thác, rút vốn ủy thác trước thời hạn
Điều khoản mẫu hợp đồng ủy thác đầu tư có thể có nội dung như sau:
- Thời hạn ủy thác đầu tư: Ngày bắt đầu ủy thác, ngày hết hạn ủy thác đầu tư.
- Giá trị vốn ủy thác đầu tư:
- Giá trị quy ra VNĐ.
- Giá trị quy ra USD.
- Trách nhiệm phát sinh khi rút vốn ủy thác trước hạn
4. Chi phí ủy thác đầu tư
Chi phí ủy thác là …..% lợi nhuận(sau thuế)/tháng. Mọi rủi ro hoàn toàn do bên ủy thác chịu trách nhiệm.
Ở đa số các mẫu hợp đồng ủy thác đầu tư sẽ ghi nhận chi phí ủy thác đầu tư gồm: các phí thông thường và chi phí đầu tư bao gồm:
- Phí quản lý: Đây là các khoản phí mà người quản lý quỹ thu cho các dịch vụ của họ quản lý quỹ ủy thác đầu tư.
- Phí hàng năm: bao gồm chi phí đầu tư quỹ và thường dao động từ 0,5% đến 1%.
- Phí thực hiện: Một số quỹ đầu tư tính phí thực hiện khi quỹ ủy thác vượt trội hơn một điểm chuẩn cụ thể, ví dụ; nếu một ủy thác tăng gấp đôi giá trị thì một khoản phí bổ sung có thể được tính, nếu nó không đạt đến mức đó thì nó sẽ không được áp dụng.
- Lãi suất cố định: Một số quỹ đầu tư hiện đánh lãi suất cố định thay vì phí%;
Tất cả các khoản phí và chi phí này có khác nhau giữa các hợp đồng ủy thác đầu tư.
5. Quyền của bên ủy thác trong hợp đồng ủy thác đầu tư
Một số nội dung mẫu hợp đồng ủy thác đầu tư về quyền của bên ủy thác như sau:
- Yêu cầu bên nhận ủy thác cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh bên nhận ủy thác được phép thực hiện hoạt động ủy thác, nhận ủy thác theo quy định của pháp luật;
- Yêu cầu bên nhận ủy thác báo cáo, cung cấp tài liệu, thông tin về tình hình, kết quả thực hiện hợp đồng ủy thác;
- Giám sát, kiểm tra việc bên nhận ủy thác thực hiện nội dung, phạm vi được ủy thác quy định tại hợp đồng ủy thác;
6. Nghĩa vụ của bên ủy thác trong hợp đồng ủy thác đầu tư
Một số nội dung mẫu hợp đồng ủy thác đầu tư về nghĩa vụ của bên ủy thác như sau:
- Xem xét, đánh giá chức năng, phạm vi hoạt động, năng lực quản trị, điều hành, nhân sự, chuyên môn, công nghệ và cơ sở hạ tầng của bên nhận ủy thác để đảm bảo bên nhận ủy thác có đủ khả năng thực hiện hoạt động ủy thác, nhận ủy thác;
- Chuyển vốn ủy thác cho bên nhận ủy thác theo tiến độ thực hiện nội dung ủy thác quy định tại hợp đồng ủy thác;
- Cung cấp cho bên nhận ủy thác các thông tin, tài liệu có liên quan đến ủy thác theo quy định tại hợp đồng ủy thác;
- Không được can thiệp vào việc đầu tư của bên ủy thác
- Thanh toán phí ủy thác cho bên nhận ủy thác quy định tại hợp đồng ủy thác
7. Quyền của bên nhận ủy thác trong hợp đồng ủy thác đầu tư
Một số nội dung mẫu hợp đồng ủy thác đầu tư về quyền của bên nhận ủy thác như sau:
- Từ chối các yêu cầu của bên ủy thác liên quan đến phạm vi và nội dung ủy thác, đối tượng ủy thác không được quy định tại hợp đồng ủy thác hoặc không đúng quy định pháp luật;
- Được nhận phí ủy thác theo quy định tại hợp đồng ủy thác;
- Yêu cầu bên ủy thác cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến ủy thác theo quy định tại hợp đồng ủy thác;
8. Nghĩa vụ của bên nhận ủy thác trong hợp đồng ủy thác đầu tư
Nội dung mẫu hợp đồng ủy thác đầu tư về nghĩa vụ của bên nhận ủy thác có thể gồm:
- Xem xét, đánh giá chức năng, phạm vi hoạt động của bên ủy thác để đảm bảo bên ủy thác được phép thực hiện hoạt động ủy thác, nhận ủy thác theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện đúng nội dung, phạm vi ủy thác được quy định tại hợp đồng ủy thác
- Thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn ủy thác của đối tượng ủy thác theo quy định tại hợp đồng ủy thác;
- Thông báo kịp thời, đầy đủ cho bên ủy thác về tình hình thực hiện nội dung ủy thác theo quy định tại hợp đồng ủy thác;
- Chuyển trả cho bên ủy thác tất cả lợi ích hợp pháp, các hồ sơ, giấy tờ có liên quan theo quy định tại hợp đồng ủy thác.
- Đối với trường hợp chấm dứt hợp đồng ủy thác trước hạn, bên nhận ủy thác chuyển trả cho bên ủy thác số tiền ủy thác chưa giải ngân, tất cả lợi ích hợp pháp và hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến ngày chấm dứt hợp đồng ủy thác trước hạn theo quy định tại hợp đồng ủy thác;
Ngoài ra, với các loại mẫu hợp đồng ủy thác đầu tư cụ thể thì sẽ có thêm các điều khoản khác. Ví dụ như với hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán có thể có các điều khoản sau:
“+ Bên nhận ủy thác không được quyền thực hiện rút, chuyển tiền từ tài khoản chứng khoán ………………… ra ngoài. Nếu rút tiền từ tài khoản chứng khoán ra sẽ mặc định chuyển vào tài khoản của .……………………. như sau:
Số tài khoản: ………………………………………………………………….
Ngân hàng: ………………………………………………………………….
+ Bên ủy thác có nghĩa vụ báo cáo hàng ngày kết quả giao dịch cổ phiếu cho Bên A
+ Bên uỷ thác báo cáo tổng kết giao dịch trong tuần (lấy giá tham chiếu để tính toán tạm thời Lỗ/Lãi)…”
9. Chuyển giao nghĩa vụ trong hợp đồng ủy thác đầu tư
Mẫu hợp đồng ủy thác đầu tư thường quy định: Bên nhận ủy thác không được ủy thác lại cho bên thứ ba.nếu không được sự đồng ý bằng văn bản của bên ủy thác.
10. Một số điều khoản khác
Ngoài các điều khoản cơ bản trên, hợp đồng uỷ thác đầu tư còn cần có các điều khoản khác như sau:
- Bảo mật thông tin hợp đồng
>>> Xem thêm:Quy định về bảo mật thông tin trong hợp đồng
- Sửa đổi, bổ sung hợp đồng ủy thác đầu tư
- Thời hạn và chấm dứt hợp đồng ủy thác đầu tư
>>> Xem thêm: Các trường hợp chấm dứt hợp đồng
- Điều khoản bất khả kháng
>>> Xem thêm: Các trường hợp bất khả kháng
- Gia hạn hợp đồng ủy thác đầu tư
- Xử lý tranh chấp ủy thác đầu tư
V. Mẫu hợp đồng ủy thác đầu tư
a. Mẫu hợp đồng ủy thác đầu tư
Hợp đồng ủy thác đầu tư là sự thỏa thuận của các bên, trong đó một bên sẽ ủy thác (thể hiện bằng việc giao vốn) cho bên khác để thực hiện các hoạt động đầu tư nhằm mục đích đem lại lợi nhuận. Còn bên nhận ủy thác được nhận phí ủy thác hoặc các chi phí khác theo thỏa thuận của các bên.
Hiện nay, Hợp đồng ủy thác đầu tư vẫn chưa có quy định mẫu chung và áp dụng thống nhất, chỉ có các quy định về ủy thác và nhận ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do vậy cần lưu ý trường hợp đặc biệt, tiến hành áp dụng đúng quy định pháp luật.
Tùy từng nội dung của hoạt động ủy thác đầu tư trong các lĩnh vực cụ thể mà sẽ có những điều cần lưu ý riêng khi soạn thảo, giao kết và thực hiện hợp đồng. Dưới đây là mẫu hợp đồng ủy thác đầu tư mà khách hàng có thể tham khảo:
>>> Xem ngay: Mẫu hợp đồng ủy thác đầu tư
b. Mẫu hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán
Hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán là văn bản ghi nhận sự thỏa thuận của các bên trong đó, bên ủy thác giao vốn cho bên nhận ủy thác để thực hiện hoạt động ủy thác đầu tư chứng khoán, còn bên nhận ủy thác được nhận được phí ủy thác.
Hoạt động ủy thác đầu tư chứng khoán tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như:
- Uy tín công ty nhận ủy thác kém dẫn đến sử dụng vốn không hiệu quả hoặc có nguy cơ “trắng tay”
- Bên ủy thác không có quyền trực tiếp tham gia đầu tư, không có quyền can thiệp vào bất kỳ quyết định đầu tư nào của bên nhận ủy thác.
- Nếu bên nhận ủy thác quản lý danh mục đầu tư không tốt, kém hiệu quả thì khả năng thua lỗ là vô cùng lớn.
Vậy nên, khách hàng chỉ có thể giảm thiểu rủi ro khi lựa chọn các công ty ủy thác đầu tư chứng khoán uy tín, có những phân tích, kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm và giao kết hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán với các điều khoản chặt chẽ.
Pháp luật hiện nay vẫn chưa có quy định mẫu chung và áp dụng thống nhất đối với hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán. Do đó, Công ty Luật Thái An sẽ cung cấp mẫu hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán để Quý khách hàng tham khảo. Tùy vào trường hợp cụ thể mà khách hàng cần thay đổi, bổ sung mẫu hợp đồng để phù hợp với thực tiễn, hoặc liên hệ với Luật sư để được hỗ trợ tốt nhất.
XEM THÊM:
HỢP ĐỒNG ỦY THÁC ĐẦU TƯ rất đa dạng, tương đối phức tạp và thực tế khó để áp dụng một mẫu cố định trong các trường hợp khác nhau. Để soạn thảo các hợp đồng ủy thác đầu tư đòi hỏi không chỉ kiến thức, kỹ năng, hay việc sử dụng mẫu hợp đồng ủy thác đầu tư trên mạng mà cần có nhiều kinh nghiệm thực tiễn từ việc soạn thảo, ký kết, giải quyết tranh chấp liên quan đến loại hợp đồng này.
VI. Dịch vụ soạn thảo hợp đồng ủy thác của Luật Thái An
Chúng tôi chuyên soạn thảo hợp đồng các loại, trong đó có rất nhiều mẫu hợp đồng ủy thác như sau:
1. Hợp đồng ủy thác giữa các bên có địa vị pháp lý khác nhau:
- Mẫu hợp đồng ủy thác giữa 3 bên, hợp đồng ủy thác giữa 2 bên
- Mẫu hợp đồng ủy thác giữa cá nhân với cá nhân, hợp đồng ủy thác giữa cá nhân và công ty, hợp đồng ủy thác giữa công ty với công ty
- Mẫu hợp đồng ủy thác độc quyền
2. Hợp đồng ủy thác với các mục đích khác nhau:
- Mẫu hợp đồng ủy thác thương mại, hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa
- Mẫu hợp đồng ủy thác đầu tư
- Mẫu hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu
- Mẫu hợp đồng ủy thác quản lý dự án
- Mẫu hợp đồng ủy thác gia công
- Mẫu hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán
- Mẫu hợp đồng ủy thác quản lý, hợp đồng ủy thác quản lý vốn
- Mẫu hợp đồng ủy thác thanh toán
Quyết định lựa chọn sử dụng dịch vụ tư vấn soạn thảo hợp đồng là một khoản đầu tư thông minh so với chi phí phải bỏ ra khi có rủi ro pháp lý. Ngoài dịch vụ soạn thảo hợp đồng, doanh nghiệp có thể tham khảo thêm các dịch vụ khác như rà soát hợp đồng, tư vấn đàm phán thương lượng, thực hiện, thanh lý và tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng.
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024