- quốc tịch, nơi cư trú hay trụ sở của các chủ thể
- nơi xác lập hợp đồng
- nơi thực hiện hợp đồng
- nơi có tài sản là đối tượng của hợp đồng
>>> Xem ngay:Hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước
b. Luật áp dụng trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng thương mại quốc tế
Luật áp dụng trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, hợp đồng thương mại quốc tế mang tính chất đa dạng và phức tạp. Bởi mang tính chất “quốc tế” nên luật điều chỉnh các loại hơp đồng này không chỉ là luật pháp của nước đó mà của cả luật nước ngoài:
Các bên trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế có thể thoả thuận chọn luật nước bên bán hoặc luật nước bên mua là luật áp dụng:
Trong mua bán hàng hóa quốc tế, các bên có quyền tự do thoả thuận chọn nguồn luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng của mình: có thể là luật nước bên bán hoặc luật nước bên mua. Điều quan trọng là làm thế nào để chọn được nguồn luật thích hợp nhất để có thể bảo vệ được quyền và lợi ích tốt nhất của mình.
Trong thực tiễn khi ký kết và thực hiện hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận một cách trực tiếp trong văn bản của hợp đồng về việc áp dụng luật pháp của quốc gia cụ thể nào đó. Ví dụ, trong hợp đồng có điều khoản quy định “Hợp đồng này chịu sự điều chỉnh của pháp luật thương mại Việt Nam”. Khi xảy ra tranh chấp các bên sẽ căn cứ vào nguồn luật đã thỏa thuận để giải quyết.
Các bên trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế có thể thoả thuận chọn công ước quốc tế là luật áp dụng:
Công ước của Liên hợp quốc về mua bán hàng hoá quốc tế (còn goi là Công ước Viên 1980 – tiếng Anh viết tắt là CISG) có thể được lựa chọn là luật áp dụng. Công ước này được soạn thảo dựa trên sự thống nhất của các nước thành viên Liên hợp quốc dựa trên những quy tắc thống nhất điều chỉnh các hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Do đó, nó mang tính quốc tế cao, dễ được các bên chấp nhận.
Chọn tập quán quốc tế về thương mại là luật áp dụng:
Tập quán quốc tế về thương mại có thể là luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Tập quán quốc tế về thương mại là những thói quen, phong tục về thương mại được nhiều nước áp dụng và áp dụng một cách thường xuyên với nội dung rõ ràng để dựa vào đó các bên xác định quyền và nghĩa vụ với nhau.
Tập quán quốc tế về thương mại sẽ được áp dụng cho hợp đồng khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng thương mại quốc tế quy định;
- Các điều ước quốc tế liên quan quy định;
- Luật quốc gia do các bên lựa chọn không có hoặc có nhưng không đầy đủ.
Lưu ý: Trong trường hợp các bên không thỏa thuận về luật áp dụng hay nếu xuất phát từ hợp đồng cũng không thể xác định rõ ràng luật áp dụng, các bên cũng không đạt được sự nhất trí về việc lựa chọn luật áp dụng khi tranh chấp đã phát sinh thì xuất phát từ nguyên tắc xung đột, có thể áp dụng: luật của quốc gia nơi nghĩa vụ chủ yếu được thực hiện, luật của quốc gia nơi ký kết hợp đồng, luật có mối liên hệ mật thiết với hợp đồng.
c. Ví dụ về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng thương mại quốc tế
Căn cứ vào đối tượng của hoạt động thương mại quốc tế, có thể chia hợp đồng thương mại quốc tế thành các nhóm như sau:
- Thứ nhất: Các hợp đồng thương mại quốc tế liên quan đến việc mua bán, trao đổi hàng hóa. Loại này là loại hợp đồng chủ yếu trong hoạt động thương mại quốc tế, bao gồm:
- Hợp đồng mua bán hàng hóa;
- Hợp đồng trao đổi hàng hóa;
- Mua bán thông qua đấu thầu, đấu giá;
- …..
- Thứ hai: Các hợp đồng thương mại quốc tế liên quan đến thương mại dịch vụ, bao gồm:
- Hợp đồng vận tải hàng hóa;
- Hợp đồng bảo hiểm;
- Hợp đồng gia công sản phẩm;
- Hợp đồng thuê tài chính;
- Hợp đồng bao thanh toán;
- Bảo lãnh ngân hàng;
- …..
- Thứ ba: Các hợp đồng thương mại quốc tế liên quan đến việc tổ chức kinh doanh ở nước ngoài, bao gồm:
- Hợp đồng đại diện thương mại;
- Hợp đồng chuyển giao công nghệ (Li – xăng);
- Hợp đồng nhượng quyền thương mại;
- …..
- Thứ tư: Các hợp đồng thương mại quốc tế trong lĩnh vực tổ chức kinh doanh ở nước ngoài.
2. Các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng thương mại quốc tế thường gặp
Các tranh chấp phổ biến đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, hợp đồng thương mại quốc tế là:
a. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, hợp đồng thương mại quốc tế liên quan đến chủ thể ký kết hợp đồng
Về chủ thể ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, hợp đồng thương mại quốc tế:
Chủ thể ký kết một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể là một cá nhân hoặc một pháp nhân. Tuy nhiên, tư cách chủ thể của các đối tượng này sẽ không tuân theo luật điều chỉnh hợp đồng, mà tuân theo luật của nước mà pháp nhân mang quốc tịch.
Điều này dựa trên nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Một chủ thể mang quốc tịch một quốc gia, trước hết phải tuân thủ pháp luật nước mình về tư cách chủ thể. Pháp luật một quốc gia khác không thể điều chỉnh tư cách chủ thể của cá nhân hoặc pháp nhân mang quốc tịch nước khác. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật dân còn pháp nhân phải có năng lực pháp luật dân sự.
Vì vậy, khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, cần thiết phải làm rõ tư cách chủ thể của cách bên. Nếu một bên không có tư cách chủ thể, có khả năng hợp đồng sẽ bị vô hiệu.
Về vấn đề xác định thẩm quyền ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, hợp đồng thương mại quốc tế:
Một cá nhân có thể tự mình hoặc ủy quyền hợp pháp cho cá nhân khác giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Nhưng một pháp nhân không thể tự mình, mà phải thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó thực hiện hành vi ký kết.
Một vấn đề quan trọng cần lưu ý để hợp đồng không bị vô hiệu là xác định cá nhân đó có thẩm quyền ký kết hợp đồng hay không? Theo pháp luật Việt Nam, người đại diện theo pháp luật có thẩm quyền ký kết hợp đồng hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện hành vi này thông qua giấy ủy quyền hoặc Điều lệ công ty.
Nhưng pháp luật mỗi quốc gia lại khác nhau, ví dụ như Luật Anh. Vương quốc Anh theo hệ thống thông luật, nên không có quy định cụ thể về ủy quyền. Tuy nhiên, các án lệ tại Anh công nhận sự ủy quyền mặc nhiên, tức là một C.E.O khi thực hiện nhiệm vụ điều hành công ty thì có quyền thực hiện những hành vi mà một C.E.O thông thường cần làm, nên có thể không cần giấy ủy quyền.
Thực tế đã có những tranh chấp xảy ra do người ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của các bên không có thẩm quyền ký.
b. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, hợp đồng thương mại quốc tế liên quan đến ngôn ngữ hợp đồng
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thường được ký kết giữa các bên tới từ các quốc gia khác nhau với ngôn ngữ khác nhau. Mỗi ngôn ngữ có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau hoặc hiểu sai dẫn đến tranh chấp hợp đồng, nên tốt nhất các bên có thể sử dụng chung một ngôn ngữ.
Nếu không muốn sử dụng chung một ngôn ngữ, hai bên cần ghi nhận thêm điều khoản số lượng các bản hợp đồng và giá trị pháp lý. Ví dụ: “Hợp đồng được lập thành 02 bản: 01 bản Tiếng Việt và 01 bản Tiếng Anh. Hai bản này có giá trị pháp lý tương đương. Khi có tranh chấp thì sử dụng bản Tiếng Anh để giải quyết”.
Thực tế cũng đã xảy ra không ít những tranh chấp phát sinh trong việc giải thích hợp đồng khi cùng một điều khoản mà các bên có thể có những cách hiểu khác nhau.
c. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, hợp đồng thương mại quốc tế do giao hàng không đúng đối tượng ghi nhận trong hợp đồng
Hàng hoá là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế là các hàng hóa được phép lưu thông theo quy định của mỗi nước. Thông thường đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hàng hóa chuyển qua biên giới của quốc gia, tuy nhiên, nhiều trường hợp hàng hóa không cần qua biên giới quốc gia vẫn được xem là hoạt động mua bán quốc tế như hàng hóa đưa ra, đưa vào khu phi thuế quan, kho bảo thuế, kho ngoại quan….
Bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng.
Các bên tham gia thường tranh chấp về hàng hóa không đúng đối tượng, số lượng hàng hóa đã thỏa thuận, về chất lượng hàng hóa không đúng, không đáp ứng được theo tiêu chuẩn, tranh chấp đơn vị tính, Điều này có thể do quy định trong hợp đồng không cụ thể và chi tiết dẫn đến hiểu lầm hoặc do một bên lợi dụng sơ hở để không thực hiện nghĩa vụ.
d. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, hợp đồng thương mại quốc tế do bên bán chậm giao hàng
Trên thực tế, ngoài những trường hợp vi phạm nghĩa vụ giao hàng do ý chí chủ quan của bên bán thì có những trường hợp vi phạm nhưng được miễn trách nhiệm. Đó là khi giao hàng chậm do sự kiện bất khả kháng:
Về hậu quả pháp lí, theo Công ước Quốc tế về Mua bán Hàng hoá Quốc tế (CISG), bên vi phạm chỉ được miễn trách nhiệm phải thực hiện các biện pháp đền bù thiệt hại gây ra bởi sự kiện bất khả kháng, bên bị vi phạm có quyền tiến hành tất cả các biện pháp bảo hộ pháp lí hay chế tài còn lại theo quy định của Công ước bao gồm quyền được yêu cầu giảm giá hàng hoá (Điều 50), buộc thực hiện hợp đồng (Điều 46, Điều 62), tuyên bố huỷ hợp đồng (Điều 49, Điều 64), và thanh toán tiền lãi trên các khoản thanh toán chậm (Điều 78).
Khi nhận dạng tranh chấp về trường hợp bất khả kháng theo CISG, tranh luận của các bên thường xoay quanh các tiêu chí để công nhận một trường hợp là bất khả kháng. Đơn cử như sự kiện trở ngại có phải là nguyên nhân dẫn đến việc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; thế nào là “nằm ngoài sự kiểm soát” của một bên; thế nào là “khắc phục được” hay “tránh được” sự kiện trở ngại; hay sự “không tiên liệu trước” về những sự kiện như vậy phải được hiểu như thế nào.
e. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, hợp đồng thương mại quốc tế về giá cả, phương thức thanh toán
Khi thỏa thuận về thời hạn thanh toán, các bên có thể thống nhất thời hạn thanh toán: Trả tiền trước, trả tiền sau, trả tiền ngay khi giao hàng hoặc thanh toán theo phương thức hỗn hợp.
Việc bên mua chậm nghĩa vụ thanh toán do ý chí chủ quan của bên mua sẽ dẫn đến tranh chấp, xung đột với bên bán. Hậu quả của vi phạm này có thể dẫn đến việc bên bán có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng, lấy lại hàng hóa đã giao hoặc trách nhiệm chịu phạt hợp đồng, chịu lãi chậm trả của bên mua…
Ngoài ra, thực tế vẫn xảy ra một số rủi ro khác như giá khi thị trường biến động, đồng tiền làm phương thức thanh toán, tranh chấp về chi phí bốc dỡ, vận chuyển lưu kho bãi, cách thức giao nhận tiền, phương thức bảo đảm hợp đồng bằng phương thức bảo lãnh.
f. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, hợp đồng thương mại quốc tế liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại, phạt hợp đồng do vi phạm hợp đồng
Điều khoản phạt và bồi thường thiệt hại quy định những biện pháp chế tài khi hợp đồng không được thực hiện (toàn bộ hay một phần). Đây là điều khoản quy định trách nhiệm pháp lý phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế. Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại: khác với vấn đề phạt vi phạm, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng phát sinh ngay cả trong trường hợp các bên không có thỏa thuận nào về vấn đề này.
Điều 74 Công ước CISG đưa ra khung cơ bản cho việc đền bù thiệt hại:
“Thiệt hại do vi phạm hợp đồng của một bên là tổng số các tổn thất kể cả lợi tức bị mất, mà bên kia phải chịu do hậu quả của việc vi phạm hợp đồng. Những thiệt hại như vậy không thể vượt quá tổn thất mà bên vi phạm hợp đồng đã dự đoán được hoặc buộc phải dự đoán được trong thời điểm ký kết hợp đồng như là hậu quả có thể xảy ra của vi phạm hợp đồng đó, trên cơ sở các thông tin và tình tiết mà bên vi phạm hợp đồng đã biết hoặc phải biết vào thời điểm đó”.
Bởi vậy, trước khi giao kết hợp đồng, các bên cần phải xem xét các rủi ro có thể xảy ra để đưa tránh những thiệt hại trong mua bán hàng hóa quốc tế và đưa ra các căn cứ định mức bồi thường trong một số trường hợp cụ thể, trên cơ sở nghiên cứu pháp luật và án lệ quốc tế. Với vấn đề phạt hợp đồng cần quy định rõ ràng, phù hợp với các điều ước mà Việt nam ký kết như CISG….
g. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, hợp đồng thương mại quốc tế về nghĩa vụ bảo hành hàng hoá
Trường hợp hàng hoá mua bán có bảo hành thì bên bán phải chịu trách nhiệm bảo hành hàng hoá đó theo nội dung và thời hạn đã thỏa thuận. Các tranh chấp về vấn đề bảo hành hàng hóa thường phát sinh do các bên không thỏa thuận cụ thể về thời hạn bảo hành cũng như phạm vi bảo hành, các trường hợp từ chối bảo hành do lỗi của bên mua.
Để tìm hiểu kỹ hơn về các rủi ro từ hợp đồng thương mại quốc tế, hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế và cách phòng ngừa, bạn hãy đọc bài này: