Hợp đồng liên danh: Những quy định bạn cần biết

CHUYÊN SOẠN THẢO, RÀ SOÁT CÁC LOẠI HỢP ĐỒNG 

Phòng ngừa rủi ro, tranh chấp, bảo vệ quyền lợi

Hợp đồng liên danh là loại hợp đồng được sử dụng khá phổ biến trong hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người còn nhầm lẫn giữa thuật ngữ “hợp đồng liên doanh” với “hợp đồng liên danh”, dẫn tới việc soạn thảo hợp đồng chưa phù hợp với mục đích giao kết.

1. Hợp đồng liên danh là gì?

Hợp đồng liên danh là loại hợp đồng được sử dụng trong đấu thầu, khi các bên dự thầu hợp tác, liên kết tạo thành một liên danh để tham gia dự thầu. 

Liên danh này không có tư cách pháp nhân, đại diện của liên danh được quyết định bởi các thành viên trong liên danh, có thể là một thành viên hoặc nhiều thành viên. 

Hợp đồng quy định về các thành viên tham gia liên danh, mục đích, quyền và nghĩa vụ của mỗi thành viên trong liên danh.

Hợp đồng liên danh chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đấu thầu năm 2013…

“Hợp đồng liên danh”  và “Hợp đồng liên doanh” là hai thuật ngữ hoàn toàn khác nhau nên mọi người cần có những hiểu biết cơ bản về hai loại hợp đồng này:

>>> Xem thêm:So sánh Hợp đồng liên danh và Hợp đồng liên doanh

hợp đồng liên danh
Nếu bạn cần giải đáp thắc mắc về hợp đồng liên danh thì bai viết dưới đây là dành cho bạn – Ảnh minh họa: Internet.

2. Hình thức của hợp đồng liên danh

Hợp đồng liên danh phải được lập thành văn bản do nó được thực hiện bởi nhiều bên và trong thời gian dài. Hợp đồng liên danh không phải công chứng, chứng thực do các bên tham gia đều là các pháp nhân.

3. Ngôn ngữ của hợp đồng liên danh

Hợp đồng liên danh phải được lập bằng tiếng Việt, hoặc bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Nếu sử dụng tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì hợp đồng cần quy định thứ tiếng nào ưu tiên hơn khi có sự khác biệt trong diễn đạt bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, vì các lý do sau:

  • Khi thực hiện các thủ tục hành chính mà cần phải nộp hợp đồng thì hợp đồng liên danh phải bằng tiếng Việt do các cơ quan nhà nước Việt Nam sử dụng tiếng Việt.
  • Khi có tranh chấp hợp đồng và các bên yêu cầu Toà án giải quyết thì hợp đồng liên danh bằng tiếng Việt sẽ thuận lợi hơn nhiều do Toà án làm việc bằng tiếng Việt.

4. Rủi ro tranh chấp nào từ Hợp đồng liên danh

Mỗi loại hợp đồng tiềm ẩn những rủi ro tranh chấp chung và tranh chấp đặc thù, hợp đồng liên danh cũng vậy. Khi tham gia hợp đồng liên danh, các bên cần thấy trước những vấn đề có thể nẩy sinh đề tìm cách phòng ngừa:

  • Tranh chấp hợp đồng liên danh liên quan đến chủ thể ký kết hợp đồng: Chủ thể ký kết hợp đồng có thể không đủ thẩm quyền; Các bên tham gia hợp đồng không đủ năng lực thực hiện hợp đồng.
  • Tranh chấp hợp đồng liên danh do vi phạm nguyên tắc hoạt động của liên danh
  • Tranh chấp hợp đồng liên danh về nội dung, khối lượng công việc được phân chia thực hiện trong hợp đồng liên danh
  • Tranh chấp hợp đồng liên danh trong quá trình tổ chức thực hiện dự án theo hợp đồng
  • Tranh chấp liên quan đến điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng liên danh
  • Tranh chấp hợp đồng liên danh liên quan đến việc chấm dứt Hợp đồng

Để hiểu hơn về từng loại tranh chấp nêu trên, bạn hãy đọc bài viết sau:

>>> Xem thêm: Các tranh chấp hợp đồng liên danh điển hình

5. Nội dung của hợp đồng liên danh

Chúng tôi sẽ trình bầy cụ thể sau đây:

a. Chủ thể của hợp đồng liên danh, thoả thuận liên danh

Các bên là pháp nhân và hợp đồng cần có các thông tin cơ bản sau:

  • Tên pháp nhân
  • Giấy chứng nhận đăng ký / Giấy phép hoạt động
  • Mã số thuế
  • Địa chỉ trụ sở chính
  • Điện thoại, Email
  • Người đại diện ký hợp đồng: là người đại diện theo pháp luật (theo quy định tại Điều lệ hoạt động) hoặc người đại diện theo uỷ quyền. Nếu là người đại diện theo uỷ quyền thì cần đảm bảo là giấy uỷ quyền hợp lệ được cung cấp

Nếu điều lệ của pháp nhân quy định việc giao kết hợp đồng (thường với giá trị lớn) cần có sự chấp thuận của các cơ quan quản lý nội bộ (như hội đồng thành viên trong công ty TNHH hay đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị trong công ty cổ phần) thì việc giao kết hợp đồng liên danh cũng cũng cần được chấp thuận như vậy.

Lưu ý quan trọng: Hợp đồng liên danh sẽ không có hiệu lực nếu các bên (hoặc người đại diện của các bên) không có thẩm quyền giao kết hợp đồng. Hay nói cách khác, hợp đồng sẽ bị tuyên vô hiệu và hậu quả là các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận và bên có lỗi phải bồi thường.

b. Tên và đại diện Liên danh

  • Tên Liên danh
  • Các thành viên Liên danh
  • Đại diện Liên danh
  • Con dấu của Liên danh
  • Tài khoản của Liên danh
  • Địa chỉ giao dịch
  • Thời hạn của Liên danh

c. Phân chia công việc (nếu trúng thầu) trong hợp đồng liên danh, thoả thuận liên danh

Căn cứ trên nội dung gói thầu, các bên phân chia công việc cho từng thành viên trong liên danh. Công việc phân chia được dựa trên các yếu tố như khối lượng công việc (%); hạng mục (xây dựng, giám sát, lắp đặt,…..);

Nếu các bên có ý định chuyển nhượng một phần công việc sau trúng thầu cho nhà thầu liên danh khác thì cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật và ghi nhận rõ ràng trong điều khoản hợp đồng.

===>>> Xem thêm: Chuyển nhượng một phần công việc sau trúng thầu cho nhà thầu liên danh khác

d. Nguyên tắc hoạt động của liên danh, thoả thuận liên danh

Trong quá trình lập hồ sơ dự thầu: Các bên sẽ cung cấp cho nhau các thông tin và hồ sơ cần thiết, cùng tập trung các điều kiện về năng lực sản xuất và tài chính của đơn vị mình cho Liên danh với mục đích thắng thầu dự án.

Trong quá trình tổ chức thực hiện dự án, các bên sẽ bàn bạc thống nhất thành lập Ban điều hành công trường và hoạt động theo quy chế của Ban điều hành được các bên nhất trí thông qua.

Hợp đồng liên danh là loại hợp đồng được sử dụng trong hợp tác đầu tư, đấu thầu
Hợp đồng liên danh là loại hợp đồng được sử dụng trong hợp tác đầu tư, đấu thầu – Nguồn ảnh minh họa: Internet

e. Công tác tài chính kế toán trong hợp đồng liên danh, thoả thuận liên danh

Mỗi bên độc lập về tài chính, tự chịu trách nhiệm về chế độ tài chính của mình và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh lỗ, lãi trong phần việc được giao.

f. Trách nhiệm của đại diện liên danh, người đại diện liên danh

Hợp đồng quy định trách nhiệm của nhà thầu đứng đầu Liên danh, trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu Liên danh.

  • Trách nhiệm của nhà thầu đứng đầu Liên danh: Nhà thầu đứng đầu Liên danh chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư về mọi công việc, mọi giao dịch có liên quan đến việc thực hiện gói thầu.
  • Nười đứng đầu Liên danh chịu trách nhiệm tổ chức trong Liên danh để thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ của gói thầu.

g. Trách nhiệm của mỗi thành viên trong liên danh

Đây là điều khoản rất quan trọng nhằm phân định vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong liên danh. Các bên có thể thỏa thuận một số nội dung như sau:

  • Thỏa thuận về trách nhiệm tổ chức triển khai thi công của từng bên trên cơ sở phần khối lượng đã được phân chia;
  • Thỏa thuận về trách nhiệm phối hợp của các bên trong quá trình đấu thầu: Từ khâu lập hồ sơ đến trong suốt quá trình thực hiện hợp động giao nhận thầu xây lắp (nếu trúng thầu)
  • Quy định về việc chịu trách nhiệm độc lập khi một bên vi phạm hợp đồng của mình về các vấn đề liên quan đến khối lượng, kỹ thuật, tiến độ trước Chủ đầu tư. Đồng thời quy định việc chịu trách nhiệm liên đới nhau theo tỷ lệ phân chia khối lượng đối với các vấn đề chung liên quan đến dự án.
  • Quy định về việc không được quyền chuyển nhượng quyền lợi và trách nhiệm của mình theo hợp đồng liên danh này cho bên thứ 3 nếu chưa có văn bản chấp thuận của các thành viên khác trong Liên danh.

h. Bất khả kháng trong hợp đồng liên danh, thoả thuận liên danh

Đây là điều khoản ghi nhận thỏa thuận của các bên về các trường hợp được xem là sự kiện bất khả kháng và trách nhiệm của các bên khi xảy ra sự kiện này.

Bất kỳ việc không thực hiện hay chậm trễ thực hiện nghĩa vụ theo quy định của hợp đồng mà do ảnh hưởng trực tiếp của sự kiện bất khả kháng đều không bị coi là vi phạm Hợp đồng.

Để xây dựng điều khoản bất khả kháng một cách chặt chẽ, tránh những tranh chấp không đáng có sau này thì người soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng quy định pháp luật về bất khả kháng.

===>>> Xem thêm: Xây dựng điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng

hợp đồng liên danh
Những điều khoản không thể thiếu trong hợp đồng liên danh có thể bạn chưa biết – Ảnh minh họa: Internet.

i. Các trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng liên danh

Điều 294 Luật thương mại 2005 quy định:

Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.

Điều này có nghĩa là mặc dù hợp đồng không quy định về miễn trách nhiệm thì khi xẩy ra các sự kiện như trên thì một bên có thể yêu cầu được miễn trách nhiệm.

Còn nếu các bên có thể thoả thuận trong hợp đồng về việc KHÔNG áp dụng một hoặc vài trường hợp miễn trách nhiệm trên thì thoả thuận này sẽ được tôn trọng.

>>> Xem thêm: Các trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng

k. Các chế tài trong hợp đồng liên danh, thoả thuận liên danh

Đây là những thỏa thuận rất quan trọng nhằm ràng buộc các bên thực hiện nghiêm túc hợp đồng, cũng như trách nhiệm của bên có hành vi vi phạm thỏa thuận tại hợp đồng, hoặc gây ra thiệt hại cho bên còn lại. Bạn có thể cân nhắc đưa vào hợp đồng chế tài bồi thường thiệt hạichế tài phạt vi phạm hợp đồng

l. Thời hạn của hợp đồng liên danh

Hai bên thoả thuận thời hạn thực hiện hợp đồng: ngày bắt đầu và ngày kết thúc.

m. Điều khoản về chấm dứt hợp đồng liên danh

Hợp đồng liên danh sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau:

  • Theo thoả thuận giữa các bên
  • Khi thời hạn hợp đồng chấm dứt
  • Trường hợp một bên vi phạm các cam kết, đảm bảo thì bên kia có quyền huỷ bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc huỷ bỏ và yêu cầu bên vi phạm phạt bồi thường thiệt hại.
  • Trường hợp một bên vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ theo hợp đồng thì bên kia có quyền huỷ bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hoặc hợp đồng và yêu cầu bên vi phạm phạt bồi thường thiệt hại.

XEM THÊM:

Khi chấm dứt hợp đồng cần lưu ý những điều gì?

n. Điều khoản về các cam kết, bảo đảm trong hợp đồng liên danh

Các bên nên có các cam kết, bảo đảm trong hợp đồng, đó có thể là các cam kết như sau:

  • việc ký hết hợp đồng có được chấp thuận nội bộ
  • cam kết có đầy đủ năng lực thực hiện phần việc của mình theo như quy định trong hợp đồng liên danh

Mục đích của các cam kết này là đề phòng trường hợp trong quá trình thực hiện hợp đồng, một bên nhận thấy những cam kết của bên kia không đúng thì:

  • có quyền huỷ bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng và bồi thường thiệt hại theo quy định trong hợp đồng
  • tuyên bố hợp đồng đã được giao kết do nhầm lẫn, không trung thực, lừa đảo, do đó hợp đồng có thể bị vô hiệu theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.

Lưu ý: Nếu không có những điều khoản này thì sau này sẽ không thể có chế tài để xử lý.

o. Điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng liên danh, thoả thuận liên danh

Điều khoản luật áp dụng và giải quyết tranh chấp có tính chất tiêu chuẩn trong hợp đồng. Trong quá trình soạn thảo và đàm phán hợp đồng, đôi khi các bên không để ý tới điều khoản này. Nhưng khi phát sinh tranh chấp, điều khoản này có ảnh hưởng lớn đến cách thức giải quyết tranh chấp. Quy định không rõ ràng có thể dẫn đến các hậu quả pháp lý bất lợi đối với một hoặc các bên trong hợp đồng.

Khi các bên có tranh chấp và nếu thỏa thuận chọn pháp luật nào điều chỉnh hợp đồng thì pháp luật nước đó sẽ được áp dụng để xác định những vấn đề cơ bản của hợp đồng, đó là:

  • hợp đồng có hiệu lực hay không?
  • nội dung của hợp đồng có phù hợp hay không? nếu nội dung hợp đồng không rõ ràng thì cần được giải thích như thế nào?
  • hợp đồng có bị vi phạm không và các biện pháp khắc phục là gì? bên vi phạm có được miễn trách nhiệm không?

Điều khoản về giải quyết tranh chấp trong hợp đồng sẽ xác định cơ quan xét xử và thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết tranh chấp. Tranh chấp hợp đồng liên danh có thể được giải quyết bởi tại tòa án và trọng tài Việt Nam, tòa án và trọng tài nước ngoài.

Đặc biệt, đối với hợp đồng liên danh có yếu tố nước ngoài thì các bên có thể lựa chọn pháp luật nước ngoài điều chỉnh hợp đồng và cơ quan giải quyết tranh chấp nước ngoài. Nhưng việc lựa chọn luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp nào lại vô cùng quan trọng: nó có thể rất rủi ro với một bên trong hợp đồng.

Lưu ý: Yếu tố nước ngoài trong hợp đồng liên danh có thể là:

  • Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;
  • Việc thực hiện hợp đồng xảy ra tại nước ngoài;
  • Đối tượng của hợp đồng ở nước ngoài.

Việc xác định cơ quan giải quyết tranh chấp là quan trọng do nó sẽ ảnh hưởng tới việc đi lại, chi phí kiện tụng và chi phí thuê luật sư khi theo kiện.

>>> Xem thêm: Giải quyết tranh chấp hợp đồng

6. Mẫu hợp đồng liên danh, thoả thuận liên danh

Chúng tôi xin giới thiệu mẫu hợp đồng liên danh tại bài viết dưới đây. Tuy nhiên, mẫu là để tham khảo. Bất kỳ khi nào bạn chuẩn bị giao kết hợp đồng cũng cần được luật sư tư vấn.

7. Dịch vụ tư vấn, soạn thảo hợp đồng liên danh

Công ty Luật Thái An cam kết đem đến chất lượng dịch vụ pháp lý tốt nhất cho khách hàng. Luật sư sẽ thực hiện những công việc sau trong phạm vi dịch vụ tư vấn, soạn thảo hợp đồng liên danh:

  • Nghiên cứu về lĩnh vực, điều kiện, sản phẩm, dịch vụ mà Hợp đồng điều chỉnh
  • Xác định hình thức, nội dung hợp đồng để phù hợp với quy định của pháp luật
  • Xác định tư cách chủ thể hợp đồng để hợp đồng không bị vô hiệu
  • Xây dựng các điều khoản cần phải có trong hợp đồng; Bảo đảm các điều khoản được soạn thảo một cách chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu của khách hàng và có lợi nhất cho khách hàng, với mục đính là:
    • giảm thiểu rủi ro do một bên hoặc các bên không thực hiện cam kết theo hợp đồng
    • giảm thiểu rủi ro về các trường hợp bất khả kháng
    • giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất nếu nó xẩy ra
  • Tiếp thu ý kiến hoặc tiếp nhận thông tin bổ sung từ khách hàng (hoặc đối tác của khách hàng)
  • Thẩm định những ý kiến đóng góp của khách hàng hoặc đối tác của khách hàng
  • Cân bằng lợi ích của các bên (trường hợp đối tác bổ sung ý kiến bất lợi cho khách hàng)

Luật sư Thái An tư vấn, soạn thảo hợp đồng liên danh theo các chuẩn mực sau:

  • dựa trên yêu cầu cụ thể của từng khách hàng
  • dựa trên bối cảnh cụ thể của từng khách hàng
  • phù hợp với các quy định của pháp luật
  • sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, súc tích, chính xác

Ngoài ra, chúng tôi cung cấp các dịch vụ gia tăng khác như:

  • Tư vấn đàm phán hợp đồng
  • Tư vấn rà soát hợp đồng
  • Tư vấn thực hiện hợp đồng
  • Tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng nhiều phương thức:
    • thương lượng
    • hoà giải
    • yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp
    • yêu cầu toà án giải quyết tranh chấp
Nguyễn Văn Thanh