Các tranh chấp hợp đồng liên danh thường gặp

Hợp đồng liên danh nhận thầu và thi công xây dựng là hình thức hợp đồng hướng tới sự thỏa thuận phân chia quyền lợi, trách nhiệm của các nhà đầu tư trong quá trình hoạt động kinh doanh, đầu tư. Thực tiễn có rất nhiều tranh chấp hợp đồng liên danh.

Để hạn chế những tranh chấp với loại hợp đồng này, các bên cần nghiên cứu kỹ các vấn đề pháp lý liên quan đến loại hợp đồng này. Sau đây, Công ty Luật Thái An sẽ cung cấp thông tin về các tranh chấp hợp đồng liên danh thường gặp như sau:

1. Hợp đồng liên danh là gì?

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về định nghĩa hợp đồng liên danh mà vấn đề liên danh được điều chỉnh bởi Luật đấu thầu 2013. Liên danh là một hình thức hợp tác trên danh nghĩa của nhiều nhà thầu để cùng tham gia đấu thầu hoặc thực hiện một công trình xây dựng hoặc một dự án nào đó khi mà điều kiện năng lực của một nhà thầu độc lập không đủ để đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư hay nói cách khác là đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Theo đó, có thể hiểu Hợp đồng Liên danh được ký kết giữa hai hoặc nhiều bên để liên danh (liên kết, kết hợp, hợp tác) với nhau để thực hiện một việc gì đó, thông thường là với một đối tác thứ ba. Thông thường, Hợp đồng liên danh là loại hợp đồng được sử dụng trong đấu thầu, khi các bên dự thầu hợp tác, liên kết tạo thành một liên danh để tham gia dự thầu.

>>> Xem thêm: A-Z về hợp đồng liên danh

2. Tranh chấp hợp đồng liên danh là gì?

Tranh chấp hợp đồng liên danh là sự mâu thuẫn, bất đồng ý kiến của một hoặc cả hai bên chủ thể của hợp đồng về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận trong hợp đồng liên danh.

tranh chấp hợp đồng liên danh
Khi thực hiện hợp đồng mà hai bên không đạt được mục đích, ý chí ban đầu thì rất đễ xảy ra tranh chấp hợp đồng liên danh – Ảnh minh họa: Internet.

Tranh chấp có thể về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia trong hợp đồng mà chủ yếu là liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện quyền và nghĩa vụ tự nguyện thỏa thuận. Hoặc cũng có thể xảy ra tranh chấp phát sinh từ nội dung của hợp đồng, giải thích từ ngữ hợp đồng, thực hiện hợp đồng, sửa đổi, bổ sung chấm dứt hợp đồng….

3. Nguyên nhân xảy ra tranh chấp hợp đồng liên danh

a. Nguyên nhân chủ quan gây ra tranh chấp hợp đồng liên danh

Các nguyên nhân chủ quan dẫn đến tranh chấp hợp đồng liên danh bao gồm:

  • Tranh chấp hợp đồng liên danh do sự chủ quan hoặc tin tưởng, đặt niềm tin quá cao cho chủ thể còn lại trong khi soạn thảo hợp đồng có những điều khoản họ không đưa vào dẫn đến những lỗ hổng trong hợp đồng để bên kia lợi dụng dẫn đến tranh chấp.
  • Tranh chấp hợp đồng liên danh do không tìm hiểu kỹ đối tác, tư cách chủ thể của người ký hợp đồng dẫn tới tranh chấp hợp đồng không thể khởi kiện được;
  • Tranh chấp hợp đồng liên danh chủ thể tham gia hợp đồng thiếu hiểu biết về pháp luật khi điều chỉnh quan hệ hợp đồng và không xem xét kỹ càng hợp đồng trước khi ký kết. Các chủ thể hợp đồng không chú trọng tới các vấn đề về pháp lý mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận;
  • Tranh chấp hợp đồng liên danh do một bên cố tình không thực hiện các giao kết trong hợp đồng làm ảnh hưởng đến bên kia. Các bên chỉ quan tâm đến lợi nhuận, lợi ích của mình mà bất chấp việc vi phạm và phá vỡ các thoả thuận, thiếu đạo đức kinh doanh;
  • Tranh chấp hợp đồng liên danh có yếu tố nước ngoài  có thể phát sinh do năng lực của doanh nghiệp trong quan hệ thương mại quốc tế còn nhiều hạn chế; sự thiếu hiểu biết về pháp luật và tập quán thương mại quốc tế.

b. Nguyên nhân khách quan gây ra tranh chấp hợp đồng liên danh

Các nguyên nhân khách quan dẫn đến tranh chấp hợp đồng liên danh gồm:

  • Vấn đề lợi nhuận khác nhau ở mỗi giai đoạn ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của các bên và có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra tranh chấp.
  • Khung pháp lý hiện nay của Việt Nam quy định về hợp đồng liên danh còn ít, chỉ được quy định rải rác trong Luật Đấu thầu. Điều này sẽ dẫn đến nhiều khó khăn trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề thực tiễn phát sinh từ hợp đồng.
  • Đối với các tranh chấp hợp đồng liên danh với nhà đầu tư nước ngoài, ngoài những nguyên nhân khách quan trên còn có thể kể đến các nguyên nhân sau:
    • Đây là hợp đồng liên quan đến ít nhất hai hệ thống pháp luật của hai quốc gia; ngoài ra, còn có thể liên quan đến tập quán quốc tế điều chỉnh các quan hệ hợp đồng thương mại quốc tế, các bên ký kết lại không tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi ký kết hợp đồng dẫn đến việc ký kết hợp đồng không đúng, không đầy đủ, dẫn đến cách hiểu không thống nhất làm phát sinh tranh chấp giữa các bên;
    • Sự thay đổi chính sách và pháp luật điều chỉnh quan hệ thương mại quốc tế.

4. Các tranh chấp hợp đồng liên danh thường gặp là gì?

Có 6 loại tranh chấp hợp đồng liên danh thường gặp sau đây:

a. Tranh chấp hợp đồng liên danh liên quan đến chủ thể ký kết hợp đồng

Thứ nhất, về chủ thể ký hợp đồng:

Chủ thể của hình thức đầu tư theo hợp đồng liên danh là các nhà đầu tư bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, thông thường chủ thể là thương nhân. Hợp đồng có thể bao gồm đại diện của hai bên chủ thể hoặc nhiều bên, nó phụ thuộc vào số lượng đại diện muốn tham gia hợp đồng danh, muốn trực tiếp được thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng liên danh.

Đối với chủ thể hợp đồng liên doanh là tổ chức thì thực tế có nhiều hợp đồng được ký bởi người không có thẩm quyền như: Không phải là người đại diện theo pháp luật, không được ủy quyền hoặc là người đại diện theo pháp luật nhưng không có thẩm quyền ký kết. Bên cạnh đó, tranh chấp có thể do Người ký không phải là đại diện theo pháp luật của công ty, có ủy quyền hợp pháp nhưng thực hiện ký hợp đồng vượt quá phạm vi ủy quyền.

Điều này dẫn đến những tranh chấp bởi khi Hợp đồng được ký bởi người không có thẩm quyền của doanh nghiệp về nguyên tắc sẽ vô hiệu. Tùy từng trường hợp cụ thể mà hợp đồng có thể vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần. Khi đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các bên còn lại.

Thứ hai, về năng lực của các bên liên danh

Ngoài ra, đối với hợp đồng liên danh cần xét đến năng lực về tài chính, năng lực thương mại, năng lực về kỹ thuật, năng lực về chuyên môn của đối tác…. để phù hợp với hoạt động hợp tác, hạn chế những tranh chấp đáng tiếc xảy ra. Các nhà thầu liên danh phải có tư cách hợp lệ, có đủ năng lực theo quy định phù hợp với quy mô, tính chất, loại công việc do mình đảm nhận.

Phòng ngừa tranh chấp hợp đồng phát sinh do chủ thể hợp đồng, các chủ thể cần xem xét như sau:

  • Trước khi giao kết hợp đồng cần phải kiểm tra trong Giấy ĐKKD hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương để xem ai là người đại diện theo pháp luật, có thẩm quyền ký kết hợp đồng không?
  •  Yêu cầu cung cấp Văn bản ủy quyền cho nhân viên khi giao dịch hoặc người ký không phải người đại diện theo pháp luật và kiểm tra trong giấy ủy quyền xem người ký có thuộc phạm vi được ủy quyền không (điều kiện ủy quyền, quyền của người được ủy quyền).
  • Xem xét ngành nghề kinh doanh cũng như năng lực tài chính, nhân sự của bên đối tác.

b. Tranh hợp đồng liên danh do vi phạm nguyên tắc hoạt động của liên danh

Trong mỗi hợp đồng liên danh, các bên sẽ thống nhất các điều khoản về nguyên tắc hoạt động của Liên danh. Các bên có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau trong suốt quá trình đấu thầu hoặc thi công xây dựng, hay tư vấn thiết kế xây dựng…

tranh chấp hợp đồng liên danh
Nếu tranh chấp hợp đồng liên danh xảy ra do một bên làm giả giấy tờ, tài liệu thì bạn cần phải xử lý ngay – Ảnh minh họa: Internet.

Các bên cùng có trách nhiệm lập hồ sơ dự thầu theo đúng quy định của Nhà nước. Trong quá trình lập Hồ sơ dự thầu, các bên sẽ cùng nhau thống nhất tài liệu, văn bản, bảng biểu và các nội dung khác của Hồ sơ dự thầu và trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng giao nhận thầu xây lắp (nếu trúng thầu). Các bên sẽ cung cấp cho nhau các thông tin và hồ sơ cần thiết, cùng tập trung các điều kiện về năng lực sản xuất và tài chính của đơn vị mình cho Liên danh với mục đích thắng thầu dự án.

Vậy nên, nếu một trong các bên của hợp đồng liên danh cung cấp thông tin không đầy đủ, không đúng, hoặc làm giả giấy tờ tài liệu về năng lực sản xuất, tài chính của mình, dẫn tới việc liên danh không trúng thầu dự án thì có thể gây ra xung đột giữa các bên. Cụ thể như sau:

  • Đối với gói thầu xây lắp: Các bên cần chuẩn bị nhân sự, thiết bị để tham gia hồ sơ dự thầu cùng như phải có đủ hồ sơ, giấy tờ hợp lệ để làm hồ sơ dự thầu. Đối với phần thuyết minh biện pháp thi công cũng cần lưu ý thuyết minh đối với phần việc của cả các thành viên liên danh, biện pháp thi công của từng thành viên tham gia đảm nhận công việc trong liên danh, khả năng huy động thiết bị, tiến độ thực hiện cũng phải logic với phần thỏa thuận cũng như năng lực tham gia trong liên danh.
  • Đối với gói thầu tư vấn, lĩnh vực tư vấn quan trọng nhất đó là phần nhân sự bố trí thực hiện gói thầu, do đó các bên cần phải bố trí nhân sự phù hợp, đặc biệt là phù hợp với phạm vi công việc của mình trong liên danh. Đối với nhân sự thực hiện, quan trọng nhất là lý lịch công việc cần phải thực hiện khai đầy đủ theo mẫu, chuẩn bị các tài liệu để chứng minh là nhân sự đó đã tham gia những dự án đã kê khai.

Như vậy, trong việc xác lập hợp đồng liên danh, các bên cần đảm bảo việc thực hiện đúng trách nhiệm của mình để việc liên danh có hiệu quả, hạn chế những tranh chấp đáng tiếc xảy ra.

c. Tranh hợp đồng liên danh về nội dung, khối lượng công việc được phân chia thực hiện trong hợp đồng liên danh

Theo quy định thì một thỏa thuận liên danh được coi là hợp lệ khi nội dung của thỏa thuận phân định rõ quyền lợi, trách nhiệm, khối lượng công việc phải thực hiện và giá trị tương ứng của từng thành viên trong liên danh, kể cả người đứng đầu liên danh và trách nhiệm của người đứng đầu liên danh; chữ ký của các thành viên, con dấu (nếu có). Mục đích của việc phân chia là phải đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn vệ sinh môi trường…khi thực hiện gói thầu.

Theo đó, nếu từ khâu soạn thảo, ký kết hợp đồng không quy định rõ về việc phân định quyền lợi, trách nhiệm, khối lượng công việc phải thực hiện và giá trị tương ứng của các thành viên trong liên danh thì rất dễ gây ra những tranh chấp, xung đột về lợi ích.

Ví dụ như:

Công ty A và B liên danh với nhau để tham dự gói thầu mua sắm hàng hóa, các bên đã có thỏa thuận phân công trách nhiệm, công việc cho từng thành viên phải làm. Sau này khi trúng thầu và thực hiện hợp đồng, Công ty B đã không thực hiện đúng phần công việc mà mình đã đảm nhận như thỏa thuận trong hợp đồng liên danh, gây thiệt hại cho chủ đầu tư. Vậy vấn đề mâu thuẫn đặt ra là Bên B có phải liên đới chịu trách nhiệm do hành vi của Bên B gây ra hay không?

Xét trong trường hợp này, hợp đồng với chủ đầu tư là giữa chủ đầu tư và nhà thầu liên danh. Do vậy khi công ty A hay B vi phạm hợp đồng với chủ đầu tư thì cũng là nhà thầu liên danh vo phạm hợp đồng. Theo đó A và B phải liên đới chịu trách nhiệm với nhau trước chủ đầu tư. Sau đó căn cứ vào hợp đồng liên danh mà công ty A có quyền yêu cầu Công ty B bồi thường thiệt hại mà Công ty A phải gánh chịu do hành vi vi phạm của Bên B gây ra.

Vậy nên trong việc soạn thảo Hợp đồng liên danh, các bên cần chú ý một số nội dung sau:

  • Trong hợp đồng liên danh thi công xây dựng, căn cứ trên nội dung gói thầu, các bên phân chia công việc cho từng thành viên trong liên danh. Công việc phân chia được dựa trên các yếu tố như khối lượng công việc (%); hạng mục (xây dựng, giám sát, lắp đặt,…..);
  • Quy định rõ ràng về vấn đề bảo lãnh dự thầu của các bên: Từng thành viên trong Liên danh trực tiếp nộp bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh hợp đồng, bảo lãnh tiền tạm ứng cho Chủ đầu tư (nếu trúng thầu) tương ứng với giá trị được phân chia tham gia thi công. Các bên có thể thỏa thuận về việc để đại diện liên danh nộp các khoản bảo đảm cho chủ đầu tư sau đó các thành viên còn lại có nghĩa vụ hoàn trả cho đại diện liên danh.
  • Nếu trúng thầu, liên danh sẽ thực hiện việc ký kết hợp đồng với chủ đầu tư. Việc ký kết hợp đồng có thể do đại diện liên danh thực hiện hoặc tất cả các thành viên của liên danh cùng thực hiện. Điều này phải được thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng.
  • Từng thành viên liên danh phải chịu trách nhiệm chung và riêng trước chủ đầu tư về phần việc mà mình đảm nhiệm và toàn bộ công việc của gói thầu. Việc quy định vấn đề này hết sức quan trọng bởi không ít những tranh chấp nảy sinh từ vấn đề này.

d. Tranh hợp đồng liên danh trong quá trình tổ chức thực hiện dự án theo hợp đồng:

Thông thường, với các Hợp đồng liên danh thi công xây dựng, các bên sẽ bàn bạc thống nhất thành lập Ban điều hành công trường và hoạt động theo quy chế của Ban điều hành được các bên nhất trí thông qua. Về khối lượng, giá trị thanh toán cho mỗi thành viên trong Liên danh: Từng kỳ thanh toán căn cứ khối lượng và giá trị được thanh toán với Chủ đầu tư, Ban điều hành sẽ công khai và được các đơn vị thành viên ký xác nhận để làm cơ sở thanh toán tiền cho các đơn vị thành viên.

Trách nhiệm của nhà thầu đứng đầu Liên danh: Nhà thầu đứng đầu Liên danh chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư về mọi công việc, mọi giao dịch có liên quan đến việc thực hiện gói thầu.

Trên cơ sở phần khối lượng được phân chia, các bên phải chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ của dự án và thực hiện đầy đủ các điều khoản trong hợp đồng giao nhận thầu xây lắp được ký giữa chủ đầu tư và Liên danh.

Trong quá trình thi công mỗi thành viên phải tự chịu trách nhiệm riêng trong phạm vi hợp đồng của mình về mọi vấn đề liên quan đến khối lượng, kỹ thuật, tiến độ xây dựng công trình và các quy định khác của Nhà nước trước Chủ đầu tư đồng thời chịu trách nhiệm liên đới nhau theo tỷ lệ phân chia khối lượng đối với các vấn đề chung liên quan đến dự án.

Toàn bộ chi phí trong quá trình lập hồ sơ dự thầu được các bên tập hợp phân bổ theo tỷ lệ khối lượng công việc đã phân chia ở trên.

Ngoài ra, cũng có những tranh chấp hợp đồng liên danh xảy ra khi thành viên liên danh tự ý chuyển nhượng quyền lợi và trách nhiệm của mình theo hợp đồng liên danh này cho bên thứ 3 khi chưa có văn bản chấp thuận của các thành viên khác trong Liên danh. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện hợp đồng của các bên liên danh còn lại.

Thực tế, rất nhiều tranh chấp phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện dự án theo Hợp đồng liên danh. Ví dụ như khi trong hợp đồng, phụ lục hợp đồng phân chia khối lượng có sự trùng lặp, không có sự rõ ràng trong một số hạng mục, hay việc phân chia cùng 1 hạng mục mà nhiều nhà thầu cùng được phân công thực hiện… thì sẽ rất dễ gây nên tranh chấp. Hoặc là khi một nhà thầu liên danh thực hiện hạng mục của mình nhưng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hạng mục của nhà thầu liên danh còn lại thì có thể phát sinh tranh chấp về lợi ích.

===>>> Xem thêm: Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại

e. Tranh hợp đồng liên danh liên quan đến điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng liên danh

Về cơ bản, dù ký kết hợp đồng liên danh tuy nhiên mỗi chủ thể sẽ thường đảm nhiệm các công việc, khối lượng khác nhau và chịu trách nhiệm trực tiếp về việc thực hiện hợp đồng của mình.

Tuy nhiên có không ít trường hợp có sự chậm trế thực hiện nghĩa vụ hoặc không thực hiện nghĩa vụ do chịu ảnh hưởng của bên kia hoặc do các sự kiện khách quan, bất khả kháng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng.

Trường hợp vì hành vi của bên kia khiến việc thực hiện hợp đồng của mình bị trì hoãn thì bên vi phạm sẽ phải chịu phạt hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại.

Ví dụ như: Trong hợp đồng liên danh thi công xây dựng công trình công viên công cộng, Bên A có trách nhiệm hoàn thành khối lượng về phần thô của công trình (bao gồm việc san nền, xây móng, kè đá, xây dựng các cảnh quan,…) còn Bên B có trách nhiệm cung cấp, trồng cây xanh và lắp đặt các thiết bị đồ rời, đồ chơi… vào công viên.

Vậy nếu khối lượng công việc mà Bên A thực hiện bị chậm trễ tiến độ, hoặc vì không thực hiện đúng mà phải xây lại theo yêu cầu của Chủ đầu tư, khi đó Bên B sẽ không thể đưa cây cảnh cũng như các thiết bị vào đúng theo thiết kế và dẫn đến chậm tiến độ.

Vậy nên, nếu quy định vấn đề này không rõ ràng, không lường trước được các tình huống và xử lý tình huống xảy ra thì rất dễ nảy sinh tranh chấp.

Ngoài ra, cần lưu ý về trường hợp vi phạm hợp đồng do sự kiện bất khả khảng: Theo quy định chung của Bộ luật dân sự thì bất kỳ việc không thực hiện hay chậm trễ thực hiện nghĩa vụ theo quy định của hợp đồng mà do ảnh hưởng trực tiếp của sự kiện bất khả kháng đều không bị coi là vi phạm Hợp đồng.

Bên bị tác động bởi sự kiện bất khả kháng phải gửi thông báo bằng văn bản cho bên kia biết. Đồng thời tìm mọi biện pháp để hạn chế và khắc phục hậu quả do sự kiện bất khả kháng gây nên trong phạm vi và khả năng cho phép. Hợp đồng sẽ được các bên tiếp tục thực hiện sau khi sự kiện bất khả kháng không còn hoặc đã được khắc phục xong.

Vậy nên, trong hợp đồng liên danh cũng cần quy định một cách rõ ràng về các trường hợp bất khả kháng để tránh việc một bên lợi dụng lý do về sự kiện bất khả kháng để vi phạm hợp đồng.

tranh chấp hợp đồng liên danh
Nếu xảy ra tranh chấp hợp đồng liên danh khi một bên vô cớ chấm dứt hợp đồng thì hãy liên hệ ngay với luật sư để giải quyết nhanh gọn – Ảnh minh họa: Internet.

f. Tranh hợp đồng liên danh liên quan đến việc chấm dứt Hợp đồng

Hợp đồng liên danh thường chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Theo thỏa thuận của các thành viên;
  • Do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng;
  • Hết thời hạn thỏa thuận ghi trong hợp đồng (hoặc là hoàn thành xong nghĩa vụ với Chủ đầu tư;
  • Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Thực tế, đa số các tranh chấp phát sinh do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng đột ngột, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng của liên danh. Điều này là bởi, trong quá trình thi công, dù mỗi thành viên phải tự chịu trách nhiệm riêng trong phạm vi hợp đồng của mình về mọi vấn đề liên quan đến khối lượng, kỹ thuật, tiến độ xây dựng công trình nhưng đồng thời cũng chịu trách nhiệm liên đới nhau theo tỷ lệ phân chia khối lượng đối với các vấn đề chung liên quan đến dự án.

Khi một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng không đúng trình tự thủ tục thỏa thuận tại hợp đồng, nếu gây thiệt hại cho bên kia (trừ trong trường hợp bất khả kháng) thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra và chịu phạt vi phạm hợp đồng.

Khi hợp đồng liên danh không quy định chi tiết về các trường hợp chấm dứt hợp đồng, trách nhiệm khi đơn phường chấm dứt hợp đồng thì rất dễ dẫn đến các tranh chấp xảy ra, bao gồm cả về vấn đề bồi thường thiệt hại, phạt hợp đồng.

5. Đề phòng tranh chấp hợp đồng liên danh như thế nào?

  • Các bên cần lựa chọn và tìm hiểu kỹ càng thông tin về đối tác để phù hợp với mục đích kinh doanh mà mình mong muốn
  • Tìm hiểu về pháp luật thương mại quốc tế trong trường hợp liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài
  • Chuẩn bị dự thảo hợp đồng với những quy định rõ ràng, chi tiết càng tốt và hạn chế các thuật ngữ nhập nhằng, khó hiểu. Tốt nhất, đề hạn chế tranh chấp xảy ra, doanh nghiệp nên lựa chọn những người có kinh nghiệm để soạn thảo hợp đồng, đặc biệt là các công ty luật.
  • Nên lường trước tất cả các tình huống có thể xảy ra và cách thức xử lý nếu có trong hợp đồng.

Cách tốt nhất để phòng ngừa tranh chấp hợp đồng liên danh chính là soạn thảo một hợp đồng liên danh kín kẽ và chặt chẽ, quy định các vấn đề một cách rõ ràng, dự liệu những tranh chấp có thể xây ra và đưa ra quy định cụ thể trong những trường hợp đó.

Nếu cần dịch vụ soạn thảo hợp đồng, xin hãy liên hệ với Luật Thái An:

BẢNG GIÁ DỊCH VỤ SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG

QUY TRÌNH CUNG CẤP DỊCH VỤ

Nguyễn Văn Thanh