Di sản dùng vào việc thờ cúng được BLDS 2015 quy định thế nào?
Thờ cúng là một trong những tín ngưỡng tốt đẹp của người Việt Nam. Theo đó, Nhà nước cũng tôn trọng và đảm bảo cho cá nhân có quyền để lại di sản dùng vào việc thờ cúng sau khi chết. Tuy nhiên nhiều người thừa kế di sản hay người quản lý di sản lại chưa hiểu rõ như thế nào là di sản dùng vào việc thờ cúng cũng như chưa nắm rõ các quy định pháp luật về loại di sản này. Bài viết dưới đây, Công ty tư vấn luật chúng tôi sẽ thông tin đến quý bạn đọc các quy định pháp luật về di sản dùng vào việc thờ cúng.
1. Di sản dùng vào việc thờ cúng là gì?
Tại Điều 612 Bộ Luật dân sự 2015 (đây cũng là pháp luật thừa kế của Việt Nam) đã quy định về di sản, cụ thể di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Dựa vào quy định trên có thể hiểu di sản dùng vào việc thờ cúng là một loại di sản đặc biệt, loại di sản này là một phần di sản trong khối di sản mà người chết để lại để dùng vào việc thờ cúng. Phần di sản này không được chia theo di chúc hay chia theo pháp luật mà được giao cho một người hoặc nhiều người quản lý.
2. Quyền để lại di sản dùng vào việc thờ cúng
Theo quy định tại Điều 626 Bộ luật dân sự 2015 thì người lập di chúc có quyền:
- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Như vậy, người lập di chúc có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để thờ cúng. Do đó, có thể thấy di sản dùng vào việc thờ cúng chỉ xuất hiện trong thừa kế theo di chúc, còn trường hợp thừa kế theo pháp luật thì không đặt ra vấn đề di sản dùng vào việc thờ cúng.
Tuy nhiên, những người hưởng thừa kế theo pháp luật vẫn có quyền thỏa thuận với nhau di sản nào dùng để thờ cúng.
Xem thêm: DI CHÚC HỢP PHÁP
3. Trường hợp nào không được dành một phần di sản để thờ cúng?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Quy định này nhằm bảo vệ người có quyền lợi trong quan hệ dân sự với người để lại di chúc.
Căn cứ theo quy định tại Điều 614 Bộ luật Dân sự 2015 thì kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người để lại thừa kế để lại. Đồng thời theo quy định tại Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015 thì một số nghĩa vụ tài sản liên quan đến người để lại thừa kế bao gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng theo tập quán;
- Tiền cấp dưỡng còn thiếu, tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;
- Chi phí cho việc bảo quản di sản;
- Tiền công lao động;
- Tiền bồi thường thiệt hại, thuế;
- Các khoản phí phải nộp vào ngân sách nhà nước;
- Các khoản nợ đối với cá nhân, pháp nhân, tiền phạt và các chi phí khác nếu có.
Xem thêm:
4. Di sản dùng vào việc thờ cúng có được chia thừa kế không?
Khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định rõ: Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế.
Tuy nhiên theo quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 thì những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc gồm:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Theo đó, những người này vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó.
Lưu ý: Quy định này không áp dụng đối với người thuộc đối tượng nêu trên nhưng họ từ chối nhận di sản hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.
Như vậy, nếu di sản dùng vào việc thờ cúng khiến cho những đối tượng nêu trên không được hưởng di sản thừa kế hoặc được hưởng ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật thì di sản dùng vào việc thờ cúng phải được lấy ra để chia cho những đối tượng này nhằm đảm bảo không vi phạm quyền thừa kế của những người được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
>>> Xem thêm:
5. Di sản dùng vào việc thờ cúng do ai quản lý?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 thì người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng được xác định dựa trên 02 căn cứ như sau:
- Thứ nhất, theo sự chỉ định của người lập di chúc: Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng. Nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
- Thứ hai, theo sự thỏa thuận của những người thừa kế: Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng. Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
6. Quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng
Người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng ngoài việc phải thực hiện quyền và nghĩa vụ theo sự chỉ định của người lập di chúc, quyền và nghĩa vụ theo thoả thuận của những người thừa kế còn phải tuân thủ quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản nói chung được quy định tại Điều 617, Điều 618 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể
6.1 Quyền của người quản lý di sản
Trường hợp 1: Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.
Người quản lý di sản trong trường hợp này sẽ có các quyền là:
- Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;
- Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
- Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
Trường hợp 2: Di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản
Trường hợp này người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản. Người này sẽ có các quyền như:
- Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;
- Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
- Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
Lưu ý: Về thù lao của người quản lý di sản, trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.
6.2 Nghĩa vụ của người quản lý di sản
Trường hợp 1: Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra, có các nghĩa vụ như sau:
- Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
- Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế;
- Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
- Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.
Trường hợp 2: Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản là người quản lý di sản
Người quản lý di sản trong trường hợp này có các nghĩa vụ như sau:
- Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác;
- Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
- Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
- Giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.
Xem thêm: QUẢN LÝ DI SẢN THỪA KẾ
7. Căn cứ chấm dứt di sản dùng vào việc thờ cúng
Theo quy định tại Điều 645 Bộ luật dân sự 2015 thì di sản dùng vào việc thờ cúng sẽ được chấm dứt tức là không được coi là di sản dùng vào việc thờ cúng nữa khi có đủ các căn cứ sau:
Một là: Tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết.
Hai là: Có người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 gồm:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Khi có đủ 02 căn cứ nêu trên thì phần di sản dùng vào việc thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
8. Cần lưu ý gì khi để lại di sản dùng vào việc thờ cúng?
Khi muốn để lại di sản dùng vào việc thờ cúng, người lập di chúc nên ghi rõ nội dung di chúc để tránh các tranh chấp sau khi qua đời. Trong những nội dung cần có của một bản di chúc, người lập di chúc cần ghi rõ danh sách người được hưởng di sản, phần di sản được hưởng,mục đích sử dụng di sản.
Đồng thời, người lập di chúc cũng cần tìm hiểu các quy định pháp luật để đảm bảo di chúc có hiệu lực pháp luật. Để làm được những điều này một cách chắc chắn, không mất nhiều thời gian, công sức, hãy tìm đến dịch vụ tư vấn pháp luật thừa kế, tư vấn lập di chúc
Một trong những địa chỉ cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật thừa kế, tư vấn lập di chúc uy tín, chất lượng đó là Công ty Luật Thái An chúng tôi.
Khi đến với Luật Thái An, quý khách hàng sẽ được một đội ngũ Luật sư, chuyên gia pháp lý, chuyên viên tư vấn có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu rộng, tận tình phục vụ, chắc chắn quý khách hàng sẽ có trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật thừa kế, tư vấn lập di chúc tại Luật Thái An.
- Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan - 31/10/2022
- Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai - 19/03/2022
- Cẩn trọng khi ký hợp đồng vay? - 31/10/2021