Phòng ngừa tranh chấp hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu
Hiện nay, việc xuất khẩu/ nhập khẩu hàng hóa có thể do chính các thương nhân tự mình thực hiện hoặc các thương nhân có thể ủy thác cho công ty xuất khẩu/ nhập khẩu hàng hóa. Khi đó, hai bên sẽ ký với nhau hợp đồng ủy thác xuất khẩu/ hợp đồng ủy thác nhập khẩu.
Tuy nhiên, ủy thác xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá cũng là hoạt động thường xảy ra tranh chấp giữa bên uỷ thác và bên nhận uỷ thác. Vậy nên, trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An sẽ tư vấn về các biện pháp phòng ngừa tranh chấp hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu:
1. Các tranh chấp hợp đồng uỷ thác xuất nhập khẩu thường phát sinh
Từ thực tiễn tham gia nhiều vụ tranh chấp thương mại, tranh chấp hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu hàng năm, chúng tôi nhận thấy tranh chấp hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu thường do các bên không thoả thuận trong hợp đồng, thoả thuận không đầy đủ hoặc không phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế. Một số vấn đề tiêu biểu như:
- Các bên thực hiện hoạt động ủy thác xuất nhập khẩu chỉ thỏa thuận miệng mà không lập hợp đồng bằng văn bản (hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương)
- Hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu được ký kết bởi những người không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Trong hợp đồng không quy định trách nhiệm bồi thường, khắc phục hậu quả, thời gian và phương thức bồi thường nên dẫn đến khi xảy ra thiệt hại, các bên không thống nhất được cách xử lý.
- Tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng do không có cơ chế giải quyết khi hàng hoá vướng phải các vấn đề về thủ tục hải quan và vấn đề xử lý hàng hóa không được tiếp nhận, …
- Rủi ro mà bên ủy thác phải gánh chịu có thể là thông tin sai lệch về nhà cung cấp và sản phẩm nhập khẩu, hoặc sự thông đồng giữa bên nhận ủy thác với nhà xuất khẩu.
- …..
2. Các biện pháp phòng ngừa tranh chấp hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu
2.1. Phòng ngừa tranh chấp hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu bằng cách hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan đến ủy thác xuất nhập khẩu
Việc các cá nhân, tổ chức ủy thác xuất khẩu/nhập khẩu tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến ủy thác xuất nhập khẩu là điều vô cùng cần thiết, giúp các bên hiểu rõ quyền và trách nhiệm pháp lý của mình liên quan đến hoạt động này.
Cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động ủy thác xuất nhập khẩu là các văn bản pháp lý sau:
- Bộ luật Dân sự năm 2015,
- Luật Thương mại năm 2005
- Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017;
- Nghị định 69/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương
- Thông tư số 12/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 15/06/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/05/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương.
- Pháp luật quốc tế về hoạt động mua bán hàng hóa ….
2.2. Phòng ngừa tranh chấp hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu bằng cách lựa chọn đối tác phù hợp, uy tín
Chủ thể thực hiện ủy thác và nhận ủy thác: Việc ủy thác và nhận ủy thác xuất nhập khẩu được thực hiện giữa các thương nhân với nhau. Các tổ chức, cá nhân Việt Nam không phải thương nhân, trên cơ sở hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật, được ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phục vụ nhu cầu của tổ chức, cá nhân đó.
Khi lựa chọn bên nhận ủy thác xuất nhập khẩu, bên ủy thác cần tìm hiểu, lựa chọn doanh nghiệp uy tín. Ngoài ra, doanh nghiệp ủy thác hoặc doanh nghiệp nhận ủy thác phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu trước khi ký hợp đồng ủy thác hoặc nhận ủy thác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép.
Theo đó, đối với các chủ thể có nhu cầu ủy thác đầu tư cần xem xét, lựa chọn đối tác có đủ giấy phép hoạt động nhận ủy thác xuất khẩu/nhập khẩu có uy tín và kinh nghiệm trên thị trường. Các đối tác làm ăn uy tín và chất lượng sẽ mang tới ít rủi ro hơn cho doanh nghiệp về nhiều mặt, trong đó có rủi ro về tranh chấp liên quan đến hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, cần xem xét người ký kết hợp đồng có thẩm quyền ký kết hợp đồng ủy thác hay không?
===>>> Xem thêm:Điều kiện đối với các bên chủ thể hợp đồng
2.3. Phòng ngừa tranh chấp hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu bằng cách xác định, kiểm tra loại hàng hóa nhập khẩu/xuất khẩu
Trước khi giao kết hợp đồng ủy thác xuất khẩu/nhập khẩu, bên nhận ủy thác cần kiểm tra hàng hóa nhập khẩu/xuất khẩu bởi có một hệ thống các hàng hóa bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam hoặc cấm xuất khẩu ra nước ngoài. Hàng hóa ủy thác: tất cả các hàng hóa lưu thông hợp pháp đều có thể là đối tượng, trừ hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu.
===>>> Xem thêm:Soạn thảo hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu như thế nào?
Trong ủy thác xuất nhập khẩu, rủi ro lớn nhất là đối với công ty nhận ủy thác. Vì đơn vị này đã thay mặt cho người nhập khẩu đứng tên trên giấy tờ, chịu mọi trách nhiệm pháp lý khi nhập hàng vào. Do đó, trong trường hợp nếu mặt hàng bên trong lô hàng được nhập hay xuất ra là loại hàng cấm thì đơn vị làm dịch vụ ủy thác xuất nhập khẩu thường phải chịu trách nhiệm.
2.4. Phòng ngừa tranh chấp hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu bằng cách làm tốt khâu đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu
Cách tốt nhất để ngăn ngừa tranh chấp hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu là chú trọng thực hiện đầy đủ, kỹ lưỡng tất cả các giai đoạn đàm phán như chuẩn bị đàm phán, tiếp xúc, tiến hành đàm phán, kết thúc đàm phán, và rút kinh nghiệm sau đàm phán.
Hợp đồng phải được soạn thảo cẩn thận, chứa đựng đầy đủ các nội dung, các điều kiện và điều khoản cần thiết, các nội dung được trình bày rõ ràng, chính xác. Cũng giống như các hoạt động ủy thác khác, hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu đều cần có những điều khoản, nội dung cơ bản sau:
- Thông tin các bên trong hợp đồng;
- Nội dung ủy thác;
- Thù lao ủy thác;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên;
- Quyền sở hữu hàng hóa và trách nhiệm chịu rủi ro của các bên;
- Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng ủy thác xuất khẩu;
- Điều khoản về sửa đổi, bổ sung hợp đồng,
- Các trường hợp được cho là bất khả kháng,
- Nghĩa vụ và hình thức thông báo của các bên khi gặp sự kiện bất khả kháng;
- Chấm dứt hợp đồng;
- Điều khoản chung và điều khoản thi hành….
Nếu những hợp đồng được đàm phán, soạn thảo vội vã, mang tính hình thức, đối phó với những điều kiện và điều khoản quá sơ sài hoặc không rõ ràng, tối nghĩa, ….chính là mầm mống phát sinh tranh chấp, bất đồng về sau.
Để có những hợp đồng chặt chẽ, các bên có thể tham khảo các mẫu hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu dưới đây:
===>>> Xem thêm: Mẫu hợp đồng ủy thác nhập khẩu
===>>> Xem thêm:Mẫu hợp đồng ủy thác xuất khẩu
2.5. Phòng ngừa tranh chấp hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu bằng nâng cao tinh thần hợp tác và thường xuyên giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng
Để một mối quan hệ hợp tác diễn ra tốt đẹp thì cả hai bên của hợp đồng phải có tinh thần tự nguyện, thiện chí thực hiện những cam kết tại hợp đồng. Đồng thời, cả hai bên đều cần cẩn trọng trong việc làm các giấy tờ, chứng từ nhập xuất hàng hóa.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện hợp đồng, bên ủy thác cần thường xuyên giám sát tiến độ thực hiện hợp đồng của bên nhận ủy thác bởi sự ủy thác khiến doanh nghiệp thụ động hơn do phụ thuộc vào bên trung gian khiến cho các hoạt động kinh tế có thể diễn ra chậm hơn so với dự tính của bên ủy thác. Điều này giúp bên ủy thác có thể phát hiện kịp thời những vi phạm của bên nhận ủy thác để có các biện pháp xử lý kịp thời.
3. Dịch vụ tư vấn phòng ngừa tranh chấp hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu
Như vậy, hoạt động ủy thác xuất nhập khẩu thường dễ phát sinh tranh chấp vì có liên quan đến pháp luật nước ngoài. Vậy nên, việc sử dụng dịch vụ tư vấn, soạn thảo hợp đồng ủy thác của Luật sư là vô cùng cần thiết để phòng ngừa tranh chấp hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu.
Trên đây là những chia sẻ của các chuyên gia của Công ty Luật Thái An về các lưu ý để phòng ngừa tranh chấp hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu. Nếu bạn muốn tìm một đơn vị cung cấp dịch vụ soạn thảo hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu hoặc giải quyết tranh chấp uy tín, chuyên nghiệp – Hãy liên hệ ngay với chúng tôi từ hôm nay để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất nhé!
Bạn có thể tham khảo:
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024