Người đại diện trong vụ án dân sự

Người đại diện tham gia tố tụng trong vụ án dân sự có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và việc làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Vậy pháp luật quy định như thế nào về người đại diện trong vụ án dân sự. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Công ty Luật Thái An để biết thông tin chi tiết.

1. Cơ sở pháp lý quy định về người đại diện trong vụ án dân sự

Cơ sở pháp lý quy định về người đại diện trong vụ án dân sự là các văn bản pháp lý sau:

2. Người đại diện trong vụ án dân sự là ai?

Theo Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì “Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm: người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.”

Các đương sự trong vụ án dân sự (bị đơn, nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) có thể có người đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Toà án.

Xem thêm:

Đương sự trong vụ án dân sự là ai? Có quyền và nghĩa vụ gì?

2.1 Người đại diện theo pháp luật

Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật. Theo đó, tại Điều 136 và Điều 137 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Đại diện theo pháp luật của cá nhân

  • Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
  •  Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
  •  Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện
  •  Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Đại diện theo pháp luật của pháp nhân

  • Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;
  • Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;
  • Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

Lưu ý: Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật 

Xem thêm:

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng có quy định riêng về người đại diện theo pháp luật như sau:

  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.
  • Tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động bị xâm phạm;
  • Tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng khi được người lao động ủy quyền.
  • Trường hợp nhiều người lao động có cùng yêu cầu đối với người sử dụng lao động, trong cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì họ được ủy quyền cho một đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án.

2.2 Người đại diện theo uỷ quyền

Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.

Cụ thể theo Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người đại diện theo ủy quyền có thể là:

  • Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
  • Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

Lưu ý:

  • Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
  • Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng trong tình trạng tính mạng, sức khỏe, tinh thần không đảm bảo và là nạn nhân của bạo lực gia đình thì cha, mẹ, người thân thích có thể làm người đại diện cho họ.

2.3 Người đại diện do Toà án chỉ định

Tại Điều 88 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định Toà án chỉ định người đại diện trong những trường hợp sau:

  • đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mà không có người đại diện hoặc
  • Người đại diện theo pháp luật của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thuộc trường hợp không được làm người đại diện.

Người đại diện do Tòa án chỉ định tham gia tố tụng từ khi có quyết định của Tòa án chỉ định họ đại diện cho đương sự, việc tòa án chỉ định người đại diện cho đương sự bảo đảm quyền bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của đương sự trước tòa án.

Riêng đối với vụ án lao động mà có đương sự thuộc các trường hợp nêu trên hoặc người lao động là người chưa thành niên mà không có người đại diện và Tòa án cũng không chỉ định được người đại diện thì Tòa án chỉ định tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động đó.

3. Những trường hợp không được làm người đại diện 

Theo Điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo uỷ quyền trong vụ án dân sự:

  • Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ án với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;
  • Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ án.

Lưu ý: Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.

người đại diện
Luật sư có thể là người đại diện cho đương sự trong vụ án. ảnh minh hoạ: internet

4. Quyền, nghĩa vụ của người đại diện 

Theo Điều 86 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự trong phạm vi mà mình đại diện và theo nội dung văn bản ủy quyền.

5. Người đại diện sẽ chấm dứt việc đại diện khi nào?

Điều 89 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự chấm dứt việc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự.

Theo đó tại khoản 3, 4 Điều 140 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các trường hợp chấm dứt đại diện như sau:

5.1 Các trường hợp chấm dứt đại diện theo pháp luật

Đại diện theo pháp luật chấm dứt trong trường hợp sau đây:

  • Người được đại diện là cá nhân đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục;
  • Người được đại diện là cá nhân chết;
  • Người được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;
  • Căn cứ khác theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 hoặc luật khác có liên quan.

5.2 Các trường hợp chấm dứt đại diện theo uỷ quyền

Đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây:

  • Theo thỏa thuận;
  • Thời hạn ủy quyền đã hết;
  • Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;
  • Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;
  • Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;
  • Người đại diện không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 134 của Bộ luật Dân sự 2015;
  • Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.

5.3 Các trường hợp chấm dứt đại diện do Toà án chỉ định

Người đại diện do Toà án chỉ định chính là người đại diện theo pháp luật. Do đó các trường hợp chấm dứt người đại diện do Toà án chỉ định sẽ là:

  • Người được đại diện là cá nhân đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục;
  • Người được đại diện là cá nhân chết;
  • Người được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;
  • Căn cứ khác theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 hoặc luật khác có liên quan.

6. Hậu quả của việc chấm dứt đại diện 

Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì việc chấm dứt đại diện trong tố tụng dân sự có những hậu quả sau:

  • Trường hợp chấm dứt đại diện theo pháp luật mà người được đại diện đã thành niên hoặc đã khôi phục năng lực hành vi dân sự thì người đó tự mình tham gia tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng dân sự theo thủ tục do Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định.
  • Trường hợp chấm dứt đại diện theo ủy quyền thì đương sự hoặc người thừa kế của đương sự trực tiếp tham gia tố tụng hoặc ủy quyền cho người khác đại diện tham gia tố tụng theo thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định.

7. Dịch vụ Luật sư đại diện tham gia tố tụng dân sự

Công ty Luật Thái An là một đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ luật sư đại diện tham gia tố tụng cho khách hàng tham gia các vụ án dân sự, lao động,…Với đội ngũ Luật sư giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm làm đại diện cho khách hàng trong vụ án dân sự, các Luật sư của Luật Thái An luôn vận dụng linh hoạt có hiệu quả các quy định của pháp luật để đưa ra giải pháp pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp tốt nhất cho khách hàng.

Bên cạnh đó bằng sự tận tâm, chuyên nghiệp, luôn đặt quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu, Luật Thái An sẽ tư vấn, hỗ trợ Khách hàng xử lý và giải quyết các thủ tục, quy trình tố tụng một cách nhanh chóng nhất, giúp tiết kiệm được chi phí, thời gian và sức khỏe cho nhiều khách hàng, đem đến cho khách hàng sự an tâm, tin tưởng khi sử dụng dịch vụ.

Xem thêm:

Dịch vụ luật sư tranh tụng dân sự uy tín!

Đàm Thị Lộc