Hội đồng xét xử vụ án dân sự qua các cấp xét xử

Hội đồng xét xử vụ án dân sự là Hội đồng do Tòa án có thẩm quyền lập ra để nhân danh nhà nước xét xử vụ án dân sự theo các cấp và ra bản án hoặc quyết định đối với vụ án dân sự. Vậy pháp luật quy định như thế nào về Hội đồng xét xử vụ án dân sự, hãy cùng Luật Thái An tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Thành phần Hội đồng xét xử vụ án dân sự gồm những ai?

1.1 Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự

Theo quy định tại Điều 63 Bộ luật dân sự năm 2015. thì trừ trường hợp xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn thì Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự gồm:

  • 01 Thẩm phán
  • 02 Hội thẩm nhân dân,
  • Trong trường hợp đặc biệt thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm 02 Thẩm phán và 03 Hội thẩm nhân dân.

Lưu ý:

  • Đối với vụ án có đương sự là người chưa thành niên thì phải có Hội thẩm nhân dân là người đã hoặc đang công tác tại Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em.
  • Đối với vụ án lao động thì phải có Hội thẩm nhân dân là người đã hoặc đang công tác trong tổ chức đại diện tập thể lao động hoặc người có kiến thức về pháp luật lao động.

Xem thêm:

Xét xử sơ thẩm vụ án dân sự: Tổng hợp các quy định quan trọng!

1.2 Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự

Theo quy định tại Điều 64 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự gồm 03 Thẩm phán, trừ trường hợp vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 65 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

1.3 Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án dân sự

 Điều 66 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

  • Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 03  Thẩm phán hoặc toàn thể Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao.
  • Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 05  Thẩm phán hoặc toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

2. Thành viên trong Hội đồng xét xử có thể bị thay đổi không?

Căn cứ Điều 52, Điều 53 BLTTDS 2015 thì Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:

  • Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự.
  • Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ việc đó.
  • Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
  • Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau; trong trường hợp này, chỉ có một người được tiến hành tố tụng.
  • Họ đã tham gia giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ việc dân sự đó và đã ra bản án sơ thẩm, bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, quyết định giải quyết việc dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao thì vẫn được tham gia giải quyết vụ việc đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
  • Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
hội đồng xét xử vụ án
Hội đồng xét xử vụ án dân sự ban hành phán quyết thông qua bản án. – ảnh minh hoạ: internet

3. Trường hợp thành phần của Hội đồng xét xử không đúng quy định thì sẽ thế nào?

Căn cứ quy định tại Điều 310, Điều 345 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì:

  • Khi thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng quy định: Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm
  • Khi thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm không đúng quy định: Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm

4. Thay đổi thành viên Hội đồng xét xử trong trường hợp đặc biệt

Theo quy định tại Điều 226 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì trong những trường hợp đặc biệt việc thay đổi thành viên Hội đồng xét xử được tiến hành như sau:

  • Trường hợp có Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân không thể tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng có Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân dự khuyết thì những người này được tham gia xét xử tiếp vụ án nếu họ có mặt tại phiên tòa từ đầu.
  • Trường hợp Hội đồng xét xử có hai Thẩm phán mà Thẩm phán chủ toạ phiên tòa không thể tiếp tục tham gia xét xử vụ án thì Thẩm phán là thành viên Hội đồng xét xử làm chủ toạ phiên tòa và Thẩm phán dự khuyết được bổ sung làm thành viên Hội đồng xét xử.
  • Trường hợp không có Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân dự khuyết để thay thế thành viên Hội đồng xét xử hoặc phải thay đổi Thẩm phán chủ tọa phiên tòa mà không có Thẩm phán để thay thế thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu.

5. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử vụ án dân sự là gì?

a. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự

  • Xét xử vụ án theo thủ tục sơ thẩm;
  • Sửa chữa bản án trong trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai;

XEM THÊM:

Xét xử sơ thẩm vụ án dân sự: Tổng hợp các quy định quan trọng!

b. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự

Theo quy định tại Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sau đây:

  • Giữ nguyên bản án sơ thẩm;
  • Sửa bản án sơ thẩm;
  • Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm;
  • Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án;
  • Đình chỉ xét xử phúc thẩm;
  • Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án khi có văn bản của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản trả lời Tòa án kết quả xử lý.

XEM THÊM:

Thủ tục xét xử phúc thẩm vụ án dân sự

c. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm vụ án dân sự

Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có thẩm quyền sau đây:

  • Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
  • Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa;
  • Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc phúc thẩm;
  • Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án;
  • Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

(Căn cứ Điều 343 Bộ luật tố tụng hình sự 2015)

XEM THÊM:

Thủ tục xét xử giám đốc thẩm vụ án dân sự như thế nào?

d. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử tái thẩm vụ án dân sự

Hội đồng xét xử tái thẩm có thẩm quyền sau đây:

  • Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
  • Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại
  • Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án.

(Căn cứ Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự 2015)

XEM THÊM:

Thủ tục xét xử tái thẩm vụ án dân sự – Những điều cần biết

6. Nguyên tắc xét xử của Hội đồng xét xử

Khi xét xử vụ án dân sự Hội đồng xét xử phải tuân thủ các nguyên tắc xét xử chung của Toà án được quy định tại Hiến pháp năm 2013, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014. Theo đó, một số nguyên tắc xét xử vụ án dân sự tiêu biểu đó là:

  • Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử vụ án dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
  • Khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án dân sự, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán
  • Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân không được tiến hành hoặc tham gia tố tụng nếu có lý do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
  • Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử vụ án dân sự được bảo đảm
  • Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm
  • Bảo đảm sự vô tư khách quan trong xét xử vụ án dân
  • Quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm
  • Xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn
  • Việc xét xử phải kịp thời trong thời hạn do Bộ luật tố tụng dân sự quy định, bảo đảm công bằng.
  • Việc xét xử phải được công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì có thể xét xử kín.
  • Xét xử theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội; cá nhân, cơ quan, tổ chức đều bình đẳng trước Tòa án.

7. Dịch vụ Luật sư tranh tụng và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự trong xét xử vụ án dân sự

Nếu bạn đang trong quá trình xét xử vụ án dân sự, bạn nên tìm đến dịch vụ luật sư chuyên nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và Công ty Luật Thái An chúng tôi là một sự lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.

Công ty Luật Thái An tự hào là đơn vị có thâm niên trong việc cung cấp dịch vụ luật sư bào chữa / luật sư tranh tụng uy tín, chuyên nghiệp. Chúng tôi có:

  • Đội ngũ luật sư tranh tụng giỏi, giàu kinh nghiệm, có kiến thức và sự am hiểu sâu sắc ở nhiều lĩnh vực pháp luật, cùng với kinh nghiệm tham gia hàng trăm phiên xét xử vụ án dân sự với nhiều tình tiết từ đơn giản đến phức tạp, trên phạm vi cả nước và đã đạt được rất nhiều thành công.
  • Các Luật sư của Công ty Luật Thái An đều rất nhiệt tình và tận tâm với nghề. Từ khi tiếp nhận đến khi kết thúc vụ án, các Luật sư của Công ty Luật Thái An đều quan tâm, hỗ trợ cho đương sự một cách tối đa, đương sự có thể trao đổi, nhờ Luật sư tư vấn giúp đỡ mọi lúc mọi nơi.
  • Giá dịch vụ ở mức phải chăng, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng.
  • Ngoài việc cung cấp dịch vụ tranh tụng và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự, Công ty Luật Thái An còn cung cấp nhiều dịch vụ pháp lý khác trong lĩnh vực hình sự như Luật sư bào chữa, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự….

Xem thêm:

DỊCH VỤ LUẬT SƯ BÀO CHỮA

DỊCH VỤ LUẬT SƯ TRANH TỤNG

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và trải nghiệm dịch vụ.

Đàm Thị Lộc