Phân chia tài sản sau khi ly hôn như thế nào ? Tư vấn A-Z

Thủ tục ly hôn không đơn giản nhất là khi liên quan tới phân chia tài sản vợ chồng. Có những trường hợp khi hai vợ chồng ly hôn mà một bên có tài sản là tài sản chung nhưng chưa được phân chia hoặc khi ly hôn vợ chồng không yêu cầu chia tài sản chung. Vậy có thể chia tài sản sau khi ly hôn được không và làm như thế nào ? Công ty Luật Thái An sẽ tư vấn sau đây:

1. Có thể chia tài sản sau khi ly hôn không?

Thông thường, chia tài sản ly hôn sẽ được thực hiện cùng với việc ly hôn. Nhưng có nhiều trường hợp khi ly hôn, vợ chồng không yêu cầu Toà án giải quyết vấn đề tài sản chung. Khi đó, sau khi đã ly hôn, một bên có thể yêu cầu chia tài sản chung đó.

Hoặc nếu một bên có tài sản bí mật mà không chứng minh được đó là tài sản riêng thì được coi là tài sản chung của vợ chồng và bắt buộc phải thực hiện chia tài sản sau khi ly hôn.

Chia tài sản sau khi ly hôn
Chia tài sản sau khi ly hôn có được không ? – ảnh minh hoạ: Luật Thái An

2. Nguyên tắc chia tài sản sau ly hôn

Nhìn chung, khi chia tài sản sau ly hôn không có nhiều khác biệt với việc chia tài sản chung khi ly hôn. Nguyên tắc chia tài sản sau khi ly hôn được thực hiện như sau:

  • Nếu vợ chồng đã thỏa thuận (bằng văn bản hợp pháp) thì sẽ chia tài sản khi ly hôn theo thỏa thuận đó
  • Nếu không có thỏa thuận sẽ chia tài sản khi ly hôn theo quy định của pháp luật

Theo nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn, tài sản chung sẽ được chia đôi cho hai vợ chồng khi ly hôn. Tài sản chung của vợ chồng (xem thêm: Quy định về tài sản chung) được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

  • Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
  • Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
  • Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
  • Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Ngoài ra, việc chia tài sản khi ly hôn cũng được xác định trên nguyên tắc tùy theo đặc tính của hiện vật. Cụ thể:

  • Đối với tài sản không chia bằng hiện vật sẽ chia theo giá trị; bên nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch
  • Đối với tài sản trộn lẫn giữa tài sản riêng và tài sản chung sẽ được chia theo thỏa thuận hoặc thanh toán phần giá trị tài sản

LƯU Ý: Việc chia tài sản khi ly hôn là tài sản chung phải bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của: con chưa thành niên; vợ, con mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động; không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Cách chia tài sản sau khi ly hôn

Có 2 cách chia tài sản sau khi ly hôn: đó là vợ chồng thoả thuận (khuyến khích) và khởi kiện tại toà:

a. Thỏa thuận chia tài sản chung sau khi ly hôn

Cũng giống như chia tài sản khi ly hôn, việc chia tài sản sau khi ly hôn cũng có thể được giải quyết theo phương thức thỏa thuận của hai vợ chồng. Pháp luật luôn ưu tiên, khuyến khích hai bên thỏa thuận được với nhau những vấn đề khi ly hôn và sau khi ly hôn, về những hậu quả ly hôn.

Theo đó, khi phát hiện một bên có tài sản bí mật mà đó là tài sản chung chưa được chia khi ly hôn, hoặc khi ly hôn chưa chia tài sản chung vợ chồng thì một bên hoặc các bên có thể yêu cầu chia tài sản sau khi ly hôn.

Do là tự thỏa thuận nên việc chia tài sản theo tỷ lệ bao nhiêu do hai bên quyết định. Pháp luật cũng không quy định về hình thức thỏa thuận về chia tài sản sau khi ly hôn.

b. Khởi kiện yêu cầu phân chia tài sản sau khi ly hôn

Nếu hai bên không thể tự thỏa thuận việc chia tài sản hoặc không đồng tình về tỷ lệ chia thì một bên có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản sau ly hôn. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên bạn đọc rằng đây chỉ là phương án cuối cùng khi không còn cách giải quyết bởi một khi đã khởi kiện thì không hề đơn giản.

Kiện chia tài sản sau ly hôn là vụ án dân sự và được giải quyết theo thủ tục tố tụng tại Toà án, chúng tôi sẽ tư vấn chi tiết sau đây:

Các đương sự trong vụ án chia tài sản sau ly hôn là ai?

Các đương sự trong vụ án chia tài sản sau ly hôn là hai người từng là vợ chồng:

  • nguyên đơn: là người khởi kiện để yêu cầu Tòa án chia tài sản chung vợ chồng sau khi ly hôn
  • bị đơn: là người bị nguyên đơn khởi kiện
  • người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có)

Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết yêu cầu kiện phân chia tài sản sau khi ly hôn?

Toà án nhân dân cấp quận huyện nơi bị đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp bị đơn trốn tránh hoặc không rõ nơi cư trú của bị đơn thì Toà án nhân dân cấp quận huyện nơi bị đơn cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài thì Toà án nhân dân cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi bị đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết.

Hồ sơ kiện chia tài sản sau ly hôn gồm những gì?

Hồ sơ khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung sau khi ly hôn gồm có:

  • đơn khởi kiện
  • căn cước công dân của nguyên đơn và bị đơn
  • giấy xác nhận tạm trú của bị đơn
  • quyết định của toà án (nếu ly hôn thuận tình) hoặc bản án ly hôn (nếu ly hôn đơn phương)
  • giấy chứng nhận sở hữu tài sản được coi là tài sản chung của vợ chồng chưa chia

Lưu ý: Thẩm phán sẽ trả lại đơn khởi kiện nếu hồ sơ thiếu mà người khởi kiện không sửa đối, bố sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thấm phán quy định tại khoản 2 Điều 193 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

Nộp đơn kiện phân chia tài sản sau khi ly hôn như thế nào?

Căn cứ Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự thì người khởi kiện gửi hồ sơ khởi kiện chia tài sản sau ly hôn đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có)

Khi nhận đơn, Toà án sẽ thực hiện việc sau:

  • Nếu nộp trực tiếp tại Tòa án: Tòa án ghi vào sổ nhận đơn, cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện.
  • Nếu nộp thông qua dịch vụ bưu chính: Tòa án ghi vào sổ nhận đơn, gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện trong vòng 2 ngày
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có): Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn, thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử

Toà án xử lý hồ sơ và thụ lý vụ án kiện chia tài sản sau ly hôn như thế nào?

Toà án sẽ thực hiện một loạt tác vụ để xử lý đơn khởi kiện phân chia tài sản sau ly hôn như sau:

  • Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
  • Thẩm phán sẽ xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
    • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện và yêu cầu trả lời trong vòng 01 tháng. Trường hợp đặc biệt, Thẩm phán có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày. Nếu trong thời hạn này nguyên đơn không sửa đổi, bổ sung thì Toà án sẽ trả lại đơn khởi kiện.
    • Thụ lý vụ án
    • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
    • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu không đủ điều kiện
  • Nếu đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán thông báo cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí (trừ trường hợp họ thuộc diện được miễn án phí). Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
  • Thẩm phán lập hồ sơ vụ án
  • Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.
  • Thẩm phán tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ, cụ thể là:
    • Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;
    • Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng;
    • Định giá tài sản;
    • Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ;
    • Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú;

Bị đơn sẽ làm gì trong giai đoạn thụ lý vụ án kiện chia tài sản sau ly hôn?

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, bị đơn phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cần gia hạn thì bị đơn  phải có đơn đề nghị gia hạn gửi cho Tòa án nêu rõ lý do; nếu việc đề nghị gia hạn là có căn cứ thì Tòa án phải gia hạn nhưng không quá 15 ngày.

Bị đơn có quyền yêu cầu Tòa án cho xem, ghi chép, sao chụp đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Hoà giải và chuẩn bị xét xử kiện chia tài sản sau ly hôn

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không tiến hành hòa giải được. Không tiến hành hoà giải được là khi:

  • Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
  • Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.
  • Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án là người mất năng lực hành vi dân sự.
  • Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.

Thẩm phán mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự. Nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

kiện chia tài sản sau ly hôn
Các giai đoạn vụ án kiện chia tài sản sau ly hôn – ảnh minh hoạ: Luật Thái An

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

  • Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự: như đã nêu ở phần trên
  • Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
  • Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
  • Đưa vụ án ra xét xử.

Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Xét xử sở thẩm vụ án kiện chia tài sản sau ly hôn

Thành phần tham gia phiên toà sơ thẩm vụ án kiện chia tài sản sau ly hôn gồm:

  • Hội đồng xét xử gồm Thẩm phán (là người của Toà án đứng ra xét xử vụ án), Hội thẩm nhân dân (không phải là người của Toà án nhưng tham gia xét xử để đảm bảo tính khách quan. Hội thẩm nhân dân có thể đến từ nhiều cơ quan khác nhau.)
  • Đại diện Viện kiểm sát: Viện kiểm sát cử đại diện tới tham gia phiên toà để giám sát việc thực hiện quyền tư pháp của Toà án.
  • Các đương sự gồm: Phía nguyên đơn (nguyên đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích của nguyên đơn – thường là luật sư), phía bị đơn (bị đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích của nguyên đơn – thường là luật sư), người có quyền và nghĩa vụ liên quan

Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự quy định như sau về sự có mặt của đương sự tại phiên toà sơ thẩm vụ án kiện chia tài sản sau ly hôn:

  • Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
  • Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
    • Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;
    • Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
    • Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó.

Phần tranh tụng tại phiên toà sơ thẩm vụ án kiện chia tài sản sau ly hôn sẽ gồm 2 phần sau:

  • Phần hỏi: Đây là phần đặt câu hỏi để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Bên nguyên đơn, bên bị đơn, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên đặt các câu hỏi đối với các đương sự và những người tham gia phiên toà.
  • Phần tranh luận: Đây là phần đưa ra ý kiến của mình và tranh luận với bên đối tụng. Các đương sự được quyền phát biểu quan điểm.

Sau khi kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử vào phòng nghị án để nghị án. Khi nghị án có biên bản ghi lại các ý kiến đã thảo luận và quyết định của Hội đồng xét xử. Sau đó Hội đồng xét xử sẽ quay trở lại phòng xét xử để tuyên bản án chia tài sản chung sau khi ly hôn.

Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, việc nghị án có thể kéo dài nhưng không quá 05 ngày làm việc, kể từ khi kết thúc tranh luận tại phiên tòa.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày tuyên án, các đương sự được Tòa án cấp trích lục bản án.

Bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật ngay. Nếu sau 15 ngày mà đương sự không kháng cáo hoặc Viện kiểm sát không kháng nghị thì bản án sẽ có hiệu lực pháp luật.

Kháng cáo, kháng nghị bản án chia tài sản sau ly hôn?

Đương sự có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục xét xử phúc thẩm.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm. Kèm theo đơn kháng cáo, người kháng cáo phải gửi tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Nếu không đồng ý với bản án, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị trong vòng 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Khi bản án bị kháng cáo và/hoặc kháng nghị thì chưa có hiệu lực pháp luật và vụ án sẽ tiếp tục được xét xử ở cấp phúc thẩm.

Xét xử phúc thẩm vụ án chia tài sản sau ly hôn

Xét xử phúc thẩm kiện chia tài sản sau ly hôn là việc xét xử lại bản án bởi Toà án cấp cao hơn. Thủ tục xét xử phúc thẩm vụ án kiện chia tài sản sau ly hôn tương tự như thủ tục xét xử sơ thẩm. Khác với bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ khi Toà tuyên án.

Về án phí kiện chia tài sản sau ly hôn

Mức án phí ly hôn chia tài sản cũng như sau khi ly hôn là án phí có giá ngạch, được tính trên tỷ lệ % giá trị tài sản mà vợ, chồng được hưởng.

  • Nếu giá trị tài sản tranh chấp là từ 6.000.000 đồng trở xuống: án phí là 300.000 đồng
  • Nếu giá trị tài sản tranh chấp là từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: án phí là 20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
  • Nếu giá trị tài sản tranh chấp là từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: án phí là 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng
  • Nếu giá trị tài sản tranh chấp là từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: án phí là 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng
  • Nếu giá trị tài sản tranh chấp là từ trên 4.000.000.000 đồng: án phí là 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

Nguyên đơn (người yêu cầu chia tài sản sau ly hôn) phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm.

Mỗi đương sự phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng.

án phí theo giá ngạch
Án phí chia tài sản sau ly hôn – ảnh: Luật Thái An

Tài sản phân chia sau ly hôn có được miễn lệ phí trước bạ ?

Căn cứ điểm c Khoản 16 Điều 5 Thông tư số 301/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về miễn lệ phí trước bạ quy định:

“…Tài sản của tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng khi đăng ký lại quyền sở hữu, sử dụng được miễn nộp lệ phí trước bạ trong những trường hợp sau đây:

…c) Tài sản đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng của hộ gia đình do một người trong hộ gia đình đứng tên (bao gồm cả đồng sở hữu tài sản), khi phân chia tài sản đó cho các thành viên hộ gia đình đăng ký lại;

Thành viên hộ gia đình phải là người có quan hệ gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và cùng hộ khẩu thường trú với người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng… ”

Theo đó, tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn được phân chia theo thỏa thuận hoặc do tòa án phán quyết thì việc phân chia tài sản này không được miễn lệ phí trước bạ.

kiện chia tài sản sau ly hôn
Luật sư tham gia vụ án kiện chia tài sản sau ly hôn – ảnh minh hoạ: Luật Thái An

4. Dịch vụ khởi kiện vụ án chia tài sản sau ly hôn của Luật Thái An

Công ty Luật Thái An có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề liên quan tới khởi kiện vụ án dân sự về trong lĩnh vực hôn nhân gia đình. Chúng tôi cung cấp dịch vụ khởi kiện chia di sản thừa kế với nhiều ưu việt là trọn gói, hiệu quả và chi phí rất hợp lý.

a. Luật sư sẽ hỗ trợ khách hàng trong vụ án chia tài sản sau ly hôn như thế nào?

Nhằm giúp khách hàng bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của mình, Công ty Luật Thái An sẽ sát cánh cùng khách hàng trong từng giai đoạn của vụ án:

Tư vấn cho khách hàng trong vụ án chia tài sản sau ly hôn

Luật sư nghiên cứu hồ sơ, tư vấn cho khách hàng tất cả các vấn đề pháp lý liên quan tới vụ việc, đó là:

  • Soạn đơn khởi kiện chia tài sản sau ly hôn
  • Thu thập chứng cứ chia tài sản sau ly hôn
  • Thực hiện các thủ tục cần thiết sau khi Tòa án ra thông báo thụ lý vụ án:
    • Hòa giải tại Tòa án
    • Viết Bản tự khai
    • Cung cấp chứng cứ
    • Tham gia phiên Tòa khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử
  • Tham gia phiên toà sơ thẩm để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng
  • Tư vấn cho khách hàng kháng cáo bản án sơ thẩm nếu có căn cứ
  • Chuẩn bị và tham gia phiên toà phúc thẩm (nếu khách hàng yêu cầu)

b. Báo giá dịch vụ chia tài sản sau ly hôn

Bạn có thể tham khảo giá dịch vụ tại bài viết sau:

 

Bạn có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ khởi kiện chia tài sản sau ly hôn trọn gói hoặc chỉ một vài hạng mục công việc. Các luật sư giàu kinh nghiệm của Công ty Luật Thái An sẽ thực hiện công việc theo quy trình chuẩn mực nhằm tiết kiệm chi phí và giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục cho khách hàng.

Nguyễn Văn Thanh