Cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn: Tư vấn chi tiết nhất!
Trong thời đại hiện nay, nhiều gia đình phải đối mặt với tình trạng ly hôn hoặc sống riêng biệt. Khi đó, vấn đề “cấp dưỡng nuôi con” trở thành một khái niệm quan trọng, đảm bảo rằng con cái vẫn nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ về mặt tài chính từ cả hai bên cha mẹ. Cùng tìm hiểu về luật ly hôn và cấp dưỡng nuôi con trong bài viết dưới đây của Công ty Luật Thái An.
1. Khái niệm về cấp dưỡng nuôi con:
Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2014 không chỉ quy định về quyền nuôi con khi ly hôn (bao gồm quyền nuôi con dưới 3 tuổi khi ly hôn, quyền nuôi con trên 3 tuổi khi ly hôn, quyền nuôi con trên 7 tuổi khi ly hôn) mà còn quy định về cấp dưỡng nuôi con.
Cấp dưỡng theo quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2014 là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp:
- người đó là người chưa thành niên,
- người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu.
Theo đó, cấp dưỡng nuôi con có thể được hiểu là việc cung cấp tài chính hoặc hỗ trợ tài chính từ một phía (thường là bên không chăm sóc con) cho bên kia để đảm bảo nhu cầu vật chất và tinh thần cho con cái (con chưa đủ 18 tuổi hoặc con đã đủ 18 tuổi nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình).
Điều này thường được áp dụng trong trường hợp ly hôn hoặc khi hai bên sống riêng biệt mà vẫn có trách nhiệm chăm sóc và nuôi dưỡng con cái.
2. Nguyên tắc cấp dưỡng nuôi con:
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, nguyên tắc cấp dưỡng nuôi con như sau:
- Trách nhiệm của cả hai cha mẹ: Cả hai cha mẹ đều có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ quyền lợi của con, bất kể họ có sống chung hay không.
- Dựa trên nhu cầu và khả năng tài chính: Mức cấp dưỡng phải dựa trên nhu cầu thực tế của con và khả năng tài chính của cha mẹ. Tòa án sẽ xem xét tài chính của mỗi bên khi quyết định mức cấp dưỡng.
- Quyền lợi tốt nhất của con: Mọi quyết định về cấp dưỡng và quyền nuôi con phải dựa trên lợi ích tốt nhất của con.
- Thỏa thuận của cha mẹ: Nếu cha mẹ thỏa thuận về mức cấp dưỡng và quyền nuôi con, thỏa thuận đó sẽ được tòa án xem xét và chấp thuận, miễn là nó không trái với quyền lợi tốt nhất của con.
- Thực thi: Quyết định của tòa án về cấp dưỡng và quyền nuôi con có thể được thực thi bởi các cơ quan thực thi pháp luật.
- Điều chỉnh: Quyết định về cấp dưỡng có thể được điều chỉnh nếu có sự thay đổi về tình hình tài chính của cha mẹ hoặc nhu cầu của con.
Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định rõ về việc chia sẻ quyền và trách nhiệm sau ly hôn, và về trách nhiệm của người thân trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ quyền lợi của trẻ em.
Như vậy, mọi quyết định về cấp dưỡng đều dựa trên quyền lợi tốt nhất của con. Điều này đòi hỏi sự xem xét công bằng, dựa trên nhu cầu của con và khả năng tài chính của cha mẹ.
3. Đối tượng được cấp dưỡng
Những đối tượng sau có quyền được nhận tiền cấp dưỡng nuôi con từ cha, mẹ:
- Con chưa thành niên: con chưa đủ 18 tuổi. Pháp luật quy định trường hợp cha, mẹ ly hôn khi con chưa đủ 18 tuổi, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ phải chi trả tiền cấp dưỡng để đảm bảo quyền lợi cho con về tài sản cho đến khi con trưởng thành.
- Con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình: con chưa đủ 18 tuổi nhưng bị tâm thần, bị khiếm khuyết về thể chất không có khả năng lao động và đặc biệt phải kèm theo điều kiện là không có tài sản để tự nuôi mình.
4. Ai có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn?
Nghĩa vụ cấp dưỡng được phát sinh trên cơ sở quan hệ hôn nhân; huyết thống hoặc nuôi dưỡng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1.Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2.Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3.Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Đồng thời, quy định tiểu mục a Mục 11 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP:
“Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn (Điều 92).
Khi áp dụng quy định tại Điều 92 cần chú ý một số điểm sau đây:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 92 thì người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đây là nghĩa vụ của cha, mẹ; do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng vì lý do nào đó thì Toà án cần giải thích cho họ hiểu rằng việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con để họ biết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con.
Nếu xét thấy việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện, họ có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con thì Toà án không buộc bên kia phải cấp dưỡng nuôi con.”
Theo đó, cha mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không.
Trừ trường hợp người trực tiếp nuôi con tự nguyện không yêu cầu bên còn lại cấp dưỡng nuôi con và họ có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con.
Như vậy, sau khi ly hôn; nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại khoản 2 Điều 82, Điều 110 và Điều 115 Luật Hôn nhân gia đình 2014; cụ thể:
- Cha/ mẹ không trực tiếp nuôi con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con;
- Nghĩa vụ của chồng đối vợ và ngược lại nếu bên kia khó khăn; túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng và có lý do chính đáng.
5. Người có quyền yêu cầu cấp dưỡng sau khi ly hôn
Căn cứ Điều 119 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì những người sau có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
“1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.”
Như vậy, những người có quyền yêu cầu cấp dưỡng bao gồm:
- Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó;
- Người thân thích;
- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
- Hội liên hiệp phụ nữ.
6. Mức cấp dưỡng nuôi con tối thiểu sau ly hôn là bao nhiêu?
6.1 Tiền cấp dưỡng nuôi con được tính như thế nào ?
Theo quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 mức cấp dưỡng được quy định như sau:
“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Như vậy, tiền cấp dưỡng nuôi con được tính dựa trên thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và dựa trên nhu cầu thiết yếu của con. Cần lưu ý rằng nhu cầu của con là nhu cầu thiết yếu bởi lẽ nhu cầu của con người thì rất nhiều, nhưng chỉ những nhu cầu thiết yếu mới là căn cứ để xác định mức cấp dưỡng nuôi con.
6.2.Quy định về mức cấp dưỡng nuôi con tối thiểu
Đồng thời, đề xuất tại Điều 6 Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình do Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành về mức cấp dưỡng như sau:
“Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định mức cấp dưỡng ít nhất bằng 2/3 mức lương cơ sở và không được thấp hơn 30% mức thu nhập bình quân của người có nghĩa vụ cấp dưỡng trong 06 tháng liền kề.”
Theo đó, tiền cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn do hai bên tự thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được sẽ do Tòa án quyết định.
Theo đề xuất nêu trên, mức tiền cấp dưỡng nuôi con do Tòa án quyết định trong trường hợp các bên không thỏa thuận được sẽ bằng 2/3 mức lương cơ sở (từ 1/7/2023 mức lương cơ sở là 1.800.000 đ/tháng) và không được thấp hơn 30% mức thu nhập bình quân của người có nghĩa vụ cấp dưỡng trong 06 tháng liền kề.
6.3. Ví dụ về mức cấp dưỡng nuôi con:
Giả sử một cặp vợ chồng có một đứa con 10 tuổi và họ quyết định ly hôn. Trong trường hợp này, tòa án sẽ xem xét tài chính của cả hai bên để xác định mức cấp dưỡng.
- Nếu người cha có thu nhập hàng tháng là 20 triệu đồng và người mẹ có thu nhập hàng tháng là 10 triệu đồng, tòa án có thể quyết định rằng người cha phải đóng góp 70% chi phí nuôi dưỡng con (ví dụ, 7 triệu đồng mỗi tháng) và người mẹ đóng góp 30% (ví dụ, 3 triệu đồng mỗi tháng).
Tuy nhiên, đây chỉ là một ví dụ. Trong thực tế, tòa án sẽ xem xét nhiều yếu tố khác nhau khi quyết định mức cấp dưỡng, bao gồm:
- Chi phí giáo dục của con
- Chi phí y tế của con
- Nhu cầu hàng ngày của con (ví dụ, ăn, ở, quần áo)
- Chi phí hoạt động ngoại khóa của con
- Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tài chính của con
Mục tiêu của tòa án là đảm bảo rằng con cái được nuôi dưỡng và giáo dục một cách hợp lý, đồng thời cân nhắc khả năng tài chính của mỗi bên.
7. Cấp dưỡng nuôi con theo phương thức nào?
Theo quy định tại Điều 117 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.
Như vậy, việc cấp dưỡng nuôi con có thể thực hiện theo một trong các thời gian sau: hàng tháng, hàng quý, hàng nửa năm, hàng năm hoặc một lần, tuỳ thuộc vào nhu cầu của con, khả năng của người cấp dưỡng nuôi con và sự thoả thuận giữa hai vợ chồng.
Trường hợp các bên không thể thống nhất được thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con có thể chọn một trong các phương thức trên.
8. Có thể thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con không?
Quá trình nuôi con từ khi ly hôn tới khi nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chấm dứt (thường thì tới khi con đủ 18 tuổi) có thể là rất dài, ít nhất là 18 năm. Trong thời gian đó có rất nhiều thay đổi: con càng lớn thì nhu cầu thiết yếu (ăn uống, học hành, khám chữa bệnh…) của con sẽ càng tăng, điều kiện của người có nghĩa vụ cấp dưỡng thay đổi (tốt hơn hoặc tồi hơn). Do đó mà việc thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con hoàn toàn có thể thay đổi.
Điều này đã được dự liệu bởi các nhà làm luật khi Điều 117 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo đó, nếu người cấp dưỡng gặp khó khăn kinh tế thì có thể giảm mức cấp dưỡng, nếu người đó khó khăn đến mức không còn khả năng cấp dưỡng thì có thể tạm ngừng cấp dưỡng nuôi con. Tuy nhiên, cần phải có bằng chứng xác thực về tình trạng kinh tế khó khăn của người cấp dưỡng.
9. Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chấm dứt khi nào?
Thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 không quy định cụ thể thế nào về căn cứ xác định thời điểm bắt đầu cấp dưỡng nuôi con. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định thời điểm cấp dưỡng là:
- Ngày mà người không trực tiếp nuôi con, không sống chung với con.
- Thời điểm quan hệ hôn nhân của cha mẹ chấm dứt.
Thời điểm chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con:
Căn cứ Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con như sau:
“Điều 118. Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng
Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;
- Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
- Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
- Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
- …
- Trường hợp khác theo quy định của luật”
Nhiều khách hàng thắc mắc “Cấp dưỡng nuôi con đến bao nhiêu tuổi ?” Trả lời: trừ trường hợp con không có khả năng lao động để tự nuôi mình, con được người khác nhận làm con nuôi thì người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đến khi con tròn 18 tuổi.
10. Không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng con sau ly hôn sẽ bị xử lý thế nào?
Người có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
* Việc xử phạt vi phạm hành chính căn cứ theo Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;
- Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định.
* Về xử lý hình sự căn cứ theo Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
11. Trình tự, thủ tục đòi tiền cấp dưỡng nuôi con
11.1.Thỏa thuận giữa hai bên về cấp dưỡng nuôi con:
Trước tiên, cha mẹ nên thỏa thuận với nhau về mức cấp dưỡng nuôi con, thời hạn cấp dưỡng và các vấn đề có liên quán. Nếu hai bên thỏa thuận được với nhau, họ có thể lập một thỏa thuận bằng văn bản và ký kết.
11.2. Trường hợp không cấp dưỡng theo thỏa thuận khi ly hôn giữa vợ chồng
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 119 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Như vậy, nếu bên không trực tiếp nuôi dưỡng con trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đã được các bên thỏa thuận trước đó, thì bên còn lại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người có nghĩa vụ cấp dưỡng cư trú buộc người đó thực hiện nghĩa vụ này.
Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Đơn khởi kiện về việc cấp dưỡng;
- Bản sao có chứng thực CMND/CCCD của người khởi kiện;
- Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu của người khởi kiện;
- Bản án/Quyết định ly hôn;
- Bản sao có chứng thực giấy khai sinh của con;
- Chứng cứ chứng minh thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.
11.3.Trường hợp không cấp dưỡng theo Bản án/quyết định của Tòa án
Để yêu cầu thi hành án, người trực tiếp nuôi con/người giám hộ cho con phải nộp hồ sơ yêu cầu cấp dưỡng tại Chi cục thi hành án huyện hoặc Cục thi hành án tỉnh có trụ sở cùng địa bàn với Tòa án ra bản án, quyết định về cấp dưỡng nuôi con.
Hồ sơ yêu cầu thi hành án bao gồm:
- Bản án hoặc quyết định của Tòa án có ghi nhận về cấp dưỡng
- Đơn yêu cầu thi hành án dân sự. Hoặc có thể trình bày bằng lời nói trực tiếp để cơ quan thi hành án lập biên bản
- Tài liệu chứng minh người có nghĩa vụ cấp dưỡng đang có tài sản để thi hành như: bảng lương; tài sản hiện hữu như nhà cửa hoặc xe hoặc tiền trong ngân hàng
Thời gian thực hiện cưỡng chế thi hành án phụ thuộc vào phương thức cấp dưỡng (định kỳ hay một lần) và thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.
>>> Xem thêm: Đòi tiền cấp dưỡng nuôi con
12. Cần lưu ý gì khi yêu cầu cấp dưỡng nuôi con?
Khi yêu cầu cấp dưỡng nuôi con, có một số điều quan trọng cần lưu ý:
- Xác định rõ nhu cầu của con: Đây là yếu tố quan trọng nhất khi xác định mức cấp dưỡng. Bạn cần xác định rõ chi phí hàng ngày, chi phí giáo dục, chi phí y tế và các chi phí khác liên quan đến con.
- Khả năng tài chính của cả hai bên: Tòa án sẽ xem xét khả năng tài chính của cả hai cha mẹ khi xác định mức cấp dưỡng. Bạn cần có bằng chứng về thu nhập và chi phí hàng ngày của mình.
- Lập thỏa thuận bằng văn bản nếu có thể: Nếu cả hai bên đồng ý về mức cấp dưỡng, hãy lập thỏa thuận bằng văn bản và ký kết. Điều này giúp tránh tranh chấp sau này.
- Tuân thủ quy trình pháp lý khi giải quyết mâu thuẫn ly hôn: Đảm bảo rằng bạn tuân thủ tất cả các quy trình pháp lý khi yêu cầu cấp dưỡng. Điều này bao gồm nộp đơn xin xét xử tại tòa án có thẩm quyền và cung cấp tất cả các tài liệu cần thiết.
- Thời hiệu yêu cầu thi hành án: Thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Nếu bản án, quyết định Tòa án ấn định thời hạn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cụ thể thì thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm tính từ ngày nghĩa vụ cấp dưỡng đến hạn.
Nếu bản án, quyết định ghi nhận việc cấp dưỡng thực hiện định kỳ (theo tháng, quý, năm,…) thì thời hiệu 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày đến hạn thực hiện cấp dưỡng. Quá thời hạn nêu trên thì không còn quyền yêu cầu thi hành án cấp dưỡng.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ của một luật sư giỏi: Việc yêu cầu cấp dưỡng có thể là một quá trình phức tạp và đầy rẫy khó khăn. Để đảm bảo rằng quyền lợi của bạn được bảo vệ, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ của một luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
- Đề nghị thay đổi nếu cần: Nếu tình hình tài chính của bạn hoặc nhu cầu của con thay đổi, bạn có thể yêu cầu tòa án xem xét lại mức cấp dưỡng. Đảm bảo rằng bạn có bằng chứng đầy đủ về sự thay đổi này khi đưa ra yêu cầu.
13. Kết luận:
Mỗi đứa trẻ đều xứng đáng nhận được sự chăm sóc, tình yêu và hỗ trợ từ cả hai bên cha mẹ, bất kể hoàn cảnh gia đình. Đảm bảo rằng con cái nhận được sự hỗ trợ tài chính phù hợp và đều đặn là một bước quan trọng trong việc giữ gìn sự ổn định và phát triển toàn diện cho trẻ.
Trong bất kỳ tình huống nào, việc tìm hiểu và tuân thủ theo quy định của pháp luật về cấp dưỡng nuôi con là rất quan trọng. Hơn nữa, việc duy trì một mối quan hệ tốt với bên kia, dù có khó khăn, sẽ giúp đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho con.
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024