Quy trình xét xử vụ án hình sự
Xét xử vụ án hình sự là hoạt động của Toà án nhân dân nhân danh quyền lực của Nhà nước để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần có hiệu quả vào công cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm
1. Cơ sở pháp lý quy định về xét xử vụ án hình sự
Cơ sở pháp lý quy định về xét xử vụ án hình sự là các văn bản pháp luật sau:
- Hiến pháp năm 2013;
- Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014;
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
2. Các nguyên tắc xét xử vụ án hình sự
Việc xét xử vụ án hình sự phải đảm bảo các nguyên tắc xét xử chung của Toà án được quy định tại Hiến pháp năm 2013, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014. Theo đó, một số nguyên tắc xét xử vụ án hình sự tiêu biểu đó là:
- Nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự: Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Không được xét xử vụ án hình sự ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định.
- Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân: Khi xét xử vụ án hình sự Toà án phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết
- Nuyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật. Mọi pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.
- Nguyên tắc suy đoán vô tội: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
- Nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm: Không được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người mà hành vi của họ đã có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp họ thực hiện hành vi nguy hiểm khác cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm.
- Nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có hội thẩm tham gia: Việc xét xử vụ án hình sự sơ thẩm của Tòa án có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn do luật quy định. Như vậy, việc tham gia xét xử vụ án hình sự của Hội thẩm nhân dân là bắt buộc trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự sơ thẩm.
- Nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật: Thẩm phán, Hội thẩm xét xử vụ án hình sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm. Cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử vụ án hình sự của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
- Nguyên tắc Tòa án xét xử tập thể: Tại Điều 24 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử vụ án hình sự theo thủ tục rút gọn.
- Nguyên tắc xét xử kịp thời, công bằng, công khai: Tòa án xét xử vụ án hình sự kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng. Tòa án xét xử vụ án hình sự công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
- Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử vụ án hình sự được bảo đảm
3. Các cấp xét xử vụ án hình sự
Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là cấp đầu tiên. Nếu đương sự kháng cáo và/hoặc cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền kháng nghị bản án sơ thẩm trong thời hạn luật định thì sẽ có phiên toà xét xử phúc thẩm. Ngoài ra có thể có xét xử tái thẩm (khi có tình tiết mới về vụ án) hoặc giám đốc thẩm (khi phát hiện quá trình xét xử trước đó vi phạm pháp luật). Sau đây là các quy định cụ thể của pháp luật về từng cấp xét xử:
3.1 Xét xử vụ án hình sự sơ thẩm
Đây là hoạt động xét xử vụ án hình sự ở cấp đầu tiên nhằm xem xét đánh giá toàn diện các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án hình sự trên cơ sở đó ra bản án, quyết định có hành vi phạm tội hay không, người thực hiện hành vi phạm tội, hình phạt được áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội và giải quyết các vấn đề khác có liên quan trong vụ án hình sự theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Phiên toà xét xử vụ án hình sự sơ thẩm phải được diễn ra đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong thông báo mở lại phiên tòa trong một số trường hợp hoãn phiên tòa.
Trình tự thủ tục xét xử vụ án hình sự sơ thẩm bao gồm các phần sau:
- Chuẩn bị khai mạc phiên tòa
- Khai mạc phiên tòa
- Giải quyết việc đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật
- Cam đoan của người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản
- Cam đoan của người làm chứng, cách ly người làm chứng
- Giải quyết yêu cầu về xem xét chứng cứ và hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt
- Phần tranh tụng tại phiên toà. Phần này bao gồm:
- Công bố bản cáo trạng
- Phần hỏi Hỏi tại phiên tòa
- Phần tranh luận tại phiên toà
- Trở lại việc xét hỏi: Nếu qua tranh luận mà thấy còn có tình tiết vụ án chưa được hỏi, chưa được làm sáng tỏ thì Hội đồng xét xử phải quyết định trở lại việc xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận.
- Bị cáo nói lời sau cùng
- Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa
- Nghị án
- Tuyên án.
Chi tiết có tại:
3.2 Xét xử vụ án hình sự phúc thẩm
Theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì xét xử vụ án hình sự phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.
Thủ tục phiên tòa xét xử vụ án hình sự phúc thẩm theo Điều 354 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
- Thủ tục bắt đầu phiên tòa và thủ tụng tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được tiến hành như phiên tòa sơ thẩm nhưng trước khi xét hỏi, một thành viên của Hội đồng xét xử trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị.
- Chủ tọa phiên tòa hỏi người kháng cáo có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.
- Chủ tọa phiên tòa hỏi Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị.
- Khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên, người khác liên quan đến kháng cáo, kháng nghị phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị; Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.
Kết quả của xét xử vụ án hình sự phúc thẩm: Hội đồng xét xử phúc thẩm ban hành Bản án phúc thẩm thuộc một trong các trường hợp sau:
- Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm;
- Sửa bản án sơ thẩm;
- Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại;
- Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án;
- Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.
Lưu ý: Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
3.3 Xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự
Tại Điều 370 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm:
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 371 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bao gồm:
- Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;
- Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Thủ tục phiên tòa giám đốc thẩm:
Theo quy định tại Điều 386 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì thủ tục phiên toà giám đốc thẩm được quy định như sau:
- Sau khi khai mạc phiên tòa, một thành viên Hội đồng giám đốc thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án. Các thành viên khác hỏi thêm Thẩm phán thuyết trình về những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì Kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị.
- Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu.
- Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.
- Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án.
- Các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm phát biểu ý kiến của mình và thảo luận. Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án
- Hội đồng giám đốc thẩm công bố quyết định về việc giải quyết vụ án.
Kết quả của giám đốc thẩm:
Hội đồng xét xử giám đốc thẩm sẽ ra một trong các quyết định sau đây:
- Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
- Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật.
- Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
- Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.
- Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
- Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.
3.4 Xét xử tái thẩm vụ án hình sự
Theo quy định tại Điều 397 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.
Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
Điều 398 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ:
- Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật;
- Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án;
- Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;
- Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.
Kết quả của phiên tòa xét xử tái thẩm:
Hội đồng xét xử tái thẩm sẽ ra một trong các quyết định sau:
- Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
- Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
- Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.
- Đình chỉ việc xét xử tái thẩm.
4. Dịch vụ Luật sư bào chữa và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp trong xét xử vụ án hình sự
Qua bài viết trên chúng ta thấy rằng việc xét xử vụ án hình sự có thể sẽ phải trải qua nhiều cấp xét xử khiến những người có quyền lợi ích liên quan mất rất nhiều thời gian, công sức, mặc dù vậy có thể quyền và lợi ích hợp pháp của họ vẫn không được bảo vệ một cách tốt nhất.
Thấu hiểu được điều này, Luật Thái An đã và đang cung cấp dịch vụ Luật sư bào chữa và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp trong xét xử vụ án hình sự. Dịch vụ của chúng tôi được thực hiện bởi đội ngũ luật sư tranh tụng giỏi, giàu kinh nghiệm, có kiến thức và sự am hiểu sâu sắc lĩnh vực hình sự và tố tụng hình sự, có kinh nghiệm tham gia hàng trăm phiên xét xử vụ án hình sự từ đơn giản đến phức tạp, từ nhỏ đến lớn trên phạm vi cả nước và đã đạt được rất nhiều thành công.
Đến với dịch vụ Luật sư bào chữa và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp trong xét xử vụ án hình sự của Công ty Luật Thái An, quý khách hàng không cần phải lo lắng về giá dịch vụ bởi bảng giá dịch vụ và quy trình cung cấp dịch vụ tại Công ty luật Thái An luôn hợp lý nhất thị trường.
Nếu quý khách hàng đang trong quá trình xét xử vụ án hình sự, hãy sử dụng dịch vụ Luật sư bào chữa và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp càng sớm càng tốt và Công ty Luật Thái An chúng tôi chính là một địa chỉ tin cậy, uy tín để quý khách hàng lựa chọn.
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ chất lượng nhất.
>>> Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa/luật sư tranh tụng
- Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan - 31/10/2022
- Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai - 19/03/2022
- Cẩn trọng khi ký hợp đồng vay? - 31/10/2021