Trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự hiện hành
Trong những năn gần đây, tình hình tội phạm nói chung tương đối nghiêm trọng và phức tạp, trên nhiều lĩnh vực và gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội. Chính vì vậy pháp luật hình sự đã quy định về trách nhiệm hình sự để buộc người phạm tội chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.
1. Trách nhiệm hình sự là gì?
Trách nhiệm hình sự là một trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất được pháp luật hình sự quy định để xử lý các hành vi phạm tội nhằm bảo đảm đạt được mục đích của pháp luật hình sự là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật XHCN, chống mọi hành vi phạm tội; đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm
2. Một số đặc trưng của trách nhiệm hình sự
Trách nhiệm hình sự là một loại trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất so với các loại trách nhiệm pháp lý khác, điều này có nghĩa người bị áp dụng có thể phải gánh chịu những hậu quả bất lợi liên quan đến tính mạng, tài sản, danh dự, uy tín, tự do cá nhân…
Trách nhiệm hình sự là sự thể hiện quan điểm lên án, phản ứng mạnh mẽ nhất, gay gắt nhất của Nhà nước đối với chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật bằng việc quy định các biện pháp cưỡng chế về hình sự nghiêm khắc nhất so với các biện pháp cưỡng chế khác.
Trách nhiệm hình sự phải là hậu quả pháp lý của việc thực hiện hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội do pháp luật hình sự quy định là tội phạm.
Trách nhiệm hình sự mang tính chất cá thể hóa với từng chủ thể thực hiện tội phạm theo loại và mức trách nhiệm hình sự cụ thể tương ứng với từng trường hợp, trên cơ sở căn cứ chung là do việc chủ thể này đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội do pháp luật hình sự quy định là tội phạm.
Trách nhiệm hình sự gắn với Nhà nước, chỉ có Nhà nước đại diện cho xã hội để xử lý, trừng phạt những hành vi nguy hiểm cho xã hội, thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc truy cứu và áp dụng trách nhiệm hình sự.
Việc áp dụng Trách nhiệm hình sự đòi hỏi phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và trình tự áp dụng để TNHS được áp dụng đúng người, đúng tội.
3. Cơ sở của trách nhiệm hình sự
Theo Điều 2 Bộ luật hình sự 2015 quy định cơ sở của trách nhiệm hình sự như sau:
- Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
- Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật nàymới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đối chiếu với quy định tại Điều 76 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật hình sự.
XEM THÊM:
4. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự là bao nhiêu?
Căn cứ quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015, Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thì tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
- Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật hình sự có quy định khác.
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật hình sự
Lưu ý: Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
5. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 thì có 07 trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự, bao gồm:
- Sự kiện bất ngờ: Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
- Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
- Phòng vệ chính đáng: Đây là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
- Tình thế cấp thiết: Là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
- Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội: Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
- Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ: Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.
- Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên: Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.
Quy định này không áp dụng đối với trường hợp bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên nếu phạm các tội: Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Chống loài người; Tội phạm chiến tranh.
6. Miễn trách nhiệm hình sự
a. Thế nào là miễn trách nhiệm hình sự ?
Miễn trách nhiệm hình sự là không buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mà họ đã phạm phải.
Miễn trách nhiệm hình sự không có nghĩa là không có trách nhiệm hình sự. Người phạm tội có trách nhiệm hình sự nhưng thuộc các trường hợp được miễn hoặc có thể được miễn. Nếu không đủ căn cứ để buộc tội thì phải tuyên bố họ không phạm tội chứ không phải là tuyên bố được miễn trách nhiệm hình sự.
b. Các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự
Pháp luật quy định hai trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, đó là:
Trường hợp đương nhiên miễn trách nhiệm hình sự
Đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự là trường hợp, khi một người có hành vi phạm tội mà có các căn cứ thỏa mãn quy định này thì sẽ được xem xét miễn trách nhiệm hình sự mà không cần có bất kỳ một điều kiện nào khác kèm theo. Theo quy định tại Điều 16, khoản 1 Điều 29 Bộ Luật Hình sự 2015, phải miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội khi thuộc các căn cứ sau:
- Người phạm tội tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội: Là trường hợp người phạm tội tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng tuy không có gì ngăn cản. Tuy nhiên, nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
- Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
- Khi có quyết định đại xá.
Trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự
Các trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự 2015, Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 bao gồm:
- Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
- Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
- Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
- Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
7. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là gì? Căn cứ quy định tại Điều 27 Bộ luật hình sự năm 2015 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
- 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
- 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
- 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
- 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện.
Để tìm hiểu về cách phân loại tội phạm, bạn hãy đọc bài viết PHÂN LOẠI TỘI PHẠM
Lưu ý:
- Nếu trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
- Nếu trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
8. Trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự khác nhau như thế nào ?
Tiêu chí so sánh | Trách nhiệm hình sự | Trách nhiệm dân sự |
Căn cứ pháp lý | Bộ luật hình sự 2015, Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
|
Bộ luật dân sự 2015 |
Khái niệm | Là hậu quả pháp lý mà người vi phạm phải chịu cho hành vi vi phạm do mình gây ra ảnh hưởng đến xã hội hay một đối tượng cụ thể,
Hành vi vi phạm đó phải đủ cơ sở cấu thành tội phạm được quy định tại Bộ luật hình sự. |
Là trách nhiệm pháp lý mang tính tài sản được áp dụng đối với người vi phạm pháp luật dân sự nhằm bù đắp về tổn thất vật chất, tinh thần cho người bị hại. |
Đối tượng chịu trách nhiệm | Cá nhân, pháp nhân thương mại | Cá nhân, tổ chức |
Tính nguy hiểm cho xã hội | Tính nguy hiểm cho xã hội cao | Tính nguy hiểm cho xã hội thấp |
Căn cứ hình thành | Dựa trên uy quyền, lập pháp của Nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước, ngăn ngừa tội phạm cho xã hội. | Dựa trên thỏa thuận của các bên nhằm bảo vệ lợi ích cho các bên. |
Hậu quả pháp lý | Là Hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự | Là tài sản công việc phải làm |
Việc thực hiện trách nhiệm | Chủ thể trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội | Có thể chuyển giao việc thực hiện cho chủ thể khác |
Mục đích | Để răn đe, trừng phạt và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật | Đê răn đe những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người bị hại do hành vi vi phạm gây ra nhằm khắc phục những tổn thất do họ gây ra |
9. Dịch vụ Luật sư tư vấn pháp luật hình sự
Việc không hiểu rõ các quy định pháp luật hình sự hay trách nhiệm hình sự sẽ dẫn tới nhiều hậu quả bất lợi. Chính vì vậy, vai trò của Luật sư trong những trường hợp này là rất quan trọng.
Dịch vụ Luật sư tư vấn pháp luật hình sự hay Dịch vụ Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự là một trong những dịch vụ trọng tâm của Công ty Luật Thái An. Các Luật sư của Công ty Luật Thái An đều là những người được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có kinh nghiệm sâu rộng về các vấn đề xã hội và thực tiễn giải quyết vụ án sẽ giúp tư vấn, giải quyết bất kỳ rắc rối gì liên quan đến pháp luật hình sự hay trách nhiệm hình sự, giúp người bị buộc tôi bác bỏ một phần hay toàn bộ sự buộc tội hoặc trách nhiệm hình sự của họ.
Liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An để được trải nghiệm Dịch vụ pháp lý tốt nhất.
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024