Biện pháp bảo đảm đầu tư là các biện pháp được thể hiện trong các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư với mục đích kinh doanh.
Đây là một trong những vấn đề pháp lý quan trọng mà các nhà đầu tư cần phải quan tâm khi bắt đầu tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh. Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An xin chia sẻ một số kiến thức về Các biện pháp bảo đảm đầu tư theo Luật Đầu tư 2020.
Cơ sở pháp lý quy định các biện pháp bảo đảm đầu tư
Các biện pháp bảo đảm đầu tư được quy định cụ thể từ Điều 10 đến Điều 14 Luật Đầu tư 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021). Theo Luật Đầu tư 2020, các biện pháp bảo đảm đầu tư bao gồm các biện pháp sau đây:
- Bảo đảm quyền sở hữu tài sản;
- Bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh;
- Bảo đảm quyền chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài;
- Bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật;
- Giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Đối tượng áp dụng các biện pháp bảo đảm đầu tư
Các biện pháp bảo đảm đầu tư được áp dụng cho mọi nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam, không phân biệt quy mô, loại hình đầu tư và được áp dụng mà không cần có sự yêu cầu từ phía nhà đầu tư.
Các biện pháp bảo đảm đầu tư theo Luật Đầu tư 2020
Bảo đảm quyền sở hữu tài sản
Theo quy định tại Điều 10 Luật Đầu tư 2020, Nhà nước bảo đảm quyền sở hữu tài sản đối với các nhà đầu tư như sau:
- Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính;
- Trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản của nhà đầu tư thì nhà đầu tư được thanh toán hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh
Điều 11 Luật Đầu tư 2020 quy định Nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải thực hiện những yêu cầu sau đây:
- Ưu tiên mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước hoặc phải mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ trong nước;
- Xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ đạt một tỷ lệ nhất định; hạn chế số lượng, giá trị, loại hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu hoặc sản xuất, cung ứng trong nước;
- Nhập khẩu hàng hóa với số lượng và giá trị tương ứng với số lượng và giá trị hàng hóa xuất khẩu hoặc phải tự cân đối ngoại tệ từ nguồn xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu;
- Đạt được một tỷ lệ nội địa hóa đối với hàng hóa sản xuất trong nước;
- Đạt được một mức độ hoặc giá trị nhất định trong hoạt động nghiên cứu và phát triển ở trong nước;
- Cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại một địa điểm cụ thể ở trong nước hoặc nước ngoài;
- Đặt trụ sở chính tại địa điểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Căn cứ điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu thu hút đầu tư trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng các hình thức bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác.
Bảo đảm quyền chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài
Biện pháp bảo đảm đầu tư này được áp dụng đối với các nhà đầu tư nước ngoài có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Theo Điều 12 Luật Đầu tư 2020, sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài các tài sản sau đây:
- Vốn đầu tư, các khoản thanh lý đầu tư;
- Thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh;
- Tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư.
Bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật
Sự thay đổi của pháp luật có tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư, trong nhiều trường hợp làm mất đi sự ổn định, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Do vậy, Nhà nước cam kết bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật, cụ thể:
- Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư đang được hưởng thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư, trừ ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành;
- Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư. Tuy nhiên nhà đầu tư không được tiếp tục hưởng mức ưu đãi đầu tư trong trường hợp thay đổi quy định của văn bản pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường. Trong trường hợp này, nhà đầu tư sẽ được xem xét, giải quyết khi có yêu cầu bằng văn bản trong thời hạn 03 năm kể từ ngày văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành bằng một hoặc một số biện pháp sau:
- Khấu trừ thiệt hại thực tế của nhà đầu tư vào thu nhập chịu thuế;
- Điều chỉnh mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư;
- Hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục thiệt hại.
Giải quyết tranh chấp đầu tư
Một trong những chính sách đảm bảo đầu tư là đảm bảo cơ chế giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Các phương thức giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh bao gồm 4 phương thức: thương lượng, hòa giải, Trọng tài và Tòa án. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp mà các bên không thể giải quyết được thông qua con đường thương lượng, hòa giải thì các tranh chấp được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam là các tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam giữa các chủ thể:
- Giữa các nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoặc giữa nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Giữa các nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác trong hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Trường hợp tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2020 (tổ chức kinh tế có trên 50% vốn điều lệ là vốn đầu tư nước ngoài) thì được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức sau đây:
- Tòa án Việt Nam;
- Trọng tài Việt Nam;
- Trọng tài nước ngoài;
- Trọng tài quốc tế;
- Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập.
Trên đây là ý kiến tư vấn về các biện pháp bảo đảm đầu tư theo Luật Đầu tư 2020. Để được tư vấn chi tiết, bạn đừng bỏ lỡ Tổng đài tư vấn pháp luật đầu tư. Công ty Luật Thái An sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ.
Dịch vụ tư vấn đầu tư nước ngoài tại Công ty luật Thái An
Luật Đầu tư 2020 có những quy định rất rõ ràng về các biện pháp đảm bảo đầu tư nhằm khuyến khích các nhà đầu tư. Nắm bắt được các quy định này các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước hoàn toàn tin tưởng và mạnh dạn đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi đầu tư bạn nên tham khảo ý kiến tư vấn của chuyên gia bằng cách Dịch vụ tư vấn đầu tư của Công ty Luật Thái An. Chắc chắn các nhà đầu tư sẽ luôn được hỗ trợ tốt nhất với những giải pháp pháp lý phù hợp!
- Hợp đồng thuê căn hộ chung cư - 08/07/2023
- Luật sư bào chữa tội tham ô tài sản với 3 hướng là gì? - 08/05/2023
- Hợp đồng nhập khẩu: Tất cả những gì bạn cần biết - 29/04/2023
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.