Hướng dẫn về ly hôn thuận tình đầy đủ nhất

Ly hôn thuận tình không còn là một khái niệm xa lạ đối với nhiều người. Đó là hình thức ly hôn mà cả hai bên thỏa thuận chung, thống nhất về việc chấm dứt hôn nhân của mình. Tuy nhiên, nắm vững thông tin về quy trình cũng như hậu quả ly hôn đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về luật pháp.

1. Ly hôn thuận tình là gì?

Ly hôn thuận tình là hình thức kết thúc hôn nhân mà trong đó, cả hai bên thỏa thuận và tự nguyện đồng ý chấm dứt hôn nhân của mình mà không cần thông qua xét xử tại tòa án.

Ly hôn thuận tình không chỉ đơn thuần là việc hai bên đồng ý chấm dứt hôn nhân, mà còn liên quan đến việc hai bên cần phải đạt được thỏa thuận về nhiều vấn đề sau khi ly hôn từ việc phân chia tài sản cho đến việc quyết định ai sẽ chăm sóc và nuôi dưỡng con cái sau khi ly hôn.

Lưu ý đặc biệt về trường hợp ở với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn 

Đây là những trường hợp trước năm 1987 hoặc trước năm 2003:

Do bối cảnh lịch sử và xã hội Việt Nam từ trước năm 1987 có nhiều biến động (chiến tranh), do chưa có khung pháp lý, do tập quán và truyền thống, nên có nhiều trường hợp nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không thể và không có điều kiện để đăng ký kết hôn.

Đối với trường hợp ngoại lệ này, Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định:

Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 (ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn, nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cẩu ly hôn, thì Tòa án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý là trong trường hợp sau khi quan hệ vợ chồng đã được xác lập họ mới thực hiện việc đăng ký kết hôn, thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng), chứ không phải là chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Như vậy, nếu cặp đôi chung sống với nhau trước năm 1987 không có đăng ký kết hôn, nếu muốn ly hôn thì Toà án vẫn coi như họ đã đăng ký kết hôn và áp dụng pháp luật hôn nhân gia đình để giải quyết.

Trường hợp sau khi quan hệ vợ chồng đã được xác lập họ mới thực hiện việc đăng ký kết hôn, thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng, chứ không phải chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Đối với trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 trở đi đến trước ngày 01/01/2001 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực) mà có đủ điều kiện kết hôn, nhưng chưa đăng ký kết hôn và đang chung sống với nhau như vợ chồng, thì cần phân biệt như sau:

  • Kể từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003 nếu họ chưa đăng ký kết hôn hoặc đã đăng ký kết hôn mà họ có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng, chứ không phải kể từ ngày đăng ký kết hôn.
  • Kể từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn, thì họ không được công nhận là vợ chồng. Nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án để giải quyết: Toà án tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng. Nếu họ có yêu cầu về nuôi con thì quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn. Việc chia tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung vợ chồng được chia theo thoả thuận của các bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.
  • Kể từ sau ngày 01/01/2003 họ mới đăng ký kết hôn thì quan hệ vợ chồng của họ chỉ được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ đăng ký kết hôn.

Lưu ý: Cặp đôi được coi là chung sống như vợ chồng nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Có tổ chức lễ cưới 
  • Việc về chung sống được gia đình của một bên hoặc cả hai bên chấp nhận
  • Việc về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến
  • Cặp đôi thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

2. Tại sao nên lựa chọn ly hôn thuận tình?

Tầm quan trọng và ảnh hưởng của việc ly hôn thuận tình là không thể phủ nhận. Trước hết, lựa chọn ly hôn thuận tình giúp giảm bớt nhiều mâu thuẫn và căng thẳng giữa hai bên vợ chồng. Thay vì phải đưa ra tòa để giải quyết, ly hôn thuận tình giúp cả hai bên có thể tự thống nhất về các vấn đề liên quan như phân chia tài sản, quyền nuôi con. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian, công sức mà còn giúp cả hai bên có thể giữ được sự tôn trọng lẫn nhau.

Về mặt ảnh hưởng, việc ly hôn thuận tình có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình cảm và mối quan hệ của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối với trẻ em. Nếu quá trình ly hôn được tiến hành một cách thuận tình, trẻ em sẽ ít phải chịu đựng những mâu thuẫn, xung đột giữa cha mẹ, từ đó giảm thiểu được những ảnh hưởng tiêu cực.

3. Ly hôn thuận tình có nhanh không?

Ly hôn thuận tình nhanh hơn ly hôn đơn phương – đó là điều chắc chắn:

  • Thủ tục ly hôn thuận tình được thực hiện theo thủ tục giải quyết VIỆC DÂN SỰ, thời gian 2-4 tháng.
  • Thủ tục ly hôn đơn phương được thực hiện theo thủ tục giải quyết VỤ ÁN DÂN SỰ, trong đó người yêu cầu ly hôn là nguyên đơn, người bị yêu cầu ly hôn là bị đơn. Thời gian giải quyết vụ án dân sự là từ 6 tháng trở lên.

Ngoài ra, thủ tục ly hôn thuận tình sẽ đơn giản hơn, trong khi thủ tục ly hôn đơn phương rất phức tạp gồm lấy lời khai, thu thập chứng cứ, hoà giải, xét xử, tuyên án, kháng cáo/kháng nghị bản án…

4. Ai có quyền yêu cầu ly hôn thuận tình?

Chỉ có đương sự là người vợ và người chồng mới có quyền yêu cầu ly hôn thuận tình. Điều này có nghĩa là bạn bè, người thân… đều không có quyền yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn.

Tuy nhiên, pháp luật (Điều 51 Luật Hôn nhân gia đình 2014) quy định trường hợp duy nhất mà người yêu cầu ly hôn không phải là vợ hoặc chồng, đó là:

Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

5. Điều kiện để ly hôn thuận tình là gì ?

Theo quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận ly hôn đồng thuận; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Theo đó, để có thể ly hôn thuận tình, vợ chồng cần thoả thuận được TẤT CẢ vấn đề liên quan tới việc ly hôn. Đó là:

  • Vợ và chồng tự nguyện ly hôn;
  • Vợ, chồng đã thống nhất được với nhau về việc chia tài sản chung hoặc không chia tài sản chung
  • Vợ, chồng đã thống nhất được với nhau về việc giao cho ai trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, việc cấp dưỡng nuôi con;
  • Sự thoả thuận của vợ chồng về tài sản và con phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Điều kiện ly hôn thuận tình
Các điều kiện ly hôn thuận tình – ảnh: Luật Thái An

Các cặp vợ chồng ly hôn thường có nhiều bất đồng về chia tài sản chung, nơ chung và con chung. Tốt nhất là họ tìm hiểu các quy định của pháp luật về các vấn đề này để đi đến thoả thuận, tránh phải đưa nhau ra toà. Chi tiết có tại:

>>> Xem thêm:

Nếu vợ chồng không thoả thuận được về một trong các vấn đề trên thì không phải là ly hôn thuận tình, mà là ly hôn đơn phương:

>>> Xem thêm: Ly hôn đơn phương là gì ?

Lưu ý: Vợ chồng có thể thoả thuận bất kỳ điều gì liên quan tới con chung và tài sản chung nếu những thoả thuận đó không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Nếu vợ chồng yêu cầu Toà án công nhận những thoả thuận thì Tòa án sẽ không công nhận nếu những thỏa thuận đó trái pháp luật, trái với đạo đức xã hội.

Các thí dụ về thoả thuận trái pháp luật hoặc vi phạm đạo đức của vợ chồng là: Vợ chồng cố ý định giá bất động sản thấp để giảm số thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ phải nộp; Vợ chồng thoả thuận giao con cho bên thứ ba dù biết bên đó sẽ không nuôi dưỡng, giáo dục con mà sẽ lợi dụng con vì những mục đích xấu…

Những thoả thuận này không những vô hiệu mà vợ chồng còn bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tuỳ thuộc vào mức đô vi phạm.

6. Các bước ly hôn thuận tình

Sau khi đã đảm bảo đủ các điều kiện, các bước thực hiện thủ tục ly hôn thuận tình bao gồm:

a. Bước 1 ly hôn thuận tình: Lập và ký thỏa thuận ly hôn:

Về tài sản:

Nếu vợ chồng có tài sản chung và nợ chung, và họ muốn thoả thuận về việc chia tài sản chung cũng như nợ chung, thay vì nhờ Toà án (sẽ phải nộp án phí theo giá trị tài sản) thì họ rất nên lập và ký thoả thuận:

  • Đối với tài sản phải đăng ký (thí dụ bất động sản, xe máy, oto, du thuyền…) thì vợ chồng nên thực hiện hợp đồng tặng cho sau đó tiến hành sang tên giấy tờ đăng ký tài sản
  • Đối với tài sản không phải đăng ký: Vợ chồng thoả thuận rõ ràng và yêu cầu lập vi bằng đối với thoả thuận này. Vi bằng sẽ là bằng chứng có giá trị pháp lý và sẽ là vô cùng hữu ích nếu xẩy ra tranh chấp.
  • Đối với nợ chung: Nên lập vi bằng về thoả thuận vợ chồng

Về con:

Vợ chồng có thể thoả thuận về việc nuôi con, thăm con… miễn những thoả thuận đó không trái pháp luật và đạo đức. Và để đảm bảo những thoả thuận này được tôn trọng và thực hiện sau khi ly hôn thì vợ chồng nên lập vi bằng.

>>> Xem thêm: Biên bản thoả thuận ly hôn

b. Bước 2 ly hôn thuận tình: Thủ tục tại Toà án

Thủ tục ly hôn tại Toà án là khác nhau trong hai trường hợp: Ly hôn thuận tình không có yếu tố nước ngoài và ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài.

Ly hôn thuận tình KHÔNG CÓ yếu tố nước ngoài

Vợ chồng có quyền yêu cầu Toà án có thẩm quyền công nhận ly hôn thuận tình theo quy định của pháp luật. Trường hợp ly hôn thuận tình KHÔNG CÓ yếu tố nước ngoài: Toà án có thẩm quyền là toà án cấp huyện (toà án huyện hoặc toà án quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương) nơi vợ hoặc chồng cư trú (thường trú hoặc tạm trú)

Chi tiết về thủ tục, hồ sơ ly hôn thuận tình có tại bài viết Thủ tục ly hôn thuận tình

Lưu ý: Mặc dù việc ly hôn là thuận tình và vợ chồng thoả thuận về tất cả các vấn đề liên quan nhưng Toà án có thể vẫn từ chối giải quyết nếu thuộc các trường hợp sau:

  • Nếu thấy hôn nhân chưa thực sự lâm vào tình trạng trầm trọng, còn có cơ hội để hàn gắn, tiếp tục duy trì đời sống hôn nhân thì Tòa án sẽ không công nhận việc thuận tình ly hôn. Đây có thể được xem là kết quả hòa giải thành ở giai đoạn hòa giải – giai đoạn mà các Thẩm phán phải thực hiện đối với tất cả các vụ việc giải quyết ly hôn.
  • Các bên không chứng minh được yêu cầu của mình đáp ứng đủ các điều kiện để Tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Nếu các bên không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ chứng minh theo yêu cầu của Tòa án (thí dụ như không có Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, không có giấy khai sinh của con (nếu có con)…, Tòa án có thể từ chối thụ lý giải quyết hoặc ra quyết định không công nhận việc thuận tình ly hôn.
  • Tòa án phát hiện việc ly hôn này là giả tạo để trốn tránh nghĩa vụ vể tài sản với các bên thứ ba có liên quan. Thí dụ:
    • vợ hoặc chồng vay hoặc mượn nợ bên thứ ba, số nợ này có thể là nghĩa vụ chung của vợ chổng trong thời kỳ hôn nhân; để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, vợ chồng đã thỏa thuận giả tạo việc thuận tình ly hôn, thỏa thuận chia tất cả tài sản cho người vợ hoặc chồng còn lại không đứng tên trong các hợp đồng vay hoặc mượn tiền.
    • Đảng viên muốn sinh con thứ ba, thứ tư nên thực hiện việc ly hôn giả tạo để không bị xử lý kỷ luật. 

Ly hôn thuận tình CÓ yếu tố nước ngoài

Trường hợp ly hôn thuận tình CÓ yếu tố nước ngoài: Toà án có thẩm quyền là toà án cấp tỉnh (toà án tỉnh hoặc toà án thành phố trực thuộc trung ương) nơi vợ hoặc chồng cư trú (thường trú hoặc tạm trú).

Ly hôn có yếu tố nước ngoài là khi vợ và/hoặc chồng:

c. Bước 3 ly hôn thuận tình: Thực hiện Quyết định của Toà án

Toà án sẽ ban hàn Quyết định công nhận ly hôn thuận tình. Các bên có nghĩa vụ phải thực hiện các nội dung của Quyết định. Liên quan tới việc trực tiếp nuôi con và cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn, các bên phải thực hiện đúng và đầy đủ. Chi tiết có trong hai bài viết sau:

Quyền nuôi con khi ly hôn: Tư vấn của luật sư

7. Ly hôn thuận tình không cần ra tòa? Thuận tình ly hôn nhưng vắng mặt ?

Pháp luật quy định kết hôn và ly hôn là quyền nhân thân của mỗi người. Do đó, các đương sự phải tự mình thực hiện thủ tục ly hôn nói chung cũng như thủ tục ly hôn thuận tình nói riêng, mà không thể uỷ quyền cho người khác:

  • Khi kết hôn, người nam và người nữ chuẩn bị kết hôn phải có mặt tại UBND xã để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn.
  • Khi ly hôn, người vợ và người chồng phải có mặt tại Toà án (trừ trường hợp ly hôn đơn phương). Pháp luật chỉ quy định một trường hợp mà cha mẹ có thể yêu cầu giải quyết ly hôn cho con mất hành vi năng lực dân sự, theo khoản 2 điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014

8. Uỷ quyền cho người khác thực hiện ly hôn thuận tình được không?

Khi người vợ hoặc người chồng muốn ly hôn nhưng không thể thực hiện thủ tục ly hôn thì mong muốn ủy quyền cho người khác.

Mặc dù pháp luật cho phép việc ủy quyền đối với rất nhiều công việc, nhưng đối với việc kết hôn và ly hôn thì pháp luật có những quy định chặt chẽ hơn nhiều. Lý do là việc kết hôn và ly hôn gắn liền với quyền nhân thân của mỗi người, nên việc ủy quyền tiềm ẩn rủi ro về sự thiếu trung thực, không phản ánh đúng ý chí của đương sự.

Uỷ quyền ly hôn được không ? Đây là mối quan tâm của nhiều người và cũng là câu hỏi của rất nhiều khách hàng. Chúng tôi xin trả lời như sau: Vợ, chồng không thể uỷ quyền ly hôn nói chung, không thể uỷ quyền ly hôn thuận tình nói riêng. Khi ly hôn, vợ và chồng phải ra toà (không thể ly hôn thuận tình vắng mặt – trừ trường hợp ly hôn thuận tình khi vợ hoặc chồng ở nước ngoài.

Tuy nhiên, vợ hoặc chồng có thể nhờ luật sư hỗ trợ tối đa việc ly hôn của mình nhưng bắt buộc phải có mặt khi Toà án triệu tập đương sự. Bạn nên tìm công ty luật uy tín có thể tư vấn cho vợ, chồng các vấn đề pháp lý liên quan (chấm dứt hôn nhân, nuôi con, chia tài sản…), viết đơn ly hôn, luật sư có thể tham gia tố tụng để bảo vệ cho vợ hoặc chồng tại Toà án trong vụ án ly hôn đơn phương.

9. Cách xử lý khi xảy ra tranh chấp sau ly hôn

Mặc dù đã ly hôn thuận tình nhưng cũng không tránh khỏi khả năng xảy ra tranh chấp. Để phòng ngừa những tranh chấp này, bạn nên thực hiện lời khuyên của chúng tôi trong mục “Lập thoả thuận ly hôn”.

Và nếu tranh chấp xẩy ra liên quan đến con cái hoặc tài sản, việc tìm kiếm sự tư vấn từ luật sư hoặc giải quyết qua tòa án sẽ là cần thiết.

 

Ly hôn thuận tình và ly hôn không thuận tình không chỉ là quyết định chấm dứt một mối quan hệ hôn nhân mà còn liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp khác. Để quá trình này diễn ra suôn sẻ, cần nắm vững các điều kiện, thủ tục và hậu quả pháp lý liên quan. Hãy tìm hiểu kỹ trước khi tiến hành bất kỳ thủ tục pháp lý ly hôn nào, hãy liên hệ với luật sư để được tư vấn pháp lý về ly hôn.

Nếu bạn cần dịch vụ ly hôn thuận tình, hãy liên hệ với các tổ chức tư vấn pháp lý uy tín để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.

Nguyễn Văn Thanh