Xử phạt liên quan tới đăng ký thuế

Vi phạm hành chính về thuế là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về thuế và các khoản thu khác. Trong đó, việc các các nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy định về đăng ký thuế cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định. Trong khuôn khổ bài viết này, Công ty Luật Thái An sẽ tổng hợp các quy định về xử phạt liên quan tới đăng ký thuế để khách hàng nắm được và tránh thực hiện những hành vi này.

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh các quy định về xử phạt liên quan tới đăng ký thuế

Cơ sở pháp lý điều chỉnh các quy định về xử phạt liên quan tới đăng ký thuế là các văn bản pháp lý sau đây:

  • Luật Quản Lý Thuế Số 38/2019/QH14 ban hành ngày 13 tháng 06 năm 2019;
  • Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020;
  • Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được ban hành ngày 19/10/2020, có hiệu lực thi hành ngày 05/12/2020

2. Đăng ký thuế là gì?

Đăng ký thuế có thể hiểu là việc người nộp thuế kê khai với cơ quan thuế hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh các thông tin định danh của mình (đó là những thông tin cơ bản để phân biệt người nộp thuế với những người nộp thuế khác).

Các đối tượng đăng ký và cấp mã số thuế được quy định tại các điều gồm Điều 30 Luật Quản lý thuế 2019, Điều 6 Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Thông tư 105/2020/TT-BTC

Nội dung quy định về đăng ký thuế bao gồm: đối tượng, thời hạn đăng ký thuế, quy định về hồ sơ đăng ký thuế đối với cá nhân/tổ chức, quy định về chấm dứt hiệu lực đăng ký thuế.

3. Đối tượng bị xử phạt liên quan tới đăng ký thuế

Căn cứ quy định tại Điều 3 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn nói chung và bị xử phạt liên quan tới đăng ký thuế bao gồm:

  • Thứ nhất là người nộp thuế có hành vi vi phạm hành chính về đăng ký thuế

Trường hợp người nộp thuế ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện các nghĩa vụ về thuế mà pháp luật về thuế, quản lý thuế quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của bên được ủy quyền phải thực hiện thay người nộp thuế thì nếu bên được ủy quyền có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thì tổ chức, cá nhân được ủy quyền bị xử phạt theo Nghị định này.

Trường hợp theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai, nộp thuế thay người nộp thuế mà tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thì tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Nghị định này.

  •  Thứ hai là tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm hành chính về khai thuế. Ví dụ như các tổ chức , cá nhân có hành vi thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, gian lận thuế; Hành vi không thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;…

4. Xử phạt liên quan tới đăng ký thuế

Việc xử phạt liên quan tới đăng ký thuế được quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Cụ thể như sau:

4.1. Xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn đăng ký thuế

Đối với các vi phạm thuộc trường hợp này, người nộp thuế sẽ phải bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo nhiều mức khác nhau, tùy mức độ vi phạm.

Căn cứ Điều 10 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP về xử phạt liên quan tới đăng ký thuế mà cụ thể  là vi phạm về thời hạn đăng ký thuế như sau:

a) Hình phạt cảnh cáo:

Theo khoản 1 Điều 10 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP: Phạt cảnh cáo đối với hành vi đăng ký thuế; quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.

b) Hình phạt tiền:

  • Thứ nhất, theo điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng được áp dụng đối với một trong các hành vi đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 30 ngày;
  • Thứ hai, theo khoản 3 Điều 10 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thuế; thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày.
  • Thứ ba, theo điểm a khoản 4 Điều 10 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.
Các hình thức xử phạt liên quan tới đăng ký thuế
Các hình thức xử phạt liên quan tới đăng ký thuế – Ảnh: Luật Thái An

4.2. Xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế

Căn cứ Điều 11 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế như sau:

a) Hình phạt cảnh cáo:

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 01 đến 30 ngày nhưng không làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế mà có tình tiết giảm nhẹ;

b) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế mà có tình tiết giảm nhẹ.

b) Hình thức phạt tiền:

  • Thứ nhất, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 01 đến 30 ngày nhưng không làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế.
  • Thứ hai, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

“a) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày nhưng không làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế;

b) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 30 ngày làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.”

  • Thứ ba, căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

“a) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế;

b) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế.”

  • Thứ tư, căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 11 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

“a) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế;

b) Không thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế.”

c) Về biện pháp khắc phục hậu quả

Theo quy định tại khoản 7 Điều 11 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì ngoài việc áp dụng mức phạt tiền, các chủ thể có hành vi không thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế  phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký thuế.

Lưu ý:

Theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định việc áp dụng các hình thức xử phạt liên quan tới đăng ký thuế nêu trên không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

  • Cá nhân không kinh doanh đã được cấp mã số thuế thu nhập cá nhân chậm thay đổi thông tin về chứng minh nhân dân khi được cấp thẻ căn cước công dân;
  • Cơ quan chi trả thu nhập chậm thông báo thay đổi thông tin về chứng minh nhân dân khi người nộp thuế thu nhập cá nhân là các cá nhân ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân được cấp thẻ căn cước công dân;
  • Thông báo thay đổi thông tin trên hồ sơ đăng ký thuế về địa chỉ người nộp thuế quá thời hạn quy định do thay đổi địa giới hành chính theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Nghị quyết của Quốc hội.
Các trường hợp không áp dụng hình thức xử phạt liên quan tới đăng ký thuế
Các trường hợp không áp dụng hình thức xử phạt liên quan tới đăng ký thuế – Ảnh: Luật Thái An

4.3. Một số mức xử phạt liên quan tới đăng ký thuế khác

Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định về một số mức xử phạt vi phạm khác liên quan tới đăng ký thuế mà được quy vào trường hợp trốn thuế như sau:

“Điều 17. Xử phạt hành vi trốn thuế

1.Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế ….sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định này;

…2. Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

3. Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà có một tình tiết tăng nặng.

4. Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có hai tình tiết tăng nặng.

5. Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này.

Trường hợp hành vi trốn thuế theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 ,4, 5 Điều này đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước theo thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định này.

b) Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có) đối với hành vi quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này…”

5. Thời hiệu xử phạt vi phạm liên quan tới đăng ký thuế

Trong việc xử phạt vi phạm liên quan tới đăng ký thuế cần lưu ý về vấn đề thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế được quy định tại Điều 8 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP như sau:

“Điều 8. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; thời hạn được coi là chưa bị xử phạt; thời hạn truy thu thuế

2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế

a) Thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế là 02 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

Ngày thực hiện hành vi vi phạm hành chính về thủ tục thuế là ngày kế tiếp ngày kết thúc thời hạn phải thực hiện thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, trừ các trường hợp sau đây:

Đối với hành vi quy định tại khoản 1, điểm a, b khoản 2, khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 10; khoản 1, 2, 3, 4 và điểm a khoản 5 Điều 11; khoản 1, 2, 3 và điểm a, b khoản 4, khoản 5 Điều 13 Nghị định này, ngày thực hiện hành vi vi phạm để tính thời hiệu là ngày người nộp thuế thực hiện đăng ký thuế hoặc thông báo với cơ quan thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế.

Đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 4 Điều 10; điểm b khoản 5 Điều 11; điểm c, d khoản 4 Điều 13 Nghị định này, ngày thực hiện hành vi vi phạm để tính thời hiệu là ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.

b) Thời hiệu xử phạt đối với hành vi trốn thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn là 05 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

Ngày thực hiện hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm hoàn hoặc hành vi trốn thuế (trừ hành vi tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định này) là ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế mà người nộp thuế thực hiện khai thiếu thuế, trốn thuế hoặc ngày tiếp theo ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế.

Đối với hành vi không nộp hồ sơ đăng ký thuế, không nộp hồ sơ khai thuế tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định này, ngày thực hiện hành vi vi phạm để tính thời hiệu là ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm. Đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định này thì ngày thực hiện hành vi vi phạm để tính thời hiệu là ngày người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế.

….”

Trên đây là phần tư vấn về vấn đề xử phạt liên quan tới đăng ký thuế. Để tìm hiểu thêm về xử phạt hành chính về thuế, hãy đọc BÀI VIẾT NÀY. Để được tư vấn chi tiết hơn và được giải đáp các thắc mắc trong từng trường hợp cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp lý hành chính.

Nguyễn Văn Thanh