Xử phạt vi phạm hành chính về thuế: Tổng hợp các quy định
Lĩnh vực thuế là một lĩnh vực tương đối phức tạp.Theo đó, không ít doanh nghiệp và cá nhân phải đối mặt với rủi ro bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế do thiếu hiểu biết và tuân thủ chưa đúng các quy định pháp luật. Vậy các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về thuế là gì? hãy cùng Công ty Luật Thái An chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Khái niệm xử phạt vi phạm hành chính về thuế
Tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định: Vi phạm hành chính về thuế là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về thuế và các khoản thu khác (tiền sử dụng đất; tiền thuê đất, thuê mặt nước; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;….) mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Từ quy định trên có thể hiểu xử phạt vi phạm hành chính về thuế là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng những biện pháp xử phạt, cưỡng chế hành chính đối với cá nhân, tổ chức với lỗi cố ý hoặc vô ý thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về thuế mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Vai trò của xử phạt vi phạm hành chính về thuế
Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính về thuế góp phần đảm bảo kỷ cương pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước về thuế, đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
Thứ hai, xử phạt hành chính về thuế góp phần gia tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Thứ ba, xử phạt vi phạm hành chính về thuế góp phần răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của các cán bộ công chức ngành thuế cũng như những đối tượng phải nộp thuế.
3. Đối tượng nào bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế ?
Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế quy định tại Điều 3 Nghị định 125/2020/NĐ-CP bao gồm:
a. Người nộp thuế có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
- Trường hợp người nộp thuế ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện các nghĩa vụ về thuế mà pháp luật về thuế, quản lý thuế quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của bên được ủy quyền phải thực hiện thay người nộp thuế thì nếu bên được ủy quyền có hành vi vi phạm hành chính thì tổ chức, cá nhân được ủy quyền bị xử phạt theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP
- Trường hợp tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai, nộp thuế thay người nộp thuế mà tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP
b. Tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm hành chính về thuế
Các tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm hành chính về thuế đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Các tổ chức có thể là:
- Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán, Luật Dầu khí, Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật khác; đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, địa điểm kinh doanh trực tiếp kê khai, nộp thuế,
- Đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập;
- Tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã;
- Tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam;
- Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm hành chính về thuế mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
- Tổ hợp tác và các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.
4. Những trường hợp xử phạt vi phạm hành chính về thuế phổ biến
Sau đây là những trường hợp xử phạt vi phạm hành chính về thuế phổ biến:
- xử phạt vi phạm về đăng ký thuế
- xử phạt vi phạm về khai thuế
- xử phạt vi phạm về trốn thuế, gian lận thuế
- …
5. Những nguyên tắc khi xử phạt vi phạm hành chính về thuế
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính là:
- Việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Tổ chức, cá nhân chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế khi có hành vi vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
- Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ các trường hợp sau:
-
- Trường hợp cùng một thời điểm người nộp thuế khai sai một hoặc nhiều chỉ tiêu trên các hồ sơ thuế của cùng một sắc thuế thì hành vi khai sai thuộc trường hợp xử phạt về thủ tục thuế chỉ bị xử phạt về một hành vi khai sai chỉ tiêu trên hồ sơ thuế có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần;
- Trường hợp cùng một thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế của nhiều kỳ tính thuế nhưng cùng một sắc thuế thì chỉ bị xử phạt về một hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần.
- Trường hợp trong số hồ sơ khai thuế chậm nộp có hồ sơ khai thuế chậm nộp thuộc trường hợp trốn thuế thì tách riêng để xử phạt về hành vi trốn thuế;
- Trường hợp cùng một thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều thông báo, báo cáo cùng loại về hóa đơn thì người nộp thuế bị xử phạt về một hành vi chậm nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện quy định tại Nghị định này và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần;
- Hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn thuộc trường hợp bị xử phạt theo Điều 16, Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì không bị xử phạt theo Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
- Trường hợp trong một thủ tục hành chính có nhiều thành phần hồ sơ được quy định nhiều hơn một hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân vi phạm bị xử phạt đối với từng hành vi vi phạm.
- Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, trừ mức phạt tiền đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn; hành vi trốn thuế; hành vi vi phạm hành chính về thuế đối với ngân hàng thương mại, người bảo lãnh nộp tiền thuế quy định tại Điều 16, Điều 17 và Điều 18 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
6. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính về thuế và các biện pháp khắc phục hậu quả
a. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính về thuế
Hình thức cảnh cáo
Phạt cảnh cáo áp dụng đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế, hóa đơn không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và thuộc trường hợp áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo.
Hình thức phạt tiền
Phạt tiền tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn. Phạt tiền tối đa không quá 50.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn.
Phạt tiền tối đa không quá 200.000.000 đồng đối với người nộp thuế là tổ chức thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế. Phạt tiền tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với người nộp thuế là cá nhân thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế.
Phạt 20% số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn.
Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế.
Phạt tiền tương ứng với số tiền không trích vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm hành chính về thuế đối với ngân hàng thương mại, người bảo lãnh nộp tiền thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động in hóa đơn có thời hạn là hình phạt bổ sung.
b. Các biện pháp khắc phục hậu quả.
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì các biện pháp khắc phục hậu quả là:
- Buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
- Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau.
- Buộc nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký thuế; khai lại và nộp bổ sung các tài liệu trong hồ sơ thuế; nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế; cung cấp thông tin.
- Buộc thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn.
- Buộc lập hóa đơn theo quy định.
- Buộc hủy, tiêu hủy hóa đơn, các sản phẩm in.
- Buộc lập và gửi thông báo, báo cáo về hóa đơn.
- Buộc chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử.
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
7. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì
- Thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế là 02 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.
- Thời hiệu xử phạt đối với hành vi trốn thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn là 05 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.
Lưu ý: Nếu tổ chức, cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh cản trở việc xử phạt.
8. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế
Căn cứ vào hành vi vi phạm và mức độ vi phạm mà thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế là khác nhau. Theo đó, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế sẽ thuộc về những người có thẩm quyền như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế của cơ quan thuế, bao gồm thẩm quyền của
- Công chức thuế đang thi hành công vụ;
- Đội trưởng Đội Thuế;
- Chi cục trưởng Chi cục Thuế;
- Cục trưởng Cục Thuế;
- Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế;
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch UBND cấp huyện
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế của thanh tra bao gồm thẩm quyền của:
- Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ
- Chánh thanh tra Sở Tài chính, Trưởng đoàn thanh tra Cục Thuế, Trưởng đoàn thanh tra Tổng cục Thuế thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành
- Trưởng đoàn thanh tra Bộ Tài chính thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành
- Chánh thanh tra Bộ Tài chính
9. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế
Căn cứ Điều 9 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì không xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với những trường hợp sau:
- Các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Lưu ý: Người nộp thuế chậm thực hiện thủ tục thuế, hóa đơn bằng phương thức điện tử do sự cố kỹ thuật của hệ thống công nghệ thông tin được thông báo trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế thuộc trường hợp thực hiện hành vi vi phạm do sự kiện bất khả kháng và không xử phạt vi phạm hành chính.
- Các vi phạm hành chính về thuế do thực hiện theo văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế chưa phát hiện sai sót của người nộp thuế trong việc khai, xác định số tiền thuế phải nộp hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng sau đó hành vi vi phạm hành chính về thuế của người nộp thuế bị phát hiện.
- Các trường hợp khai sai, người nộp thuế đã khai bổ sung hồ sơ khai thuế và đã tự giác nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế phát hiện không qua thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế hoặc trước khi cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện
- Vi phạm thủ tục thuế đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân mà có phát sinh số tiền thuế được hoàn; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã bị ấn định thuế theo quy định
- Vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian người nộp thuế được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế đó.
Tư vấn pháp luật về lĩnh vực thuế nói chung và xử phạt vi phạm hành chính về thuế nói riêng là một trong những thế mạnh của Công ty Luật Thái An. Nhờ đội ngũ các luật sư, chuyên gia pháp lý có trình độ chuyên môn cao, cùng nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật về thuế, chắc chắn đến với Luật Thái An chúng tôi bạn sẽ nhận được sự một dịch vụ pháp lý chất lượng với một mức chi phí vô cùng phải chăng.
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024