Xử phạt liên quan tới khai thuế

Theo quy định pháp luật, các vi phạm liên quan đến thuế tùy hành vi và mức độ có thể bị xử phạt hành chính cho đến việc chịu trách nhiệm hình sự (phạt tù). Một trong những vi phạm khá rất phổ biến trong hoạt động quản lý thuế đó là vi phạm quy định về khai thuế. Bởi vậy, trong khuôn khổ bài viết này, Công ty Luật Thái An sẽ tổng hợp các quy định về xử phạt liên quan tới khai thuế để khách hàng nắm được và tránh thực hiện những hành vi này.

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh các quy định về xử phạt liên quan tới khai thuế

Cơ sở pháp lý điều chỉnh các quy định về xử phạt liên quan tới khai thuế là các văn bản pháp lý sau đây:

  • Luật Quản Lý Thuế Số 38/2019/QH14 ban hành ngày 13 tháng 06 năm 2019;
  • Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020;
  • Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được ban hành ngày 19/10/2020, có hiệu lực thi hành ngày 05/12/2020

2. Kê khai thuế là gì?

Kê khai thuế có thể hiểu là việc người nộp thuế trình bày cho cơ quan thuế các số liệu, hồ sơ liên quan tới nghĩa vụ thuế của mình. Yêu cầu của việc kê khai thuế là phải nộp đầy đủ tài liệu, chứng từ được quy định trong hồ sơ khai thuế và người nộp thuế cần khai đầy đủ, trung thực các nội dung theo mẫu mà Bộ Tài chính đã quy định. Tính chính xác, trung thực của mọi thông tin được chịu trách nhiệm bởi người nộp thuế.

Chỉ trừ trường hợp đã chấm dứt hoạt động nghĩa vụ thuế, ngoài ra, người nộp thuế vẫn phải kê khai thuế cho cơ quan thuế theo đúng thời gian đã quy định.

3. Đối tượng bị xử phạt liên quan tới khai thuế

Căn cứ quy định tại Điều 3 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì các đối tượng bị xử phạt liên quan tới khai thuế bao gồm:

  • Thứ nhất là người nộp thuế có hành vi vi phạm hành chính về khai thuế

Trường hợp người nộp thuế ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện các nghĩa vụ về thuế mà pháp luật về thuế, quản lý thuế quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của bên được ủy quyền phải thực hiện thay người nộp thuế thì nếu bên được ủy quyền có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thì tổ chức, cá nhân được ủy quyền bị xử phạt theo Nghị định này.

Trường hợp theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai, nộp thuế thay người nộp thuế mà tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thì tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Nghị định này.

  •  Thứ hai là tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm hành chính về khai thuế. Trong đó, Người nộp thuế là tổ chức bị xử phạt liên quan tới khai thuế bao gồm:
    • Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán, Luật Dầu khí, Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật khác; đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, địa điểm kinh doanh trực tiếp kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn;
    • Đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập;
    • Tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã;
    • Tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam;
    • Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
    • Tổ hợp tác và các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.
Đối tượng bị xử phạt liên quan tới khai thuế
Đối tượng bị xử phạt liên quan tới khai thuế – Ảnh: Luật Thái An

4. Xử phạt liên quan tới khai thuế

Việc xử phạt liên quan tới khai thuế được quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Cụ thể như sau:

4.1. Xử phạt hành vi khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế không dẫn đến thiếu số tiền thuế phai nộp hoặc không dẫn đến tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn

Căn cứ Điều 12 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP về xử phạt liên quan tới khai thuế (khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế không dẫn đến thiếu số tiền thuế phai nộp hoặc không dẫn đến tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn) như sau:

a) Hình thức xử phạt chính: Phạt tiền

  • Thứ nhất, theo khoản 1 Điều 12 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu trong hồ sơ thuế nhưng không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế.
  • Thứ hai, theo khoản 2 Điều 12 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì: Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu trên tờ khai thuế, các phụ lục kèm theo tờ khai thuế nhưng không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế.
  • Thứ ba, theo khoản 3 Điều 12 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

“a) Khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế trong hồ sơ thuế;

b) Hành vi quy định tại khoản 3 Điều 16 (Trường hợp người nộp thuế có hành vi khai sai theo quy định tại điểm a, b, d khoản 1 Điều 16 nhưng không dẫn đến thiếu số thuế phải nộp, tăng số thuế được miễn, giảm hoặc chưa được hoàn thuế); khoản 7 Điều 17 Nghị định này (Các hành vi vi phạm quy định tại điểm b, đ, e khoản 1 Điều này bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng không làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn thuế, không làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm.)”

b) Biện pháp khắc phục hậu quả

 Theo khoản 4 Điều 12 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, ngoài việc chịu mức phạt tiền trong xử phạt liên quan tới khai thuế, chủ thể vi phạm các quy định nêu trên còn có thể phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả tùy vào từng hành vi vi phạm. Cụ thể như sau:

“a) Buộc khai lại và nộp bổ sung các tài liệu trong hồ sơ thuế đối với hành vi quy định tại khoản 1, 2 và điểm a khoản 3 Điều này;

b) Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có) đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.

4.2. Xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế

Căn cứ Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như sau:

a) Hình thức xử phạt chính:

  • Thứ nhất, theo khoản 1 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì mức phạt cảnh cáo được áp dụng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
  • Thứ hai, theo khoản 2 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP nêu trên.
  • Thứ ba, theo khoản 3 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.
Một số mức xử phạt liên quan đến khai thuế
Một số mức xử phạt liên quan đến khai thuế, vi phạm thời hạn nộp hồ sơ khai thuế – Ảnh: Luật Thái An
  • Thứ tư, theo khoản 4 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì mức phạt tiền tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

“a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;

b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

d) Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

  • Thứ năm, theo khoản 5 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi: Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp; Và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.

Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

b) Biện pháp khắc phục hậu quả:

Theo khoản 6 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, ngoài việc chịu hình phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, chủ thể vi phạm các quy định nêu trên còn có thể phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả tùy vào từng hành vi vi phạm. Cụ thể như sau:

“a) Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;

b) Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 4 Điều này.

4.3. Một số mức xử phạt liên quan tới khai thuế khác

Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định về một số mức xử phạt vi phạm khác liên quan đến việc khai thuế nhằm trốn thuế như sau:

“Điều 17. Xử phạt hành vi trốn thuế

1.Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định này;

b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế, trừ hành vi quy định tại Điều 16 Nghị định này;

…2. Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

3. Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà có một tình tiết tăng nặng.

4. Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có hai tình tiết tăng nặng.

5. Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này.

Trường hợp hành vi trốn thuế theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 ,4, 5 Điều này đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước theo thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định này.

b) Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có) đối với hành vi quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này.

7. Các hành vi vi phạm quy định tại điểm b, đ, e khoản 1 Điều này bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng không làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn thuế, không làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định này”

5. Những trường hợp không xử phạt liên quan tới khai thuế

Căn cứ quy định tại Điều 9 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn như sau:

“Điều 9. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

  1. Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

  2. Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với trường hợp khai sai, người nộp thuế đã khai bổ sung hồ sơ khai thuế và đã tự giác nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế phát hiện không qua thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế hoặc trước khi cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện.

  3. Không xử phạt hành vi vi phạm thủ tục thuế đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân mà có phát sinh số tiền thuế được hoàn; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã bị ấn định thuế theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế.

  4. Không xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian người nộp thuế được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế đó.”

Theo đó:

  • Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với trường hợp khai sai, người nộp thuế đã khai bổ sung hồ sơ khai thuế và đã tự giác nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế phát hiện không qua thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế hoặc trước khi cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện.
  • Không xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian người nộp thuế được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế đó

6. Nguyên tắc xử phạt liên quan tới khai thuế

Nguyên tắc xử phạt liên quan tới khai thuế thực hiện theo nguyên tắc xử phạt chung tại Điều 5 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP như sau:

Điều 5. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

1. Việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

2. Tổ chức, cá nhân chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn khi có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn theo quy định tại Nghị định này.

3. Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ các trường hợp sau:

a) Trường hợp cùng một thời điểm người nộp thuế khai sai một hoặc nhiều chỉ tiêu trên các hồ sơ thuế của cùng một sắc thuế thì hành vi khai sai thuộc trường hợp xử phạt về thủ tục thuế chỉ bị xử phạt về một hành vi khai sai chỉ tiêu trên hồ sơ thuế có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện theo quy định tại Nghị định này và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần;

b) Trường hợp cùng một thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế của nhiều kỳ tính thuế nhưng cùng một sắc thuế thì chỉ bị xử phạt về một hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện theo quy định tại Nghị định này và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần.

Trường hợp trong số hồ sơ khai thuế chậm nộp có hồ sơ khai thuế chậm nộp thuộc trường hợp trốn thuế thì tách riêng để xử phạt về hành vi trốn thuế;

c) Trường hợp cùng một thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều thông báo, báo cáo cùng loại về hóa đơn thì người nộp thuế bị xử phạt về một hành vi chậm nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện quy định tại Nghị định này và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần;”

Trên đây là phần tư vấn về vấn đề xử phạt liên quan tới khai thuế. Để được tư vấn chi tiết hơn và được giải đáp các thắc mắc trong từng trường hợp cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp lý. 

Hiện nay, nhu cầu tư vấn pháp luật nói chung và dịch vụ tư vấn khiếu nại, tố cáo ngày càng được khách hàng chú trọng. Việc sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn về khiếu nại, tố cáo là rất khôn ngoan vì khách hàng sẽ hiểu rõ hơn và bảo vệ tốt hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đặc biệt là khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hành chính của các cá nhân, tổ chức.

Nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, Công ty Luật Thái An cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khiếu nại, tố cáo hành chính. 

Nguyễn Văn Thanh