Xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ công thương

Trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Điều kiện tiên quyết cho việc kinh doanh thực phẩm là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, không phải ai cũng cần xin giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Vậy, ai cần và ai không cần giấy chứng nhận? Thủ tục xin cấp giấy như thế nào? Bài viết của Công ty Luật Thái An sẽ cung cấp các thông tin về các trường hợp phải xin giấy chứng nhận an toàn thực phẩm từ Bộ công thương và các thủ tục liên quan.

1. Cơ sở pháp lý quy định việc xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ công thương

Cơ sở pháp lý quy định việc xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ bộ công thương là các văn bản pháp lý sau đây:

  •  Luật an toàn thực phẩm 2010 ( sửa đổi bổ sung 2018)
  • Thông tư số 43/2018/TT-BCT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 13/2020/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
  •  Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm 2010

2. Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là gì?

Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp, đóng vai trò như “giấy thông hành” cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Nó khẳng định cơ sở đó đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về vệ sinh, bảo quản, quy trình chế biến thực phẩm, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sử dụng.

Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, xác nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm. Giấy chứng nhận này không chỉ là minh chứng cho việc tuân thủ quy định pháp luật mà còn là bảo chứng cho chất lượng sản phẩm và sự an toàn đối với người tiêu dùng.

3. Điều kiện cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật an toàn thực phẩm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) thì điều kiện chung để cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là:

  • Trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ sở có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm;
  • Đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

4. Các trường hợp phải xin giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo Điều 11 Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã quy định:

Điều 11. Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

  1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này.

  2. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật an toàn thực phẩm. Riêng đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phải tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 28 Nghị định này.”

Theo đó, các trường hợp phải xin giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm được xác định theo cách loại trừ những cơ sở không phải xin Giấy chứng nhận. Theo đó, tất cả các cơ sở đều phải xin giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm TRỪ các cơ sở kinh doanh dưới đây.

  • Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
  • Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
  • Sơ chế nhỏ lẻ;
  • Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
  • Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
  • Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
  • Nhà hàng trong khách sạn;
  • Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
  • Kinh doanh thức ăn đường phố;
  • Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

5. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Bộ công thương

Tại Điều 35 Luật An toàn thực phẩm 2010, có 3 cơ quan có thẩm quyền cấp phép, thu hồi giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có Bộ Y tế, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Công thương.

Trong phạm vi thẩm quyền của Bộ Công thương sẽ phân quyền cho Bộ Công thương và Sở Công thương, cụ thể như sau:

5.1. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Bộ công thương

Bộ Công Thương có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các trường hợp sau:

  1. Cơ sở sản xuất các sản phẩm thực phẩm có công suất thiết kế:
    • Rượu: Từ 03 triệu lít sản phẩm/năm trở lên;
    • Bia: Từ 50 triệu lít sản phẩm/năm trở lên;
    • Nước giải khát: Từ 20 triệu lít sản phẩm/năm trở lên;
    • Sữa chế biến: Từ 20 triệu lít sản phẩm/năm trở lên;
    • Dầu thực vật: Từ 50 ngàn tấn sản phẩm/năm trở lên;
    • Bánh kẹo: Từ 20 ngàn tấn sản phẩm/năm trở lên;
    • Bột và tinh bột: Từ 100 ngàn tấn sản phẩm/năm trở lên;
  2. Chuỗi cơ sở kinh doanh thực phẩm (trừ chuỗi siêu thị mini và chuỗi cửa hàng tiện lợi có diện tích tương đương siêu thị mini theo quy định của háp luật); Cơ sở bán buôn thực phẩm (bao gồm cả thực phẩm tổng hợp) trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
  3. Cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh tại cùng một địa điểm có công suất thiết kế như trên
  4. Cơ sở kinh doanh thực phẩm quy định tại điểm b khoản này và có sản xuất thực phẩm với công suất thiết kế nhỏ hơn quy định tại điểm a
  5. Cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì cơ quan quản lý sản phẩm có sản lượng lớn nhất trong các sản phẩm của cơ sở sản xuất là cơ quan quản lý.
  6. Cơ sở không thực hiện công đoạn sản xuất nhưng kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên do ngành Công Thương quản lý, trừ trường hợp là chợ đầu mối, đấu giá nông sản.
  7. Cơ sở có quy mô sản xuất sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương theo quy định tại điểm a nêu trên.

5.2. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Sở Công thương

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp cấp Giấy chứng nhận hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân công, phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cấp Giấy chứng nhận đối với:

  • Cơ sở sản xuất các sản phẩm thực phẩm có công suất thiết kế nhỏ hơn các cơ sở thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương;
  • Cơ sở bán buôn, bán lẻ thực phẩm (bao gồm cả thực phẩm tổng hợp) của thương nhân trên địa bàn 01 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chuỗi siêu thị mini và chuỗi cửa hàng tiện lợi có diện tích tương đương siêu thị mini theo quy định của pháp luật;
  • Cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh tại cùng một địa điểm có công suất thiết kế theo quy định tại điểm a mục 5.1 nêu trên;
  • Cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
Xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ công thương
Hồ sơ xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ công thương – Nguồn: Luật Thái An

6. Trình tự, hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ Công thương

Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đóng vai trò là giấy phép con thiết yếu, cho phép các cơ sở hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực cung ứng thực phẩm. Giấy chứng nhận này chỉ được cấp sau khi cơ sở đã hoàn tất thủ tục thành lập doanh nghiệp hoặc thành lập hộ kinh doanh theo quy định.

Trình tự xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm từ Bộ Công thương gồm các bước sau đây:

6.1 Xin xác nhận kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm

Hồ sơ xin xác nhận kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm gồm:

  • Đơn đề nghị xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo mẫu
  • Giấy tờ chứng minh đã nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí;
  • Danh sách đề nghị kiểm tra để xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm
  • Bản sao (có đóng dấu xác nhận của tổ chức xin cấp Giấy xác nhân kiến thức về an toàn thực phẩm): Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.

 Thời gian xin xác nhận kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:

  • Tiếp nhận, thông báo hồ sơ hợp lệ và thời gian kiểm tra kiến thức: 10 ngày làm việc (kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ);
  • Cấp Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm: 03 ngày làm việc (kể từ ngày tổ chức kiểm tra kiến thức đối với những người đã đạt trên 80% số câu trả lời đúng ở mỗi phần câu hỏi kiến thức chung và câu hỏi kiến thức chuyên ngành trở lên

6.2 Xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Hồ sơ xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ công thương bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm;
  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm (bản sao có xác nhận của cơ sở);
  • Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; Mẫu số 02b đối với cơ sở kinh doanh Mục I tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 17/2020/NĐ-CP
  • Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của người trực tiếp kinh doanh thực phẩm có xác nhận của cơ sở.
  • Danh sách tổng hợp đủ sức khỏe do chủ cơ sở xác nhận hoặc giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp; 
  • Báo cáo kết quả khắc phục theo Mẫu số 04 Mục I tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 17/2020/NĐ-CP (Trong trường hợp kết quả thẩm định là chờ hoàn thiện thêm)

Nộp hồ sơ cho Cơ quan cấp Giấy chứng nhận trực tiếp hoặc theo đường bưu điện theo địa chỉ Bộ Công Thương.

6.3 Xử lý hồ sơ và nhận kết quả

Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, thẩm định thực tế tại cơ sở và cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở có đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trong vòng 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.

a, Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ Công Thương

  • Hồ sơ hợp lệ: Cơ quan sẽ tiến hành thẩm định thực tế tại cơ sở.
  • Hồ sơ không hợp lệ: Cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản thông báo và yêu cầu cơ sở bổ sung hồ sơ. Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ mà cơ sở không bổ sung hoặc bổ sung không đầy đủ thì hồ sơ không còn giá trị. 

b, Cơ quan tiến hành thẩm định tại cơ sở 

Nội dung thẩm định bao gồm:

  •  Kiểm tra tính thống nhất của hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận gửi cơ quan có thẩm quyền với hồ sơ gốc lưu tại cơ sở;
  • Thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở theo quy định.

Lưu ý:

  • Đoàn thẩm định có từ 03 đến 05 thành viên, trong đó phải có ít nhất 02 thành viên làm công tác chuyên môn về thực phẩm hoặc an toàn thực phẩm (có bằng cấp về thực phẩm hoặc an toàn thực phẩm) hoặc quản lý về an toàn thực phẩm.
  •  Đoàn thẩm định thực tế tại cơ sở được mời chuyên gia độc lập có chuyên môn phù hợp tham gia. Trưởng đoàn thẩm định chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định thực tế tại cơ sở. 
  • Nếu cơ quan có thẩm quyền cấp trên ủy quyền thẩm định thực tế tại cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền cấp dưới thì phải có văn bản ủy quyền. Sau khi thẩm định, cơ quan có thẩm quyền cấp dưới phải gửi Biên bản thẩm định về cơ quan thẩm quyền cấp trên để làm căn cứ cấp Giấy chứng nhận.

Trường hợp 1: Nếu sau quá trình thẩm định, cơ sở đạt yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền sẽ Cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (cơ sở đạt điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm)

Trường hợp 2: Kết quả không đạt hoặc chờ hoàn thiện thì ghi rõ lý do trong Biên bản thẩm định. Trường hợp “Chờ hoàn thiện”, thời hạn khắc phục tối đa là 60 ngày kể từ ngày có biên bản thẩm định. 

Lưu ý: Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm có hiệu lực sử dụng là 3 năm. Trường hợp cơ sở vẫn muốn tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm sau khi giấy phép hết hạn thì phải thực hiện thủ tục xin cấp lại giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm trước ngày hết hạn tối thiểu 6 tháng.

7. Lợi ích của giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với doanh nghiệp

  • Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm là minh chứng cho việc doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt các quy định do pháp luật về an toàn thực phẩm quy định. Việc sở hữu Giấy chứng nhận giúp doanh nghiệp tránh được các vi phạm và chế tài xử phạt.
  • Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin cho khách hàng và cộng đồng về chất lượng và sự an toàn của sản phẩm/dịch vụ thực phẩm do doanh nghiệp cung cấp
  • Góp phần vào phát triển một thị trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm phát triển bền vững cả về mặt lợi ích kinh tế lẫn về mặt lợi ích xã hội.
  • Giúp doanh nghiệp kiểm soát và duy trì ổn định, nhất quán về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
  • Là cơ sở để doanh nghiệp thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hay xin giấy phép để thực hiện hoạt động quảng cáo cho thực phẩm.

8. Một số lưu ý quan trọng khi xin giấy chứng nhận an toàn thực phẩm từ Bộ công thương

8.1. Các lỗi thường gặp và cách phòng tránh khi xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ Công Thương

Trong quá trình xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ Công Thương, doanh nghiệp có thể gặp phải một số lỗi như hồ sơ không đầy đủ, quy trình sản xuất không rõ ràng, hoặc không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí an toàn thực phẩm. Để tránh các lỗi này, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng, tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn, và thường xuyên cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm.

8.2. Thời gian xử lý hồ sơ và cách theo dõi tiến độ

Thời gian xử lý hồ sơ xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ Công Thương có thể khác nhau tùy thuộc vào từng cơ sở và mức độ phức tạp của quy trình sản xuất. Doanh nghiệp cần theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ thông qua các kênh liên lạc chính thức của cơ quan chức năng để đảm bảo không bị chậm trễ trong quá trình xin giấy chứng nhận.

8.3. Cách thức và thời gian duy trì, gia hạn giấy chứng nhận

Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm có thời hạn nhất định và cần được gia hạn định kỳ. Doanh nghiệp cần theo dõi thời hạn của giấy chứng nhận và thực hiện quy trình gia hạn đúng quy định. Việc duy trì hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng gia hạn giấy chứng nhận mà không gặp phải trở ngại.

9. Sự cần thiết sử dụng dịch vụ xin giấy chứng nhận an toàn thực phẩm từ Bộ công thương của công ty luật/luật sư

Việc xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ Công Thương là một quá trình quan trọng và phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về quy định pháp luật và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Do đó, sử dụng dịch vụ từ các công ty luật hoặc luật sư chuyên nghiệp không chỉ là một giải pháp tối ưu mà còn là cần thiết để đảm bảo quá trình xin giấy chứng nhận diễn ra suôn sẻ và hiệu quả. Cụ thể như sau:

  • Kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm: Các công ty luật và luật sư chuyên nghiệp có kiến thức sâu rộng về các quy định pháp luật và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Họ có thể giúp doanh nghiệp hiểu rõ những yêu cầu cần thiết và chuẩn bị hồ sơ một cách chính xác. Kinh nghiệm của họ trong việc xử lý các thủ tục pháp lý phức tạp cũng giúp đảm bảo rằng quá trình xin giấy chứng nhận diễn ra thuận lợi.
  • Tiết kiệm thời gian và nguồn lực: Việc tự mình tiến hành thủ tục xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ Công Thương có thể tiêu tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp. Bằng cách sử dụng dịch vụ từ các công ty luật hoặc luật sư, doanh nghiệp có thể tập trung vào hoạt động kinh doanh chính của mình, trong khi các chuyên gia sẽ xử lý các thủ tục pháp lý phức tạp.
  • Đảm bảo tính chính xác và tuân thủ quy định: Các công ty luật và luật sư chuyên nghiệp sẽ đảm bảo rằng hồ sơ xin giấy chứng nhận của doanh nghiệp được chuẩn bị đúng cách và tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật. Họ cũng sẽ giúp doanh nghiệp theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Điều này giúp tăng khả năng được cấp giấy chứng nhận và giảm thiểu nguy cơ bị từ chối.

Kết luận

Việc xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ Công Thương là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về các quy định pháp luật và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Sử dụng dịch vụ từ các công ty luật hoặc luật sư chuyên nghiệp không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và nguồn lực mà còn đảm bảo tính chính xác và tuân thủ đầy đủ các quy định. Đây là một giải pháp tối ưu để doanh nghiệp đạt được mục tiêu an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao uy tín trên thị trường.

Đàm Thị Lộc