Luật sư bào chữa vụ án về tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người

Tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người là là loại tội phạm nguy hiểm nhất, do đó người phạm tội phải chịu mức hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình. Theo quy định của pháp luật thì đối với các tội mà mức hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình thì bắt buộc phải có sự tham gia của luật sư bào chữa cho bị cáo. Đó có thể là luật sư do cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định hoặc là luật sư do bị cáo và gia đình thuê.

Điều đó cho thấy vai trò của luật sư trong các vụ án về tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người là quan trọng. Vậy thì luật sư bào chữa tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người như thế nào ?

1. Thế nào là tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người?

Trước hết, cần biết nhòm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người gồm những tội danh cụ thể gì ? Đó là các tội được quy định tại Chương 2 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, gồm 5 nhóm tội chính:

a. Các tội xâm phạm tính mạng con người:

Các tội xâm phạm tính mạng con người gồm:

  • Tội giết người
  • Tội giết con mới đẻ
  • Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
  • Tội giết người do vựơt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
  • Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ
  • Tội vô ý làm chết người
  • Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
  • Tội bức tử
  • Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát
  • Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
  • Tội đe dọa giết người

b. Các tội xâm phạm sức khoẻ con người:

Các tội xâm phạm sức khoẻ con người chưa gây ra chết người nhưng làm tổn hại sức khoẻ. Đó là các tội:

  • Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
  • Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh 
  • Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
  • Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong khi thi hành công vụ
  • Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
  • Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
  • Tội hành hạ người khác

c. Các tội liên quan tới tình dục:

Luật pháp có những quy định rất chặt chẽ về các tội phạm tình dục, đặc biệt là đối với trẻ em. Các tội này có khung hình phạt khá nghiêm khắc mà một người rất có thể phải chịu hình phạt nếu không hiểu biết pháp luật và không kiểm soát được ham muốn tình dục thái quá. Đó là các tội:

  • tội hiếp dâm
  • tội hiếp dâm trẻ em
  • tội cưỡng dâm
  • tội cưỡng dâm trẻ em
  • tội giao cấu với trẻ em
  • tội dâm ô đối với trẻ em
  • tội lây truyền hiv cho người khác
  • tội cố ý truyền hiv cho người khác

d. Các tội mua bán người:

Các tội mua bán người có đối tượng là nhóm người yếu thế hơn gồm phụ nữ và trẻ em, đó là các tội:

  • tội mua bán phụ nữ
  • tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em

e. Các tội xâm phạm danh dự, nhân phẩm con người:

Các tội này tuy không gây chết người hay thương tích trên cơ thể nhưng gây “thương tích” đối với danh dự, nhân phẩm con người. Hậu quả là nạn nhân chịu những vết thương tâm lý không dễ gì lành được. Đó là các tội:

  • tội làm nhục người khác
  • tội vu khống

2. Đặc điểm của nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người

Hậu quả của các tội phạm là những thiệt hại về thể chất hoặc về tinh thần. Với phần lớn các tội thuộc nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người thì các hậu quả này (thí dụ nạn nhân tử vong hay không, tỷ lệ thương tật thế nào, có giao cấu hay không ….) là căn cứ xác định mức hình phạt.

Do đó, các kết quả giám định của cơ quan chuyên môn như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, giám định… là các tài liệu quan trọng, là căn cứ xác định có hay không việc phạm tội, cũng như các mức hình phạt. Trong các quá trình này, các kiến thức về y học, sinh học, hóa học, vật lý học, tâm lý học, khoa học hình sự về dấu vết, khoa học về vũ khí… là không thể thiếu.

Cần lưu ý là pháp luật quy định cụ thể về biện pháp thực hiện giám định mà nếu vi phạm thì kết quả giám định không có giá trị.

3. Các hướng bào chữa tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người

Khi có căn cứ vững chắc, luật sư có thể bào chữa cho bị cáo tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người theo một trong các hướng không phạm tôi, giảm nhẹ tội hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung:

các hướng bào chữa tội xâm phạm tính mạng
Các hướng bào chữa cho bị cáo trong vụ án tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm con người.

a. Bào chữa tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự THEO HƯỚNG KHÔNG PHẠM TỘI

Khi bào chữa theo hướng này thì luật sư sẽ khai thác các tình tiết vụ án, lời khai của các đương sự và người làm chứng mà có lợi cho thân chủ mình, một cách triệt để:

Bào chữa cho bị cáo nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự DỰA VÀO TÌNH TIẾT VỤ ÁN

Trong loại án này, rất nhiều tội danh mà khoảng cách giữa phạm tội và không phạm tội rất gần nhau. Khi có các tình tiết sau thì luật sư sẽ khai thác để đề nghị Hội đồng xét xử miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo:

  • Không phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi trong sự kiện bất ngờ, căn cứ Điều 11 Bộ luật hình sự 2015:

Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

  • Không phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi để phòng vệ chính đáng, căn cứ Điều 15 Bộ luật hình sự 2015:

Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả  rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.

  • Không phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi trong tình thế cấp thiết, căn cứ hoăc điều Điều 16 Bộ luật hình sự 2015:

Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hành  vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Bào chữa cho bị cáo nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự DỰA VÀO LỜI KHAI

Cũng có những hành vi mà lời khai của người phạm tội có ý nghĩa rất lớn trong việc thu hẹp khoảng cách giữa phạm tội và không phạm tội, thí dụ lời khai về việc có miễn cưỡng hay không khi quan hệ tình dục đối với các tội liên quan.

b. Bào chữa tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự THEO HƯỚNG GIẢM NHẸ

Khi có căn cứ, luật sư có thể bào chữa cho bị cáo theo hướng giảm nhẹ về tội danh hoặc giảm nhẹ về khung hình phạt đối với tội danh bị cáo bị truy tố, cụ thể như sau:

Bào chữa theo hướng chuyển sang tội danh nhẹ hơn

Trong nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người có rất nhiều tội danh có cấu thành tội phạm gần giống nhau. Luật sư sẽ bám sát dấu hiệu cấu thành tội phạm và các vấn đề pháp lý phải thỏa mãn khi xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Nếu có đủ cơ sở đế bào chữa sang tội danh khác nhẹ hơn thì Luật sư phân tích để chỉ ra những sai lầm trong việc xác định tội danh của bản cáo trạng, đồng thời nêu rõ hành vi của khách hàng chỉ cấu thành một tội phạm khác nhẹ hơn. Những trường hợp đề nghị chuyển sang tội danh khác nhẹ hơn thường là:

  • Chuyển từ tội giết người (Điều 123) sang tội cố ý gây thương tích hoặc gây tốn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 134), hoặc sang tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125), hoặc sang tội giết người do vựơt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 126);
  • Chuyển từ tội cố ý gây thương tích hoặc gây tốn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 134) sang tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 135), hoặc sang tội cố ý gây thương tích hoặc gây tốn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 136);
  • Chuyển từ tội hiếp dâm (Điều 141) sang tội cưỡng dâm (Điều 143), hoặc từ tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142) sang tội hiếp dâm (Điều 141);
  • Chuyển từ tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144) sang tội cưỡng dâm (Điều 143).

Bào chữa theo hướng chuyển sang khung hình phạt nhẹ hơn

Luật sư có thể bào chữa theo hướng chuyển sang khung hình phạt nhẹ hơn theo các cách sau (tất nhiên là nếu có đủ căn cứ):

  • Luật sư khai thác, phân tích các tình tiết để chứng minh bị cáo không phạm tội có tổ chức, không có tính chất côn đồ, không có động cơ đê hèn, không phạm tội với nhiều người, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn, không thuê gây thương tích để đề nghị chuyển sang khung hình phạt nhẹ hơn.
  • Luật sư có thể phân tích tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội do bị cáo gây ra ở mức độ ít nghiêm trọng.
  • Về mặt chủ quan của người phạm tội, luật sư làm rõ động cơ, mục đích phạm tội. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp giết người, gây thương tích xuất phát từ mâu thuẫn nghiêm trọng giữa hai bên, bị hại cũng có một phần lỗi hoặc do bị hại xúc phạm bị cáo.
  • Về mặt khách quan của hành vi phạm tội, luật sư phân tích là bị cáo đã có thể gây thương tích đối với các bộ phận trọng yếu của cơ thể (đầu, cổ, ngực, bụng…) nhưng lại chỉ đánh vào chân hoặc tay… Rồi bị cáo có dùng vũ khí nguy hiểm hay không, hay chỉ dùng bất kỳ đồ vật nào vớ được khi xẩy ra xô xát.
  • Về nhân thân của người phạm tội: Luật sư phân tích để cho thấy bị cáo phạm tội một phần do trình độ học vấn thấp, điều kiện kinh tế khó khăn, trong cuộc sống có nhiều bất hạnh hoặc không may mắn.
  • Luật sư phân tích các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
    • phạm tội trong trường họp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
    • phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra
    • người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm
    • người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả
    • phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức
    • người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải…
    • người bị hại có lỗi
    • người bị hại xin giảm nhẹ, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho bị cáo

c. Bào chữa tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự THEO HƯỚNG ĐIỀU TRA BỔ SUNG

Căn cứ Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự năm 20155, Luật sư có thể đề xuất Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp sau:

a) Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;

b) Có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm;

c) Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can;

d) Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

Để có thể yêu cầu Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung, luật sư cần thu thập các chứng cứ để chứng mình các vấn đề cơ bản sau:

  • Có hành vi phạm tội xảy ra hay không? Nếu có thì có thuộc các trường hợp không phải là hành vi phạm tội (phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ,…) hay không ?
  • Ai là người thực hiện hành vi phạm tội?
  • Người phạm tội có lỗi hay không có lỗi khi thực hiện hành vi bị truy tố? Nếu có lỗi thì đó là lỗi cố ý (lỗi cố ý trực tiếp hay lỗi cố ý gián tiếp) hoặc lỗi vô ý (lỗi vô ý do quá tự tin hay lỗi vô ý do cẩu thả) để xác định chính xác các tội danh
  • Mục đích, động cơ phạm tội là gì ? để xác định có áp dụng hay không tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ. Đối với các tội xâm phạm tính mạng, các chứng cứ này là quan trọng do để phân biệt giữa các tội xâm phạm tính mạng với tội cố ý gây thương tích.
  • Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra là gì? để đánh giá tính chất, hậu quả của hành vi phạm tội cũng như đế giải quyết vấn đề dân sự.

Ngoài ra, nếu nhận thấy có vị phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng thì luật sư cũng có thể đề xuất Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

 

Trên đây là phần phân tích về vai trò quan trọng của luật sư trong các vụ án về tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người. Nếu bạn có những thắc mắc cụ thể, chi tiết hoặc mong muốn được làm rõ những điều còn chưa hiểu, hãy nhấc điện thoại để gọi tới Tổng đài tư vấn pháp luật của Công ty Luật Thái An.

4. Dịch vụ thuê luật sư bào chữa tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người của Luật Thái An

Liên quan tới kiện tụng, tố tụng thì các thủ tục thường rất phức tạp. Mặt khác lại có nhiều quy định pháp luật liên quan, tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Do đó, để có thể hiểu đúng về quyền và lợi ích của mình, bạn cần có luật sư. Bạn cũng cần có luật sư để nghiên cứu trường hợp của bạn để đưa ra những nhận định, những hướng xử lý tốt nhất trong suốt quá trình xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm…)

Hơn thế nữa, luật sư sẽ giúp bạn bảo vệ quyền được xét xử công minh, tránh được những oan sai, những bản án không công bằng và bất lợi.

Do vậy, Luật Thái An với đội ngũ luật sư giầu kinh nghiệm, tận tâm và tận tuỵ sẽ là lựa chọn tốt cho khách hàng khi cân nhắc thuê luật sư trong các vụ án dân sự, hành sự, hành chính.

Nguyễn Văn Thanh