Thừa kế không phụ thuộc vào di chúc
“Thừa kế không phụ thuộc vào di chúc” là một khái niệm pháp lý quan trọng trong hệ thống pháp luật. Theo đó, một số quyền lợi thừa kế được đảm bảo cho những người thân cận nhất của người đã mất, bất kể nội dung của di chúc. Điều này thường áp dụng để đảm bảo quyền thừa kế tài sản cho vợ hoặc chồng và con cái của người quá cố. Mục đích của quy định này là để bảo vệ quyền lợi cơ bản của gia đình, đặc biệt là trong trường hợp người để lại di chúc không cân nhắc hoặc loại trừ họ một cách không công bằng.
Chúng ta hãy tìm hiểu sau đây:
1. Thế nào là thừa kế không phụ thuộc vào di chúc ?
Thừa kế không phụ thuộc vào di chúc là việc được hưởng thừa kế mặc dù người chết để lại di chúc và không đề cập tới việc để lại di sản cho một số người thân. Nói cách khác, mặc dù theo như di chúc, người chết truất quyền thừa kế di sản của người thân của mình nhưng người đó vấn được hưởng thừa kế, nếu đáp ứng một số điều kiện theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Việc này không áp dụng với trường hợp người chết không để lại di chúc.
2. Những đối tượng được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc:
Di chúc là sự thể hiện ý chí của người để lại di sản trong việc định đoạt tài sản sau khi chết, pháp luật tôn trọng và bảo vệ ý chí đó. Người để lại di sản có thể chọn cá nhân, pháp nhân bất kỳ được hưởng di sản của mình để lại.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật, người để lại di sản vẫn có nghĩa vụ nhất định với một số đối tượng cụ thể. Do đó, các nhà làm luật đã thêm quy định về người hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc tại Điều 644 Bộ Luật dân sự 2015:
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.
Theo đó, những đối tượng sau được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc của người để lại di sản:
a. Cha, mẹ của người để lại di sản được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc:
Pháp luật không quy định rõ là cha, mẹ đẻ nên trong trường hợp này cha, mẹ được xác định là cả cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi. Cha, mẹ nuôi được xác định là cha, mẹ nuôi hợp pháp theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình, Luật nuôi con nuôi, Bộ luật dân sự và các luật khác liên quan.
Để chứng minh là cha, mẹ đẻ thì cần có giấy khai sinh.
Đối với cha nuôi, mẹ nuôi thì cần có giấy xác nhận việc nhận con nuôi do cơ quan có thẩm quyền cấp. Như vậy, những trường hợp nhận cha nuôi, mẹ nuôi nhưng không làm thủ tục thì không thuộc diện hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc.
b. Vợ, chồng của người để lại di sản được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc:
Vợ/chồng phải là vợ/chồng hợp pháp, có đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc.
c. Con chưa thành niên của người để lại di sản được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc:
Con chưa thành niên là con chưa đủ 18 tuổi. Thời điểm xác định con chưa thành niên được hưởng di sản là thời điểm mở thừa kế.
d. Con thành niên mà không có khả năng lao động của người để lại di sản được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc:
Con thành niên không có khả năng lao động của người để lại di sản: Người được xác định không có khả năng lao động được hiểu là cá nhân vào thời điểm mở thừa kế được Tòa án xác định mắc các bệnh tâm thần hoặc bệnh khác dẫn đến mất khả năng nhận thức, mất khả năng làm chủ hành vi.
3. Điều kiện để được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc:
Những người hưởng di sản thừa kế nói chung, những người hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào di chúc nói riêng phải thỏa mãn những điều kiện sau để được hưởng thừa kế:
- Còn sống vào thời điểm mở thừa kế/ Sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng thành thai trước khi người để lại di sản chết: Theo quy định tại Điều 613 Bộ luật dân sự 2015, điều kiện của cá nhân được hưởng thừa kế là còn sống vào thời điểm thừa kế hoặc đã sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
- Không từ chối hưởng di sản thừa kế: Người này không từ chối nhận di sản thừa kế (Lưu ý: Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản.)
- Không rơi vào trường hợp pháp luật cấm thừa kế: Người này rơi vào một trong những trường hợp không được hưởng di sản quy định tại Điều 621 Bộ luật dân sự 2015, đó là:
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
4. Xác định phần thừa kế được hưởng không phụ thuộc vào di chúc:
Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 quy định phần thừa kế được hưởng của những đối tượng này như sau:
“…được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó…”
Như vậy, những đối tượng hưởng thừa kế không phục thuộc vào di chúc được hưởng tối thiểu là 2/3 của suất thừa kế chia theo pháp luật theo công thức 2/3 x (“Phần di sản được chia” / “Tổng số suất thừa kế“), trong đó:
Phần di sản phân chia
“Phần di sản phân chia” được xác định là phần còn lại sau khi tổng di sản trừ đi các khoản cho việc thờ cúng và các nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều 658 của Bộ luật dân sự 2015, đó là:
-
- Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.
- Tiền cấp dưỡng còn thiếu.
- Chi phí cho việc bảo quản di sản.
- Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.
- Tiền công lao động.
- Tiền bồi thường thiệt hại.
- Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.
- Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.
- Tiền phạt.
- Các chi phí khác.
Tổng số suất thừa kế
“Tổng số suất thừa kế” là tổng số những người thuộc hàng thừa kế được chia di sản theo pháp luật, ngoại trừ những người từ chối quyền hưởng di sản, người không có quyền hưởng di sản.
Có 3 hàng thừa kế được chia di sản theo pháp luật gồm:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
>>> Xem thêm: Chia thừa kế theo pháp luật
5. Luật sư tư vấn thừa kế được hưởng không phụ thuộc vào di chúc:
Một luật sư giỏi không chỉ am hiểu sâu sắc về pháp luật mà còn cần có khả năng giao tiếp và thấu hiểu tâm lý khách hàng. Họ cần phải lắng nghe cẩn thận, phân tích kỹ lưỡng từng tình huống cụ thể và đưa ra lời khuyên chính xác, dựa trên lợi ích và nguyện vọng của khách hàng. Ngoài ra, việc cập nhật liên tục các thay đổi trong luật pháp liên quan đến thừa kế cũng là yếu tố quan trọng để luật sư có thể cung cấp dịch vụ tư vấn chính xác và hiệu quả nhất.
Như vậy, vai trò của luật sư tư vấn thừa kế là rất quan trọng, không chỉ trong việc đảm bảo quyền lợi pháp lý cho khách hàng mà còn giúp giảm thiểu xung đột và hỗ trợ quá trình phân chia tài sản thừa kế diễn ra một cách thuận lợi và công bằng.
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024