Tạm đình chỉ công việc của người lao động sao cho đúng luật ?

Tạm đình chỉ công việc của người lao động là việc cho người lao động tạm ngừng làm việc vì những lý do nhất định. Việc tạm đình chỉ việc làm của người sử dụng lao động không được tùy tiện mà phải tuân theo quy định của pháp luật. Để cùng bạn đọc tìm hiểu về các quy định đó là gì, Công ty Luật Thái An với đội ngũ luật sư lao động, sẽ tư vấn về quyền lợi khi tạm đình chỉ công việc của người lao động trong bài viết dưới đây.


1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định tạm đình chỉ công việc của người lao động

Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định tạm đình chỉ công việc của người lao động là các văn bản pháp luật sau đây:

2. Khi nào tạm đình chỉ công việc của người lao động ?

Điều 128 Bộ Luật Lao động 2019, tạm đình chỉ công việc được coi là hình thức tạm ngưng công việc của người lao động sau khi người lao động có hành vi vi phạm với những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây cản trở, khó khăn cho việc xác minh.

Các vi phạm của người lao động có thể là vi phạm các quy định tại Bộ Luật lao động và văn bản hướng dẫn, vi phạm nội quy lao động đã được công bố và đăng ký.

3. Trình tự tạm đình chỉ công việc của người lao động

Ngoài ra, việc tạm đình chỉ công việc không thể diễn ra theo tự ý của người sử dụng lao động.

Cũng theo Điều 128 Bộ Luật Lao động 2019, việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.

Việc trao đổi bằng văn bản hoặc thông qua trao đổi trực tiếp giữa đại diện tham gia đối thoại của bên người sử dụng lao động và đại diện đối thoại của tổ chức đại diện người lao động, theo khoản 2 điều 41 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Trường hợp không có tổ chức đại diện lao động do số lượng lao động ít thì căn cứ để người sử dụng lao động tạm đình chỉ công việc của người lao động là dựa trên thoả thuận trong hợp đồng lao động hoặc trong nội quy lao động đã công bố sử dụng tại nơi làm việc.

4. Thời gian tạm đình chỉ công việc của người lao động

Khoản 2 Điều 128 Bộ Luật Lao động 2019 giới hạn thời gian tạm đình chỉ công việc đối với người lao động không được vượt quá 15 ngày. Trong các trường hợp đặc biệt như đối với các trường hợp liên quan đến tài chính, tài sản, bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì cũng không được vượt quá 90 ngày.

Đối với việc tạm đình chỉ công việc mà sau đó kết luận là người lao động không vi pham thì mặc dù thời gian này người lao động không làm việc những vẫn được tính vào tổng thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, tính số ngày nghỉ hàng năm của người lao động (theo quy định tại điều 8 và điều 73 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Thời gian tạm đình chỉ công việc thông thường không quá 15 ngày
Thời gian tạm đình chỉ công việc thông thường không quá 15 ngày – Nguồn ảnh minh họa: Internet

5. Quyền lợi người lao động khi bị tạm đình chỉ công việc

Để bảo vệ quyền lợi người lao động, Bộ Luật Lao động 2019 đã quy định một số quyền của người lao động trong khoảng thời gian bị tạm đình chỉ công việc, không được đi làm, không có tiền lương để đảm bảo cho cuộc sống, cụ thể:

  • Trước khi bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng trước 50% tiền lương.
  • Sau khi hết thời gian đình chỉ, dù bị xử lý kỷ luật cũng sẽ không phải trả tiền lương đã tạm ứng. Như vậy là trong mọi trường hợp, người lao động được hưởng ít nhất là 50% số lương theo hợp đồng lao động.
  • Sau quá trình điều tra xem xét, người lao động không bị xử lý kỉ luật thì người sử dụng lao động phải trả đủ khoản tiền lương cho người lao động trong thời gian tạm đình chỉ công việc.
  • Người sử dụng lao động phải nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời gian đình chỉ.
  • Trường hợp người lao động không thoả mãn với quyết định tạm đình chỉ công việc thì có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, hoặc làm đơn gửi Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, hoặc tiến hành yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Tiền lương làm căn cứ tạm ứng là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề khi người lao động bị tạm đình chỉ và sẽ được tính tương ứng với các hình thức trả lương quy định tại Khoản 1 điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

6. Người lao động khi bị tạm đình chỉ công việc có quyền khiếu nại không ?

Người bị tạm đình chỉ công việc nếu thấy không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực lao động hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

>>> Xem thêm:

Tổng hợp các quy định về khiếu nại bạn cần biết !

Khởi kiện vụ án lao động: Thời hiệu, thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục …

 

Trên đây là phần tư vấn về vấn đề quyền lợi khi tạm đình chỉ công việc của người lao độngXin lưu ý là sau thời điểm chúng tôi viết bài này, các quy định của pháp luật có thể thay đổi. Hãy gọi tới TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT để được hỗ trợ kịp thời!

Nguyễn Văn Thanh