Công việc của luật sư trong tố tụng dân sự

Công việc của luật sư trong tố tụng dân sự kéo dài từ khi khởi kiện, thụ lý vụ án, hoà giải, xét xử. Quá trình này đòi hỏi luật sư phải am hiểu pháp luật, có kỹ năng hành nghề điêu luyện, sức khoẻ để đi công tác, tham dự các phiên làm việc căng thảng, sự kiên nhẫn và bền bỉ rất lớn. Bạn hãy đọc bài viết sau đây để hiểu về Công việc của luật sư trong tố tụng dân sự:

1. Công việc của luật sư khi khởi kiện vụ án

a. Công việc của luật sư khi nghiên cứu hồ sơ

Nghiên cứu hồ sơ vụ án là phần việc cực kỳ quan trọng trong quá trình luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ. Hồ sơ vụ án có thể dầy hàng trăm trang, có khi nhiều hơn phải dùng xe tải để chở.

Nghiên cứu hồ sơ vụ án do nguyên đơn cung cấp

Đầu tiên, luật sư sẽ nghiên cứu đơn khởi kiện. Đây là một tài liệu hết sức quan trọng cần nghiên cứu kỹ do trong đơn khởi kiện, người khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết những nội dung gì thì Toà án chỉ xem xét, giải quyết những nội dung đó. Đi kèm theo đơn khởi kiện là các văn bản thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện. Việc này là quan trọng đối với cả luật sư bảo vệ nguyên đơn lẫn bị đơn, bởi các lý do sau:

  • Đối với luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn: khi nghiên cứu đơn khởi kiện của khách hàng sẽ có thể đánh giá các yêu cầu khởi kiện đã thực sự đầy đủ và hợp lý hay chưa, từ đó có tư vấn phù hợp cho khách hàng thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của mình.
  • Đối với luật sư bảo vệ bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: nghiên cứu đơn khởi kiện của nguyên đơn sẽ cho luật sư hiểu rõ được khách hàng của mình đang phải đối diện với những vấn đề pháp lý nào.

Sau khi nắm rõ được yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, luật sư nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ mà nguyên đơn đưa ra để chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ. Qua những tài liệu, chứng cứ này, luật sư xác định yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn có căn cứ hay không hoặc tìm những điểm bất hợp lý để đưa ra ý kiến phản bác yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Nghiên cứu hồ sơ vụ án do bị đơn cung cấp

Bị đơn có quyền đưa ra các ý kiến phản bác, yêu cầu phản tố đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đồng thời còn có thể đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Dù là luật sư bảo vệ cho bên nào thì việc nghiên cứu hồ sơ vụ án đều rất quan trọng:

Nếu là luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn hoặc cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án do bị đơn cung cấp giúp xác định phạm vi yêu cầu của bị đơn, xác định những tài liệu, chứng cứ cần thu thập bổ sung, những nội dung cần phải điều chỉnh trong phương án bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình.

Nếu là luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị đơn hoặc cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì khi nghiên cứu hồ sơ vụ án do nguyên đơn cung cấp, đối chiếu với kết quả nghiên cứu hồ sơ của nguyên đơn và các hồ sơ khác có trong vụ án, luật sư sẽ có sự nhận diện chính xác hơn, điều chỉnh phương án bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình.

Nghiên cứu hồ sơ vụ án do người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cung cấp

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia vụ án dân sự theo quyết định của Tòa án. Tòa án cũng có thể tự mình xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trên cơ sở những tài liệu, chứng cứ và tình tiết của vụ án. Mối liên quan này thể hiện ở những điểm sau:

  • Liên quan theo quyền lợi của nguyên đơn
  • Liên quan theo quyền lợi của bị đơn
  • Người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập
nghiên cứu hồ sơ vụ án
Nghiên cứu hồ sơ vụ án gồm các nguồn tài liệu sau – ảnh: Luật Thái An

Nghiên cứu hồ sơ vụ án do Toà án thu thập

Tài liệu, chứng cứ do Tòa án thu thập là vô cùng quan trọng, đó có thể là:

  • Lời khai của đương sự
  • Lời khai của người làm chứng
  • Kết luận giám định
  • Biên bản định giá
  • Vật chứng
  • Tài liệu mà đương sự đang nắm giữ, cơ quan, tổ chức khác đang quản lý

Nghiên cứu hồ sơ vụ án là các quyết định của Toà án

Trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, Tòa án sẽ ban hành các quyết định tố tụng cần thiết. Đó là những văn bản về:

  • Thụ lý vụ án;
  • Thu thập, xác minh chứng cứ;
  • Áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khấn cấp tạm thời;
  • Tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải;
  • Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án
  • Tiếp tục đưa vụ án ra giải quyết
  • Biên bản lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;
  • Biên bản đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng;
  • Văn bản về trưng cầu giám định, định giá tài sản, xem xét, thấm định tại chỗ; ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ;

b. Công việc của luật sư khi soạn đơn khởi kiện

Các vụ án dân sự thường phức tạp do trong vụ án có nhiều quan hệ pháp luật đan xen như quan hệ hợp đồng, đất đai, nhà ở, thừa kế… Ngoài ra còn có quan hệ pháp luật ráp gianh giữa dân sự với hình sự, dân sự với kinh doanh thương mại, dân sự với lao động, dân sự với hôn nhân gia đình. Do vậy việc thu thập đầy đủ thông tin, giấy tờ cần thiết của vụ việc là quan trọng để xác định chính xác phạm vi công việc, từ đó xác định thù lao của luật sư.

Luật sư tư vấn khởi kiện vụ án: Luật sư xác định điều kiện khởi kiện vụ án là cực kỳ quan trọng ở giai đoạn này, đó là các điều kiện về:

  • Chủ thể khởi kiện: Khách hàng có quyền khởi kiện hay không ?
  • Thời hiệu khởi kiện: Còn thời gian để khởi kiện hay đã hết thời hiệu?
  • Thẩm quyền giải quyết tranh chấp: Toà án hay Trọng tài hay một cơ quan nào khác trong bộ máy hành chính của Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp ?

Luât sư soạn thảo hồ sơ khởi kiện vụ án: Đơn khởi kiện cùng các tài liệu đính kèm là tài liệu cực kỳ quan trọng. Nếu hồ sơ khởi kiện không đầy đủ thì Toà án có thể không chấp nhận và/hoặc yêu cầu bổ sung, dẫn đến việc khởi kiện thất bại hoặc kéo dài.

Thuê luật sư khởi kiện
Khi thuê luật sư khởi kiện vụ án, bạn được tư vấn, hỗ trợ trong suốt quá trình tố tụng dân sự. – ảnh minh hoạ: Luật Thái An

c. Công việc của luật sư khi nộp đơn khởi kiện

Sau khi soạn đơn khởi kiện cùng các bằng chứng, tài liệu đính kèm thì việc tiếp theo là nộp đơn khởi kiện tới Toà án nhân dân có thẩm quyền. Việc nộp đơn khởi kiện sao cho đúng và xử lý các tình huống Toà án trả lại đơn khởi kiện hoặc chuyển đơn khởi kiện cũng là việc quan trọng ảnh hưởng tới thành công của việc khởi kiện.

Không phải ai cũng có thể nôp đơn khởi kiện. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định người nộp đơn khởi kiện có thể là người khởi kiện hoặc luật sư. Nngoài luật sư, người khởi kiện không được uỷ quyền cho ai khác làm việc này.

Luật sư sẽ lựa chọn một trong các cách sau để nộp đơn khởi kiện (hồ sơ khởi kiện)

  • nộp đơn khởi kiện (hồ sơ khởi kiện) trực tiếp tại Tòa án;
  • nộp đơn khởi kiện (hồ sơ khởi kiện) qua đường dịch vụ bưu chính
  • nộp đơn khởi kiện (hồ sơ khởi kiện) trực tuyến bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có)

Luật sư sẽ bảo đảm rằng khi nộp đơn khởi kiện tại Toà, sẽ được cấp giấy xác nhận đã nhận đơn khởi kiện (nếu nộp trực tiếp) hoặc giấy báo xác nhận đã nhận đơn khởi kiện của Toà án (nếu nộp qua đường bưu điện).

phương thức nộp đơn khởi kiện
3 phương thức nộp đơn khởi kiện là gì ? – ảnh: Luật Thái An

Trả lại đơn khởi kiện thực chất là việc Tòa án từ chối thụ lý yêu cầu của người khởi kiện, không giải quyết tranh chấp.  Khi đó luật sư có thể khiếu nại, kiến nghị bằng cách gửi đơn khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện.

Nếu Thẩm phán ra quyết định giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán, người khởi kiện có quyền tiếp tục khiếu nại tới Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp xem xét, giải quyết. Đây là việc thực hiện quyền khiếu nại lần hai và thời hạn thực hiện quyền này là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị lần một.

Nếu Chánh án Toà án quyết định giữ nguyên việc trả lại đơn thì đương sự, Viện kiểm sát có quyền tiếp tục khiếu nại, kiến nghị lên Chánh án Tòa án cấp cao (đối với quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Tòa án cấp tỉnh) hoặc Chánh án Tòa án tối cao (đối với quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Tòa án cấp cao).

Toà án có thể chuyển đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Tòa án khác có thẩm quyền giải quyết khi người khởi kiện có đủ điều kiện khởi kiện, nhưng tranh chấp đó thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác (theo cấp, theo lãnh thổ).

Nếu thấy việc Tòa án đã nhận đơn khởi kiện chuyến đơn khởi kiện đến Tòa án khác không đúng quy định của pháp luật về thấm quyền theo cấp hoặc theo lãnh thổ dẫn đến khó khăn khi tham gia tố tụng, thì bạn có thể khiếu nại về việc chuyển đơn khởi kiện trong thời hạn 03 ngày làm việc.

Quyết định giải quyết khiếu nại về việc chuyển đơn khởi kiện của Chánh án Tòa án đã ra quyết định chuyển đơn khởi kiện là quyết định cuối cùng.

toa xu ly sau khi nop don khoi kien
Sau khi nộp đơn khởi kiện, Toà án có 3 phương án xử lý. – ảnh: Luật Thái An

2. Công việc của luật sư tại phiên hoà giải vụ án

a. Phiên hoà giải tại Toà

Nhiều người nghĩ là một khi đã khởi kiện thì các bên sẽ “chiến đầu” với nhau một mất một còn, và chỉ có người thắng kẻ bại. Nhưng không phải như vậy. Luật pháp luôn khuyến khích các bên hoà giải.

Sau khi Toà án thụ lý vụ án, “Toà án tiến hành hoà giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được”, căn cứ Điều 205 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

Trong hòa giải trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, Toà án chủ yếu mong muốn các đương sự thỏa thuận được với nhau về các quyền và nghĩa vụ của họ trong vụ án, trên cơ sở đó Toà án có thể ra được quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, tiết kiệm được thời gian và giúp các đương sự sớm hàn gắn được những bất đồng.

Tại phiên này cũng tiến hành việc kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, cho nên tên chính thức của phiên này theo quy định của pháp luật là “phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”

Mục đích sử dụng chứng cứ trong giai đoạn hòa giải không phải để đấu tranh mà mục đích để thuyết phục đối phương hiểu rằng, cần thiết phải thỏa thuận và nhượng bộ nhau đế giải quyết nhanh chóng và dứt điểm tranh chấp mà không cần đưa ra xét xử.

Sự tham gia của Luật sư tại phiên hoà giải tại Toà án
Sự tham gia của Luật sư tại phiên hoà giải tại Toà án là rất quan trọng. – ảnh: Luật Thái An

b. Công việc của luật sư tại phiên hoà giải vụ án

Luật sư có quyền tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải với một trong hai tư cách:

  • người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự: luật sư sẽ tư vấn, hỗ trợ cho thân chủ trong quá trình phiên họp để thân chủ ứng xử một cách có lợi nhất
  • người được đương sự uỷ quyền: thay mặt cho thân chủ thực hiện một số hoạt động trong phạm vi được uỷ quyền (phát biểu ý kiến, quan điểm, nộp chứng cứ, sao chụp chứng cứ, thậm chí là đưa ra quyết định)

Do am hiểu pháp luật, do đã nghiên cứu hồ sơ và có hướng bảo vệ quyền lợi cho thân chủ mà sự có mặt của luật sư tại phiên hoà giải này là rất quan trọng, ảnh hưởng tới kết quả của vụ án.

Công việc của luật sư tại phiên hoà giải với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng

Trong khi tham dự phiên hòa giải, luật sư bất cứ lúc nào cũng có thế tư vấn cho thân chủ để họ đưa ra được những yêu cầu hoặc nhượng bộ đúng pháp luật. Đương sự không nên tự mình quyết định mà không hỏi ý kiến của luật sư, vì một sơ sẩy sẽ đưa đến hậu quả pháp lý khó lường.

Kể cả khi khách hàng có thể không đồng ý với phương án xử lý của luật sư thì cũng phải tham vấn ý kiến luật sư: Luật sư trình bày kỹ các lý lẽ, quan điểm, các phương án của mình cùng với việc phân tích những lợi thế và bất lợi của các phương án để khách hàng xem xét.

Công việc của luật sư tại phiên hoà giải với tư cách người được khách hàng uỷ quyền

Khi được ủy quyền thì Luật sư được thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong phạm vi được ủy quyền để bảo vệ quyền và lợi ích họp pháp cho khách hàng. Tuy nhiên đối với những điểm mới phát sinh trong quá trình hòa giải mà Luật sư và khách hàng chưa thống nhất với nhau thì trước khi quyết định thì Luật sư trao đổi qua với khách hàng.

Với hiểu biết pháp luật, với kinh nghiệm hành nghề và với kỹ năng mềm riêng có, luật sư sẽ tạo không khí thân thiện, nhượng bộ nhưng cương quyết và đều khẳng định tính đúng đắn, tính thuyết phục của các yêu cầu hay phản bác mà mình đưa ra.

Quá trình tham gia hòa giải, Luật sư khuyến khích cho các bên xác định một cách rõ ràng mục đích và yêu cầu hòa giải đế có những hành động và ứng xử thiện ý. Những phân tích đánh giá về các yêu cầu dựa trên các thông tin xác thực liên quan đến việc đưa ra các thỏa thuận. Các bên cần đặt vị trí của mình vào địa vị của người khác trong việc chuẩn bị đưa ra các quyết định, từ đó tìm được sự đồng thuận, giảm thiểu rủi ro và xung đột trong quá trình hòa giải.

Khởi kiện tại Tòa án là một phương thức được các cá nhân hay tổ chức thường sử dụng nhằm để giải quyết các tranh chấp. Theo đó, Luật sư có một vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của đương sự tại phiên tòa. Vậy công việc của Luật sư tại phiên tòa dân sự sơ thẩm là gì? Hãy cũng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Công ty Luật Thái An.

3. Công việc của luật sư tại phiên xét xử sơ thẩm

Phiên tòa là hình thức hoạt động xét xử của Tòa án. Tùy theo tính chất của thủ tục xét xử mà có phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm.

Có thể hiểu, phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự là phiên xét xử vụ án dân sự lần đầu của Tòa án, hay còn được coi là cấp xét xử thứ nhất. Tất cả các vụ án nếu đã phải đưa ra xét xử thì đều phải qua cấp xét xử này.

a. Công việc của Luật sư khi bắt đầu phiên tòa

Trong phần thủ tục bắt đầu phiên toà, Luật sư hỗ trợ, tư vấn đương sự là khách hàng của mình thực hiện kịp thời, phù hợp, đúng pháp luật và linh hoạt nhất các quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ nhằm bảo đảm cho hoạt động tố tụng đúng pháp luật và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tùy trường hợp, tình huống cụ thể mà một số công việc của Luật sư tại phiên tòa dân sự sơ thẩm trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa như sau:

  • Thay mặt đương sự yêu cầu thay đối người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch khi đáp ứng các điều kiện luật định (theo Khoản 4 Điều 76 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015)
  • Đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng (theo Khoản 6 Điều 76 Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015)
  • Đề nghị Toà án tạm đình chỉ giải quyết vụ án (theo Khoản 6 Điều 76 Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015)
  • Đề nghị hoặc có ý kiến về việc hoãn phiên toà sơ thẩm
  • Hỗ trợ, tư vấn đương sự thực hiện thoả thuận tại phiên toà sơ thấm và đề xuất việc công nhận sự thoả thuận của đương sự tại phiên toà sơ thẩm
Công việc của Luật sư tại phiên tòa dân sự sơ thẩm trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa
Công việc của Luật sư tại phiên tòa dân sự sơ thẩm trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa – Nguồn: Luật Thái An

b. Công việc của Luật sư trong phần tranh tụng

Tranh tụng tại phiên toà bao gồm việc trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án dân sự, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của các đương sự trong vụ án. Một số công việc cụ thể của Luật sư tại phiên tòa dân sự sơ thẩm ở giai đoạn tranh tụng như sau:

Để thực hiện phần tranh tụng thì trước khi mở phiên toà, Luật sư trao đổi thống nhất, chuẩn bị trước nội dung trình bày phần yêu cầu của đương sự, đảm bảo trình bày được đầy đủ, đúng mong muốn:

  • Trường hợp là Luật sư của nguyên đơn thì Luật sư trình bày về yêu cầu khởi kiện và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ và hợp pháp.
  • Trường hợp là Luật sư của bị đơn thì Luật sư trình bày ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; yêu cầu phản tố, đề nghị của bị đơn và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp.
  • Trường hợp là Luật sư của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Luật sư sẽ trình bày ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với yêu cầu, đề nghị của nguyên đơn, bị đơn; yêu cầu độc lập, đề nghị của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị đó là có căn cứ và họp pháp.

Sau khi được chủ tọa phiên toà đồng ý Luật sư được quyền đặt câu hỏi với người làm chứng và chỉ được hỏi thêm về những vấn đề họ trình bày chưa rõ, chưa đầy đủ, có mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn với lời khai của họ trước đó hoặc mâu thuẫn với lời trình bày của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Tại phiên toà sơ thẩm dân sự, Luật sư tư vấn, hỗ trợ khách hàng cách thức, nội dung để trả lời cho các câu hỏi của những chủ thể khác đặt ra. Trường hợp cần thiết phải tư vấn cho đương sự từ chối trả lời hoặc có thái độ đúng mực phản đối cách hỏi, nội dung hỏi đi xa các vấn đề tranh chấp….

Việc tranh luận tại phiên tòa là công việc chủ yếu và có vai trò quan trọng của Luật sư tại phiên tòa dân sự sơ thẩm. Khi phát biểu về đánh giá chứng cứ, đề xuất quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án, Luật sư sẽ tranh luận căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và đã được xem xét, kiểm tra tại phiên toà cũng như kết quả hỏi tại phiên toà.

Sau khi trình bày bản luận cứ, Luật sư có quyền đối đáp với Luật sư đồng nghiệp bảo vệ lợi ích cho các đương sự khác.

Luật sư tranh tụng tại toà
Công việc của luật sư tại phiên toà dân sự sơ thẩm – ảnh: Luật Thái An

c. Công việc của Luật sư sau phiên tòa sơ thẩm

Phiên xét xử sơ thấm chấm dứt nhưng công việc của luật sư vẫn còn rất nhiều, đó là:

  • Thứ nhất, ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Luật sư và những người tham gia tố tụng khác được xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa và ký xác nhận.
  • Thứ hai, Luật sư sẽ chủ động liên hệ và đề nghị với Tòa án để được cấp trích lục bản án bởi theo Điều 269 Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự, cơ quan, tố chức, cá nhân khởi kiện được Tòa án cấp trích lục bản án; trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án thì Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiếm sát cùng cấp.
  • Thứ ba, khi nhận thấy việc tuyên án không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm mà khách hàng cần kháng cáo thì Luật sư có thể chủ động giúp khách hàng làm đơn kháng cáo.
  • Thứ tư, trường hợp có kháng nghị đối với bản án sơ thẩm, Luật sư cũng cần chú ý trao đổi để khách hàng biết nội dung kháng nghị vấn đề gì, lý do và căn cứ kháng nghị để từ đó chủ động khai thác các nội dung có lợi cho khách hàng tại Tòa án cấp phúc thẩm hoặc phải thu thập chứng cứ để tìm cách loại bỏ quan điểm kháng nghị.
  • Thứ năm, trong trường họp bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì Luật sư sẽ trao đổi, hướng dẫn khách hàng thủ tục yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự để bảo đảm cho bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật được thực thi.
Công việc của luật sư sau phiên toà sơ thẩm
Công việc của luật sư sau phiên toà sơ thẩm – ảnh: Luật Thái An

4. Công việc của luật sư khi hỗ trợ khách hàng kháng cáo bản án

Luật sư với tư cách người đại diện do đương sự ủy quyền hoặc với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự sẽ tư vấn và trợ giúp cho đương sự kháng cáo. Theo đó, Luật sư sẽ trao đổi với khách hàng về nội dung vụ án để khách hàng nhận thấy những điểm bất lợi hoặc lợi ích khi kháng cáo hoặc không kháng cáo để khách hàng quyết định có kháng cáo hay không?

Luật sư sẽ phân tích, hướng dẫn cho khách hàng về các nội dung sau:

  • Xác định các điều kiện kháng cáo (chủ thể có quyền kháng cáo, người thực hiện quyền kháng cáo, xác định thời hạn kháng cáo (theo Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015), xác định phạm vi kháng cáo phúc thẩm
  • Xác định nội dung kháng cáo
  • Chuẩn bị hồ sơ kháng cáo
  • Hướng dẫn khách hàng thực hiện việc kháng cáo, nộp tiền án phí
Công việc của Luật sư trước phiên tòa dân sự phúc thẩm
Công việc của Luật sư trước phiên tòa dân sự phúc thẩm – Nguồn: Luật Thái An

5. Công việc của luật sư giai đoạn phúc thẩm

Phúc thẩm trong dân sự là xét lại vụ án, quyết định được Tòa án cấp dưới xét xử sơ thẩm nhưng chưa có hiệu lực pháp luật mà bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Theo đó, có thể hiểu, phiên tòa dân sự phúc thẩm là phiên tòa xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới xét xử nhưng chưa có hiệu lực pháp luật mà bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

a. Công việc của Luật sư để chuẩn bị tham gia phiên tòa phúc thẩm

Chuẩn bị tham gia phiên tòa phúc thẩm được tính từ khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án đến khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong giai đoạn này, Luật sư nghiên cứu hồ sơ, giúp các đương sự đạt được thỏa thuận và thực hiện các công việc khác như sau:

  • Đề xuất với Tòa án một số vấn đề như: Được nghiên cứu hồ sơ vụ án; Đề nghị Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khãn cấp tạm thời; Đề nghị Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ xét xử phúc thẩm; Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác; Đề nghị Tòa án thu thập thêm chứng cứ…
  • Thu thập và cung cấp các chứng cứ mới cho Tòa án: Trường hợp Luật sư là người đại diện do đương sự kháng cáo ủy quyền hoặc là người bảo vệ quyền lợi cho đương sự kháng cáo thì Luật sư sẽ chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho kháng cáo là có căn cứ và hợp pháp.

Trường hợp Luật sư là người đại diện do người không kháng cáo ủy quyền hoặc là người bảo vệ quyền lợi cho người không kháng cáo thì Luật sư sẽ chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng mình.

  • Tư vấn khách hàng thực hiện các quyền rút đơn khởi kiện, rút kháng cáo, thay đối, bổ sung kháng cáo và thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.
  • Xây dựng phương án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, chuẩn bị bản luận cứ để thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm.

b. Công việc của Luật sư tại phiên toà phúc thẩm

Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Luật sư tại phiên tòa dân sự phúc thẩm với tư cách người đại diện theo ủy quyền hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì có thể thực hiện các công việc sau:

  • Yêu cầu hoãn phiên tòa phúc thẩm hoặc phản đối quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm.
  • Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng.
  • Đề xuất với Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ xét xử phúc thẩm.
  • Tư vấn cho khách hàng quyết định việc rút đơn khởi kiện, rút, thay đối, bổ sung kháng cáo, thỏa thuận về việc giải quyêt vụ án.

Thủ tục tranh tụng là phần quan trọng trong phiên tòa phúc thẩm bởi tất cả các yêu cầu kháng cáo, kháng nghị, các chứng cứ tài liệu chứng minh cho việc kháng cáo, kháng nghị sẽ được xem xét, phân tích, đánh giá. Vậy nên Luật sư tại phiên tòa dân sự phúc thẩm cần tập trung cao độ để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình. Một số công việc của Luật sư tại phiên tòa phúc thẩm dân sự khi tham gia thủ tục tranh tụng tại phiên tòa như sau:

  • Luật sư tại phiên tòa dân sự phúc thẩm tham gia thủ tục trình bày:
    • Với trường hợp Luật sư là người đại diện theo ủy quyền hoặc là người bảo vệ quyền lợi cho đương sự kháng cáo thì Luật sư trình bày nội dung kháng cáo, căn cứ kháng cáo. Luật sư nên trình bày từng nội dung kháng cáo và nêu căn cứ cho việc kháng cáo đó dựa trên chứng cứ, căn cứ pháp lý và các lý lẽ và lập luận.
    • Trong trường hợp Luật sư là người đại diện theo ủy quyền hoặc là người bảo vệ quyền lợi cho đương sự không kháng cáo thì Luật sư chuẩn bị những ý kiến sẽ trình bày liên quan đến nội dung kháng cáo hoặc kháng nghị.
  •  Luật sư tại phiên tòa dân sự phúc thẩm tham gia thủ tục hỏi:
    • Luật sư là đưa ra các câu hỏi để đương sự trả lời và ghi chép lại các câu trả lời chứ không bình luận, đánh giá về những vấn đề mà đương sự đã trả lời.
    • Đối với khách hàng của mình thì đặt câu hỏi mà trước đó Luật sư đã có sự trao đổi với khách hàng, tránh tình trạng đặt câu hỏi khó cho khách hàng của mình dẫn đến việc khách hàng trả lời theo hướng bất lợi cho chính họ.
  • Luật sư tại phiên tòa dân sự phúc thẩm tham gia thủ tục tranh luận: Ở phần tranh luận, Luật sư sẽ đưa ra quan điểm của mình trước Hội đồng xét xử. Trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì Luật sư có quyền phát biểu ý kiến về tính hợp pháp và tính có căn cứ của kháng nghị. Sau khi trình bầy bản luận cứ thì luật sư sẽ gửi tới Hội đồng xét xử văn bản đó cùng các chứng cứ, tài liệu, văn bản pháp luật làm căn cứ cho lập luận trong bản luận cứ.

c. Công việc của Luật sư tại phiên tòa dân sự phúc thẩm ở giai đoạn SAU phiên toà phúc thẩm

Theo quy định tại Điều 315 BLTTDS năm 2015 thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự có thấm quyền, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

Công việc của Luật sư tại phiên tòa dân sự phúc thẩm ở giai đoạn sau phiên toà phúc thẩm
Công việc của Luật sư tại phiên tòa dân sự phúc thẩm ở giai đoạn sau phiên toà phúc thẩm – Nguồn: Luật Thái An

Do đó, Luật sư cần chủ động đề nghị Hội đồng xét xử cấp cho khách hàng của mình bản án phúc thẩm trong thời hạn mà pháp luật quy định.

  • Trong trường hợp thấy bản án phúc thẩm không phù hợp với quy định của pháp luật thì luật sư tư vấn, hướng dẫn khiếu nại đến những người có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
  • Nếu khách hàng đồng ý với bản án phúc thẩm thì Luật sư có thể hướng dẫn đương sự các thủ tục để yêu cầu thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

6. Công việc của luật sư giai đoạn thi hành án

Khi bản án có hiệu lực pháp luật thì các bên có nghĩa vụ thực hiện. Trường hợp một bên không tự nguyện thi hành hán thì bên kia có quyền yêu cầu cưỡng chế thi hành án. Giai đoạn thi hành án dân sự cũng có thể hiểu là giai đoạn tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại, các quyết định của cơ quan có thẩm quyền khác. Luật sư tư vấn cho khách hàng các bước thi hành án cũng như đại diện cho khách hàng làm việc với cơ quan thi hành án để cưỡng chế thực thi bản án có hiệu lực.

>>> Xem thêm: Thi hành án dân sự

 

Liên quan tới kiện tụng, tố tụng thì các thủ tục thường rất phức tạp. Mặt khác lại có nhiều quy định pháp luật liên quan, tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Do đó, để có thể hiểu đúng về quyền và lợi ích của mình, bạn cần có luật sư. Bạn cũng cần có luật sư để nghiên cứu trường hợp của bạn để đưa ra những nhận định, những hướng xử lý tốt nhất trong suốt quá trình xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm…)

Hơn thế nữa, luật sư sẽ giúp bạn bảo vệ quyền được xét xử công minh, tránh được những oan sai, những bản án không công bằng và bất lợi.

Do vậy, Luật Thái An với đội ngũ luật sư giầu kinh nghiệm, tận tâm và tận tuỵ sẽ là lựa chọn tốt cho khách hàng khi cân nhắc thuê luật sư trong các vụ án dân sự, hành sự, hành chính. Chi tiết có tại: Bảng giá thuê luật sư khởi kiện vụ án.

Nguyễn Văn Thanh