Kháng nghị giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự

Kháng nghị giám đốc thẩm là một thủ tục tố tụng quan trọng giúp kiểm soát hoạt động áp dụng pháp luật của Tòa án, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người dân trong quá trình giải quyết vụ án. Dưới đây là những điều cần biết về kháng nghị giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự.

1. Kháng nghị giám đốc thẩm là gì?

Kháng nghị giám đốc thẩm là việc Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao đề nghị xét xử lại vụ án do không đồng ý với bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Chi tiết về ai có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm trong các trường hợp cụ thể, có tại phần sau của bài viết này.

Kháng nghị giám đốc thẩm là điều kiện tiên quyết để thực hiện thủ tục xét xử giám đốc thẩm, chi tiết có tại bài viết sau:

Thủ tục xét xử giám đốc thẩm vụ án dân sự như thế nào?

2. Căn cứ, điều kiện để kháng nghị giám đốc thẩm

Tại Điều 326 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định việc kháng nghị giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

  • Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
  • Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
  • Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

Điều kiện để người có thẩm quyền kháng nghị kháng nghị giám đốc thẩm đó là:

  • Có một trong các căn cứ nêu trên
  • Có Đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm
  • Hoặc có thông báo kiến nghị trong trường hợp hát hiện bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm

Lưu ý: Đối với trường hợp xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì không cần phải có đơn đề nghị.

2. Đơn đề nghị xem xét bản án đã có hiệu lực pháp luật phải bao gồm những gì?

Căn cứ theo Điều 328 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, quy định đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm phải có các nội dung chính sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn đề nghị;
  • Tên, địa chỉ của người đề nghị;
  • Tên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm;
  • Lý do đề nghị, yêu cầu của người đề nghị;
  • Người đề nghị là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người đề nghị là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức đề nghị là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Kèm theo đơn đề nghị, người đề nghị phải gửi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Đơn đề nghị và tài liệu, chứng cứ được gửi cho người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm.

3. Ai có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm?

Theo quy định tại Điều 331 thì người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm là:

  • Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Toà án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
  • Chánh án Toà án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Toà án nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Người đã kháng nghị giám đốc thẩm có quyền:

  • Thay đổi, bổ sung kháng nghị giám đốc thẩm nếu chưa hết thời hạn kháng nghị. Việc thay đổi, bổ sung phải được thực hiện bằng quyết định.
  • Rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị giám đốc thẩm trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa giám đốc thẩm. Việc rút kháng nghị phải được thực hiện bằng quyết định.
  • Yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định để xem xét việc kháng nghị.
  • Quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.

Bạn có thể tìm hiểu về hệ thông toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân trong hai bài viết sau đây:

Toà án dân sự giải quyết việc gì ? Nguyên tắc làm việc thế nào ?

Chức năng của viện kiểm sát trong vụ án dân sự là gì?

kháng nghị giám đốc thẩm
Chánh án TAND tối cao / cấp cao, Viên trưởng VKSND tối cao / cấp cao có quyền kháng nghị giám đốc thẩm

4. Thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm

Căn cứ quy định tại Điều 329 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm được thực hiện như sau:

Bước 1: Nhận đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm

Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn đề nghị do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn, cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự.

Tòa án, Viện kiểm sát chỉ thụ lý đơn đề nghị khi đơn có đủ các nội dung nêu tại mục 2 của bài viết này. Trường hợp không có đủ nội dung thì Tòa án, Viện kiểm sát yêu cầu người gửi sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát; hết thời hạn này mà người gửi không sửa đổi, bổ sung thì Tòa án, Viện kiểm sát trả lại đơn đề nghị, nêu rõ lý do.

Bước 2: Giải quyết đơn

Người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm phân công người có trách nhiệm nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị xem xét, quyết định kháng nghị giám đốc thẩm; trường hợp không kháng nghị thì thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Chánh án Toà án nhân dân tối cao phân công Thẩm phán, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân công Kiểm sát viên nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo Chánh án, Viện trưởng xem xét, quyết định kháng nghị giám đốc thẩm.Trường hợp không kháng nghị, thì thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do.

5. Nội dung chính của quyết định kháng nghị giám đốc thẩm

Sau khi xem xét đơn đề nghị, nếu thấy có căn cứ, Toà án nhân dân tối cao phân công Thẩm phán, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Tại Điều 333 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định quyết định kháng nghị giám đốc thẩm phải có các nội dung chính sau đây:

  • Ngày, tháng, năm ra quyết định kháng nghị và số của quyết định kháng nghị giám đốc thẩm;
  • Chức vụ của người ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm;
  • Số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;
  • Quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;
  • Nhận xét, phân tích những vi phạm, sai lầm của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;
  • Căn cứ pháp luật để quyết định kháng nghị giám đốc thẩm;
  • Kháng nghị toàn bộ hoặc phần của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
  • Tên của Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm vụ án;
  • Đề nghị của người kháng nghị.

6. Thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là bao lâu?

Theo quy định tại Điều 334 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì người có thẩm quyền có quyền kháng nghị trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp dưới đây thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm 02 năm, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị.

Cụ thể là các trường hợp:

  • Đương sự đã có đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm và sau khi hết thời hạn kháng nghị 03 năm quy định ở trên đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị;
  • Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật theo các căn cứ nêu tại mục 1 của bài viết này, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.

7. Thẩm quyền giải quyết kháng nghị giám đốc thẩm

a. Thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp cao

Ủy ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp cao giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị như sau:

  •  Ủy ban Toà án nhân dân cấp cao xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 03 Thẩm phán đối với bản án, quyết định của Toà án nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân huyện có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm;
  • Toàn thể Ủy ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp cao xét xử giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định của Toà án nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân huyện đã có hiệu lực pháp luật nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Ủy ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp cao xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 03 Thẩm phán nhưng không đạt được sự thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.

b. Thẩm quyền của Toà án nhân dân tối cao

Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp cao bị kháng nghị như sau:

  • Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 05 Thẩm phán đối với bản án, quyết định của Toà án nhân dân cấp cao bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm;
  • Toàn thể Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 05 Thẩm phán nhưng không đạt được sự thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.

Lưu ý: Những vụ án có tính chất phức tạp theo quy định nêu trên là những vụ án thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Quy định của pháp luật về những vấn đề cần giải quyết trong vụ án chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn áp dụng thống nhất;
  • Việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật có nhiều ý kiến khác nhau;
  • Việc giải quyết vụ án liên quan đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Trường hợp những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về cùng một vụ án dân sự cùng thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm của Toà án nhân dân cấp cao và Toà án nhân dân tối cao thì Toà án nhân dân tối cao có thẩm quyền giám đốc thẩm toàn bộ vụ án.

8. Thủ tục giải quyết kháng nghị giám đốc thẩm

a. Phạm vi giải quyết kháng nghị giám đốc thẩm

Khi giải quyết kháng nghị giám đốc thẩm, cơ quan có thẩm quyền không xem xét lại toàn bộ bản án mà chỉ:

  • Xem xét lại phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị.
  • Xem xét phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật không bị kháng nghị hoặc không liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị, nếu phần quyết định đó xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người thứ ba không phải là đương sự trong vụ án.

b. Thủ tục giải quyết kháng nghị giám đốc thẩm 

Thủ tục giải quyết kháng nghị giám đốc thẩm bằng việc xét xử tại phiên tòa giám đốc thẩm được thực hiện với các bước như sau:

  • Khai mạc phiên toà
  • Một thành viên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình xét xử vụ án, quyết định của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, các căn cứ, nhận định của kháng nghị và đề nghị của người kháng nghị. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì đại diện Viện kiểm sát trình bày nội dung kháng nghị giám đốc thẩm.
  • Đương sự, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác được Tòa án triệu tập đến phiên tòa giám đốc thẩm trình bày ý kiến về những vấn đề được yêu cầu
  • Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về quyết định kháng nghị giám đốc thẩm và việc giải quyết vụ án.
  • Các thành viên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phát biểu ý kiến và thảo luận.
  • Hội đồng xét xử giám đốc thẩm nghị án và biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố nội dung quyết định về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa.

c. Kết quả giải quyết kháng nghị giám đốc thẩm: 

Hội đồng xét xử giám đốc thẩm sẽ ra một trong các quyết định sau đây:

  • Không chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm và giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
  • Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa;
  • Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm;
  • Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án;
  • Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

9. Dịch vụ tư vấn đề nghị xem xét bản án có hiệu lực pháp luật 

Nếu bạn đang có nhu cầu đề nghị xem xét bản án có hiệu lực pháp luật, hãy liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An chúng tôi. Công ty Luật Thái An là một hãng luật uy tín cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật tố tụng dân sự nói chung, tư vấn đề nghị xem xét bản án có hiệu lực pháp luật nói riêng.

Khi quý khách hàng sử dụng dịch vụ, chúng tôi sẽ thực hiện các công việc sau:

  • Nghiên cứ hồ sơ, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; đưa ra giải pháp, phương án đề nghị xem xét lại theo thủ tục Giám đốc thẩm;
  • Tư vấn Đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm
  • Soạn thảo Đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm; lập luận đưa ra lý do, căn cứ chứng minh cho đề nghị này là có cơ sở, có căn cứ hợp pháp;
  • Hỗ trợ xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm là có cơ sở;
  • Tư vấn nộp đơn, hồ sơ đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền
  • Sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý hồ sơ theo yêu cầu hợp lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Theo dõi quá trình giải quyết đơn, hồ sơ
  •  Tham gia tranh tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ tại phiên tòa xét xử Giám đốc thẩm (trong trường hợp tòa triệu tập)
  • Tư vấn tất cả các quy định có liên quan đến việc đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc

Sở hữu đội ngũ luật sư giỏi, giàu kinh nghiệm, có kiến thức, sự am hiểu sâu sắc, kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực tố tụng dân sự,chắc chắn dịch vụ của Công ty Luật Thái An chúng tôi sẽ làm hài lòng quý khách hàng.

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tốt nhất với chi phí phù hợp nhất!

Dịch vụ luật sư tranh tụng dân sự uy tín!

Nguyễn Văn Thanh