Ly thân và ly hôn
Cần hiểu rằng ly hôn và ly dị là cùng một khái niệm, nhưng ly thân và ly hôn là khác nhau. Cùng tìm hiểu các vấn đê pháp lý về ly hôn và ly thân qua bài viết dưới đây của Công ty Luật Thái An.
1. Ly thân và ly hôn nghĩa là gì?
1.1. Ly hôn là gì?
Ly hôn biểu thị sự chấm dứt hợp pháp của mối quan hệ hôn nhân. Đó là một kết thúc dứt khoát, một sự kết thúc mà cả hai bên đều thừa nhận.
Theo khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 nêu rõ: Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Như vậy, Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền đưa ra phán quyết về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa hai người là vợ chồng. Phán quyết của Tòa có hai hình thức là quyết định và bản án. Hẳn sẽ có nhiều người thắc mắc là khi nào thì Tòa ra quyết định, khi nào ra bản án. Điều này được giải đáp như sau:
- Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn thỏa thuận với nhau giải quyết được tất cả các nội dung quan hệ vợ chồng khi ly hôn thì Tòa án công nhận ra phán quyết dưới hình thức là quyết định.
- Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp (đơn phương ly hôn) thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án ly hôn.
Lý do ly hôn: Dù lý do có thể đa dạng như ly thân, nhưng quyết định chọn Ly Hôn thường xuất phát từ niềm tin rằng hòa giải là không thể hoặc không có lợi.
1.2. Ly thân là gì?
Pháp luật của nhà nước ta không ghi nhận chế định ly thân, nên thuật ngữ này không có ý nghĩa về mặt pháp lí. Pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam từ trước đến nay đều không ghi nhận việc ly thân của vợ chồng. Vì vậy, nếu thực tế, vợ chồng yêu cầu Toà án công nhận ly thân thì các Toà án sẽ bác yêu cầu của họ.
Nếu vợ chồng muốn sống riêng và yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng thì Toà án áp dụng quy định về chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân đang tồn tại để giải quyết yêu cầu của vợ chồng.
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và các văn bản hướng dẫn có liên quan hiện hành không quy định về vấn đề ly thân hay nói cách khác, pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận chế độ ly thân.
Tuy nhiên, theo quy định tại điều 20 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, vợ chồng có thể thỏa thuận về nơi sinh sống của hai người mà không nhất thết phải chung sống tại cùng một địa điểm nhất định:
“Điều 20. Lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng
Việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.”
Như vậy, Ly thân được hiểu là sự sống riêng của hai vợ chồng: không ăn, ở chung…., vợ chồng chấm dứt nghĩa vụ sống chung với nhau trong khi quan hệ hôn nhân chưa hoặc không chấm dứt. Việc ly thân do sự lựa chọn của hai vợ, chồng pháp luật không thể can thiệp. Đây là thuật ngữ xã hội, không có tính chất pháp lý.
2. Nguyên nhân dẫn đến ly thân và làm thế nào để ly thân?
2.1. Nguyên nhân dẫn đến ly thân
Ly thân vợ chồng không chỉ là một quá trình phức tạp về mặt cảm xúc mà còn thường dựa trên một loạt nguyên nhân kết hợp. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc ly thân:
- Khác biệt về quan điểm cuộc sống: Sự không đồng lòng về các vấn đề như giáo dục con cái, tôn giáo, hoặc nguyên tắc sống cơ bản có thể gây ra mâu thuẫn không giải quyết được.
- Vấn đề tài chính: Các khó khăn về tài chính hoặc sự không đồng lòng về cách tiêu tiền có thể tạo ra áp lực lớn trong mối quan hệ.
- Sự ngoại tình: Một trong hai người có mối quan hệ bên ngoài hoặc không trung thành có thể làm tổn thương lòng tin và gây ra sự đổ vỡ trong mối quan hệ.
- Áp lực từ gia đình: Sự can thiệp quá mức từ gia đình hoặc không chấp nhận người bạn đời của mình có thể gây ra xung đột.
- Khác biệt về ước mơ và mục tiêu: Khi hai người không chia sẻ những ước mơ và mục tiêu tương tự, họ có thể cảm thấy mình đang đi trên hai con đường riêng biệt.
- Vấn đề về sức khỏe tâm thần: Các vấn đề như trầm cảm, lo âu, hoặc các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ.
- Giao tiếp kém: Không thể trao đổi cảm xúc, nhu cầu, hoặc lo ngại một cách hiệu quả có thể gây ra hiểu lầm và mất lòng tin.
- Không còn tình cảm: Một số cặp vợ chồng có thể cảm thấy họ đã hết tình cảm với nhau và không còn mong muốn duy trì mối quan hệ.
Mỗi mối quan hệ đều có những thách thức và khó khăn riêng, và nguyên nhân của sự ly thân có thể kết hợp từ nhiều yếu tố trên. Tuy nhiên, ly thân không nhất thiết phải dẫn đến ly hôn và có thể là cơ hội để cả hai bên suy ngẫm và tìm kiếm giải pháp cho mối quan hệ của họ. Khi có hướng giải quyết thích hợp thì hai vợ chồng lại có thể chung sống với nhau như trước.
Vậy nên ly thân là biện pháp tích cực giúp hai vợ chồng hoà giải. Tuy nhiên, nếu hai vợ chồng không thể hàn gắn sau thời gian ly thân nhất định và có suy nghĩ ly hôn thì sẽ tiến hành thủ tục ly hôn.
2.2. Ly thân cần thủ tục gì?
Hiện nay trong các văn bản quy định pháp luật về hôn nhân chưa có quy định cụ thể về ly thân nên cũng không có quy định về hồ sơ, thủ tục, thời gian ly thân.
Như phân tích ở trên thì ly thân là một thoả thuận tự nguyện giữa hai bên và không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân. Nên khi mong muốn hai vợ chồng có thời gian suy nghĩ về mối quan hệ hôn nhân này và không chung sống với nhau thì hai vợ chồng hoàn toàn có thể thoả thuận với nhau và thực hiện ly thân tự nguyện.
Vì ly thân là một thoả thuận giữa hai bên và việc thoả thuận này chưa phải là chấm dứt hôn nhân nên không cần giấy tờ gì. Hơn nữa việc thoả thuận có thể là hình thức bằng miệng hoặc văn bản để xác nhận thời gian ly thân.
Ly thân không cần ra toà vì hiện không có quy định pháp luật về việc giải quyết ly thân tại Tòa án.
3. Điểm giống nhau giữa ly thân và ly hôn
Ly hôn và ly thân đều đại diện cho những thay đổi lớn trong mối quan hệ hôn nhân. Dù có sự khác biệt quan trọng giữa chúng, nhưng cũng có một số điểm giống nhau:
- Mất mát mối quan hệ: Ly thân và ly hôn đều biểu thị sự thay đổi hoặc gián đoạn trong mối quan hệ giữa hai vợ chồng, đó là biểu hiện của việc hai vợ chồng không còn chung sống, không có đời sống kinh tế và tinh thần chung.
- Quá trình ra quyết định: Cả hai quyết định dẫn đến ly thân và ly hôn thường không dễ dàng và có thể đòi hỏi một khoảng thời gian dài để xem xét.
- Ảnh hưởng đối với con cái: Nếu cặp vợ chồng có con, cả ly thân và ly hôn đều có thể tạo ra những thách thức về mặt tình cảm đối với việc nuôi dạy con cái.
- Khó khăn về mặt tài chính: Cả hai trường hợp ly thân và ly hôn đều có thể dẫn đến những khó khăn về mặt tài chính, dù là tạm thời hay lâu dài, do việc phải chia sẻ tài sản hoặc tăng chi phí sinh hoạt khi sống riêng biệt.
- Ứng phó với xã hội: Trong nhiều văn hóa, ly hôn và ly thân đều có thể dẫn đến sự đánh giá và áp đặt từ xã hội. Điều này có thể tạo áp lực thêm cho những người đang trải qua quá trình này.
Tuy nhiên, điểm quan trọng cần nhấn mạnh là ly thân thường được xem là một biện pháp tạm thời và có thể có khả năng hòa giải, trong khi ly hôn là sự kết thúc chính thức và pháp lý của mối quan hệ hôn nhân.
4. Điểm khác biệt giữa ly thân và ly hôn
Căn cứ vào khái niệm ly thân và ly hôn thì có thể thấy sự khác nhau được thể hiện qua các tiêu chí sau:
Thứ nhất, khác nhau về khái niệm:
- Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định của Tòa án.
- Ly thân có nghĩa là hai người vẫn còn là vợ chồng, nhưng sống riêng
Thứ hai, khác nhau giữa ly thân và ly hôn về căn cứ pháp lý:
- Ly hôn: Căn cứ pháp lý để ly hôn được quy định tại mục 1, chương IV Luật hôn nhân và gia đình 2014.
- Ly thân: Hiện nay pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể về chế độ ly thân. Ly thân chỉ là khái niệm xã hội.
Thứ ba, khác nhau giữa ly thân và ly hôn về trình tự thủ tục
- Ly hôn: Bắt buộc phải tiến hành thủ tục ly hôn thuận tình hoặc đơn phương theo quy định tại điều 51, 55,56 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
- Ly thân: Ly thân là do vợ chồng tự thỏa thuận không chung sống với nhau nữa mà không cần tiến hành bất cứ thủ tục nào, không cần yêu cầu tòa án giải quyết. Sau một thời gian ly thân nếu vợ chồng còn tình cảm, muốn quay lại thì họ có thể trở về chung với với nhau như trước.
Thứ tư, khác nhau giữa ly thân và ly hôn về hậu quả pháp lý về quan hệ vợ chồng
- Ly thân chỉ là hình thức vợ chồng không còn chung sống với nhau trên thực tế nhưng trên phương diện pháp lý, giữa họ vẫn tồn tại quan hệ vợ chồng và được pháp luật thừa nhận. Vợ chồng ly thân vẫn có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng theo Luật HN&GĐ.
- Ly hôn là hình thức làm chấm dứt quan hệ vợ chồng trên phương diện pháp lý. Quan hệ vợ chồng được chấm dứt theo quyết định, bản án của tòa án. Kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật thì họ không còn là vợ chồng của nhau và không có các quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Thứ năm, khác nhau giữa ly thân và ly hôn về tài sản
- Ly hôn: Sau khi hoàn thiện thủ tục ly hôn thì tài sản phát sinh sau là tài sản riêng không liên quan đến nhau, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Ly thân: Do hai vợ chồng vẫn tồn tại quan hệ hôn nhân nên tài sản trong thời kỳ ly thân nếu hai bên không thỏa thuận cụ thể thì vẫn là tài sản chung của hai vợ chồng.
Thứ sáu, khác nhau giữa ly thân và ly hôn về con chung
- Ly hôn: Khi tiến hành thủ tục ly hôn con chung sẽ được hai bên thỏa thuận ai có quyền nuôi con, nếu không thỏa thuận được thì sẽ do Tòa án quyết định.
- Ly thân: Hai bên tự thỏa thuận vấn đề ai có quyền nuôi con. bố mẹ có nghĩa vụ chăm sóc con vì vẫn nằm trong thời kỳ hôn nhân. Một bên không thể yêu cầu Toà án buộc bên kia phải cấp dưỡng nuôi con.
5. Những câu hỏi thường gặp về ly thân và ly hôn
Trong quá trình tư vấn pháp luật, chúng tôi thường gặp những câu hỏi về ly thân và ly hôn của khách hàng. Sau đây là một số thắc mắc phổ biến:
a. Khi ly thân vợ chồng có thể sống trong cùng một nhà không?
Mặc dù, ly thân là việc vợ chồng không còn chung sống, ăn ở với nhau nhưng trong trường hợp vợ chồng sống cùng một ngôi nhà và các hoạt động trên tách riêng biệt, độc lập với nhau thì vẫn được coi là vợ chồng đang ly thân.
b. Có cần thiết phải làm đơn ly thân không?
Dù việc ly thân của vợ chồng có kéo dài trong khoảng thời gian bao lâu đi chăng nữa thì xét về mặt pháp luật, mối quan hệ hôn nhân vẫn còn tồn tại nên vẫn phát sinh quyền và nghĩa vụ với vợ chồng.
Vì lẽ đó, khi ly thân hai vợ chồng có thể tự thỏa thuận thống nhất với nhau về các vấn đề có liên quan như quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản, con chung, người thân. Và tất cả những vấn đề này hai vợ chồng có thể thỏa thuận trong Đơn ly thân. Đơn ly thân thực ra không phải là thủ tục bắt buộc nhưng là một bằng chứng cho thấy hạnh phúc hôn nhân không đạt được, là cơ sở đề Toà án giải quyết cho ly hôn.
c. Ly thân có được ngoại tình không? Có được có tình cảm với người khác không?
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án hoặc quyết định có hiệu lực do Tòa án ban hành. Do đó, chỉ khi hai vợ chồng thực hiện thủ tục ly hôn tại Tòa, được Tòa án quyết định việc chấm dứt quan hệ vợ chồng bằng bản án (đơn phương ly hôn) hoặc quyết định ly hôn (thuận tình ly hôn) thì quan hệ hôn nhân giữa vợ, chồng mới hoàn toàn chấm dứt. Lúc này, hai người sẽ không còn trong mối quan hệ vợ, chồng với người khác và là người độc thân.
Còn ly thân không phải ly hôn, cho dù đã ly thân nhưng lúc này, quan hệ hôn nhân vẫn chưa chấm dứt, hai người vẫn được coi là vợ chồng về mặt pháp lý. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, quan hệ vợ chồng chỉ thật sự chấm dứt khi có quyết định ly hôn của tòa án.
Như vậy, trong thời gian ly thân, vợ hoặc chồng có quan hệ tình cảm với một người khác và thậm chí là chung sống như vợ chồng với người khác thì được coi là ngoại tình, vi phạm chuẩn mực đạo đức và vi phạm pháp luật.
Với hành vi ngoại tình, người vợ, chồng có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
- Bị phạt tiền đến 05 triệu đồng căn cứ theo khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Cụ thể, nếu đang có vợ/chồng mà chung sống như vợ, chồng với người khác hoặc chưa có vợ/chồng nhưng chung sống với người biết rõ đã có chồng/vợ thì sẽ bị phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng.
- Ngồi tù đến 3 năm: theo Điều 182 Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng nếu gây nên hậu quả nghiêm trọng hơn như làm cho quan hệ hôn nhân dẫn đến ly hôn; đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm… thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
Vì ly thân chỉ là tình trạng vợ, chồng không muốn sống chung với nhau nữa, muốn chấm dứt quan hệ vợ chồng nhưng chưa thực hiện thủ tục ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền và chưa nhận được bản án hoặc quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật. Do đó, trước khi muốn xác lập mối quan hệ với người mới hay đăng ký kết hôn với người khác cần phải thực hiện thủ tục ly hôn.
d. Ly thân bao lâu được ly hôn?
Nhiều gia đình có nguy cơ đổ vỡ, ly thân như một sự cứu cánh khi cả hai người có khoảng thời gian riêng để suy nghĩ có nên tiếp tục mối quan hệ này không. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian ly thân mà cả vợ và chồng đều muốn ly hôn thì tòa án sẽ lấy đó làm cơ sở để xem xét giải quyết ly hôn.
Dựa theo quy định của pháp luật thì không đưa ra thời gian bao lâu mới có thể được ly hôn. Tuy nhiên cơ quan thẩm quyền sẽ dựa vào những minh chứng rằng đời sống vợ chồng của bạn đang gặp khủng hoảng và không thể cùng nhau tiếp tục được nữa để thực hiện thủ tục ly hôn cho hai người.
Thời gian ly thân phù hợp để biết rằng vợ hoặc chồng có ý muốn quay lại và chung sống tiếp hay không là từ 1 đến 2 tháng.
Pháp luật không quy định ly thân bao lâu thì được đơn phương ly hôn và ly thân cũng không phải là điều kiện bắt buộc để tiến hành thủ tục ly hôn. Tuy nhiên, ly thân là một căn cứ rõ ràng cho thấy hạnh phúc hôn nhân không đạt được và Toà án giải quyết ly hôn (lưu ý: để có thể ly hôn đơn phương, người yêu cầu ly hôn phải đưa ra lý do chính đáng).
Lúc này, vợ – chồng chỉ cần chứng minh đời sống vợ chồng đang xảy ra những vấn đề nêu trên, để tòa án và cơ quan thẩm quyền có thể đánh giá mức độ trầm trọng của cuộc sống hôn nhân.
6. Sự cần thiết sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn ly thân và ly hôn:
Dù không bắt buộc, việc sử dụng dịch vụ của một luật sư tư vấn ly hôn và ly thân thường được khuyến nghị. Dưới đây là một số lý do tại sao việc này có thể quan trọng:
- Phức tạp về pháp luật: Luật về ly hôn và ly thân có thể khá phức tạp tùy thuộc vào quốc gia và khu vực. Một luật sư sẽ giúp bạn hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo pháp luật.
- Bảo vệ quyền lợi: Trong trường hợp ly hôn, việc phân chia tài sản, quyền nuôi con, và nhu cầu tài chính có thể trở nên phức tạp. Một luật sư sẽ đảm bảo bạn không bị thiệt thòi trong các thỏa thuận này.
- Tránh mâu thuẫn: Cảm xúc thường cao độ trong các vấn đề ly thân và ly hôn. Việc có một bên trung lập như luật sư giúp giảm thiểu mâu thuẫn và hướng dẫn cả hai bên tới một thỏa thuận hợp lý.
- Hiệu quả và nhanh chóng: Một luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này có thể giúp quá trình trở nên nhanh chóng hơn, tránh được các sai sót hoặc bước lỡ trong thủ tục pháp lý.
- Hỗ trợ tư vấn tình cảm: Một số văn phòng luật sư cũng cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý, giúp bạn xử lý những khó khăn tình cảm trong quá trình này.
- Bảo vệ quyền lợi của con: Trong các trường hợp có con cái, việc đảm bảo quyền lợi và tương lai của con trở nên rất quan trọng. Luật sư có thể giúp xác định và đảm bảo những điều tốt nhất cho con bạn.
Dù vậy, không phải mọi người đều cần một luật sư trong mọi tình huống. Nếu bạn và đối tác của mình đồng lòng và có thể tự thỏa thuận về mọi vấn đề về ly thân, ly hôn mà không gặp khó khăn, việc thuê luật sư có thể không cần thiết. Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp như vậy, việc tìm hiểu thông tin pháp lý và nhận lời khuyên từ chuyên gia vẫn là một ý tưởng tốt.
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024