Tội trốn thuế: Dấu hiệu định tội theo Điều 200 BLHS

Thuế là khoản thu nộp mang tính bắt buộc mà các tổ chức hoặc cá nhân phải nộp cho Nhà nước trong các điều kiện nhất định. Tuy nhiên, hiện nay hành vi phạm tội trốn thuế ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt, gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu chi ngân sách nhà nước. Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An chúng tôi sẽ phân tích làm rõ các dấu hiệu của tội trốn thuế cũng như các hình phạt đối với này.

1. Cơ sở pháp lý quy định tội trốn thuế

Cơ sở pháp lý quy định tội trốn thuế là Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

2. Các dấu hiệu pháp lý của tội trốn thuế

a. Khách thể của tội phạm

Tội trốn thuế xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về quản lý thu thuế cho nhà nước.

Đối tượng tác động của tội phạm này là số tiền thuế mà đáng lẽ cá nhân, tổ chức phạm tội phải nộp nhưng đã không nộp số tiền này.

b. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại.

Đối với chủ thể là cá nhân: Là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ đủ 16 tuổi trở lên).

Đối với chủ thể là pháp nhân thương mại: Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
  • Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
  • Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
  • Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lưu ý:

  • Chủ thể phạm tội trốn thuế phải là đối tượng phải nộp thuế theo từng loại thuế phải nộp.
  • Khi xác định chủ thể tội trốn thuế cần lưu ý nếu trốn thuế xuất nhập khẩu nhằm buôn bán hàng qua biên giới thì có thể định tội danh ở tội buôn lậu (Điều 188 BLHS) hoặc tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189 BLHS) khi thoả mãn các dấu hiệu khách quan của tội này.

c. Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm là hành vi dùng các thủ đoạn để trốn tránh không phải nộp tiền thuế hoặc để nộp tiền thuế ít hơn mức thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn giảm, số tiền thuế được hoàn, được khấu trừ.

Cụ thể các hành vi trốn thuế được nêu tại tiểu mục a mục 3.1 của bài viết này.

Hậu quả hành vi trốn thuế là gây thiệt hại cho Nhà nước, làm cho Nhà nước không thu được một khoản ngân sách mà lẽ ra phải thu được.

d. Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội:  là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước nhưng vẫn thực hiện hành vi với mong muốn để hậu quả xảy ra.

Động cơ, mục đích phạm tội : là tư lợi nhằm mục đích không nộp thuế hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn giảm, số tiền thuế được hoàn, được khấu trừ

3. Cá nhân phạm tội trốn thuế bị xử lý thế nào?

3.1 Hình phạt chính

a. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

  • Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
  •  Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
  •  Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
  • Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
  • Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
  • Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan
  • Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
  • Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa
  • Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.

Để áp dụng hình phạt này thì hành vi trốn thuế phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:

  • Trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng
  • Trốn thuế dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

b. Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

  • Có tổ chức;
  • Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Tái phạm nguy hiểm.

c. Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

3.2 Hình phạt bổ sung

Người phạm tội còn có thể bị hình phạt bổ sung sau đây:

  • Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng,
  • Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm
  • Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

4. Pháp nhân phạm tội trốn thuế bị xử lý thế nào?

4.1 Hình phạt chính

a. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng

Thực hiện một trong các hành vi quy định tại tiểu mục a mục 3.1 của bài viết này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.

b. Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng:

  • Có tổ chức;
  • Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Tái phạm nguy hiểm

c. Phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm

Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn

Phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

4.2 Hình phạt bổ sung

Pháp nhân thương mại còn có thể bị hình phạt bổ sung sau đây:

  • Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng,
  • Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
tội trốn thuế
Tội trốn thuế bị xử phạt rất nặng gồm phạt tiền và phạt tù.

5. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội trốn thuế

Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với tội trốn thuế thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm kể từ ngày tội phạm được thực hiện

Thời hiệu này có thể được tính lại trong trường hợp sau đây:

  •  Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
  • Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

6. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội trốn thuế 

a. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với tội trốn thuế

Các tình tiết sau đây có thể là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, được quy định tại khoản 1 điều 51 Bộ Luật hình sự 2015:

  • Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
  • Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
  • Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
  • Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
  • Người phạm tội là phụ nữ có thai;
  • Người phạm tội tự thú;
  • Người phạm tội thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải;
  • Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án
  • Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
  • Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
  • Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
  • Người phạm tội đầu thú

Lưu ý quan trọng:

  • Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015.
  • Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

b. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội trốn thuế

Các tình tiết sau đây có thể là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:

  • Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
  • Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
  • Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.

và các tình tiết tăng nặng khác được quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự 2015.

7. Chậm nộp thuế có phải là hành vi trốn thuế không?

Căn cứ khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế 2019, Khoản 3 Điều 3 Luật số 106/2016/QH13, Văn bản số 10315/BTC-TCT ngày 25/7/2016 của Bộ Tài Chính  thì:

Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Số thuế thiếu phát hiện qua thanh tra, kiểm tra hoặc do người nộp thuế tự phát hiện từ ngày 01 tháng 07 năm 2016 tiền chậm nộp được áp dụng theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Theo quy định trên thì sau thời hạn quy định và thời hạn gia hạn nộp thuế mà vẫn chưa nộp thuế thì được coi là chậm nộp thuế và số tiền phải nộp sẽ thay đổi và được tính theo mức thuế 0,03%/ ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Như vậy, chậm nộp thuế không phải là hành vi trốn thuế.

8. Luật sư bào chữa tội trốn thuế

Lĩnh vực pháp luật về thuế là một lĩnh vực vô cùng phức tạp, do đó để có thể bào chữa cho tội trốn thuế phải cần đến các Luật sư giỏi, chuyên pháp luật về thuế. Nếu bạn đang tìm kiếm những Luật sư này, hãy liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An chúng tôi.

Với nhiều năm kinh nghiệm và hỗ trợ thành công rất nhiều khách hàng, Công ty Luật Thái An tự hào cung cấp dịch vụ Luật sư bào chữa tội trốn thuế tốt nhất giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí.

Khi sử dụng dịch vụ Luật sư bào chữa, các Luật sư Công ty Luật Thái An sẽ:

  • Tư vấn về dấu hiệu định tội trốn thuế;
  • Tư vấn về các mức phạt của tội trốn thuế;
  • Tư vấn về các trường hợp trốn thuế bị khởi tố hình sự;
  • Tư vấn hướng bào chữa cho tội trốn thuế
  • Tư vấn các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, loại trừ trách nhiệm hình sự, phân tích hành vi vi phạm và lỗi trong quá trình tố tụng từ đó nhằm mục đích minh oan hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
  • Tư vấn soạn thảo các mẫu đơn, các văn bản liên quan
  • Bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong giai đoạn điều tra tại Cơ quan cảnh sát điều tra các cấp.
  • Bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong giai đoạn truy tố tại Viện kiểm sát nhân dân các cấp.
  • Bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong phiên xét xử tại Tòa án nhân dân các cấp.
  • Đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong giai đoạn thi hành án.
  • Đại diện đương sự làm việc với các tổ chức, cá nhân liên quan để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong quá trình tố tụng.

HÃY LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ LUẬT SƯ BÀO CHỮA TỘI TRỐN THUẾ

Đàm Thị Lộc