Tội thao túng thị trường chứng khoán theo BLHS năm 2015
Thị trường chứng khoán là kênh hữu hiệu để huy động vốn đầu tư cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời đây cũng là kênh đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Lợi dụng điều này, không ít cá nhân, pháp nhân đã có hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Theo quy định của Bộ luật hình sự thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội thao túng thị trường chứng khoán.
1. Cơ sở pháp lý quy định tội thao túng thị trường chứng khoán
Cơ sở pháp lý quy định đối với tội thao túng thị trường chứng khoán là Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
2. Điều kiện cấu thành tội thao túng thị trường chứng khoán
a. Khách thể của tội phạm
Tội thao túng thị trường chứng khoán xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Do đó, đối tượng tác động của tội phạm này là thị trường chứng khoán bị thao túng ở một số mã cổ phiếu.
b. Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi: Hành vi phạm tội là hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 156/2020/NĐ-CP thì Thao túng thị trường chứng khoán là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán, gồm một, một số hoặc tất cả các hành vi dưới đây:
- Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
- Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
- Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;
- Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;
- Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;
- Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.
Hậu quả: Gây ảnh hưởng, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư chân chính, gây hỗn loạn thị trường chứng khoán, từ đó gây ảnh hưởng tới chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.
Hậu quả của tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định hành vi phạm tội và là một dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm tội thao túng thị trường chứng khoán. Mức độ của hậu quả xảy ra còn có ý nghĩa quan trong việc xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để từ đó quyết định hình phạt phù hợp.
c. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội thao túng thị trường chứng khoán được thực hiện với lỗi cố ý. Chủ thể phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái quy định của pháp luật nhưng vẫn thực hiện, với mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc hậu quả xảy ra.
Động cơ phạm tội và mục đích phạm tội là làm sao để cho các nhà đầu tư hiểu sai lệch về giá thực của cổ phiếu cũng như các thông tin liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán để từ đó người phạm tội thu lợi bất chính. Động cơ, mục đích phạm tội không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
d. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể thực hiện tội thao túng thị trường chứng khoán là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại.
Đối với chủ thể là cá nhân: Là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ đủ 16 tuổi trở lên). Thông thường, chủ thể là cá nhân có hiểu biết về thị trường chứng khoán, đầu tư tài chính ví dụ như là chủ tịch, giám đốc, thành viên chủ chốt của các công ty có cổ phiếu.
Đối với chủ thể là pháp nhân thương mại: Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
- Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
- Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
- Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Hình phạt chính đối với tội thao túng thị trường chứng khoán
3.1 Hình phạt chính đối với cá nhân phạm tội thao túng thị trường chứng khoán
a. Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
- Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
- Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;
- Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;
- Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;
- Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.
b. Phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Có tổ chức;
- Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;
- Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.
3.2 Hình phạt chính đối với pháp nhân phạm tội thao túng thị trường chứng khoán
a. Phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại tiểu mục a mục 3.1 của bài viết này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng.
b. Phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại tiểu mục b mục 3.1 của bài viết này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng.
c. Bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
Phạm tội gây thiệt hại hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
4. Hình phạt bổ sung đối với tội thao túng thị trường chứng khoán
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
5. Sử dụng nhiều tài khoản giao dịch của mình để liên tục mua, bán chứng khoán thì có bị xem là phạm tội thao túng thị trường chứng khoán không?
Trường hợp sử dụng nhiều tài khoản giao dịch của mình để liên tục mua, bán chứng khoán mà không nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo và cũng không thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng thì không được xem là thao túng thị trường chứng khoán.
6. Liên tục mua chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa thị trường nhưng không nhằm tạo ra mức giá đóng cửa mới cho loại chứng khoán đó thì có bị xem là thao túng thị trường chứng khoán không?
Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì nếu liên tục mua chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa thị trường nhưng không nhằm tạo ra mức giá đóng cửa mới cho loại chứng khoán và không thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng thì không được xem là thao túng thị trường chứng khoán.
7. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội thao túng thị trường chứng khoán là bao nhiêu năm?
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với tội thao túng thị trường chứng khoán thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 5 năm kể từ ngày tội phạm được thực hiện
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội thao túng thị trường chứng khoán có thể được tính lại trong trường hợp sau đây:
- Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
- Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
8. Đồng phạm tội thao túng thị trường chứng khoán bị xử lý thế nào?
Đồng phạm tội thao túng thị trường chứng khoán là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện tội thao túng thị trường chứng khoán.
Người đồng phạm tội thao túng thị trường chứng khoán bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
- Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
- Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
- Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
- Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm tội thao túng thị trường chứng khoán, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.
Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.
9. Các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư tránh khỏi hành vi thao túng thị trường chứng khoán là gì?
Các hành vi thao túng thị trường chứng khoán sẽ gây ảnh hướng lớn cho các nhà đầu tư khiến cho họ bị thiệt hại về mặt kinh tế. Do đó, điều mà các nhà đầu tư mong muốn nhất là có thể được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước những hành vi trái pháp luật đó.
Để hạn chế bị ảnh hưởng bởi hành vi thao túng thị trường chứng khoán thì nhà đầu tư nên:
- Trang bị cho mình kiến thức, quy định pháp luật về chứng khoán.
- Nắm rõ những dấu hiệu nhận biết hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
- Trước khi quyết định đầu tư vào một cổ phiếu cần tìm hiểu và nắm bắt rõ thông tin về doanh nghiệp, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Khi phát hiện ra hành vi thao túng thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư nên gửi khiếu nại đến Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, cũng như có thể gửi đơn yêu cầu đến các cơ quan điều tra, Toà án để kịp thời ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản của các đối tượng có hành vi thao túng thị trường.
- Tránh xa hiệu ứng đám đông, không nên tin tưởng từ sự kêu gọi từ những nhóm nhỏ trên mạng xã hội hoặc diễn đàn internet thiếu uy tín.
10. Dịch vụ Luật sư bào chữa tội thao túng thị trường chứng khoán
Luật sư bào chữa có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động tranh tụng vụ án hình sự tại phiên tòa nói riêng. Bởi Luật sư là người góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can, bị cáo, giúp cơ quan điều tra, viện kiểm sát, Toà án giải quyết vụ án hình sự một cách khách quan, đúng người đúng tội, đúng quy định pháp luật.
Tự hào là một Công ty Luật chuyên sâu về dịch vụ Luật sư bào chữa tội thao túng thị trường chứng khoán cũng như bào chữa cho nhiều tội phạm khác, Công ty Luật Thái An chúng tôi đã có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động pháp lý tư vấn, trợ giúp, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng trong hàng trăm vụ án Hình sự. Và chắc chắn Luật Thái An là địa chỉ khách hàng lựa chọn để gửi gắm niềm tin công lý.
Đến với Luật Thái An là được đến với đội ngũ Luật sư giỏi, giàu kinh nghiệm hành nghề, luôn tuân thủ Hiến pháp, Pháp luật, Đạo đức nghề nghiệp không dao động, không chịu bất kỳ sự chi phối, tác động nào ngoài việc trung thành tuyệt đối với quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và lẽ phải.
HÃY LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VỀ TỘI THAO TÚNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
- Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan - 31/10/2022
- Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai - 19/03/2022
- Cẩn trọng khi ký hợp đồng vay? - 31/10/2021