Tội huỷ hoại tài sản có những dấu hiệu pháp lý gì?
Tội hủy hoại tài sản theo Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có nhiều điểm mới về tình tiết định tội, định khung hình phạt cũng như về chế tài xử phạt so với quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Hãy cũng chúng tôi tìm hiểu những điểm mới này trong bài viết dưới đây.
1. Cơ sở pháp lý của tội huỷ hoại tài sản
Tội hủy hoại được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
2. Đặc trưng pháp lý của tội huỷ hoại tài sản
Tội huỷ hoại tài sản có đối tượng tác động là tài sản mang những đặc điểm sau:
Thứ nhất, tài sản trong tội huỷ hoại tài sản phải có giá trị. Tài sản không có giá trị sẽ không phải là đối tượng tác động của tội phạm này.
Thứ hai, tài sản là đối tượng tác động của tội huỷ hoại tài sản là vật có giá trị, nhưng toàn bộ hay một phần giá trị đó đã được đầu tư sức lao động của con người, là thước đo giá trị lao động con người, đồng thời phải thỏa mãn được các nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người.
Thứ ba, tài sản phải có chủ sở hữu thể hiện qua việc chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản đó. Theo đó, tài sản là đối tượng tác động tội huỷ hoại tài sản phải chưa bị chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu.
Bên cạnh việc có đối tượng tài sản như trên, tội huỷ hoại tài sản cũng có 4 yếu tố cấu thành tội phạm cũng giống như các tội khác, cụ thể như sau:
a. Khách thể của tội phạm
Tội huỷ hoại tài sản xâm phạm đến quan hệ sở hữu của cá nhân, tổ chức, nhà nước mà không xâm phạm đến quan hệ nhân thân.
b. Chủ thể của tội phạm
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự, người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội huỷ hoại tài sản quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 178 Bộ luật hình sự, nhưng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội huỷ hoại tài sản quy định tại khoản 3 và khoản 4 của Điều 178 Bộ luật hình sự.
c. Mặt khách quan
Hành vi phạm tội huỷ hoại tài sản có thể là:
- Huỷ hoại tài sản là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng không thể khôi phục lại được và như vậy toàn bộ giá trị tài sản không còn. Ví dụ: Đốt cháy một chiếc xe ôtô cháy thành tro bụi.
- Làm hư hỏng tài sản là làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản và giá trị sử dụng bị giảm đó có thể khôi phục được (có thể khôi phục lại như cũ nhưng có thể chỉ khôi phục lại được một phần).
Hành vi huỷ hoại tài sản được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau tuỳ thuộc vào thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện như: Đốt cháy, đập phá, dùng chất độc, hoá chất,…
Hậu quả là yếu tố bắt buộc phải có ở tội này, nếu chưa có hậu quả xảy ra thì chưa cấu thành tội phạm và tội phạm này cũng không có giai đoạn phạm tội chưa đạt và chuẩn bị phạm tội.
d. Mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Nghĩa là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Mục đích của người phạm tội là mong muốn huỷ hoại tài sản của người khác. Ngoài mục đích này, người phạm tội không có mục đích nào khác và mục đích này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
Lưu ý: Nếu người phạm tội có mục đích khác, còn việc huỷ hoại tài sản chỉ là phương pháp để đạt được mục đích khác thì không phạm tội huỷ hoại tài sản mà tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng.
3. Hình phạt đối với tội huỷ hoại tài sản
Theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự Việt Nam, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì tội huỷ hoại tài sản có 4 khung hình phạt như sau:
Khung 1: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm
Khung hình phạt này áp dụng đối với người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định về tội Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản tại Điều 178 mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
- Tài sản là di vật, cổ vật.
Khung 2: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm
Khung hình phạt này áp dụng đối với những trường hợp phạm tội trong các trường hợp:
- Có tổ chức;
- Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- Tài sản là bảo vật quốc gia;
- Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
- Để che giấu tội phạm khác;
- Vì lý do công vụ của người bị hại;
- Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3: Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Khung 4: Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Hình phạt bổ sung đối với tội hủy hoại tài sản
Người phạm tội hủy hoại tài sản còn có thể phải chịu một hoặc một vài hình phạt bổ sung sau đây:
- Phạt tiền từ 10 triệu VNĐ đến 100 triệu VNĐ
- Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, ngoài hình phạt chính thì người tội hủy hoại tài sản còn phải chịu hình phạt bổ sung.
5. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội huỷ hoại tài sản
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với tội huỷ hoại tài sản, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm kể từ khi hành vi phạm tội xẩy ra.
Nếu trong thời hạn quy định người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
6. Phạm tội huỷ hoại tài sản trong khi dùng bia rượu có bị xử lý không?
Người phạm tội huỷ hoại tài sản trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
7. Phạm tội huỷ hoại tài sản cùng với những người khác thì hình phạt thế nào?
Nếu đồng phạm tội huỷ hoại tài sản thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự đối với phần đóng góp của mình trong vụ án. Dù tham gia ít hay nhiều vào việc phạm tội thì vẫn được coi là phạm tội. Căn cứ Điều 16 Bộ luật hình sự 2015 thì có các dạng đồng phạm sau:
- Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
- Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
- Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
- Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
8. Các tình tiết năng nặng và giảm nhẹ đối với tội huỷ hoại tài sản
a. Các tình tiết tăng nặng đối với tội huỷ hoại tài sản
Các tình tiết tăng nặng được quy định Điều 52 của Bộ luật hình sự 2015. Đối với tội huỷ hoại tài sản, các tình tiết tăng nặng có thể là:
- Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
- Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội
- Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;
- Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
b, Các tình tiết giảm nhẹ đối với tội huỷ hoại tài sản
Các tình tiết giảm nhẹ được quy định Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015. Đối với tội huỷ hoại tài sản, các tình tiết giảm nhẹ có thể là:
- Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
- Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
- Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
- Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
- Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
- Phạm tội do lạc hậu;
- Người phạm tội là phụ nữ có thai;
- Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
- Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
- Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
- Người phạm tội tự thú;
- Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
- Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
- Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
- Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
- Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
10. Khi nào tội huỷ hoại tài sản được miễn trách nhiệm hình sự
Người phạm tội huỷ hoại tài sản có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
- Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
- Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
11. Dịch vụ Luật sư bào chữa của Công ty Luật Thái An
Vai trò Luật sư bào chữa rất quan trọng trong việc bào chữa cho các bị can, bị cáo, bởi Luật sư sẽ:
- Giúp bị can/bị cáo, thân nhân của bị can/bị cáo hiểu, nắm bắt được các quy định pháp luật liên quan đến tội danh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, các quy trình tố tụng, thời gian, quá trình giải quyết.
- Giúp bị can/bị cáo bình tĩnh suy xét, đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả pháp lý của các hành vi vi phạm pháp luật mà cơ quan tiến hành tố tụng đang xử lý.
- Đưa ra định hướng, phương pháp khắc phục hậu quả, thu thập các tài liệu, chứng cứ minh oan, giảm nhẹ hình phạt hoặc tìm ra sự thật khách quan của vụ án.
- Gặp gỡ, kiến nghị, đấu tranh với các cơ quan tố tụng để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, các tình tiết, hồ sơ, hành vi, diễn biến hành vi phạm tội, tránh tình trạng xét xử oan, sai.
- Trực tiếp bào chữa cho bị can/bị cáo tại các phiên toà các cấp.
- Giúp tránh lãng phí chi phí không cần thiết và đạt được hiệu quả tối đa trong khi giải quyết công việc.
- ..
Nếu bạn đang tìm kiếm những luật sư bào chữa giỏi, hãy liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An chúng tôi. Công ty Luật Thái An là nơi hội tụ các Luật sư có danh tiếng, kinh nghiệm hàng đầu trong lĩnh vực hình sự. Sự nỗ lực làm việc, tìm hiểu, nghiên cứu, kết hợp với nhiều năm kinh nghiệm bào chữa trong các vụ án hình sự, các Luật sư Công ty Luật Thái An sẽ đưa ra những phương án giải quyết vụ án hình sự một cách tối ưu nhất.
Đến với Luật Thái An Quý khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm, tin tưởng và chắc chắn Quý khách hàng sẽ hài lòng khi sử dụng dịch vụ Luật sư bào chữa của chúng tôi. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và sử dụng dịch vụ.
- Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan - 31/10/2022
- Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai - 19/03/2022
- Cẩn trọng khi ký hợp đồng vay? - 31/10/2021