Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Một trong những giai đoạn quan trọng của việc giải quyết vụ án hình sự đó chính là xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm phải có trách nhiệm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong giới hạn xét xử và phạm vi được pháp luật cho phép. Vậy việc xét xử sơ thẩm vụ án hình sự sẽ diễn ra như thế nào, hãy theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.
1. Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là gì?
Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được hiểu là hoạt động xét xử vụ án hình sự ở cấp đầu tiên nhằm xem xét đánh giá toàn diện các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án hình sự trên cơ sở đó ra bản án, quyết định có hành vi phạm tội hay không, người thực hiện hành vi phạm tội, hình phạt được áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội và giải quyết các vấn đề khác có liên quan trong vụ án hình sự theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
2. Giới hạn của việc xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Căn cứ Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì giới hạn của việc xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được quy định như sau:
- Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
- Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
- Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.
XEM THÊM:
3. Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
3.1. Thẩm quyền xét xử của toà án cấp huyện
Toà án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm:
- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
- Các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;
- Các tội quy định tại các điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của Bộ luật hình sự;
- Các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
(Căn cứ khoản 1 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
3.2. Thẩm quyền xét xử của tòa án cấp tỉnh
Toà án cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm vụ án hình sự sau đây:
- Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của TADN cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực;
- Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài;
- Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của TADN cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực nhưng thuộc trường hợp:
- Có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành;
- Vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.
( Căn cứ khoản 2 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
3.3. Thẩm quyền xét xử của Tòa án theo lãnh thổ
Điều 269 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án theo lãnh thổ như sau:
- Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Tòa án nơi tội phạm được thực hiện.
- Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc việc điều tra.
- Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì TADN cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử.
-
- Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tùy trường hợp, Chánh án TADN tối cao ra quyết định giao cho TADN thành phố Hà Nội hoặc TADN thành phố Hồ Chí Minh hoặc TADN thành phố Đà Nẵng xét xử.
- Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử theo quyết định của Chánh án Tòa án quân sự trung ương.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 270 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì: Tội phạm xảy ra trên tàu bay hoặc tàu biển của nước Việt Nam đang hoạt động ngoài không phận hoặc ngoài lãnh hải của Việt Nam thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam nơi có sân bay hoặc bến cảng trở về đầu tiên hoặc nơi tàu bay, tàu biển đó được đăng ký.
3.4. Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự
Căn cứ Điều 272 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án quân sự như sau:
- Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội;
- Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng trên nhưng liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội quản lý, bảo vệ.
– Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.
4. Thành phần tham gia xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Căn cứ khoản 1 Điều 254 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được quy định như sau:
- Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
- Đối với vụ án có bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
5. Trình tự thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
5.1 Thụ lý vụ án
Căn cứ quy định tại Điều 276 Bộ luật tố tụng hình sự thì khi Viện kiểm sát giao bản cáo trạng, hồ sơ vụ án và vật chứng kèm theo (nếu có), Tòa án phải kiểm tra và xử lý tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có)
Ngay sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng thì Tòa án phải thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án.
5.2 Chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Theo quy định tại Điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:
- Đưa vụ án ra xét xử;
- Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;
- Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.
Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Thời gian gia hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được quy định như sau:
- Không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng,
- Không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Trường hợp phục hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 kể từ ngày Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án.
Lưu ý: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.
5.3 Giải quyết yêu cầu, đề nghị trước khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Tại Điều 279 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định trước khi mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải giải quyết các yêu cầu, đề nghị như:
- Yêu cầu của Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng về việc cung cấp, bổ sung chứng cứ; triệu tập người làm chứng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác đến phiên tòa; về việc thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án;
- Đề nghị của bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa về việc thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;
- Đề nghị của Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng về việc xét xử theo thủ tục rút gọn, xét xử công khai hoặc xét xử kín;
- Đề nghị của người tham gia tố tụng về việc vắng mặt tại phiên tòa.
5.4 Tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Thứ nhất: Thủ tục bắt đầu phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Thủ tục bắt đầu phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, bao gồm các công việc như:
- Chuẩn bị khai mạc phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
- Khai mạc phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
- Giải quyết việc đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật
- Cam đoan của người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản
- Cam đoan của người làm chứng, cách ly người làm chứng
- Giải quyết yêu cầu về xem xét chứng cứ và hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt
Thứ hai: Thủ tục tranh tụng tại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Công bố bản cáo trạng tại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự:
Trước khi tiến hành xét hỏi, Kiểm sát viên công bố bản cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung (nếu có). Ý kiến bổ sung không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo.
Hỏi tại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự:
Theo quy định tại Điều 307 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý.
Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi.
Những người được hỏi sẽ bao gồm
- Bị cáo
- Bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ
- Người làm chứng
- Người giám định, người định giá tài sản: Người giám định, người định giá tài sản được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định, định giá tài sản.
Lưu ý: Người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Khi xét hỏi, Hội đồng xét xử xem xét vật chứng có liên quan trong vụ án.
Kết thúc việc xét hỏi: Khi xét thấy những tình tiết của vụ án đã được xem xét đầy đủ thì chủ tọa phiên tòa hỏi Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa xem họ có yêu cầu xét hỏi vấn đề gì nữa không. Nếu không thì kết thúc việc xét hỏi; nếu có người yêu cầu và xét thấy yêu cầu đó là cần thiết thì chủ tọa phiên tòa quyết định tiếp tục việc xét hỏi.
Kiểm sát viên rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Sau khi kết thúc việc xét hỏi, Kiểm sát viên có thể rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn.
Tranh luận tại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Sau khi kết thúc việc xét hỏi, Kiểm sát viên trình bày luận tội; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Tòa án tuyên bố bị cáo không có tội.
Bị cáo trình bày lời bào chữa; người bào chữa trình bày lời bào chữa cho bị cáo; bị cáo, người đại diện của bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa.
Bị hại, đương sự, người đại diện của họ trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình; nếu có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ thì người này có quyền trình bày, bổ sung ý kiến.
Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày, bổ sung ý kiến sau khi Kiểm sát viên trình bày luận tội.
Lưu ý:
- Chủ toạ phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, người tham gia tố tụng khác tranh luận, trình bày hết ý kiến nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án và ý kiến lặp lại.
- Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến của người bào chữa, người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận.
Trở lại việc xét hỏi
Nếu qua tranh luận mà thấy còn có tình tiết vụ án chưa được hỏi, chưa được làm sáng tỏ thì Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự phải quyết định trở lại việc xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận.
Bị cáo nói lời sau cùng
Sau khi kết thúc tranh luận Bị cáo được nói lời sau cùng. Không được đặt câu hỏi khi bị cáo nói lời sau cùng. Nếu trong lời nói sau cùng, bị cáo trình bày thêm tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án thì Hội đồng xét xử phải quyết định trở lại việc hỏi.
Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có quyền yêu cầu bị cáo không được trình bày những điểm không liên quan đến vụ án nhưng không được hạn chế thời gian đối với bị cáo.
Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa
Khi Kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án.
Trường hợp Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì trước khi nghị án, Hội đồng xét xử yêu cầu những người tham gia phiên tòa trình bày ý kiến về việc rút quyết định truy tố đó.
Thứ ba: Nghị án và tuyên án
Nghị án
Các vấn đề của vụ án phải được giải quyết khi nghị án gồm:
- Vụ án có thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không;
- Tính hợp pháp của những chứng cứ, tài liệu;
- Có hay không có căn cứ kết tội bị cáo. Trường hợp đủ căn cứ kết tội thì phải xác định rõ điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự được áp dụng;
- Hình phạt, biện pháp tư pháp áp dụng đối với bị cáo; trách nhiệm bồi thường thiệt hại; vấn đề dân sự trong vụ án hình sự;
- Bị cáo có thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hay không;
- Án phí hình sự, án phí dân sự; xử lý vật chứng; tài sản bị kê biên, tài khoản bị phong tỏa;
- Tính hợp pháp của hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử;
- Kiến nghị phòng ngừa tội phạm, khắc phục vi phạm.
Kết thúc việc nghị án, Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự phải quyết định một trong các vấn đề:
- Ra bản án và tuyên án;
- Trở lại việc xét hỏi và tranh luận nếu có tình tiết vụ án chưa được xét hỏi, chưa được làm sáng tỏ;
- Trả hồ sơ vụ án để Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ;
- Tạm đình chỉ vụ án.
Tuyên án
Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đọc bản án. Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo.
6. Khi nào Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự phải tuyên trả tự do cho bị cáo ?
Trong các trường hợp sau đây, Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự phải tuyên bố trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo đang bị tạm giam, nếu họ không bị tạm giam về một tội phạm khác:
- Bị cáo không có tội;
- Bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự hoặc được miễn hình phạt;
- Bị cáo bị xử phạt bằng hình phạt không phải là hình phạt tù;
- Bị cáo bị xử phạt tù nhưng được hưởng án treo;
- Thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam.
7. Trường hợp nào thì hoãn phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ?
Khoản 1 Điều 297 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi 2021) quy định tòa án hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự khi thuộc một trong các trường hợp:
- Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi 2021), cụ thể:
- Thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên
- Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm
- Không đủ sự có mặt của thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án
- Kiểm sát viên không thể tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà không có Kiểm sát viên dự khuyết để thay thế
- Bị cáo vắng mặt
- Người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa
- Nếu bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa
- Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa
- Nếu người giám định, người định giá tài sản vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa
- Trường hợp người phiên dịch, người dịch thuật vắng mặt mà không có người khác thay thế thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa.
- Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa;
- Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại;
- Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản.
Trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu.
Thời hạn hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
8. Dịch vụ Luật sư tham gia xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Công ty luật Thái An
Công ty Luật Thái An là một trong những đơn vị uy tín cung cấp dịch vụ Luật sư bào chữa, Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp tại các phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự.
Các dịch vụ của chúng tôi đều được thực hiện bởi các Luật sư có danh tiếng, có kinh nghiệm hàng đầu trong lĩnh vực hình sự. Sự nỗ lực làm việc, tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức trong từng vụ án hình sự, kết hợp với tác phong làm việc chuyên nghiệp, có tinh thần trách nhiệm cao, các Luật sư của Luật Thái An luôn đưa ra các phương án, cách thức tiếp cận, giải quyết vụ án hình sự tối ưu nhất, bảo vệ được quyền lợi ích hợp pháp cho thân chủ một cách tốt nhất.
Đến với Luật Thái An chắc chắn quý khách hàng sẽ cảm thấy hoàn toàn hài lòng khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi. Luật Thái An rất hân hạnh được trở thành điểm tựa pháp lý vững chắc của quý khách hàng.
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được sử dụng những dịch vụ pháp lý vô cùng chất lượng!
>>> Xem thêm: Dịch vụ Luật sư bào chữa
- Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan - 31/10/2022
- Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai - 19/03/2022
- Cẩn trọng khi ký hợp đồng vay? - 31/10/2021