Kiểm sát viên là ai? Vai trò của kiểm sát viên trong vụ án hình sự

Kiểm sát viên là người thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật. Vai trò của Kiểm sát viên là truy tố đúng người đúng tội, hạn chế những sai phạm trong quá trình xét xử, tránh ban hành các bản án oan sai. 

Thông qua bài viết dưới đây hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về kiểm sát viên trong vụ án hình sự. 

1. Kiểm sát viên là ai? 

Theo quy định tại Điều 74 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Theo đó, việc thực hành chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp được quy định như sau:

  • Thực hành quyền công tố là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
  • Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự

Ngoài ra, Kiểm sát viên còn có vai trò kiểm sát trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Các ngạch của Kiểm sát viên 

Theo khoản 1 Điều 76 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, các ngạch Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân gồm có:

  • Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
  • Kiểm sát viên cao cấp;
  • Kiểm sát viên trung cấp;
  • Kiểm sát viên sơ cấp.

Cụ thể ở các cấp Viện kiểm sát, việc bố trí các ngạch của Kiểm sát viên được quy định như sau: 

  • Ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể được bố trí bốn ngạch Kiểm sát viên;
  • Ở Viện kiểm sát quân sự trung ương có Viện trưởng là Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao và có thể được bố trí các ngạch Kiểm sát viên cao cấp, trung cấp, sơ cấp;
  • Các Viện kiểm sát khác có thể được bố trí các ngạch Kiểm sát viên cao cấp, trung cấp, sơ cấp.

Về thời hạn bổ nhiệm, Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm.

kiểm sát viên
Kiểm sát viên đại diện cho Viện kiểm sát tham gia xét xử vụ án hình sự. – ảnh: Cổng thông tin điện tử Viện KSND Tây Ninh

3. Vai trò của Kiểm sát viên trong vụ án hình sự 

Trong vụ án hình sự kiểm sát viên có vai trò thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật để đảm bảo truy tố đúng người đúng tội, hạn chế những sai phạm trong quá trình xét xử, tránh ban hành các bản án oan sai cho người vô tôi. 

Cụ thể, vai trò của Kiểm sát viên trong vụ án hình sự được thể hiên tại từng giai đoạn như sau:

a. Thực hành quyền công tố và kiểm sát trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố 

Theo Điều 12 và Điều 13 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân 2014, vai trò thực hành quyền công tố và kiểm sát trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Kiểm sát viên được thể hiện như sau:

  • Phê chuẩn, không phê chuẩn việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ và các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
  • Hủy bỏ quyết định tạm giữ, các quyết định tố tụng khác trái pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
  • Khi cần thiết đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thực hiện.
  • Trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát nhân dân đã yêu cầu nhưng không được khắc phục.
  • Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác để thực hành quyền công tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nhằm chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội.
  • Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
  • Trực tiếp kiểm sát; kiểm sát việc kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ và kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra,v.v.

b. Thực hành quyền công tố và kiểm sát trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự 

Theo Điều 14 và Điều 15 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, Kiểm sát viên có vai trò thực hành quyền công tố và kiểm sáttrong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Vai trò này của Kiểm sát viên được thể hiện như sau:

  • Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố hoặc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
  • Hủy bỏ các quyết định khởi tố, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án, quyết định không khởi tố vụ án trái pháp luật; phê chuẩn, hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can trái pháp luật.
  • Khởi tố, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong những trường hợp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định.
  • Phê chuẩn, không phê chuẩn việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, việc tạm giam và các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân.
  • Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, các biện pháp ngăn chặn và các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của luật.
  • Phê chuẩn, không phê chuẩn, hủy bỏ các quyết định tố tụng khác của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
  • Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố, điều tra và lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
  • Kiểm sát hoạt động tố tụng hình sự của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.
  • Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền điều tra.
  • Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cung cấp tài liệu liên quan để kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố, điều tra khi cần thiết,v.v.

c. Thực hành quyền công tố và kiểm sát trong giai đoạn truy tố 

Một trong những vai trò quan trọng của Kiểm sát viên đó là thực hành quyền công tố và kiếm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố. Theo Điều 16 và Điều 17 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, vai trò này được thể hiện như sau:

  • Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của luật; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can.
  • Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu liên quan đến vụ án trong trường hợp cần thiết.
  • Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố hoặc khi Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra.
  • Kiểm sát hoạt động tố tụng hình sự của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.
  • Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật,v.v.

d. Thực hành quyền công tố và kiểm sát trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự 

Theo Điều 18 và Điều 19 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, tại giai đoạn xét xử vụ án hình sự, Kiểm sát viên có vai trò như sau:

  • Công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn, quyết định khác về việc buộc tội đối với bị cáo tại phiên tòa.
  • Xét hỏi, luận tội, tranh luận, phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa.
  • Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp phát hiện oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.
  • Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự của Tòa án.
  • Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án.
  • Kiểm sát hoạt động tố tụng hình sự của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật
  • Yêu cầu Tòa án cùng cấp, cấp dưới chuyển hồ sơ vụ án hình sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị.
  • Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng,v.v.

Trên đây là nội dung bài viết “Kiểm sát viên là ai? Vai trò của kiểm sát viên trong vụ án hình sự“, Hi vọng những thông tin chia sẻ nêu trên sẽ hữu ích đối với những độc giả đang quan tâm đến vấn đề này. Nếu bạn cần chuyên gia pháp lý lĩnh vực luật hình sự, hãy liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An!

Đàm Thị Lộc