Xử phạt vi phạm về thi công xây dựng
Thi công xây dựng là một trong những bước cơ bản của hoạt động xây dựng. Việc thi công xây dựng phải đáp ứng các quy định pháp luật về điều kiện thi công, tiêu chuẩn, chất lượng, yêu cầu của từng khâu. Việc có những sai phạm trong hoạt động thi công xây dựng có thể khiến các chủ thể phải chịu các trách nhiệm pháp lý bất lợi, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, chịu trách nhiệm dân sự…. Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An sẽ tư vấn về việc xử phạt vi phạm về thi công xây dựng theo quy định hiện hành.
1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định về xử phạt vi phạm về thi công xây dựng
Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định về xử phạt vi phạm về thi công xây dựng là các văn bản pháp lý sau đây:
- Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020;
- Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020;
- Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng;
- Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng
2. Thi công xây dựng là gì?
Căn cứ vào Điều 3 Luật Xây dựng 2014, thi công xây dựng công trình là hoạt động bao gồm xây dựng và lắp đặt thiết bị đối với công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi; phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình xây dựng.
Hoạt động thi công xây dựng cũng như các yêu cầu, điều kiện đối với hoạt động này được quy định tại Chương IV Luật xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, tùy từng vi phạm cụ thể trong hoạt động thi công xây dựng mà các tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm hành chính theo quy định pháp luật.
3. Chủ thể bị xử phạt vi phạm về thi công xây dựng
Căn cứ Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng thì có hai nhóm chủ thể bị xử phạt về thi công xây dựng bao gồm:
- Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, người quản lý và sử dụng công trình có hành vi vi phạm
- Nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động xây dựng có hành vi vi phạm
4. Quy định xử phạt vi phạm về thi công xây dựng
Các hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động thi công xây dựng được quy định rải rác trong Nghị định 16/2022/NĐ-CP, chẳng hạn trong các điều khoản về vi phạm quy định khởi công xây dựng (Điều 15), về trật tự xây dựng (Điều 16), về an toàn trong thi công xây dựng công trình (Điều 32)… Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung phân tích các hành vi vi phạm, mức phạt vi phạm cụ thể trong thi công xây dựng công trình được quy định tại Điều 17, Điều 33 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.
4.1. Nhóm 1: Xử phạt vi phạm về thi công xây dựng đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, người quản lý và sử dụng công trình vi phạm
Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, người quản lý và sử dụng công trình có hành vi vi phạm về thi công xây dựng bị xử phạt hành chính như sau:
a) Phạt cảnh cáo
Căn cứ khoản 1 Điều 17 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về hình thức phạt cảnh cáo được áp dụng đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, người quản lý và sử dụng công trình có một trong các hành vi sau đây:
“a) Không có thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư hoặc của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình (nếu có) cho các nhà thầu liên quan theo quy định;
b) Lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng không đầy đủ theo quy định.”
b) Hình phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về thi công xây dựng
Các mức phạt tiền được áp dụng trong xử phạt đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, người quản lý và sử dụng công trình vi phạm quy định về thi công xây dựng được quy định như sau:
- Thứ nhất, khoản 2 Điều 17 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng hoặc biển báo không đầy đủ nội dung theo quy định.
- Thứ hai, khoản 3 Điều 17 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định trong trường hợp công trình đang thi công;
b) Không tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng.
- Thứ ba, khoản 4 Điều 17 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không kiểm tra dẫn đến năng lực thực tế về nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng hoặc hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng không đảm bảo so với hồ sơ dự thầu;
b) Không có kết quả kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường của nhà thầu;
c) Không báo cáo về biện pháp đảm bảo an toàn đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định trong trường hợp thi công xây dựng công trình có vùng nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng;
d) Không bố trí đủ nhân lực phù hợp để thực hiện giám sát thi công xây dựng, quản lý an toàn trong thi công xây dựng;
đ) Để tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực thực hiện thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy định.
- Thứ tư, khoản 5 Điều 17 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không kiểm tra dẫn đến nhà thầu thi công thi công không đúng với thiết kế biện pháp thi công được duyệt;
b) Không kiểm tra dẫn đến nhà thầu thi công xây dựng công trình không gia hạn bảo lãnh thực hiện hợp đồng khi đến thời hạn theo quy định;
c) Không kiểm tra để chấp thuận vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng hoặc thiết bị lắp đặt vào công trình;
d) Để nhà thầu sử dụng vật liệu xây dựng không công bố hợp quy vào công trình đối với những vật liệu xây dựng phải công bố hợp quy theo quy định;
đ) Không mua bảo hiểm công trình theo quy định;
e) Không tổ chức thí nghiệm đối chứng, kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng theo quy định.
- Thứ năm, khoản 6 Điều 17 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình khẩn cấp mà không có lệnh khẩn cấp theo quy định.
- Thứ sáu, khoản 7 Điều 17 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không tuân thủ quy định về sử dụng vật liệu xây không nung.
Lưu ý, mức phạt vi phạm về thi công xây dựng theo các hành vi nêu trên là mức phạt áp dụng với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
c) Biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm về thi công xây dựng:
Căn cứ khoản 8 Điều 17 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, bên cạnh hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền trong xử phạt vi phạm về thi công xây dựng, tùy vào các lỗi vi phạm cụ thể mà các chủ thể phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng như sau:
“a) Buộc thông báo bằng văn bản về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư hoặc của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình (nếu có) cho các nhà thầu liên quan với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 3 Điều này;
c) Buộc lắp đặt biển báo đầy đủ nội dung tại công trường xây dựng theo quy định với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này;
d) Buộc tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
đ) Buộc chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng bố trí nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng hoặc hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng đảm bảo so với hồ sơ dự thầu với hành vi quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;
e) Buộc có kết quả kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường của nhà thầu với hành vi quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
g) Buộc báo cáo về biện pháp đảm bảo an toàn đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định trong trường hợp thi công xây dựng công trình có vùng nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng với hành vi quy định tại điểm c khoản 4 Điều này;
h) Buộc bố trí đủ nhân lực phù hợp để thực hiện giám sát thi công xây dựng và quản lý an toàn trong thi công xây dựng với hành vi quy định tại điểm d khoản 4 Điều này;
i) Buộc chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng công trình theo đúng với thiết kế biện pháp thi công được duyệt với hành vi quy định tại điểm a khoản 5 Điều này;
k) Buộc chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng công trình nộp gia hạn bảo lãnh hợp đồng theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 5 Điều này;
l) Buộc chủ đầu tư kiểm tra vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng hoặc thiết bị lắp đặt vào công trình theo đúng thiết kế và hợp đồng thi công xây dựng với hành vi quy định tại điểm c khoản 5 Điều này;
m) Buộc chủ đầu tư kiểm tra, xác định lại chất lượng công trình đối với hạng mục công trình đã đưa vật liệu xây dựng không công bố hợp quy vào công trình, với hành vi quy định tại điểm d khoản 5 Điều này;
n) Buộc mua bảo hiểm công trình với hành vi quy định tại điểm đ khoản 5 Điều này trong trường hợp công trình đang thi công xây dựng;
o) Buộc tổ chức thí nghiệm đối chứng, kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng với hành vi quy định tại điểm e khoản 5 Điều này;
p) Buộc xin lệnh xây dựng công trình khẩn cấp theo quy định với hành vi quy định tại khoản 6 Điều này;
q) Buộc đảm bảo tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung đối với phần công trình còn lại chưa thi công với hành vi quy định tại khoản 7 Điều này.”
3.2. Xử phạt vi phạm về thi công xây dựng đối với nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động xây dựng
Hình thức xử phạt vi phạm về thi công xây dựng đối với nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động xây dựng được quy định tại Điều 33 Nghị định 16/2022/NĐ-CP như sau:
a) Về hình thức phạt tiền trong xử phạt vi phạm về thi công xây dựng
- Thứ nhất, căn cứ khoản 1 Điều 33 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm về thi công xây dựng thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không hoàn trả mặt bằng, không di chuyển vật tư, máy móc, thiết bị và tài sản khác của nhà thầu ra khỏi công trường sau khi công trình đã được nghiệm thu, bàn giao (trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác);
b) Không có nhật ký thi công hoặc nhật ký thi công lập không đúng quy định;
c) Không tiếp nhận và không quản lý mặt bằng xây dựng, không bảo quản mốc định vị và mốc giới công trình, không thực hiện quản lý công trường theo quy định;
d) Sử dụng chi phí về an toàn lao động không đúng quy định;
đ) Không báo cáo chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường thi công xây dựng theo quy định của hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan;
e) Không tổ chức lập và lưu trữ hồ sơ quản lý thi công xây dựng công trình theo quy định hoặc lập không phù hợp với thời gian thực hiện thực tế tại công trường.
- Thứ hai, căn cứ khoản 2 Điều 33 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm về thi công xây dựng thì phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không trình chủ đầu tư chấp thuận một trong các nội dung sau:
a) Kế hoạch tổ chức thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm, chạy thử quan trắc, đo đạc các thông số kỹ thuật của công trình theo yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật;
b) Biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị được sử dụng cho công trình, biện pháp thi công;
c) Kế hoạch kiểm tra, nghiệm thu công việc xây dựng, nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận (hạng mục) công trình xây dựng, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng;
d) Tiến độ thi công xây dựng công trình.
- Thứ ba, căn cứ khoản 3 Điều 33 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm về thi công xây dựng thì phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không lập bản vẽ hoàn công theo quy định;
b) Không xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình theo quy định;
c) Không bố trí nhân lực, thiết bị thi công theo quy định của hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan;
d) Không tổ chức thực hiện các công tác thí nghiệm, kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước và trong khi thi công xây dựng theo yêu cầu của thiết kế và quy định của hợp đồng xây dựng;
đ) Sử dụng phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng không đủ điều kiện năng lực để thực hiện công tác thí nghiệm hoặc không trực tiếp thực hiện công tác thí nghiệm theo quy định.
- Thứ tư, căn cứ khoản 4 Điều 33 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm về thi công xây dựng thì phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng vật liệu, cấu kiện dùng cho công trình không có hồ sơ quản lý chất lượng hoặc hồ sơ quản lý chất lượng không đầy đủ theo quy định;
b) Thi công sai hợp đồng xây dựng, sai giấy phép xây dựng, sai thiết kế xây dựng công trình đã được phê duyệt hoặc sai chỉ dẫn kỹ thuật;
c) Thiếu kết quả thí nghiệm thử nghiệm, kiểm định vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và yêu cầu của thiết kế được thực hiện trong quá trình thi công xây dựng công trình;
d) Không thực hiện trắc đạc, quan trắc công trình theo yêu cầu thiết kế đã được chủ đầu tư chấp thuận hoặc không thực hiện thí nghiệm, kiểm tra chạy thử đơn động, chạy thử liên động theo kế hoạch đã được chủ đầu tư chấp thuận trước khi đề nghị nghiệm thu.
- Thứ năm, căn cứ khoản 5 Điều 33 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm về thi công xây dựng thì phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không lập và thông báo cho chủ đầu tư và các chủ thể có liên quan về hệ thống quản lý thi công xây dựng của nhà thầu hoặc lập hệ thống quản lý thi công xây dựng không phù hợp với quy mô, tính chất của công trình;
b) Hệ thống quản lý thi công xây dựng của nhà thầu không nêu rõ sơ đồ tổ chức và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận liên quan đến quản lý chất lượng công trình;
c) Không dừng thi công xây dựng đối với công việc xây dựng, bộ phận, hạng mục công trình khi phát hiện có sai sót, khiếm khuyết về chất lượng hoặc xảy ra sự cố công trình;
d) Không dừng thi công công trình khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động;
đ) Không khắc phục hậu quả tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Lưu ý, mức phạt vi phạm về thi công xây dựng theo các hành vi nêu trên là mức phạt áp dụng với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
b) Biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm về thi công xây dựng
Căn cứ khoản 6 Điều 33 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm về thi công xây dựng thì ngoài việc áp dụng hình thức phạt tiền, nhà thầu, chủ đầu tư (trong trường hợp tự thực hiện), tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động xây dựng sẽ phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
a) Buộc phải hoàn trả mặt bằng, di chuyển vật tư, máy móc, thiết bị và tài sản khác của nhà thầu ra khỏi công trường với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc ghi nhật ký thi công đúng quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đối với công trình đang thi công xây dựng;
c) Buộc tiếp nhận và quản lý mặt bằng xây dựng, bảo quản mốc định vị, mốc giới công trình với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này đối với công trình đang thi công xây dựng;
d) Buộc sử dụng đúng quy định chi phí về an toàn lao động với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này đối với công trình đang thi công xây dựng;
đ) Buộc báo cáo chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường thi công xây dựng với hành vi quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này đối với công trình đang thi công xây dựng;
e) Buộc lập hồ sơ quản lý thi công xây dựng công trình theo quy định và phù hợp với thời gian thực hiện thực tế tại công trường với hành vi quy định tại điểm e khoản 1 Điều này;
g) Buộc trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổ chức thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm, chạy thử quan trắc, đo đạc các thông số kỹ thuật của công trình với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này đối với công trình đang thi công xây dựng;
h) Buộc trình chủ đầu tư chấp thuận biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị được sử dụng cho công trình; biện pháp thi công với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này đối với công trình đang thi công xây dựng;
i) Buộc trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch kiểm tra, nghiệm thu công việc xây dựng, nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận (hạng mục) công trình xây dựng, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này đối với công trình đang thi công xây dựng;
k) Buộc trình chủ đầu tư chấp thuận tiến độ thi công xây dựng công trình với hành vi quy định tại điểm d khoản 2 Điều này đối với công trình đang thi công xây dựng.
l) Buộc lập bản vẽ hoàn công theo quy định với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều này đối với công trình đang thi công xây dựng;
m) Buộc xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này đối với công trình đang thi công xây dựng;
n) Buộc bố trí nhân lực, thiết bị thi công theo quy định của hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan với hành vi quy định tại điểm c khoản 3 Điều này đối với công trình đang thi công xây dựng;
o) Buộc tổ chức thực hiện các công tác thí nghiệm, kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước và trong khi thi công xây dựng theo yêu cầu của thiết kế và quy định của hợp đồng xây dựng với hành vi quy định tại điểm d khoản 3 Điều này đối với công trình đang thi công xây dựng;
p) Buộc sử dụng phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng đủ điều kiện năng lực để thực hiện công tác thí nghiệm và trực tiếp thực hiện công tác thí nghiệm theo quy định với hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này đối với công trình đang thi công xây dựng;
q) Buộc hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng theo quy định với hành vi quy định tại điểm a khoản 4 Điều này đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng;
r) Buộc thi công theo hợp đồng xây dựng, giấy phép xây dựng, thiết kế xây dựng công trình và chỉ dẫn kỹ thuật với hành vi quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
s) Buộc thực hiện trắc đạc, quan trắc công trình theo quy định hoặc thực hiện thí nghiệm, kiểm tra chạy thử đơn động và chạy thử liên động theo quy định trước khi đề nghị nghiệm thu với hành vi quy định tại điểm d khoản 4 Điều này đối với công trình đang thi công xây dựng;
t) Buộc lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với quy mô công trình với hành vi quy định tại điểm a khoản 5 Điều này đối với công trình đang thi công xây dựng;
u) Buộc lập hệ thống quản lý chất lượng nêu rõ sơ đồ tổ chức và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận liên quan đến quản lý chất lượng công trình với hành vi quy định tại điểm b khoản 5 Điều này đối với công trình đang thi công xây dựng;
v) Buộc dừng thi công xây dựng và khắc phục các sai sót, khiếm khuyết, sự cố theo quy định để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục thi công với hành vi quy định tại điểm c, điểm d khoản 5 Điều này;
x) Buộc khắc phục hậu quả tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trình với hành vi quy định tại điểm đ khoản 5 Điều này.
4. Dịch vụ tư vấn pháp luật và khiếu nại hành chính Luật Thái An
Hiện nay, nhu cầu tư vấn pháp luật nói chung và dịch vụ tư vấn khiếu nại, tố cáo ngày càng được khách hàng chú trọng, đặc biệt là khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức.
Việc sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn về khiếu nại, tố cáo là rất khôn ngoan vì khách hàng sẽ hiểu rõ hơn và bảo vệ tốt hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, Công ty Luật Thái An cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khiếu nại hành chính
HÃY LIÊN HỆ NGAY ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ!
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024