Tất tần tật về ly hôn với người mất tích
Trong xã hội Việt Nam, việc một người trong hôn nhân mất tích không chỉ mang lại những khó khăn tinh thần cho người ở lại mà còn đặt ra nhiều vấn đề pháp lý. Đối với người vợ hoặc chồng còn lại không chỉ phải đối mặt với nỗi đau còn phải giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến tình trạng hôn nhân của mình. Cùng tìm hiểu sâu hơn về chủ đề “Quy trình ly hôn với người mất tích” qua bài viết dưới đây.
1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh vấn đề ly hôn với người mất tích
Cơ sở pháp lý điều chỉnh vấn đề ly hôn với người mất tích là các văn bản pháp lý sau đây:
- Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Luật Hôn nhân gia đình 2014;
- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.
2. Tại sao cần xem xét việc ly hôn với người mất tích?
Việc xem xét ly hôn với người mất tích không chỉ liên quan đến các vấn đề cá nhân mà còn có liên quan đến một loạt các vấn đề pháp lý và xã hội. Dưới đây là một số lý do quan trọng mà người còn lại nên xem xét việc ly hôn với người mất tích trong trường hợp này:
- Về mặt pháp lý: Việc người chồng hoặc người vợ biến mất trong một khoảng thời gian dài (thường là vài năm) có thể cho phép người còn lại tiến hành ly hôn.
- Xã hội và tình cảm:
- Khả năng tái hôn: Khi chưa ly hôn thì không thể kết hôn lần nữa vì như vậy sẽ vi phạm đạo đức và pháp luật.
- Tâm lý: Việc ly hôn giúp tiếp tục cuộc sống của mình mà không bị gò bó bởi sự bất định, sư không rõ ràng.
- Quyền lợi kinh tế:
- Chia tài sản khi ly hôn: Nếu người mất tích không có di chúc, việc xác định cách phân chia tài sản chung có thể trở nên phức tạp. Ly hôn có thể giúp định rõ quyền lợi tài sản cho người còn lại.
- Lợi ích tài chính: Việc ly hôn có thể giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính, như quyền lợi bảo hiểm và các vấn đề khác mà người còn lại có thể phụ thuộc vào.
- Quyền và trách nhiệm với con cái: Nếu có con cái, việc ly hôn có thể giúp xác định rõ ràng quyền và trách nhiệm của người còn lại đối với con cái, bao gồm quyền nuôi dạy và quyền quyết định liên quan đến giáo dục, sức khỏe, và các vấn đề khác của trẻ.
Nhìn chung, việc xem xét ly hôn với người mất tích không chỉ giải quyết các vấn đề pháp lý mà còn giúp người còn lại tìm thấy sự bình yên tâm hồn và tiếp tục cuộc sống một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, quyết định này cần được cân nhắc kỹ lưỡng và có thể cần sự tư vấn từ các chuyên gia pháp lý và tâm lý.
3. Quy định của pháp luật về tuyên bố mất tích
Theo Điều 68 Bộ Luật Dân sự 2015, một người được tuyên bố là mất tích khi :
- Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, dù đã áp dụng các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật nhưng không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
- Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó;
- Nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì ngày mất tích được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng;
- Nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì ngày mất tích được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Theo Điều 64 Bộ luật Dân sự 2015, việc thông báo tìm kiếm người mất tích được thực hiện như sau:
- Khi một người biệt tích 06 tháng liền trở lên thì những người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
- Có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú.
4. Cơ quan nào có thể giải quyết cho ly hôn khi một bên mất tích ?
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng khi những mâu thuẫn giữa vợ chồng trở nên trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Ly hôn được công nhận theo bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Theo quy định hiện hành, một người hoàn toàn có quyền yêu cầu ly hôn với người bị Tòa án tuyên bố mất tích.
Cụ thể tại khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau:
“Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.”
Theo đó, trong trường hợp một bên mất tích, bên còn lại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết đơn phương ly hôn.
5. Các giai đoạn thực hiện thủ tục ly hôn với người mất tích
Thủ tục ly hôn với người mất tích gồm 2 giai đoạn sau:
Giai đoạn 1 thủ tục ly hôn với người mất tích: Yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích theo quy định pháp luật
Thủ tục tuyên bố một người mất tích được thực hiện theo quy định tại Chương XXVI Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 gồm:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ yêu cầu tòa án tuyên bố một người mất tích gồm các giấy tờ sau:
- Bản sao CMND hoặc CCCD của người có yêu cầu;
- Đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích;
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 02 năm liền trở lên (Ví dụ như xác nhận của chính quyền địa phương về việc người đó đã rời khỏi địa phương, rời khỏi nơi cư trú cuối cùng 02 năm liền trở lên);
- Tài liệu chứng minh việc đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người bị yêu cầu tuyên bố mất tích còn sống hay đã chết. Trường hợp trước đó đã có quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sao quyết định đó.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại tòa án có thẩm quyền
Theo quy định tại khoản 3 Điều 27 và khoản 2 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích thuộc về TAND cấp huyện.
Bên cạnh đó, điểm b khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định như sau:
“b) Tòa án nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú, bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó, yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết;”
Theo những quy định này thì hồ sơ giấy tờ được nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất tích có nơi cư trú cuối cùng.
Bước 3: Tòa án xem xét đơn và thông báo tìm kiếm
- Sau khi nhận được đơn yêu cầu, thẩm phán xem xét đơn yêu cầu và thông báo về việc nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự.
- Người yêu cầu nộp lệ phí và nộp biên lai thu tiền lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự cho Tòa án. Tòa án thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.
- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích.
- Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày Tòa án ra quyết định thông báo tuyên bố một người mất tích tại nơi cư trú, Toà án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú. Thông báo này phải được đăng trên một trong các báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp, Cổng thông tin điện tử của Tòa án, UBND cấp tỉnh (nếu có) và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp.
- Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 04 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên.
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo tìm kiếm thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
Bước 4: Quyết định tuyên bố một người mất tích
Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án sẽ thông qua thủ tục tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật dân sự.
Giai đoạn 2 thủ tục ly hôn với người mất tích: Ly hôn đơn phương
Để ly hôn với người mất tích, người vợ/chồng phải thực hiện thủ tục ly hôn đơn phương.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Các giấy tờ bạn cần chuẩn bị để ly hôn với người mất tích bao gồm:
- Đơn xin ly hôn đơn phương (theo mẫu);
- Bản chính giấy chứng nhận kết hôn;
- Quyết định tuyên bố một người mất tích của Tòa án;
- Bản sao CMND hoặc CCCD của hai vợ chồng;
- Bản sao giấy khai sinh của các con (nếu có);
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có, bản sao chứng thực).
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn
Cũng như các trường hợp ly hôn đơn phương thông thường, khi ly hôn với người đang mất tích cần nộp hồ sơ tại Tòa án cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của bị đơn trước khi người đó mất tích.
Bước 3: Tòa án giải quyết ly hôn với người mất tích
- Sau khi nhận hồ sơ xin ly hôn với người mất tích, nếu hồ sơ hợp lệ, tòa án ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí.
Người yêu cầu sẽ nộp tiền tạm ứng án phí tại Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện và nộp lại biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho tòa án.
- Tòa án thụ lý giải quyết vụ án.
Ly hôn với người mất tích thuộc trường hợp tòa án không tiến hành hòa giải được, tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử.
Do đó có thể áp dụng quy định tại khoản 2 điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 với lý do đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.
Thời gian giải quyết ly hôn đơn phương với người mất tích thông thường kéo dài từ 4-6 tháng.
Để hiểu thêm về thủ tục ly hôn đơn phương, bạn hãy đọc bài viết sau:
>>> Xem thêm: Ly hôn đơn phương cần giấy tờ gì
6. Vấn đề chia tài sản khi ly hôn với người mất tích
Điều 66 Luât hôn nhân gia đình 2014 quy định như sau về chia tài sản khi ly hôn với người mất tích:
Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.
Theo đó, tài sản chung của vợ chồng chia đôi, tài sản riêng của người vợ hoặc người chồng bị tuyên bố mất tích được chia theo luật thừa kế: Nếu người mất tích có di chúc thì tài sản riêng của người đó được chia theo nội dung di chúc. Nếu không có di chúc thì tài sản riêng của người mất tích được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm cha mẹ ruột, vợ hoặc chồng, con ruột, con nuôi, con ngoài giá thú (nếu có).
Để hiểu hơn về tài sản chung vợ chồng và tài sản riêng của vợ, chồng, bạn hãy đọc bài viết sau:
>>> Xem thêm:
7. Án phí ly hôn với người mất tích
Theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, mức án phí ly hôn phải nộp trong trường hợp không có tranh chấp về tài sản hoặc có tranh chấp về tài sản nhưng giá trị tài sản tranh chấp dưới 6.000.000 đồng là 300.000 đồng. Trường hợp có tranh chấp về tài sản từ 6.000.000 đồng trở lên thì lệ phí ly hôn phải nộp tính trên tỉ lệ phần trăm giá trị tài sản có tranh chấp. Quy định này cũng áp dụng đối với trường hợp ly hôn với người mất tích.
>>> Xem thêm: Án phí ly hôn
8. Có được kết hôn với người khác khi vợ/ chồng mất tích không?
Về việc đăng ký kết hôn, Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định “cấm kết hôn với người đang có vợ, có chồng.” Bởi vậy, nếu muốn kết hôn với người khác khi đang có vợ/chồng thì phải thực hiện ly hôn trước.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015: “2. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.” Theo đó, khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nêu rõ:
“2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.”
Như vậy, mặc dù vợ/chồng mất tích nhưng chồng/vợ vẫn phải yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì quan hệ hôn nhân giữa hai người mới chấm dứt.
Do đó, nếu vợ/chồng mất tích mà muốn kết hôn với người khác thì bắt buộc phải thực hiện các việc làm sau:
- Yêu cầu Tòa án tuyên bố vợ/chồng của mình mất tích (nếu đảm bảo đủ yêu cầu về thời gian mất tích, áp dụng các biện pháp cần thiết để tìm kiếm…);
- Yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn với người đã bị tuyên bố mất tích;
- Đăng ký kết hôn với người khác tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Như vậy, nếu một người đã biệt tích 02 năm liền trở lên, đã tìm kiếm nhưng không có bất cứ thông tin gì về việc người đó còn sống hay đã chết thì người có quyền và lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích. Đây là bước đầu tiên trong thủ tục ly hôn với người mất tích.
9. Toà đã giải quyết ly hôn với người mất tích rồi, nay người đó trở về thì thế nào?
Nếu Toà án đã giải quyết ly hôn với người mất tích rồi, nay người đó trở về thì thì người mất tích trở về có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố đã mất tích theo quy định tại Khoản 1 Điều 70 Bộ luật Dân sự 2015, như sau:
Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó.
Khoản 3 Điều 70 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích đã được ly hôn thì dù người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, mặc dù Toà án đã huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất tích nhưng việc ly hôn vẫn có hiệu lực: Người mất tích đã ly hôn với chồng cũ hoặc vợ cũ.
Có thể thấy là thủ tục ly hôn với người mất tích là rất phức tạp với thời gian kéo dài. Để quá trình đó diễn ra suôn sẻ, bạn nên nhờ luật sư tư vấn và hỗ trợ các thủ tục pháp lý.
Việc tìm kiếm sự tư vấn pháp lý khi ly hôn với người mất tích không chỉ giúp bạn tiếp tục cuộc sống một cách suôn sẻ mà còn đảm bảo bạn không phải đối mặt với những vấn đề phức tạp trong tương lai. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sự giúp đỡ pháp lý từ một chuyên gia pháp lý luôn là một lựa chọn khôn ngoan.
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024