Nghĩa vụ hợp đồng là gì? Quy định về nghĩa vụ hợp đồng
Nghĩa vụ trong hợp đồng là một vấn đề thường được nhắc đến khi nói các Hợp đồng dân sự hay Hợp đồng thương mại. Vậy Nghĩa vụ Hợp đồng là gì? Pháp luật có quy định như thế nào về nghĩa vụ Hợp đồng, bài viết dưới đây sẽ trả lời cho bạn biết.
1. Nghĩa vụ Hợp đồng là gì?
Theo Điều 274 Bộ luật Dân sự 2015 thì nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền).
Như vậy, có thể hiểu nghĩa vụ Hợp đồng là các công việc mà các bên trong hợp đồng thoả thuận hoặc pháp luật hoặc xã hội quy định bắt buộc mỗi chủ thể hợp đồng phải làm. Nghĩa vụ Hợp đồng không phải là khả năng lựa chọn mà là sự bắt buộc thực hiện.
2. Căn cứ phát sinh, chấm dứt nghĩa vụ Hợp đồng
2.1 Căn cứ phát sinh nghĩa vụ Hợp đồng
Dựa vào quy định căn cứ phát sinh nghĩa vụ tại Điều 275 Bộ luật dân sự 2015 thì căn cứ phát sinh nghĩa vụ hợp đồng là:
- Hợp đồng có hiệu lực pháp luật. Bởi nếu hợp đồng vô hiệu thì Hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm kí kết, quyền và nghĩa vụ của các bên trong Hợp đồng không phát sinh nên không được xem là căn cứ phát sinh nghĩa vụ Hợp đồng.
- Căn cứ khác do pháp luật quy định. Ví dụ như các hành vi mà pháp luật cấm…
>>> Xem thêm: Hiệu lực của hợp đồng là gì ?
2.2 Căn cứ chấm dứt nghĩa vụ Hợp đồng
Căn cứ Điều 372 Bộ luật dân sự thì nghĩa vụ Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:
- Nghĩa vụ được hoàn thành;
- Theo thỏa thuận của các bên;
- Bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ;
- Nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ khác;
- Nghĩa vụ được bù trừ;
- Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm một;
- Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ đã hết;
- Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà nghĩa vụ phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
- Bên có quyền là cá nhân chết mà quyền yêu cầu không thuộc di sản thừa kế hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà quyền yêu cầu không được chuyển giao cho pháp nhân khác;
- Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác;
- Trường hợp khác do luật quy định.
3. Các nghĩa vụ hợp đồng hay gặp
Theo quy định tại Điều 276 Bộ luật Dân sự 2015 thì đối tượng của nghĩa vụ Hợp đồng có thể là: Tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không được thực hiện.
Tuỳ từng loại hợp đồng mà sẽ có các nghĩa vụ khác nhau. Sau đây là một số nghĩa vụ theo hợp đồng thường gặp:
3.1 Nghĩa vụ chuyển giao đối tượng hợp đồng
Bên có nghĩa vụ phải bàn giao đối tượng của hợp đồng.
Nếu đối tượng của hợp đồng là vật đặc định thì bên có nghĩa vụ phải giao đúng vật đó và đúng tình trạng như đã cam kết; nếu là vật cùng loại thì phải giao đúng số lượng và chất lượng như đã thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận về chất lượng thì phải giao vật đó với chất lượng trung bình; nếu là vật đồng bộ thì phải giao đồng bộ.
3.2 Nghĩa vụ phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc
Bên có nghĩa vụ phải phải thực hiện một công việc là nghĩa vụ mà theo đó bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng công việc đó. Nghĩa vụ không được thực hiện một công việc là nghĩa vụ mà theo đó bên có nghĩa vụ không được thực hiện công việc đó.
3.3 Nghĩa vụ thanh toán
Nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thỏa thuận. Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3.4 Nghĩa vụ bảo hành
Bảo hành là việc bên sản xuất, xây dựng/ hoặc bên người bán sản phẩm cam kết sẽ sửa chữa miễn phí/hoặc thay thế miễn phí linh kiện/phần công trình sản phẩm nếu có những hỏng hóc, những phần lỗi trong sản phẩm (nếu có) trong một khoảng thời gian nhất định. Thời gian này được gọi là thời gian bảo hành.
Điều khoản bảo hành trong hợp đồng là sẽ ghi nhận sự thỏa thuận của các bên về phạm vi bảo hành, thời gian bảo hành, trách nhiệm bảo hành của các bên và một số nội dung khác …
3.5 Nghĩa vụ bảo hiểm
Bbảo hiểm hàng hóa là một cam kết giữa bên bán bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, theo đó, bên bán bảo hiểm sẽ bồi thường cho người mua bảo hiểm nếu hàng hóa bị tổn thất, hư hỏng mà nguyên nhân nằm trong điều khoản được bảo hiểm.
Việc phân loại bảo hiểm hàng hóa tùy thuộc vào chủng loại hàng, hình thức bảo hiểm, loại hình bảo hiểm và sự thỏa thuận giữa 2 bên. Một vài bảo hiểm hàng hóa thông dụng hiện nay như bảo hiểm vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm cháy nổ,…
Thường gặp nhất là nghĩa vụ bảo hiểm hàng hóa trong hợp đồng mua bán. Bảo hiểm hàng hóa trong hợp đồng mua bán là thỏa thuận của các bên về việc bên bán chịu trách nhiệm bồi thường khi hàng hóa bị rủi ro, mất mát… là điều kiện chịu trách nhiệm đã thỏa thuận.
3.6 Nghĩa vụ bảo mật thông tin
Đối với một doanh nghiệp đang hoạt động hay một doanh nghiệp mới, muốn tồn tại, phát triển và đứng vững trong môi trường kinh doanh cần phải có đủ năng lực tự tạo ra hoặc tiếp nhận được các thông tin hữu ích cần thiết để tạo ra và cung cấp các hàng hóa dịch vụ mới hoặc cải tiến ra thị trường. Những thông tin hữu ích như vậy chính là “bí mật kinh doanh” (hay còn gọi là “bí mật thương mại”).
Khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2009 quy định bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Bí mật kinh doanh thường liên quan đến các loại thông tin khác nhau như:
- Bí quyết kỹ thuật và khoa học: công thức sản xuất sản phẩm, cấu tạo kỹ thuật của sản phẩm, bản thiết kế…
- Thông tin thương mại: danh sách khách hàng, hệ thống nhà phân phối, kế hoạch kinh doanh, chiến lược quảng cáo…
- Thông tin về tài chính: cơ cấu giá…
Chính bởi sự quan trọng của các thông tin này mà pháp luật đã có những quy định bảo mật thông tin trong hợp đồng nhằm duy trì và khuyến khích những chuẩn mực đạo đức và sự công bằng trong thương mại. Chi tiết có tại bài viết sau:
3.6 Nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ
Đây là là một khái niệm quan trọng trong lĩnh vực pháp luật thương mại hiện đại, đặc biệt trong kỷ nguyên mà quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trở thành trụ cột của kinh doanh toàn cầu. Nghĩa vụ này bao gồm việc đảm bảo rằng mọi thỏa thuận hợp đồng tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các bên liên quan.
Điều này đặc biệt quan trọng trong các ngành công nghiệp nơi mà sự đổi mới, sáng tạo, và danh tính thương hiệu là các tài sản chủ chốt, như công nghệ, giải trí, và thời trang. Các hợp đồng cần phải xác định rõ phạm vi của quyền SHTT, phân định quyền sở hữu, và thiết lập các điều khoản sử dụng, cấp phép, hoặc chuyển giao các quyền này.
4. Quy định về thực hiện nghĩa vụ Hợp đồng
Về nguyên tắc nghĩa vụ Hợp đồng phải được thực hiện một cách trung thực, đúng cam kết, không trái pháp luật, đạo đức xã hội.
4.1 Yêu cầu về địa điểm thực hiện nghĩa vụ
Quy định về địa điểm thực hiện nghĩa vụ theo Điều 277 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
-
Địa điểm thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận.
-
Trường hợp không có thỏa thuận thì địa điểm thực hiện nghĩa vụ được xác định như sau:
-
Nơi có bất động sản, nếu đối tượng của nghĩa vụ là bất động sản;
-
Nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền, nếu đối tượng của nghĩa vụ không phải là bất động sản.
-
Khi bên có quyền thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở thì phải báo cho bên có nghĩa vụ và phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4.2 Yêu cầu về thời hạn thực hiện nghĩa vụ Hợp đồng
Thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo Điều 278 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
-
Thời hạn thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
-
Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
-
Trường hợp bên có nghĩa vụ đã tự ý thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn và bên có quyền đã chấp nhận việc thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được coi là đã hoàn thành đúng thời hạn.
-
Trường hợp không xác định được thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 278 Bộ luật Dân sự 2015 thì mỗi bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ vào bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý.
Lưu ý:
- Đối với hợp đồng đơn vụ, bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng như đã thỏa thuận, chỉ được thực hiện trước hoặc sau thời hạn nếu được bên có quyền đồng ý.
- Đối với hợp đồng song vụ, khi các bên đã thỏa thuận thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì mỗi bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn; không được hoãn thực hiện với lý do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình, trừ trường hợp có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng song hay trường hợp Nghĩa vụ không thực hiện được do lỗi của một bên quy định tại Điều 411 và Điều 413 của Bộ luật dân sự 2015.Trường hợp các bên không thỏa thuận bên nào thực hiện nghĩa vụ trước thì các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với nhau; nếu nghĩa vụ không thể thực hiện đồng thời thì nghĩa vụ nào khi thực hiện mất nhiều thời gian hơn thì nghĩa vụ đó phải được thực hiện trước.
4.3 Yêu cầu về chất lượng của đối tượng nghĩa vụ hợp đồng
Chất lượng của đối tượng nghĩa vụ hợp đồng được thực hiện theo thoả thuận của các bên trong Hợp đồng.
4.4 Yêu cầu về phương thức thực hiện nghĩa vụ hợp đồng
Phương thức thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được thực hiện theo thoả thuận của các bên trong Hợp đồng có thể là một lần, nhiều lần, định kỳ….
Ngoài các yêu cầu nêu trên, các bên trong Hợp đồng có quyền tự thoả thuận các nghĩa vụ hợp đồng khác miễn là các thoả thuận này không vi phạm điều cấm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
5. Một số chế tài chủ yếu cho việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng
Theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015, Luật thương mại 2005 thì khi một bên vi phạm hợp đồng, bên kia có quyền áp dụng các loại chế tài để xử lý hành vi vi phạm. Thông thường các chế tài được áp dụng trong khi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng bao gồm:
- Buộc thực hiện đúng hợp đồng
Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh (căn cứ Khoản 1 Điều 297 Luật thương mại năm 2005).
»»» Xem thêm: Chế tài buộc thực hiện đúng Hợp đồng
- Phạt vi phạm.
Vấn đề về phạt vi phạm hợp đồng được pháp luật Việt Nam đề cập đến tại Điều 418 Bộ luật dân sự 2015 và Điều 300 Luật thương mại 2005. Căn cứ vào các quy định này, phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Tuy nhiên, trong khi Bộ luật dân sự không quy định một giới hạn tối đa cho số tiền phạt vi phạm thì Luật thương mại lại quy định hạn mức cho số tiền này là không quá 8% trên giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm.
»»» Xem thêm: Chế tài phạt vi phạm
- Buộc bồi thường thiệt hại.
Theo quy định tại Điều 302 Luật thương mại 2005 thì Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
»»» Xem thêm: Chế tài bồi thường thiệt hại
- Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.
Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng.
»»» Xem thêm: Khi nào được tạm ngừng hợp đồng ?
- Đình chỉ thực hiện hợp đồng.
Đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng;
- Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
»»» Xem thêm: Đình chỉ hợp đồng
- Huỷ bỏ hợp đồng.
Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng hoặc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng ( căn cứ Điều 423 Bộ luật dân sự 2015 và Điều 312 Luật thương mại 2005)
»»» Xem thêm: Quy định mới nhất về huỷ bỏ hợp đồng
Lưu ý: Ngoài các chế tài xử lý vi phạm thông dụng nêu trên, các bên trong Hợp đồng có thể thoả thuận các biện pháp khác không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế để áp dụng khi có vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.
6. Tư vấn cách buộc thực hiện nghĩa vụ Hợp đồng
Để đảm bảo các bên trong Hợp đồng luôn thực hiện đúng nghĩa vụ Hợp đồng thì cần xây dựng, soạn thảo một Hợp đồng với các điều khoản chặt chẽ, sao cho vừa tuân thủ đúng quy định của pháp luật, vừa phù hợp với yêu cầu của các bên. Điều này không chỉ đảm bảo quyền và lợi ích cho các bên mà còn là tài liệu chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Nếu bạn đang không biết làm thế nào để xây dựng soạn thảo một hợp đồng hiệu quả hãy đến và sử dung dịch vụ rà soát, soạn thảo Hợp đồng của Công ty Luật Thái An chúng tôi. Với nhiều năm kinh nghiệm rà soát soạn thảo Hợp đồng cũng như tư vấn, giải đáp tất cả những vướng mắc pháp lý, các dịch vụ của chúng tôi sẽ không bao giờ làm bạn thất vọng .
Xem thêm:
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024