Một hợp đồng quảng cáo chặt chẽ cần có những gì?

Ngày nay, ở bất kỳ đâu người ta cũng thấy sự hiện diện của các quảng cáo. Theo đó, việc ký kết hợp đồng quảng cáo được diễn ra thường xuyên nhằm giúp các cá nhân, doanh nghiệp phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Hợp đồng quảng cáo là hợp đồng đặc thù, có đối tượng điều chỉnh riêng nên cũng phải chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật riêng. Bài viết dưới đây chúng tôi xin chia sẻ một số hiểu biết và kinh nghiệm về soạn thảo hợp đồng quảng cáo .

1. Thế nào là hợp đồng quảng cáo?

Hợp đồng quảng cáo hay còn gọi là Hợp đồng dịch vụ quảng cáo là sự thoả thuận giữa một bên cần quảng cáo, quảng bá các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của mình (bên thuê quảng cáo) với một bên kinh doanh dịch vụ quảng cáo nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ về quảng cáo hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ.

Hợp đồng quảng cáo chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật tại Bộ luật dân sự 2015, Luật thương mại 2005, Luật quảng cáo năm 2012, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, Luật báo chí năm 2016.

2. Các điều khoản cần có của hợp đồng quảng cáo là gì?

Các điều khoản cần có của hợp đồng quảng cáo là những điều khoản không thể thiếu trong hợp đồng. Thông qua các điều khoản này, quyền và nghĩa vụ của các bên được xác định một cách rõ ràng và cụ thể, từ đó làm căn cứ thực hiện hợp đồng cũng như căn cứ giải quyết tranh chấp nếu có.

Thông thường, một hợp đồng quảng cáo cần có các điều khoản sau:

a. Chủ thể hợp đồng quảng cáo

Thông tin các bên là điều khoản bắt buộc phải có. Điều này nhằm xác định được tổ chức hay cá nhân cụ thể nào tham gia vào hợp đồng quảng cáo. Theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 2 Luật quảng cáo năm 2012 thì:

  • Người quảng cáo là tổ chức, cá nhân có yêu cầu quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình hoặc bản thân tổ chức, cá nhân đó.
  • Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình quảng cáo theo hợp đồng cung ứng dịch vụ quảng cáo với người quảng cáo. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào quy định quảng cáo thương mại, quy định về kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Điều 102, Điều 104 Luật thương mại năm 2005 thì trong Hợp đồng quảng cáo thương mại người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải là thương nhân.

Việc xác định tư cách chủ thể Hợp đồng quảng cáo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lựa chọn, áp dụng pháp luật và lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Ví dụ như nếu trong hợp đồng quảng cáo mà người quảng cáo hoặc Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo không phải là thương nhân thì tranh chấp không đương nhiên được điều chỉnh bởi Luật thương mại mà được điều chỉnh bởi Bộ Luật dân sự. Ngược lại khi thoả mãn tư cách chủ thể là thương nhân thì tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại, điều chỉnh bởi Luật thương mại, các bên có quyền lựa chọn Toà án hoặc trọng tài thương mại để giải quyết.

Lưu ý: Đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài muốn quảng cáo thương mại tại Việt Nam thì phải ký hợp đồng quảng cáo thương mại/ hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại với thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại của Việt Nam. 

 

hợp đồng quảng cáo
Việc quảng cáo sản phẩm là chiến lược quan trọng của nhiều doanh nghiệp nên hợp đồng quảng cáo phải soạn thảo một cách cẩn thận – Ảnh minh họa: Internet.

b. Nội dung công việc theo hợp đồng quảng cáo

Điều khoản về nội dung công việc sẽ quy định về đối tượng được quảng cáo và các yêu cầu về sản phẩm quảng cáo.

  • Đối tượng được quảng cáo: Thông thường là các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đang hoặc sẽ được cung ứng trên thị trường. Sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ phải thuộc danh mục sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được phép lưu thông và thuộc phạm vi đăng ký kinh doanh. Về nguyên tắc là được quảng cáo đối với mọi sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được quyền kinh doanh. Tuy nhiên pháp luật cũng có những quy định cấm hoặc hạn chế quảng cáo đối với một số sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ nhất định.
  • Yêu cầu về sản phẩm quảng cáo: Người thuê quảng cáo có thể đưa ra các yêu cầu về sản phẩm quảng cáo bao gồm các yêu cầu về nội dung và hình thức quảng cáo được thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng và các hình thức tương tự.

Lưu ý quan trọng:

  • Pháp luật quy định những hành vi quảng cáo bị cấm (chúng tôi trình bầy ở phần sau của bài viết). Do đó, khi soạn hợp đồng quảng cáo, điều khoản về nội dung quảng cáo cần tuân thủ pháp luật.
  • Để được quảng cáo thì hàng hoá và dịch vụ phải đáp ứng các điều kiện khắt khe, đó là:
    • Bên yêu cầu quảng cáo phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
    • Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
    • Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.
    • Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế; phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt;
    • Quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế;
    • Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp;
    • Quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ (loại không bị cấm) phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng sản xuất trong nước; đối với sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu thì phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành;
    • Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn;
    • Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp theo quy định của pháp luật;
    • Quảng cáo trang thiết bị y tế phải có giấy phép lưu hành đối với thiết bị y tế sản xuất trong nước hoặc giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị y tế nhập khẩu;
    • Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật. Quảng cáo sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật phải có giấy phép kiểm dịch thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp;
    • Quảng cáo thuốc thú y, vật tư thú y phải có giấy phép lưu hành sản phẩm và bản tóm tắt đặc tính của sản phẩm;
    • Quảng cáo phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm.

c. Phương tiện quảng cáo và người phát hành quảng cáo thương mại

Phương tiện quảng cáo:

Các phương tiện quảng cáo thương mại bao gồm:

  • Các phương tiện thông tin đại chúng.

Lưu ý đối với phương tiện thông tin đại chúng là báo chí thì khi sử dụng phương tiện này cần phải tuân thủ các quy định về quảng cáo trên báo chí được quy định tại Luật báo chí năm 2016.

  • Các phương tiện truyền tin như máy tính, đài truyền hình

Việc quảng cáo trên mạng máy tính cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo, dịch vụ truy cập, dịch vụ kết nối và việc cung cấp các loại hình quảng cáo trên máy tính, để nhằm đảm bảo an ninh thông tin mạng, an ninh quốc gia.

Đối với việc quảng cáo trên đài truyền hình cũng cần phải tuân thủ các quy định pháp luật về số lần quảng cáo và thời lượng quảng cáo.

  • Các loại xuất bản phẩm.

Xuất bản phẩm bao gồm sách, tranh, ảnh, bản đồ, tờ rơi, lịch, băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình của nhà xuất bản có nội dung thay sách hoặc minh hoạ cho sách.

  • Các loại bảng, biển, băng, pa-nô, áp-phích, vật thể cố định, các phương tiện giao thông hoặc các vật thể di động khác.

Đối với việc quảng cáo bằng bảng, biển, băng, pa-nô, áp-phích khi đặt ở ngoài trời thì cần phải tuân theo quy hoạch quảng cáo ở địa phương và các quy định pháp luật về xây dựng.

  • Các phương tiện quảng cáo thương mại khác.

Ví dụ như quảng cáo bằng hàng hoá, quảng cáo thông qua các chương trình văn hoá, nghệ thuật biểu diễn, thể thao, hội chợ, triển lãm… Tuy nhiên việc quảng cáo này cần phải thực hiện theo quy định về nghệ thuật biểu diễn, thể thao, hội chợ, triển lãm.

Lưu ý quan trọng: Việc sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại phải thuân thủ các quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền như sau:

  • Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản, thông tin, chương trình hoạt động văn hoá, thể thao, hội chợ, triển lãm;
  • Tuân thủ quy định về địa điểm quảng cáo, không gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội;
  • Đúng mức độ, thời lượng, thời điểm quy định đối với từng loại phương tiện thông tin đại chúng.

Người phát hành quảng cáo:

Người phát hành quảng cáo thương mại là người trực tiếp phát hành sản phẩm quảng cáo thương mại. Thông thường bên thuê quảng cáo hoặc bên kinh doanh dịch vụ quảng cáo có thể thực hiện luôn các công việc của người phát hành quảng cáo.

Người phát hành quảng cáo có nghĩa vụ tuân thủ các quy định pháp luật về sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại, pháp luật về báo chí, xuất bản, về quản lí mạng thông tin máy tính, chương trình hoạt động văn hoá thể thao, hội chợ, triển lãm trong việc sử dụng báo chí, xuất bản phẩm, mạng thông tin máy tính, chương trình hoạt động văn hoá thể thao, hội chợ triển lãm và các phương tiện quảng cáo khác để quảng cáo.

d. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quảng cáo thương mại

Trong hợp đồng quảng cáo các bên có quyền thoả thuận về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quảng cáo thương mại. Tại điều 108 của Luật Thương mại 2005 quy định thương nhân có quyền đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quảng cáo thương mại theo quy định của pháp luật.

>>> Xem thêm: Quyền SHTT đối với đối tượng của hợp đồng

e. Các chi phí và phương thức thanh toán hợp đồng quảng cáo

Điều khoản này bao gồm các quy định như: phí dịch vụ quảng cáo, chi phí sản xuất sản phẩm quảng cáo và các chi phí khác có thể phát sinh, thời hạn, phương thức thanh toán (một lần hay theo từng đợt, thanh toán trực tiếp hay thông qua chuyển khoản ngân hàng), phần thuế phải nộp, các quy định về thanh toán tiền phạt vi phạm nếu có…

>>> Xem thêm:

Hợp đồng quảng cáo
Các điều khoản thông thường mà Hợp đồng quảng cáo cần có – Nguồn: Luật Thái An

f. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê quảng cáo 

Quyền của bên thuê quảng cáo:

  • Lựa chọn người phát hành quảng cáo thương mại, hình thức, nội dung, phương tiện, phạm vi và thời gian quảng cáo thương mại;
  • Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại;
  • Yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo
  • Các quyền khác do các bên thoả thuận không vi phạm điều cấm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Nghĩa vụ của bên thuê quảng cáo:

  • Cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ quảng cáo thương mại thông tin trung thực, chính xác về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại và chịu trách nhiệm về các thông tin này;
  • Trả thù lao dịch vụ quảng cáo thương mại và các chi phí hợp lý khác;
  • Các nghĩa vụ khác do các bên thoả thuận

g. Quyền và nghĩa vụ của bên kinh doanh dịch vụ quảng cáo 

Quyền của bên kinh doanh dịch vụ quảng cáo:

  • Yêu cầu bên thuê quảng cáo thương mại cung cấp thông tin quảng cáo trung thực, chính xác và theo đúng thoả thuận trong hợp đồng;
  • Nhận thù lao dịch vụ quảng cáo thương mại và các chi phí hợp lý khác.
hợp đồng quảng cáo
Hợp đồng quảng cáo khi được ký kết sẽ giúp phổ biến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đến với người tiêu dùng – Ảnh minh họa: Internet.

Nghĩa vụ của bên kinh doanh dịch vụ quảng cáo

  • Thực hiện sự lựa chọn của bên thuê quảng cáo về người phát hành quảng cáo thương mại, hình thức, nội dung, phương tiện, phạm vi và thời gian quảng cáo thương mại;
  • Tổ chức quảng cáo trung thực, chính xác về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại theo thông tin mà bên thuê quảng cáo đã cung cấp;
  • Thực hiện các nghĩa vụ khác đã thoả thuận trong hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại.

Ngoài ra trong Hợp đồng quảng cáo các bên có thể thoả thuận về các điều khoản sau:

  • Điều khoản về kiểm tra, nghiệm thu, bàn giao

>>> Xem thêm: Quy định về kiểm tra, nghiệm thu, bàn giao trong hợp đồng

  • Điều khoản về các trường hợp miễn trách nhiệm

>>> Xem thêm: Các trường hợp miễn trách nhiệm

  • Điều khoản chấm dứt hợp đồng

>>> Xem thêm: Quy định về chấm dứt hợp đồng

  • Điều khoản về giải quyết tranh chấp

>>> Xem thêm: Giải quyết tranh chấp hợp đồng

  • Điều khoản về hiệu lực hợp đồng
  • Điều khoản phạt vi phạm: các bên có thể cân nhắc thỏa thuận các chế tài khi vi phạm hợp đồng.

>>> Xem thêm: Phạt vi phạm hợp đồng

  • Điều khoản về bảo mật thông tin

>>> Xem thêm: Quy định về bảo mật trong hợp đồng

3. Các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cấm quảng cáo

Căn cứ điều 6 Luật quảng cáo 2012, khi ký hợp đồng quảng cáo, cần phải lưu ý về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo, tránh quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ bị cấm quảng cáo sau:

  • Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
  • Thuốc lá.
  • Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.
  • Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.
  • Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.
  • Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.
  • Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.
  • Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.

4. Các hành vi quảng cáo bị cấm không được có trong hợp đồng quảng cáo

Quảng cáo là quyền tự do của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, để tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, đảm bảo an ninh trật tự, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, Nhà nước, pháp luật tại Điều 8 Luật quảng cáo năm 2012 đã quy định các hành vi cấm trong quảng cáo, đó là:

  • Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng.
  • Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
  • Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.
  • Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
  • Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật.
  • Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.
  • Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
  • Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
  • Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.
  • Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
  • Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
  • Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.
  • Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.
  • Ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn.
  • Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng. Cột điện, trụ điện này là cột điện dùng để treo, mắc dây dẫn điện để đảm bảo an toàn lưới điện quốc gia và người sử dụng.
  • Quảng cáo vi phạm quyền sở hữu trí truệ, sử dụng hình ảnh của tổ chức, cá nhân khác để quảng cáo khi chưa được họ đồng ý.
  • Bắt chước một sản phẩm khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng.

5. Thực trạng về việc soạn thảo các hợp đồng quảng cáo hiện nay

Hầu hết các cá nhân, doanh nghiệp hiện nay đều chưa chú trọng quan tâm đến nội dung của Hợp đồng quảng cáo. Trong khi đó Hợp đồng quảng cáo là hợp đồng tương đối phức tạp, nó đòi hỏi không chỉ kiến thức, kỹ năng, mà còn kinh nghiệm đàm phán, soạn thảo thì mới có thể có một bản hợp đồng chặt chẽ, tuân thủ các quy định pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích của các bên, phòng ngừa tranh chấp, rủi ro có thể xảy ra .

Trên thực tế, đã có không ít doanh nghiệp phó thác cho nhân viên văn phòng, kế toán- những người không có sự hiểu biết pháp lý chuyên sâu về hợp đồng quảng cáo, soạn thảo hợp đồng theo mẫu tìm kiếm trên mạng để tiết kiệm chi phí thay vì sử dụng dịch vụ soạn thảo hợp đồng của các luật sư. Bởi vậy, đa phần những hợp đồng quảng cáo này chứa đựng đầy rủi ro pháp lý và đương nhiên không thể tránh khỏi các tranh chấp trong quá trình thực hiện, gây ra những tổn thất lớn cho doanh nghiệp, thậm chí đẩy các doanh nghiệp vào tình cảnh “khuynh gia bại sản” .

Nếu bạn hay doanh nghiệp của bạn không muốn bị rơi vào tình cảnh nêu trên, hãy liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An chúng tôi để nhận được sự tư vấn, dịch vụ soạn thảo chất lượng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng dịch vụ tư vấn, rà soát, soạn thảo hợp đồng quảng cáo của chúng tôi với một mức chi phí không thể tốt hơn. Công ty Luật Thái An tự hào là một trong những Công ty Luật hàng đầu, uy tín, chất lượng tại Việt Nam.

Nguyễn Văn Thanh